Làm thế nào thu hút KTS trẻ tham gia hoạt động Hội KTS Việt nam?

Trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội KTS Việt Nam là nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút, bồi dưỡng kiến trúc sư trẻ, khuyến khích những sáng tác theo hướng kiến trúc xanh và phát triển bền vững. Trong số này, TCKT thực hiện Diễn đàn Kiến trúc sư trẻ, để cùng chia sẻ các ý kiến xung quanh việc thu hút giới trẻ tham gia tích cực hơn trong các hoạt động của Hội KTS Việt Nam. Diễn đàn vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp tại website Tapchikientruc.com.vn. Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến tại diễn đàn!

“Hội KTS Việt Nam cần hoạt động mạnh hơn tại các vùng miền địa phương”

KTS. Nguyễn Thành Công
Giám đốc Công ty Cổ phần Tư Vấn Đầu Tư Xây Dựng Nguyên Phát

Tôi đã có nhiều năm hoạt động trong ngành/ hành nghề kiến trúc, tuy nhiên tôi gần như không biết đến các hoạt động của Hội KTS Việt Nam qua các kênh truyền thông chính thức mà chủ yếu qua bên thứ ba như vị trí nhà tài trợ, đơn vị tổ chức. Có nghĩa là các hoạt động này cần truyền thông hiệu quả hơn. Ngoài ra, tôi cảm thấy các hoạt động của Hội vẫn chưa phổ biến ở các vùng miền, địa phương, chưa có quá nhiều ảnh hưởng đến việc làm nghề.

Hiện tại tôi cũng tham gia một số Tổ chức như Hội doanh nhân, Tổ chức kết nối thương mại BNI (Business Network International). Các tổ chức này giúp tôi trau dồi thêm những kiến thức mình cần cho việc kinh doanh.

Hội KTS Việt Nam cũng là một môi trường tốt trong việc nâng cao kỹ năng chuyên môn, nên tôi cũng muốn có cơ hội được tham gia. Xung quanh tôi cũng có rất nhiều bạn bè cảm thấy hứng thú với việc gia nhập Hội KTS Việt Nam, vì đây là cơ hội tốt để kết nối với những người cùng ngành nghề như mình.

Tôi nghĩ, Hội KTS có lợi thế là tập trung được những KTS giỏi, có nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên ngành tốt. Hội nên phát triển thế mạnh này, bằng nhiều cách như mỗi hội viên trước khi gia nhập, cần tìm cho mình một người hướng dẫn trực thuộc hội, sẽ dẫn dắt tham gia các hoạt động của Hội và chỉ bảo các kiến thức chuyên ngành. Hội KTS Việt Nam sẽ là nơi mà các KTS trẻ không phải chỉ được giao lưu, chia sẻ, mà cũng là nơi họ có thể học hỏi nâng cao kỹ năng chuyên môn – tiếp xúc với môi trường giáo dục khác sau đại học.

Chính phủ ngày càng tạo điều kiện cho các Hội chuyên ngành phát triển, tuy nhiên để nâng cao vị trí của Hội KTS Việt Nam hơn, phụ thuộc rất nhiều vào định hướng của Hội.


“Tôi luôn mong muốn được trở thành Hội viên Hội KTS Việt Nam”

KTS.Trần Chí Linh
Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư 10 Design

Hội KTS Việt Nam được biết đến là mái nhà chung của giới KTS cả nước, nơi học hỏi, giao lưu, kết nối cộng đồng KTS. Tôi là người khá may mắn khi được tham gia nhiều hoạt động của Hội và rất vinh dự được Hội trao tặng giải Nhì – Giải thưởng Loa Thành vinh danh các đồ án tốt nghiệp xuất sắc.Ngoài ra, Hội KTS Việt Nam có nhiều hoạt động bổ ích như các Hội thảo chuyên ngành nâng cao kỹ năng chuyên môn, Tọa đàm chia sẻ, trao đổi kiến thức của giới KTS, các cuộc thi, giải thưởng sáng tác uy tín, các hoạt động Liên hoan, Festival Kiến trúc tạo sân chơi kết nối cộng đồng. Đối với một chuyên ngành vừa có tính dịch vụ, vừa cần chuyên môn thì việc kết nối và mở rộng các mối quan hệ cũng cần thiết không kém việc nâng cao kỹ năng chuyên môn. Tuy giá trị mà Hội mang lại là vô hình, nhưng có thể khẳng định chắc chắn, Hội ngày càng có sức ảnh hưởng lớn hơn, có nhiều tác động tích cực hơn trong hoạt động hành nghề của các kiến trúc sư.

Trở thành Hội viên là điều mà tôi luôn mong muốn từ khi bắt đầu tốt nghiệp. Tôi được biết, điều kiện gia nhập Hội là tối thiểu 5 năm làm nghề hoặc 3 năm có thành tích xuất sắc trong sáng tác và đóng góp vào sự nghiệp kiến trúc (có bằng khen). Điều kiện này, thực ra cũng không phải là quá khó khăn, điều khiến tôi cảm thấy trở ngại nhất là không biết cách nào để đăng ký thành viên, không biết thông tin chính xác đăng ký ở đâu, như thế nào. Ngoài ra, nhiều khi mọi người cũng chưa xác định được vai trò của Hội là gì? Gia nhập Hội KTS Việt Nam sẽ được những gì, sẽ tham gia hoạt động gì, mình sẽ làm những gì để đóng góp vào sự phát triển của Hội? Chính những điều này đã tạo ra tâm lý “ngại” khi tham gia.

Theo tôi, nên khuyến khích các hội viên tham gia bằng cách tụ hợp những người có đóng góp thực sự cho Hội hoặc những người có thành tích xuất sắc. Đó sẽ như một phần thưởng, một dấu mốc quan trọng đánh dấu cho cả quá trình đóng góp, cố gắng trong hành nghề trước đó. Qua đó, vị trí của Hội cũng sẽ được nâng cao, và sẽ có nhiều người hơn muốn tham gia hội hơn.


“KTS trẻ cần thêm động lực để chủ động tham gia các hoạt động của Hội”

KTS Trần Vũ Lâm
Chủ tịch Cubic Architects

Trong dòng chảy hội nhập mạnh mẽ của xã hội những năm qua, không thể phủ nhận vai trò của Hội KTS Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước nói chung và kiến trúc nước nhà nói riêng. Hội luôn giữ vững vai trò dẫn dắt, kết nối, khuyến khích giới nghề tiếp cận những xu hướng kiến trúc hiện đại, phát triển bền vững…; tích cực tạo ra môi trường minh bạch, lành mạnh với nhiều hoạt động tạo sân chơi cho giới KTS. Hoạt động của Hội KTS Việt Nam ngày càng mở hơn, cũng như ngày càng có nhiều KTS trẻ ghi dấu ấn của mình trên các đấu trường trong nước và quốc tế. Hơn cả, gần đây, dưới sự tác động và hỗ trợ của Hội, Bộ Xây dựng đã thông qua Luật Kiến trúc – Văn bản pháp luật có giá trị lớn nhất bảo vệ quyền lợi của các KTS. Tuy nhiên, nói về mức độ thu hút tham gia của các KTS với Hội KTS, chúng ta phải đặt lại câu hỏi: Vậy nhu cầu của từng người về hoạt động hành nghề là gì? Mỗi người, sẽ có một vấn đề quan tâm khác nhau, do đó, để đáp ứng hết yêu cầu của tất cả mọi người là điều không thể.

Thực tế là, KTS trẻ hiện nay thường thiếu sự chủ động khi tham gia các hoạt động Hội, Nhóm. Hội KTS là môi trường tốt để mọi người cùng phát triển, bảo vệ quyền lợi của các KTS, đó là những giá trị vô hình, mà người trẻ lại quá tập trung vào các lợi ích cụ thể, do đó, họ sẽ cảm thấy thiếu động lực khi tham gia. Những điều kiện gia nhập Hội không hề khó, mọi thông tin cũng luôn sẵn sàng, nhất là với thời đại cách mạng 4.0 như hiện nay, tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những người tích cực và chủ động.


“Cần tuyên truyền rộng rãi hơn về các hoạt động chuyên môn”

KTS Nguyễn Xuân Nguyên
Phó giám đốc Văn phòng Hà Nội – Công ty Gendai Sougo Việt Nam

Những năm gần đây, các hoạt động của Hội KTS Việt Nam ngày càng tạo được tiếng vang trong xã hội, đặc biệt là các hoạt động gắn liền với phát triển vì cộng đồng. Ngoài ra Hội còn nhiều hoạt động chuyên ngành bổ ích, nâng cao kiến thức, mở ra những cơ hội trải nghiệm cho các KTS. Tuy nhiên, tôi mong chờ nhiều hơn là các hoạt động liên quan đến Luật Kiến trúc hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Vì trong quá trình hành nghề, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam vào thiết kế, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng và thiệt hại đến vốn của chủ đầu tư. Hội KTS Việt Nam là đại diện, tiếng nói của các KTS, nên các hoạt động hội sẽ không chỉ tốt sự phát triển của xã hội, mà trước hết, nên giúp ích cho chính những KTS sống và làm nghề.

Gia nhập Hội thực sự là cơ hội để các KTS học hỏi, trau dồi về kiến thức, vốn sống, và mở rộng các mối quan hệ hành nghề, một kênh thông tin uy tín, kịp thời dành cho các Hội viên. Với quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nên gia nhập Hội khi mình có thể đóng góp điều gì đó. Tôi nghĩ, yêu cầu 5 năm làm nghề hoặc 3 năm có thành tích xuất sắc trong sáng tác và đóng góp vào sự nghiệp kiến trúc (có bằng khen) sẽ tạo ra nhiều hạn chế trong việc thu hút các Hội viên trẻ, có mong muốn đóng góp. Một điều khó khăn hơn nữa đối việc gia nhập Hội là thông tin về sinh hoạt Hội còn nhiều hạn chế. Sẽ thật khó nếu tham gia một hội nhóm nào mà chúng ta chưa hiểu rõ về nó. Hội KTS Việt Nam đối với các KTS trẻ hiện nay, vẫn là nơi dành cho những KTS thành danh, nổi tiếng, có nhiều năm kinh nghiệm, chính vì thế, họ vẫn cảm thấy nơi đó chưa thực sự dành cho mình.

Do đó, điều quan trọng để thu hút các KTS trẻ tham gia Hội là cần truyền thông nhiều hơn về các hoạt động của Hội viên. Ngoài ra, theo tôi, không nên lấy tiêu chuẩn về việc số năm hành nghề làm điều kiện gia nhập hội, mà nên lấy kết quả các cuộc thi tuyển. Giống như ở Nhật Bản, họ đánh giá cao việc đạt được các chứng chỉ hơn số năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cuộc thi tại Việt Nam cũng cần chặt chẽ hơn.


“Hội là môi trường kết nối nghề nghiệp mà chúng tôi muốn tham gia”

KTS Huỳnh Công Vũ
Ủy viên Ban Chủ Nhiệm CLB Kiến trúc sư Trẻ Đà Nẵng – Founder của Công ty TNHH Gon Design

Hoạt động của Hội KTS VN hiện nay rất đa dạng, phong phú và hữu ích đối với các KTS. Tham gia các hoạt động của Hội sẽ là cơ hội để học tập, trao đổi các vấn đề thời sự, học hỏi kinh nghiệm, mở ra các mối quan hệ, tiếp xúc được với các bên cung ứng. Hội sẽ là môi trường để sự kết nối của KTS được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phạm vi các hoạt động của Hội còn nhỏ, hẹp, và nhiều hạn chế đối với các KTS địa phương. Các hoạt động của Hội cũng rất đa dạng, nhưng chưa đầy đủ bao quát đến tất cả các đối tượng và các vấn đề hành nghề.

Dưới góc độ của mình, do có điều kiện để tham gia nhiều hoạt động và tiếp xúc với các thành viên Hội, tôi cảm thấy, trở ngại lớn nhất để gia nhập Hội là tối thiểu từ 3-5 năm hành nghề, và tôi chưa đủ điều kiện gia nhập. Tuy nhiên, với đồng nghiệp xung quanh tôi, nhiều người có cái tôi lớn thì trở ngại là do chưa hiểu hết được vai trò, ý nghĩa của hội (do một phần truyền thông chưa đủ), dẫn đến có những cái nhìn phiến diện đối với các hoạt động của Hội KTS Việt Nam. Tất nhiên, ở môi trường nào cũng có những mặt tốt và chưa tốt. Nhưng thay vì chỉ chăm chú vào những điều chưa tốt, chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn và phải công nhận những tích cực mà Hội KTS đã mang lại.

Theo tôi, các họat động của Hội còn mang tính chính trị và nặng về hình thức nhiều, cần đan xen thêm các hoạt động vui chơi, giải trí để các KTS trẻ giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhau, ví dụ như: Các hội thảo chuyên môn, những chuyến dã ngoại, về nguồn, các giải thể thao… Đó là những sân chơi, nơi các KTS trẻ được trải nghiệm cuộc sống, và động lực sáng tác.

Thu Vân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)