GK ARCHI & Kinh nghiệp lập nghiệp trong nước và quốc tế

LTS: Được thành lập từ năm 2009, vượt qua bao khó khăn và thăng trầm của nghề kiến trúc, GK Archi (GKA) đã từng bước khẳng định uy tín và trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường tư vấn thiết kế. Không chỉ đối với thị trường trong nước, GK Archi đã chinh phục cả những khách hàng – những chủ đầu tư khó tính tại Thái Lan, Myanmar, Băngladesk… Cuối tháng 10/2016, công trình The Atrium tại Yangon (Myanmar) do GK Archi thiết kế đã được tờ Propertyreport.com (chuyên về kiến trúc châu Á) xếp hạng Top 5 công trình kiến trúc đầu tư hấp dẫn của châu Á. Hiện GK Archi đang được YCDC (Myanmar) xếp hạng là công ty kiến trúc có tổng diện tích sàn thiết kế lớn nhất tại Myanmar cho đến thời điểm hiện tại.

Sabinco là dự án của chủ đầu tư từ Saudi Arabia và Bangladesh. GK Archi thiết kế ý tưởng và bảo vệ với nhà đầu tư. Sau khi vượt qua 5 đối thủ từ các nước khác và Bangladesh, GK Archi đã đoạt giải nhất thiết kế và được giao thực hiện thiết kế công trình.

Từ cơ duyên khởi nghiệp đến hành trình lập nghiệp trên đất bạn là sự nỗ lực vượt bậc của các thành viên GK Archi. Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu với bạn đọc câu chuyện lập nghiệp thú vị của GK Archi với sự chia sẻ của hai thành viên sáng lập: ThS. KTS Nguyễn Trung Kiên và ThS.KTS Lê Nguyễn Hương Giang.

1. Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn.

Đối với ngành tư vấn thiết kế xây dựng, với đặc thù của nghề kiến trúc – quy hoạch, khó khăn lớn nhất của các KTS chính là hồ sơ năng lực. Dù là các KTS có nhiều kinh nghiệm thì hồ sơ năng lực của một doanh nghiệp mới thành lập vẫn là một con số không (0) tròn trĩnh. Vì vậy, việc tham gia đấu thầu các công trình lớn hầu như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Để có dự án, việc duy trì doanh nghiệp vào thời gian đầu hoàn toàn nhờ vào các mối quan hệ sẵn có (ít hay nhiều, dựa vào năng lực, thâm niên hành nghề của chủ doanh nghiệp) và tìm kiếm các cơ hội từ các cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế.

Sabinco là dự án của chủ đầu tư từ Saudi Arabia và Bangladesh. GK Archi thiết kế ý tưởng và bảo vệ với nhà đầu tư. Sau khi vượt qua 5 đối thủ từ các nước khác và Bangladesh, GK Archi đã đoạt giải nhất thiết kế và được giao thực hiện thiết kế công trình.

Khó khăn kế tiếp là mối quan hệ xã hội của KTS – Từ vai trò KTS nay có thêm vị trí mới là chủ doanh nghiệp, việc kết nối với các chủ doanh nghiệp khác, các chủ đầu tư, sao cho khớp với cách quản lý, điều hành, giao tế … thực sự là một sự chuyển mình khó khăn của KTS. Ai cũng biết KTS là người nghệ sĩ, làm việc đôi khi tùy hứng, theo cảm xúc, nhưng khi bạn trở thành một chủ doanh nghiệp, thực tế đòi hỏi bạn phải chuyên nghiệp hơn, bản lĩnh và vững vàng hơn để đương đầu với nhiều vấn đề có thể phát sinh trong quá trình điều hành và quản lý doanh nghiệp. Khó khăn luân chuyển giữa 3 yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp mới bắt đầu thường thấy là tiền – việc – nhân sự. Mới bắt đầu không có tiền là chuyện hết sức bình thường, thế nhưng không có tiền thì sẽ không thuê được người, không thu hút được KTS giỏi, nhiều kinh nghiệm. Và khi không thuê được nhân sự, thì ắt hẳn công việc sẽ không được trôi chảy, dẫn tới bị động về tiền. 3 yếu tố cốt lõi này luôn luôn tồn tại và mâu thuẫn lẫn nhau. Đôi khi, lúc doanh nghiệp tương đối thoải mái về tài chính, nhưng việc lại không có, không tránh khỏi tình trạng các KTS chán nản và bỏ sang làm việc với các doanh nghiệp khác. Hoặc lúc có việc, nhưng tính thanh khoản của dự án không tốt, tiến độ thanh toán không đúng hẹn, không có tiền để trả cho nhân sự. 3 yếu tốt cốt lõi tiền – việc – nhân sự, luôn là một bài toán hóc búa và thử thách cho các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là với các đơn vị tư vấn kiến trúc…

2. Câu chuyện khởi nghiệp tại thị trường Myanmar vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với GK Archi.

GGV Hotel: Khách sạn tại vị trí đắc địa của Yangon (đối diện Shwedagon, biểu tượng Phật giáo nổi tiếng của Yangon). GK Archi thực hiện thiết kế nội thất cho toàn bộ không gian của khách sạn bao gồm: các phòng ngủ, nhà hàng, bar, sảnh reception.

Khởi đầu chỉ là những bước đi thử sức đối với GKA trong quá trình tìm những hướng đi mới; nhưng đó cũng là quyết định táo bạo đối với một doanh nghiệp còn trẻ nhưng dám thử sức ở môi trường nước ngoài khi mà thị trường trong nước đang đầy khó khăn. GK Archi thành lập năm 2009, khi toàn bộ thị trường bất động sản Việt Nam đang đóng băng và đi xuống. Để duy trì hoạt động, bắt buộc chủ doanh nghiệp phải năng động và có những định hướng ứng phó kịp thời. GKA quyết định thử sức ở các thị trường quốc tế khu vực lân cận. Theo đánh giá thị trường dựa trên số liệu kinh tế, GK Archi quyết định chọn Cambodia và Myanmar. Sau 3 tháng “đeo bám” thị trường Cambodia không thành công, cho tới tháng 09/2012, GK Archi quyết định “lấn sân” sang thị trường Myanmar. Khi đó (năm 2012), Myanmar mới vừa chuyển từ chế độ quân đội độc tài sang chế độ dân chủ, thị trường xây dựng ở Myanmar, nhất là thành phố Yangon đang bùng nổ. Tuy có nhiều cơ hội, nhưng GKA đã vấp phải những khó khăn không nhỏ khi đặt chân đến thị trường Myanmar:

  • Chưa có danh mục các công trình, dự án do GKA thiết kế tại Myanmar cho các chủ đầu tư tham khảo: Đó là khó khăn lớn nhất khi bắt đầu ở thị trường Myanmar. Nếu chỉ dựa trên hồ sơ năng lực của các công trình đã thiết kế ở Việt Nam thì không đủ. Để giới thiệu với các chủ đầu tư Myanmar, GK Archi phải nỗ lực hết mình để chứng tỏ năng lực, kiến thức và kinh nghiệm của mình;
  • Khó khăn về các kiến thức về luật lệ, quy định thiết kế tại Myanmar: Các quy định, luật thiết kế xây dựng của từng quốc gia khác nhau. Khi tiến hành thiết kế, nhất là các dự án đầu tiên trên một thị trường mới, vô cùng khó khăn. Ngoài việc làm vừa lòng chủ đầu tư về mặt thẩm mỹ, thiết kế phải đảm bảo đúng, tuân thủ luật để hồ sơ thiết kế có thể trình duyệt với cơ quan quản lý;
  • Sự khác biệt văn hóa, thẩm mỹ, sở thích, phong tục tập quán: Mỗi quốc gia sẽ có niềm tin về tôn giáo, văn hóa bản địa khác nhau. Khi thiết kế cần phải nắm bắt sơ bộ những phong tục tập quán cơ bản nhất. Ở Việt Nam và Myanmar đều là các quốc gia Phật giáo, nhưng thuộc hai hệ phái khác nhau (tiểu thừa và đại thừa). Cho nên có những quan điểm cũng hoàn toàn khác nhau;
  • Khó khăn trong quá trình phối hợp làm việc với kỹ sư và KTS địa phương: Ngoài rào cản về ngôn ngữ, sự hiểu biết chuyên môn giữa đội ngũ KTS của GK Archi và các KTS và KS ở Myanmar cũng là một khó khăn trong thời gian đầu. Phải mất một – hai dự án để hai nhóm KTS có thể quen dần với cách thức làm việc, cách thể hiện và đọc bản vẽ để phối hợp tốt trong việc trình nộp hồ sơ cho đơn vị có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho các nhà thầu địa phương.

Mặc dù gặp rất nhiều rào cản và khó khăn, nhưng với lợi thế về hồ sơ năng lực (từ thị trường Việt Nam và Cambodia), kèm theo khả năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế, sau 1 tháng rưỡi thăm dò thị trường Myanmar, GK Archi đã có dự án đầu tiên -Thiết kế ý tưởng cho căn hộ 12.5 tầng tại TP Yangon (Chủ đầu tư là một công ty đầu tư xây dựng ở Yangon). “Thừa thắng xông lên”, sau khi có được dự án đầu tay ở Myanmar, với việc tạo dựng các mối quan hệ, mở rộng sự hiểu biết của mình trên đất bạn và các số liệu hết sức khả quan về sự phát triển kinh tế Myanmar cho những năm tới, GKA Myanmar Co, Ltd đã được chúng tôi thành lập vào đầu năm 2013.

3. Tận tâm – Sáng tạo – Mở rộng hợp tác là kinh nghiệm của GKA.

Ngay từ khi mới thành lập, với sự say mê, nhiệt tình và tinh thần sáng tạo, GK Archi đã luôn tạo niềm tin, khẳng định với các chủ đầu tư và các đối tác rằng: GK Archi có thể đem đến những thiết kế tốt nhất, hợp lý và hiệu quả kinh tế nhất. GKA đã tham gia hầu hết các cuộc thi ý tưởng kiến trúc tại TPHCM và cả nước. Chúng tôi xem những cuộc thi này như một sân chơi, một sự đầu tư liều lĩnh táo bạo để thể hiện năng lực thiết kế của mình. Chính vì thế, đội ngũ KTS GK Archi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng tự hào, nổi bật là các giải thưởng: Giải Nhất ý tưởng thiết kế Văn phòng Công ty Tân Thuận (năm 2010); giải Nhất ý tưởng thiết kế Nhà văn hóa sinh viên TPHCM (năm 2011); giải Nhất ý tưởng thiết kế Cung văn hóa Lao động (năm 2012); giải Nhì ý tưởng thiết kế Tòa nhà Lê Văn Lương, Hà Nội (năm 2012); giải Nhất ý tưởng thiết kế Tòa nhà Sabinco – Arap Saudi, Dhaka, Bangladesh, (năm 2015); giải Nhất ý tưởng thiết kế dự án Ahlone Condo, Yangon, Myanmar (năm 2013); giải Nhì cuộc thi thiết kế dự án Mandalay Center, Mandalay, Myanmar, (năm 2013)…

Thông qua các cuộc thi và giải thưởng đạt được, GK Archi phần nào đã chứng minh năng lực thiết kế của mình tới các giới chuyên môn, các đơn vị quản lý, các chủ đầu tư, mối quan hệ của GK Archi tới các đơn vị chủ đầu tư ngày càng được mở rộng và củng cố. Họ nhìn thấy được GKA là một đơn vị tư vấn kiến trúc có sự đam mê, đầu tư chuyên nghiệp, bài bản và sự bản lĩnh. Chúng tôi đã giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn của chủ đầu tư thông qua bản vẽ thiết kế, hình ảnh, phối cảnh minh và mô hình. Nhờ những nỗ lực và thành quả đạt được, GK Archi đã tạo dựng được tên tuổi, uy tín trên thị trường tư vấn trong và ngoài nước.

Ngoài ra, để nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thiết kế và trau dồi khả năng sáng tạo, ngay từ những năm đầu mới thành lập, GK Archi đã hợp tác với các doanh nghiệp tư vấn thiết kế nước ngoài như Atelier K (Pháp) và Nihon Sekkei (Nhật Bản). Bên cạnh đó, nhằm bồi dưỡng nguồn lực con người, công ty còn gửi các KTS đến tham gia các khóa học chuyên môn như quản lý dự án, thiết kế công trình xanh – Lotus… để cập nhật thêm thông tin và mở rộng kiến thức phục vụ cho ngành nghề của mình.

Đối với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của GK Archi ở môi trường quốc tế cũng như trong nước, cũng xin được chia sẻ thêm: Do đặc thù của ngành thiết kế kiến trúc và quy hoạch nên đối tượng khách hàng cũng như cách làm marketing, xây dựng thương hiệu cũng khác biệt và có những nét đặc trưng riêng. GK Archi chọn phương pháp marketing trực tiếp là chính, đẩy mạnh công tác giao tế, xây dựng các mối quan hệ bền vững, lâu dài với khách hàng; am hiểu từ phong cách, gu thiết kế, gu thẩm mỹ, văn hóa địa phương, nắm bắt các trào lưu thiết kế mới, sáng tạo ra các phong cách thiết kế mới phù hợp với thị hiếu hiện có của thị trường… Kế đến, chúng tôi tập trung xây dựng uy tín thương hiệu với chất lượng dịch vụ thiết kế cao nhất có thể – GK Archi mong muốn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư và sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác lâu dài. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông hình ảnh trên các kênh truyền thông như truyền hình, báo chí, xây dựng các bài viết PR trên các tờ báo danh tiếng cho các công trình đã thực hiện để góp phần nâng cao tên tuổi, tạo sự ảnh hưởng, nâng tầm nhận biết về GKA đến khách hàng nhiều hơn nữa,…

4. Khả năng thiết kế và sáng tạo của các KTS Việt Nam không hề thua kém các KTS nước ngoài.

Thuwana: 3 block chung cư 25 – 27 tầng. Tọa lạc trên khu đất 2.8 acres tại khu vực trung tâm của Yangon. Nhiệm vụ thiết kế trong dự án: thiết kế kiến trúc, kết cấu, M&E và cảnh quan.

Tuy nhiên, kinh nghiệm không chỉ là điều cốt lõi cho một doanh nghiệp mà còn đối với mỗi KTS khi bắt đầu với nghề kiến trúc. Có rất nhiều điều cần phải học hỏi dựa trên thực tế – Càng tham gia nhiều công trình, KTS càng trưởng thành hơn từ kinh nghiệm nghề nghiệp, tới kinh nghiệm điều hành, tới kinh nghiệm xử lý các vấn đề của cuộc sống.
Khả năng thiết kế, sáng tạo của các KTS Việt Nam không thua kém gì so với các KTS khác trên thế giới. Thế nhưng, kinh nghiệm tham gia các dự án quốc tế, làm việc trong môi trường quốc tế, chuyên nghiệp của KTS Việt Nam bị hạn chế. Có 3 lý do cơ bản để tạo nên sự hạn chế đó: Một là chương trình đào tạo của Việt Nam không có sự chuẩn hóa và đồng bộ với bất kỳ một hệ thống giáo dục nào trên thế giới – Điều này đẩy tới việc KTS Việt Nam không đủ tự tin để nộp hồ sơ xin việc ở một công ty ở nước ngoài tại Việt Nam hoặc đầu quân làm việc ở nước ngoài. Hai là khả năng ngoại ngữ của KTS Việt Nam còn quá thấp. Ba là tư duy đi xa, đi ra ngoài, đi ra thế giới của KTS Việt Nam còn hạn hẹp. Tư duy “ao làng”, “ta về ta tắm ao ta”, “sau lũy tre làng”, đã ăn sâu vào tâm tưởng của người Việt quá sâu đậm, nên việc “mang chuông đi đánh xứ người”, lập nghiệp ở nước ngoài là một điều hiếm hoi.

PV TCKT

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2017