Một vài suy nghĩ về Quy hoạch Thành Phố Hồ Chí Minh

Thành phố HCM
Ảnh minh họa: Thành phố Hồ Chí Minh về đêm

Quy hoạch kiến trúc là một vấn đề không đơn giản. Một chuyên gia Quy hoạch kinh nghiệm lâu năm chưa hẳn đã đưa ra được một phương án tuyệt đối hay tạm gọi là tối ưu về kiến trúc – quy hoạch. Khách quan nhìn vào Đồ án quy hoạch kiến trúc TP Sài Gòn trước đây và TP HCM ngày nay, chúng ta thấy vẫn còn nhiều tồn tại bức xúc.

Xin được nêu sau đây một vài suy nghĩ về Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM:
Sài Gòn và Chợ Lớn là 2 cụm dân cư nối liền bằng đường có xe điện (tên cũ là Boulevard Galiéni, nay là đường Trần Hưng Đạo). Dân số dự trù cho sự phát triển của Sài Gòn – Chợ Lớn là 2,500 000 dân, trong khi toàn quốc (Bắc – Trung – Nam) là 25 triệu dân. Từ đó cơ sở hạ tầng, đường xá, điện nước, khoảng xanh cũng như công viên… đều được tính toán với sự quan tâm tới khí hậu, địa thế đất đai về mặt thoát nước tự nhiên. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều bất cập: Dân số Sài Gòn bắt đầu tăng từ năm 1954; nhưng rõ rệt hơn từ năm 1977-1978 đến ngày hôm nay. Vì mưu sinh, dân các nơi đổ xô về TP HCM  tìm việc làm rồi cư trú luôn. Hiện nay, dân số là 12 triệu (kể cả những người cư trú bất hợp pháp). Nhu cầu nhà ở rất là cấp bách, đưa đến sự phức tạp trong vấn đề cấp giấy phép xây dựng.  Những tính toán trước đây như: Mật độ dân số, mức độ xây dựng, cống rãnh về hạ tầng cơ sở… không phù hợp nữa. Tất cả đều trong tình trạng “quá tải”.  

– Đã đến lúc phải nới ra ngoài ven đô và vùng lân cận. Nhiều cụm quy hoạch lúc bấy giờ bắt đầu phát triển, nhưng dù sao cũng chạy theo sau vấn đề xây dựng. Do đó, công trình nhà cửa mọc lên một cách tự phát, đường xá, giao thông cũng xuất hiện ngẫu nhiên, cho nên việc chỉnh trang quy hoạch lại càng khó. Ngoài phạm vi thành phố, nhiều cụm dân cư được giao phó cho các công ty thiết kế tư vấn và quy hoạch tư nhân. Nhưng đâu phải ai cũng làm đúng như mong muốn. Bởi vậy, chất lượng quy hoạch không cao, chủ yếu do những nguyên nhân sau:
– Thiếu kinh nghiệm và non kém trong vấn đề Quy hoạch;
– Hiểu sai chữ quy hoạch; nhiều người hiểu “Quy hoạch là phân lô”.
– Tiêu cực
– Phân nhiều lô bán đựơc để thêm lợi nhuận
– Không tôn trọng môi trường thiên nhiên
– Trong phạm vi thành phố nhiều công trình mọc lên: Chung cư thấp tầng và cao tầng, Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng … Hạ tầng cơ sở càng bị hư hỏng. Công tác sửa chữa ảnh hưởng đến cầu đường, ngập lụt… Chưa kể ý thức kém của người dân lao động bỏ rác xuống cống. Bê tông hóa các đường, hẻm, lối đi… làm mất sự thấm thấu nước mưa xuống đất. Vì vậy, mỗi khi mưa to là nhiều vùng bị ngập nước (nước không thấm xuống và cống rãnh vô hiệu quả). Thủy triều là một yếu tố rất quan trọng việc nghiên cứu quy hoạch mà mọi quy hoạch phải biết và điều tra kỹ lưỡng. Về mặt địa lý thiên nhiên, khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, quận 8 là vùng thấp để cho nước mưa thoát ra sông ra biển nhanh. Nay các vùng đó đã được sang lấp thành khu ở (biệt thự, cáo ốc…). Lối thoát cho nước bị tắc, nên khi mưa to đương nhiên là có ngập lụt trong TP.
– Đường xá giao thông – Đường xá như huyết mạch là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong Quy hoạch. Mạng lưới đường xá cũ (vừa hẹp vừa thiếu) không đáp ứng nổi tình hình xe cộ hiện nay. Vì nhu cầu tiện ích cần phải chỉnh trang nới rộng, nâng đường, làm thêm đường mới. Những công tác này sẽ đưa hiệu quả tốt xấu như thế nào?
– Cây xanh, thiên nhiên, môi trường – Lõi cốt TP HCM là Sài Gòn – Chợ Lớn cũ, qua quá trình phát triển khoảng xanh cũng đã thiếu nhiều. Trong khi TPHCM phát triển mạnh, giá cả đất đai tăng vượt mức, đưa tới vấn đề xây dựng cho hết đất. Đến bây giờ thì mới nhận ra rằng thiên nhiên môi trường đã hỏng và cây xanh không còn.
– Công trình di tích lịch sử – Từ giá đất tại TPHCM quá cao mà những công trình di tích, những công trình tiêu biểu đặc trưng, những khu phố xưa… bị phá mất.

Tất cả điều này người làm quy hoạch, KTS phải biết, phải dự tính, lúc nào cũng phải quan tâm tới. Bây giờ mới kêu gọi “quy hoạch xanh, Kiến trúc xanh” là quá muộn! Một vài suy nghĩ về quy hoạch – kiến trúc TP HCM hôm nay. Hy vọng TP sớm được chỉnh trang, ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Và, quan trọng hơn cả là “Xanh và Phát triển bền vững” – xứng tầm đô thị đặc biệt của Việt Nam và trong khu vực.

KTS Cồ Văn Hậu