Liệu một bệnh viện có thể trở thành một khu nghỉ dưỡng, một không gian chữa lành thực sự và thậm chí là một biểu tượng kiến trúc mang tầm vóc quốc tế? – Với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh, KTS Nguyễn Phúc Minh (Giám đốc MPN+ Partners) đã không chỉ trả lời câu hỏi đó mà còn thiết lập một tiêu chuẩn mới cho kiến trúc y tế. Công trình đã vinh dự đạt Giải Bạc – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025, được vinh danh tại Giải thưởng quốc tế với Giải Nhì “Thiết kế tốt nhất toàn cầu hạng mục Y tế” từ Hiệp hội ENR (Mỹ), cùng các đề cử danh giá tại Đại hội Kiến trúc Thế giới 2022 cho “Công trình của năm” và “Màu sắc tốt nhất”. Trong cuộc trò chuyện đặc biệt này, Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu với bạn đọc về hành trình kiến tạo nên một “Bệnh viện không giống bệnh viện”, nơi triết lý “Chánh niệm” hòa quyện cùng công nghệ và văn hóa bản địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho không gian chữa lành.
PV: Chào KTS Nguyễn Phúc Minh, xin chúc mừng Ông và MPN+ Partners với Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia cùng những giải thưởng quốc tế cho Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh. Những giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với đội ngũ của ông?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 là sự ghi nhận quý báu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi trong việc thúc đẩy kiến trúc Việt Nam phát triển theo hướng nhân văn, đột phá và bền vững. Đây không chỉ là một danh hiệu mà còn là minh chứng cho định hướng đúng đắn của chúng tôi trong việc tạo ra những công trình có giá trị thực sự cho cộng đồng, khẳng định vai trò của KTS trong việc định hình môi trường sống tốt đẹp hơn.”
PV: Nguồn cảm hứng và ý tưởng thiết kế cho công trình này là gì? Đâu là những khó khăn và thuận lợi chính trong quá trình thiết kế, và Ông đã làm thế nào để vượt qua các thách thức đó?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Nguồn cảm hứng cốt lõi đến từ một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đầy thách thức: “Tại sao bệnh viện không thể giống như một khu nghỉ dưỡng?”. Chúng tôi muốn phá vỡ quan niệm thông thường về một môi trường y tế – vốn thường khô cứng, lạnh lẽo – để tạo ra một không gian tràn đầy sự chữa lành, gần gũi thiên nhiên và mang tính cộng đồng.
Khó khăn lớn nhất nằm ở việc dung hòa giữa chức năng kỹ thuật y tế nghiêm ngặt, tuân thủ tiêu chuẩn HBN (Health Building Notes) của Anh Quốc, với sự mềm mại của không gian cảm xúc. Để vượt qua, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các chuyên gia y tế quốc tế và áp dụng triết lý thiết kế độc đáo của MPN+ Partners: Làm việc với sự “Chánh niệm” – giữ tâm không bám chấp – để cái tôi tan biến. Chúng tôi tin rằng, chỉ khi người KTS đủ tĩnh lặng, quan sát sâu và buông bỏ cái tôi, thì công trình mới có cơ hội trở thành một tác phẩm kiến trúc thực sự có giá trị nghệ thuật và cảm xúc, có khả năng chữa lành con người – cả thân lẫn tâm.
Sự đột phá đầu tiên thể hiện ở chính không gian của bệnh viện. Đây là một thiết kế tiên phong, lần đầu tiên trên thế giới với ý tưởng tạo ra một “Khu nghỉ dưỡng chữa lành”. Tòa nhà chính 16 tầng hình khối chữ U được thiết kế theo dạng bậc thang, tạo ra các không gian hiên rộng rãi, thoáng mát tràn ngập màu xanh của tự nhiên với hàng cây lớn sát biên hiên, mang đến cả sự riêng tư lẫn cơ hội tương tác với cộng đồng.”
PV: Trong quá trình thiết kế MPN+ Partners đã làm thế nào để thể hiện bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần của người Việt trong một công trình hiện đại, đạt chuẩn quốc tế?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Dù công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn HBN rất nghiêm ngặt và chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn luôn đặt yếu tố văn hóa bản địa làm trọng tâm. Chúng tôi đã làm việc sát sao với đội ngũ bác sĩ, y tá và nhân sự vận hành tại địa phương để tìm hiểu sâu về quy trình làm việc, thói quen sinh hoạt, cách giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân – những điều rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Từ đó, không gian được thiết kế để không chỉ tối ưu vận hành mà còn gần gũi, quen thuộc và dễ tiếp cận đối với người Việt.
Bản sắc văn hóa không nằm ở hình thức biểu tượng bề nổi, mà thể hiện qua cách con người cảm nhận và tương tác với không gian. Những khoảng hiên xanh, lối đi bộ rợp bóng cây, sân trong yên tĩnh hay khu vườn tâm linh – đặc biệt là khu vườn tâm linh gồm không gian thờ Đức Phật Dược sư và không gian thiền ngoài trời – tất cả đều là sự tiếp nối của tinh thần “nhân – hòa” và lối sống cộng đồng đậm nét Á Đông. Kiến trúc hiện đại ở đây không phải là sự phủ nhận truyền thống, mà là cách để nâng tầm và lan tỏa giá trị văn hóa Việt trong một hình thức mới mẻ và nhân văn hơn. Thêm vào đó, việc sử dụng vật liệu GRC (Glass Reinforced Concrete) cho phần tầng 2 và 3 với họa tiết bông hoa trổ bông còn mang ý nghĩa nghị lực đem lại sức sống mới, tạo hiệu ứng lung linh kỳ diệu khi ánh sáng chiếu xuyên qua.
PV: Quan điểm của Ông về kiến trúc bệnh viện là gì, và những tiêu chí mới Ông muốn đề cập sẽ tác động đến xu hướng thiết kế bệnh viện trong tương lai như thế nào?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Chúng tôi tin rằng bệnh viện của tương lai phải là nơi chữa lành không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Kiến trúc cần tạo ra sự an yên, cảm giác gần gũi và thân thiện – không phải chỉ qua hình thức, mà từ trải nghiệm không gian sống.
Những tiêu chí mới mà chúng tôi muốn đặt ra bao gồm: Tiếp cận với thiên nhiên để hỗ trợ tâm lý và đẩy nhanh quá trình hồi phục; tăng cường kết nối con người – giữa bệnh nhân, gia đình, y bác sĩ và cộng đồng, thông qua các khu vườn và không gian đa dạng; tích hợp công nghệ thông minh và tính bền vững vượt trội, từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng thụ động đến chủ động như hệ thống điều hòa nước lạnh hiệu suất cao, tái sử dụng nước thải và nước mưa, quản lý tòa nhà thông minh (BMS); và đặc biệt là thiết kế hướng đến thiền định và tái tạo năng lượng nội tại, như tại khu vườn tâm linh, nơi mọi người có thể tìm thấy sự tĩnh tại và nương tựa tinh thần.
Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ mở ra một tiêu chuẩn mới – nơi bệnh viện không còn là “nơi để chữa bệnh”, mà là không gian sống có khả năng nâng đỡ, bảo vệ và truyền cảm hứng cho con người. Kiến trúc bệnh viện phải trở thành một phần tích cực trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, bền vững và nhân văn.
PV: Vì sao yếu tố cộng đồng và kết nối được chú trọng đặc biệt trong thiết kế này?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Bởi vì chữa lành không thể là hành trình cô đơn. Bệnh viện không chỉ phục vụ bệnh nhân, mà còn là nơi chia sẻ cảm xúc giữa người thân, bác sĩ và cộng đồng. Chúng tôi tạo ra những cây cầu kết nối, khoảng sân chung, vườn tĩnh tâm – tất cả đều nhằm mở rộng “ranh giới” của bệnh viện, để nơi đây trở thành một phần sống động của đô thị.
Thực tế khi bệnh viện đi vào hoạt động đã chứng minh sự đột phá này. Sự đột phá về hình dáng kiến trúc đã mang lại ấn tượng sâu sắc, khiến nhiều người khi nhìn từ xa không nghĩ đây là bệnh viện mà là một khu khách sạn, resort hay bảo tàng. Họ chỉ nhận ra đây là bệnh viện khi nhìn thấy tên công trình và trải nghiệm dịch vụ. Nhờ đó, công trình luôn được nhắc đến và ghi nhớ sâu sắc trong tâm trí mọi người.
Quan trọng hơn, không gian vận hành bên trong và quanh công trình đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ, trở thành cảm hứng cho các ca sĩ, đạo diễn phim, và đặc biệt là niềm tự hào của những con người đang làm việc tại đây. Nhiều y tá, bác sĩ đều nói rằng họ “Đến đây làm đã 1 tháng mà chưa hết được các góc để selfie”. Các sản phụ thì chia sẻ “Ở đây giống như một công viên kích thích niềm vui sống với cây cầu sắc màu là tâm điểm, và với hàng trăm loại hoa sặc sỡ khác và chỉ muốn đến đây để sinh”. Nội thất bên trong cũng được thiết kế như một khu nghỉ dưỡng, giúp bệnh nhân cảm nhận như đang được trị liệu chứ không phải chữa bệnh, không còn cảm giác căng thẳng, chán chường. Đối với y bác sĩ, đây là môi trường làm việc tuyệt vời, không còn cảm giác áp lực hay lo lắng. Người tới thăm cũng luôn vui vẻ và không còn lo lắng về lây nhiễm.”
PV: Theo Ông, thiết kế y tế trong tương lai sẽ có định hướng phát triển như thế nào, và dự án này đóng vai trò gì trong lĩnh vực đó?
KTS Nguyễn Phúc Minh: Thiết kế y tế trong tương lai sẽ đi theo hướng cá nhân hóa trải nghiệm, tích hợp công nghệ, và gắn bó mật thiết hơn với môi trường và cộng đồng. Dự án Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh chính là một ví dụ tiên phong: kết nối thiên nhiên – con người – công nghệ, đặt ra một tiêu chuẩn mới cho mô hình bệnh viện như một khu nghỉ dưỡng – chữa lành. Đây là bước đệm để chúng tôi tiếp tục khám phá và lan tỏa những mô hình kiến trúc mang tính đột phá hơn nữa, góp phần xây dựng một di sản lâu dài trong lĩnh vực y tế.
PV: Cảm ơn KTS Nguyễn Phúc Minh về những chia sẻ rất ý nghĩa và sâu sắc. Chúc mừng Ông và MPN+ Partners một lần nữa với thành công này!
An Du (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2025)