Hội thảo về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – Khởi động chuỗi hoạt động tích điểm phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư (CPD)

TCKT – Ngày 08/04/2021, tại Trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – một bước tiến bộ trong hành nghề của giới Kiến trúc sư Việt Nam”. Đây là hoạt động đào tạo đầu tiên áp dụng tích điểm phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư (CPD) do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề đã được Hội KTS Việt Nam công bố tại Quyết định số 01/QĐ-KTSVN ngày 12/1/2021, đây là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực và văn hoá hành nghề kiến trúc; thực hiện việc xem xét xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc, giúp các KTS Phát triển nghề nghiệp liên tục. 

Toàn cảnh buổi Hội thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp

Chương trình Hội thảo với sự tham gia của các diễn giả: KTS. Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khóa VII, VIII, IX; KTS. Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; KTS. Trần Bình Trọng – Hội đồng Kiến trúc sư hành nghề – Hội KTS Việt Nam,…và thu hút 120 KTS từ các đơn vị tư vấn, viện nghiên cứu, chi hội KTS trên cả nước tới tham dự.

TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: “Chương trình Hội thảo “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp” hôm nay có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, quy tắc ứng xử là nội dung mới được quy định trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP, giúp các KTS đoàn kết và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong môi trường xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Thứ hai, phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS Việt Nam là hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện nền tảng gia hạn chứng chỉ hành nghề cho các KTS thông qua hệ thống điểm tích lũy CPD. Sau chương trình này, Hội KTS Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức  các hoạt động chuyên môn bổ ích tại các vùng miền trên cả nước nhằm hỗ trợ cho các KTS khi tham gia sát hạch, cấp chứng chỉ  hành nghề”.

Các diễn giả tại Hội thảo đã trình bày và cùng thảo luận xoay quanh các nội dung:

  • Tổng quan về việc triển khai Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ – CP của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về Hành nghề kiến trúc, Chứng chỉ hành nghề kiến trúc và Phát triển Nghề nghiệp liên tục (CPD);
  • Giới thiệu phương pháp xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề;
  • Giới thiệu chi tiết quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề;
  • Thảo luận về vấn đề “Tại sao nói Quy tắc ứng xử nghề nghiệp là một bước tiến bộ trong hành nghề?”;
  • Tập huấn Bộ câu hỏi và đáp án phục vụ sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề, phần Quy tắc ứng xử gồm 50 câu hỏi.
KTS Nguyễn Tấn Vạn: "Kiến trúc là ngành nghệ thuật vĩ đại".
KTS Nguyễn Tấn Vạn: “Kiến trúc là ngành nghệ thuật vĩ đại”.

KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTSVN khóa VII, VIII, IX chia sẻ: “Kiến trúc là ngành nghệ thuật vĩ đại, lâu đời nhất đi cùng với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Kiến trúc sư là danh hiệu cao quý, đáng tự hào. Luật Kiến trúc được ban hành nhằm khẳng định vị thế, trách nhiệm của Kiến trúc và KTS. Khi Luật ra đời sẽ tôn vinh kiến trúc, bảo vệ và thúc đẩy cho kiến trúc phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền và trách nhiệm của KTS đối với nghề kiến trúc, với tác phẩm và dịch vụ của mình cung cấp. Luật Kiến trúc cũng khẳng định vai trò của Hội KTS Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kiến trúc nước nhà. Vì vậy, trách nhiệm của tất cả KTS Việt Nam là cùng nhau đưa Luật kiến trúc vào cuộc sống một cách trung thực, lành mạnh và hiệu quả.

Trong phần trình bày, KTS Trần Bình Trọng – Thành viên Hội đồng KTS hành nghề – Hội KTS Việt Nam cũng đã tổng quan về nội dung của Luật và Nghị định phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề cho KTS, giới thiệu về phương pháp xây dựng quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề, đồng thời điều hành phiên thảo luận về ý nghĩa và khả năng khả thi đưa vào cuộc sống của quy tắc ứng xử. Ông cũng đưa nhận định khi thảo luận về việc tại sao nói Quy tắc ứng xử nghề nghiệp là một bước tiến bộ trong hành nghề: “Có được các quy tắc ứng xử nghề nghiệp đã là một bước tiến bộ bởi điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập, giới KTS cùng thực hiện theo những chuẩn mực văn minh, đúng pháp luật, chấm dứt tình trạng “xài luật rừng” trong 20 năm qua. Việc tạo lập môi trường hoạt động của con người góp phần tạo dựng nền kiến trúc Việt Nam nhân văn, phát triển bền vững, các KTS hành nghề bằng tính chuyên nghiệp, liêm chính, sáng tạo, khách quan và tận tâm nhằm bảo vệ thanh danh nghề kiến trúc. Từ đó, sứ mệnh của nghề kiến trúc và đạo đức hành nghề kiến trúc được xác định. Việc áp dụng các quy tắc ứng xử nghề nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm cao cả của các KTS và góp phần giải quyết các bức xúc đang tồn tại khi hành nghề để làm cơ sở cho các chế tài xử lý vi phạm.

Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề KTS là tốt nghiệp Đại học trở lên, có kinh nghiệm 3 năm hành nghề và đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề có 2 phần: Thi trắc nghiệm gồm 25 câu, thời gian 30 phút, quy định đạt được 70/100 điểm trở lên để tham gia Phần 2 là thi vấn đáp tối đa 20 phút, trả lời tối đa 4 câu hỏi về lĩnh vực: Kinh nghiệm nghề nghiệp; Kiến thức pháp luật; Kiến thức chuyên môn và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Tích điểm CPD là quy định của Luật để cập nhật, duy trì, tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng của KTS trong hành nghề. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc là các đơn vị tổ chức thực hiện các hoạt động và đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề. KTS hành nghề cần đảm bảo tối thiểu 4 điểm CPD trên một năm.

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp gồm 17 quy tắc trong đó có 6 quy tắc chung, 4 quy tắc đối với bản thân, 3 quy tắc đối với khách hàng và 4 quy tắc đối với nghề nghiệp. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực và văn hóa hành nghề kiến trúc; thực hiện việc xem xét xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời thảo luận sôi nổi về vấn đề về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, một số vấn đề về bảo vệ quyền tác giả, các vấn đề về chứng chỉ hành nghề và gia hạn chứng chỉ hành nghề, quy tắc tích điểm phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS (CPD).

Cuối Hội thảo, ông Trần Bình Trọng đã tập huấn về Bộ câu hỏi và đáp án phục vụ sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề, phần Quy tắc ứng xử gồm 50 câu hỏi để mọi người tham khảo và trao Chứng chỉ đại diện cho các đơn vị có Kiến trúc sư tham dự chương trình.

Đại diện một số đơn vị tham dự nhận chứng chỉ từ Hội KTS Việt Nam

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp, các KTS nâng cao kiến thức sát hạch về chứng chỉ hành nghề và phát triển nghề nghiệp liên tục. Theo thông tin từ Ban hành nghề Hội KTS Việt Nam, Hội thảo “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – Một bước tiến bộ trong hành nghề của giới Kiến trúc sư Việt Nam” lần thứ 2 sẽ tiếp tục được tổ chức vào ngày 20/4/2021 tại trụ sở Hội.

An Du – Triệu Thảo – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc