KTS và trách nhiệm vì cộng đồng

GGMT 2016, HỘI THẢO: “KIẾN TRÚC  VÌ CỘNG ĐỒNG”

Hà Nội, Ngày 17/12/2016

Kính thưa Quý vị đại biểu !

Trước hết, thay mặt Hội KTS Việt Nam, xin kính chào các Đại biểu đã dến dự Gặp gỡ Mùa Thu 2016, một hoạt động thường niên của Hội KTS Việt Nam để bàn về một vấn đề kiến trúc rất được xã hội quan tâm, đó là chủ đề “Kiến trúc vì cộng đồng” của Hội thảo này.

Các vấn đề được quan tâm của chủ đề này cần được đề cập là:

  • Vì sao chọn chủ đề này ?
  • Nội hàm Kiến trúc vì cộng đồng là gì ?
  • Đối tượng cần được hướng tới ?
  • KTS đã làm gì, sẽ làm gì cho Kiến trúc vì cộng đồng và Trách nhiệm của KTS?
  • Nhà nước –Xã hội với Kiến trúc vì cộng đồng.

Chúng ta đều hiểu, Kiến trúc mang trong mình một thuộc tính xã hội sâu sắc. Đã là xã hội thì luôn đi cùng với mục tiêu, mục đích phục vụ vủa Kiến trúc.

Những ngày này, đồng bào miền Trung đang vật lộn với lũ lụt và sắp đến là hạn hán. Vùng núi phía Bắc vừa trải qua cơn lũ. Sắp đến, nước lũ còn về Đồng bằng sông Cửu Long hay nước biển dâng cao, hạn hán gây mặn hóa tác động đến cuộc sống của người dân. Người nghèo đô thị, đồng bào ở nông thôn, miền núi lại là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất.

Đã có chương trình sống chung với lũ; nhà chòi cho bà con miền Trung… vậy sao bà con mình vẫn khổ, vẫn bị bão, lũ làm cho đã nghèo càng nghèo hơn?

Câu hỏi đó có day dứt chúng ta?

Đô thị càng mở rộng, càng đông đúc hơn, nhà cửa càng cao hơn, to lớn hơn, nhộn nhịp hơn và cũng chật chội hơn. Có một mảnh đất trống, một nhà máy vừa di chuyển..lập tức có ngay dự án đô thị với san sát những tòa nhà cao tầng. Công viên to, nhỏ xơ xác nhưng luôn bị đe dọa lấn chiếm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Các Khu đô thị mới khang trang, xanh tươi với vườn hoa cây cảnh chỉ dành cho một cộng đồng nhỏ bé, có cuộc sống giàu có, khá giả. Còn đại đa số dân cư không đủ không gian công cộng cho cuộc sống thường ngày.

Nông thôn Việt Nam vốn dĩ là nơi bình yên và trong lành, nhưng cùng với dòng chảy nghiệt ngã của thị trường, nông thôn đang mất dần sự bình yên và trong lành. Đình làng, nhà văn hóa…không gian công cộng của cộng đồng ngày càng xuống cấp, không được quan tâm chăm sóc. Không gian xanh vắng bóng và khó tìm thấy ở nhiều làng quê.

Chúng ta đang đứng trước thực trạng:

1/ Không gian cho cộng đồng vừa thiếu, vừa kém chất lượng và ngày càng bị bị lấn chiếm, thậm chí có nơi bị biến mất. Đồng bào, nhất là đối tượng dễ bị thương tổn, người lao động thu nhập thấp bị thiên tai tác động nhưng nhiều năm chưa được cải thiện.

2/ Nhà ở là đối tượng lớn tác động đến cộng đồng Ở đô thị: người nghèo, người thu nhập thấp có nhu cầu nhưng thực tế mới đáp ứng được khoảng 28%; nhà ở công nhân mới 10% còn khoảng hơn 1,5 triệu người không mua được nhà ở giá rẻ, trong khi đó nhà ở thương mại sang trọng lại đang dư thừa.

3/ Chúng ta đã có những thành công trong chương trình tôn nền vượt lũ, đưa hàng triệu người sống an toàn, không còn bị tác động của lũ, có cơ hội nâng cao mức sống, trẻ em dược học hành.

Chúng ta đã có những KTS lăn lộn với công trình kiến trúc vì cộng đồng, như KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Phương, KTS Đoàn Thanh Hà… và cũng từ đó họ đã thành đạt với nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế.

Công trình Trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) của KTS Hoàng Thúc Hào – người thắng giải dành cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á

Chúng ta có những dự án làm đổi thay đô thị như dự án cải tạo hai bờ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay có dòng sông chảy qua như ở Ninh Bình…

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Zing

Thế giới cũng có những KTS thành đạt được giải thưởng kiến trúc danh giá Pritzker như Shegeru Ban-Nhật Bản (2014), Alevandro Aravena – Chi Lê (2016), Vương Thụ-Trung Quốc (2012), những người đã dành phần lớn tâm sức, tài năng sáng tạo để tạo nên những tác phẩm kiệt xuất với những giải pháp hữu hiệu chăm lo môi trường sống của người nghèo bị thiên tai, chiến tranh…

4/ Như vậy, xung quanh chúng ta đã có những công trình với quy mô khác nhau, tính chất khác nhau (nhà ở cho thiên tai; nhà cộng đồng; nhà thu nhập thấp ở đô thị; các công trình văn hóa; Không gian cho cộng đồng…), đối tượng khác nhau (nông thôn, miền núi, vùng lũ bão, đô thị…) nhưng đều hướng đến tìm giải pháp cho cuộc sống bình yên của mọi người, trước hết là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu…

5/ Tiếp cận, thảo luận vấn đề “Kiến trúc vì cộng đồng” là bàn đến trách nhiệm của mỗi KTS, của tổ chức Hội KTS Việt Nam chăm lo, hành động thiết thực bằng tri thức nghề nghiệp của mình, góp sức cùng cả nước xây dựng môi trường sống bình đẳng, an toàn và hạnh phúc cho mọi người. Và chắc rằng, Nhà nước cũng dành sự quan tâm nhiều hơn chúng ta!

Thưa Quý vị!

Chủ đề chúng ta đưa ra thảo luận hôm nay là rất rộng và rất lớn, nhưng chúng ta nhận ra rằng để tạo ra kiến trúc cho cộng đồng, vai trò của KTS là quan trọng.

Hy vọng qua Hội thảo này, hành động của KTS vì cộng đồng sẽ được nâng cao, tích cực và hiệu quả hơn nữa!

Xin cám ơn!

KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTSVN