Hội KTS Việt Nam và các hoạt động đào tạo – cấp chứng chỉ hành nghề

Thời gian vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã liên tục tổ chức các Hội thảo và chương trình nhằm tạo điều kiện cho các KTS hành nghề nâng cao kiến thức, tích điểm CPD. Ngày 9-10/7/2021, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức kỳ sát hạch phục vụ cấp Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc đầu tiên tại Hà Nội. Tại bài viết này, TCKT xin chia sẻ một số ý kiến từ các KTS đã tham gia các chương trình này, cũng như những khó khăn của các KTS đang gặp phải khi hoàn thành các thủ tục cấp và gia hạn chứng chỉ hành nghề (CCHN). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Cảm nhận thực tế khi tham gia Chương trình đào tạo nghề nghiệp liên tục tích điểm CPD do Hội KTS Việt Nam tổ chức

KTS. Hoàng Quốc Việt: “Hội thảo trực tuyến tích điểm CPD tôi vừa tham gia đã giúp tôi có thêm các kiến thức tổng hợp, nâng cao kiến thức hành nghề. Các hội thảo, toạ đàm chuyên ngành do Hội tổ chức có nội dung thiết thực, giúp ích trực tiếp cho công việc chuyên môn, cũng gián tiếp hỗ trợ công tác quản lý, vận hành, truyền thông trong kiến trúc. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo còn chưa đa dạng, hiện nay mới có hình thức học tập trung tại Hội và 2 lần tiếp theo học trực tuyến. Quá trình tổng hợp danh sách và cấp CPD cho các cá nhân chưa thực sự hiệu quả và chặt chẽ, thiết nghĩ nếu Hội trung ương giao về các hội địa phương tổ chức sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp các kiến trúc sư từng tỉnh thành có phương thức hoạt động phù hợp hơn. Và hy vọng, các hội thảo trong tương lai sẽ ngày càng phong phú về nội dung, tổng hợp cho kiến trúc sư nhiều kiến thức hơn, tránh trùng lặp nhàm chán, cạn chủ đề khi hoạt động dài cho tương lai.

KTS Trần Thị Liên: “Đầu tháng 4 nghe tin Hội KTS Việt Nam tổ chức chương trình học CPD tích điểm, tôi háo hức đăng ký và tích được 0.8 điểm học về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Học luật thì khá khô khan nhưng tôi biết thêm nhiều kiến thức về luật, cũng là cách để bảo vệ nghề của mình. Đi học trực tiếp rất vui vì được gặp lại nhiều bạn cũ. Khoá học tiếp theo tôi cũng tham gia 2 ngày học liên tiếp, nghe các diễn giả rất tâm huyết với nhiều kiến thức bổ ích. Tôi thấy các diễn giả KTS chia sẻ đều tập trung vào truyền đạt kiến thức chuyên môn chứ không mang mục đích thương mại như trong một số lĩnh vực khác. Đây cũng là 1 điều mà tôi rất trân trọng nghề KTS. Đầu tiên là khóa học kỹ năng thuyết trình đồ án kiến trúc do KTS. Trần Thanh Bình hướng dẫn; sau đó là những kiến thức về PCCC trong nhà cao tầng trong bài giảng của GS. Doãn Minh Khôi; vấn đề tác quyền do KTS. Nguyễn Huy Khanh chia sẻ; học về tổ chức công ty kiến trúc ở Việt Nam từ KTS. Ngô Ngọc Lê; học về truyền thông kiến trúc cùng ThS Nguyễn Đình Thành,… Đây đều là những kiến thức rất bổ ích và cần thiết, phù hợp với những người đã có chứng chỉ, và đã hành nghề nhiều năm. Mỗi khóa học có khoảng 100 học viên, chi phí chỉ khoảng 600.000đ/người. Đặc biệt, các khoá học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch hiện nay là rất hợp lý khi có thể tiết kiệm chi phí tổ chức và thuận tiện cho các KTS tham dự. Và nếu như có một chương trình khuyến khích học viên phấn đấu sau này cũng làm diễn giả để chia sẻ với các khóa sau nữa thì sẽ càng thu hút hơn. Mặt khác, tuy đã tích đủ điểm CPD của năm nay nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia các khóa học tiếp theo do Hội KTS Việt Nam tổ chức vì có rất nhiều kiến thức hay và bổ ích. Hy vọng rằng các diễn giả sắp tới sẽ có thêm những bài tập nhóm (trong giờ học, và chia nhiều zoom nhỏ) để thúc đẩy sự tương tác giữa các học viên, tăng phần hấp dẫn cho buổi học.

Hội thảo tích điểm CPD đầu tiên do Hội KTS Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Hội

Về thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư?

KTS Hồ Nguyệt Thu Phương: “Sau khi đọc thông báo từ Hội KTS Việt Nam tổ chức thi sát hạch trên website Tạp chí Kiến trúc, bên mình đã tiến hành đăng ký trực tuyến cũng như đóng lệ phí thi hết sức nhanh gọn theo hướng dẫn. Các thông báo hướng dẫn chuẩn bị trước kì thi được gửi hệ thống, rõ ràng qua email nên bên mình không gặp bất cứ khó khăn, khúc mắc gì. Mình thi đợt đầu tiên và cũng là ca thi đầu tiên được tổ chức tại Hội KTS Việt Nam sau khi Nghị định 85/2020/NĐ-CP có hiệu lực, quy định chi tiết về cách thức thi và cấp chứng chỉ hành nghề khá mới mẻ, cũng không thể hỏi kinh nghiệm từ các anh chị KTS đi trước nên ban đầu cũng khá lo lắng. Nhưng nhìn chung buổi thi diễn ra nghiêm túc, bài bản với quy trình gọn gàng nhanh chóng, tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống Covid 19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Về phần nội dung thi, các câu hỏi trong đợt thi lần này không quá khó và cũng khá sát với các kiến thức hành nghề thực tế Khi có kết quả đỗ phần thi trắc nghiệm, mình và các bạn được hướng dẫn di chuyển sang phòng thi vấn đáp trực tiếp với 2 giám khảo, mỗi người bốc thăm 4 câu hỏi bất kì ở 4 hạng mục khác nhau và trả lời dựa trên kinh nghiệm hành nghề và kiến thức của mình. Sau khi thực hiện đủ 2 vòng thi, kết quả sẽ được thông báo trong vòng 1 tuần sau đó. Mình rất cảm ơn Hội KTS Việt Nam đã tổ chức một kỳ thi hữu ích như vậy cho các KTS trẻ như mình, tạo điều kiện giúp các KTS đơn giản hoá hơn trong các thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay.

KTS Trần Chí Linh: Lần đầu tiên tham gia thi sát hạch nhưng tôi cảm thấy Hội tổ chức rất chuyên nghiệp, tận tình và chu đáo. Đặc biệt có một việc mà tôi rất ấn tượng, đó là trước ngày thi 1 ngày, do tôi bận công việc nên không kịp trả lời email xác nhận tham gia buổi sát hạch, đến tối, ban tổ chức đã gọi điện thoại trực tiếp xác nhận lại với tôi cụ thể. Tôi thực sự cảm ơn sự nhiệt tình của ban tổ chức đã hỗ trợ các thí sinh hoàn thành thủ tục đăng ký nhanh gọn nhất có thể. Về buổi thi sát hạch chính thức, Ban tổ chức và các chuyên gia chấm thi rất thân thiện, tạo tinh thần tốt nhất cho các thí sinh dự thi. Bài sát hạch đúng với quy định, phần trắc nghiệm được chọn lựa từ bộ câu hỏi sát hạch được công bố trước đó, kết quả thi minh bạch, rõ ràng. Phần thi vấn đáp khiến tôi khá lo lắng. Nhưng thực tế, các câu hỏi đều liên quan trực tiếp đến các vấn đề về hành nghề mà tôi thường gặp phải, cũng có câu hỏi rất riêng và đặc trưng cho một kỳ thi sát hạch ngành kiến trúc. Đây là cơ hội để cầm bút sơ phác lại những điều đơn giản nhất tôi vẫn đang làm hàng ngày. Chính vì vậy, quá trình vấn đáp như một buổi nói chuyện nghề nghiệp giữa những KTS với nhau, rất cởi mở và thoải mái. Tôi cũng được các thầy lưu ý và bổ sung thêm nhiều các chú ý hoặc kinh nghiệm trong thực tế hành nghề để có thể làm tốt hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia sát hạch, tôi thấy trường hợp một số thí sinh bị trượt tại các ca thi trước được thi lại bổ sung luôn nếu ca thi sau còn chỗ trống. Việc này cơ bản là tốt và tạo điều kiện cho các thí sinh nhưng trong quá trình chờ, các thí sinh có nói chuyện và trao đổi với nhau, điều này làm mất tính nghiêm túc và hình ảnh của kỳ thi sát hạch. Nếu có tạo điều kiện lần 2 cho các thí sinh thì tôi nghĩ nên để lại ca thi cuối cùng trong buổi thi nếu còn thời gian thì sẽ hợp lý hơn.

 

Một số hình ảnh về kỳ sát hạch đầu tiên do Hội KTS Việt Nam tổ chức

Góp ý về hình thức cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85 và các thủ tục hành chính liên quan

KTS. Hoàng Quốc Việt: Luật Kiến trúc và Nghị định 85 đem lại sự định hướng phát triển nghề nghiệp cho các kiến trúc sư trong tương lai, nhưng cá nhân tôi thấy Trung ương hội cũng nên xem xét và lường trước các vấn đề như nội dung, thời gian, và các yếu tố liên quan, để tránh tình trạng kéo dài khi đi vào triển khai thực hiện, đặc biệt là việc gia hạn chứng chỉ hành nghề gây nhiều bức xúc khi nhiều KTS đã hết hạn chứng chỉ nên không hành nghề được. Ngoài ra:

  • Các thông tin chia sẻ giữa Hội Trung ương và các hội địa phương chưa nhất quán, các văn bản hướng dẫn hội địa phương cần cụ thể để hội địa phương các tỉnh thành triển khai;
  • Hiện nay, các vấn đề về việc Cấp CCHN quy định trong Luật Kiến trúc do Hội kiến trúc sư Việt Nam đề xuất đã được Bộ Xây dựng thông qua, nhưng các Sở Ban, Ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để phối hợp thực hiện. Đây không phải sự rời rạc mà gần như không có sự liên kết giữa 2 bộ phận Hội và quản lý nhà nước, nơi sẽ cấp cho các kiến trúc sư CCHN;
  • Các vấn đề học tích điểm CPD cần có hệ thống quản lý điểm tích luỹ trực tuyến, kết nối dữ liệu với Cục quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ xây dựng, để sự liên thông quản lý, tra cứu được rõ ràng khi làm nghề và cung cấp năng lực khi làm nghề.

Theo tôi, nên giảm thiểu thủ tục cấp chứng chỉ vì trước đây các kiến trúc sư đã học chuyên ngành trong các trường đào tạo đại học, đã có những kiến thức chuyên ngành cơ bản.

Vấn đề học tích lũy điểm CPD là rất tốt nhưng cần phải đúng người. Các kiến trúc sư đều có điểm mạnh riêng cho từng thể loại công trình và có định hướng phát triển riêng trong tương lai của họ. Không ai giỏi và trở thành chuyên gia cho tất cả các mảng liên quan đến thiết kế. Các kiến thức học CPD là kiến thức nền để phục vụ cho tất cả các đối tượng KTS, thiết nghĩ nên khuyến khích học tập không nên bắt buộc. Có nhiều kiến trúc sư hành nghề đã đạt khá nhiều thành tựu trong kiến trúc, muốn đào sâu tìm tòi để đạt được nhiều “đỉnh” của nghề thông qua sự đam mê ham chứ không phải theo cách học đều đặn cố nhồi nhét.

KTS Trần Thị Liên: Việc thay đổi thủ tục cấp CCHN đã ảnh hưởng đến tôi khá nhiều, đặc biệt trong giai đoạn khi các văn bản Luật Kiến trúc mới được thông qua, mọi thủ tục về cấp chứng chỉ đều phải tạm dừng. Cụ thể, năm 2019, CCHN của tôi hết hạn. Thời điểm đó, do một số công việc vướng bận nên tôi chưa thể đi xin cấp lại chứng chỉ được. Một thời gian sau, khi tôi lên Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh hỏi, thì được biết, hiện giờ đang chờ quyết định, công văn làm rõ về Luật Kiến trúc mới ra, vì chưa có quy định cụ thể. Điều này làm cho các hồ sơ xin cấp phép của tôi bị đình trệ một thời gian, mãi tới tháng 4 vừa qua, khi Hội tổ chức đào tạo nghề nghiệp liên tục và mới đây có thông báo mới nhất về việc các KTS gia hạn chứng chỉ hành nghề chỉ cần tích đủ điểm CPD và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định, không cần thi sát hạch.

Mặc dù, vấn đề của tôi đã được giải quyết, nhưng tôi muốn góp ý thêm về việc công bố các thông tin liên quan đến cấp CCHN chưa rõ ràng, có quá nhiều luồng thông tin khác nhau, gây hoang mang cho các kiến trúc sư.

Các thủ tục liên quan đến cấp CCHN cũng nên được đơn giản hơn để khuyến khích các KTS hành nghề, tăng tính sáng tạo, và có thêm nhiều cơ hội tham gia nhiều công trình lớn, đa dạng, góp phần làm đẹp cho quê hương đất nước. Hy vọng trong thời gian sắp tới, các thủ tục này sẽ được tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng hơn, để các thủ tục không còn “hành” KTS nữa.


Bài viết thuộc Diễn đàn: Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc và tích điểm đào tạo nghề nghiệp liên tục (CPD)

Theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Hội KTS Việt Nam được giao là đơn vị tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề; xây dựng, ban hành bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) chi tiết, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc…

Từ tháng 4-7/2021, Hội KTS Việt Nam đã liên tục tổ chức các Hội thảo và chương trình nhằm tạo điều kiện cho các KTS hành nghề nâng cao kiến thức, tích điểm CPD. Sau khi ban hành Bộ câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức kỳ sát hạch đầu tiên vào ngày 9-10/7/2021 với 149 thí sinh tham dự đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cho tới Nghệ An, Thanh Hoá. Để làm rõ hơn về các hoạt động này, Tạp chí Kiến trúc tổ chức diễn đàn nhằm ghi nhận những ý kiến của các KTS, đồng thời chia sẻ những giải đáp của các chuyên gia thuộc Hội KTS Việt Nam.

Chi tiết diễn đàn xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tag/dien-dan-chung-chi-hanh-nghe

Diễn đàn vẫn tiếp tục nhận ý kiến trực tuyến qua website Tapchikientruc.com.vn. Trân trọng kính mời các KTS quan tâm tham gia diễn đàn bằng cách gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ email: info@tckt.vn.


Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc