“Nghèo dễ làm cho xây dựng khó trở thành kiến trúc
Giàu dễ làm cho kiến trúc trở thành phù phiếm.”
“Nhà không dựng từ móng từ cột
Nhà dựng từ nếp nghĩ nếp sống.”
“Nếp sống Việt là nguồn gen của ngôi nhà Việt và làng Việt.”
“Bộ đồ nhuộm nâu và căn nhà gỗ cùng chung bản chất
Giữa căn nhà Việt và câu ca dao, nhận ra cái chung.”
“Nhà Việt che mà không ngăn
Nhà Việt chia mà không cắt.”
“Đồ vật để dùng không để trương
Không gian trống mà không cần lấp đầy
Chớ biến nhà mình thành cửa hàng tạp hóa.”
“Ăn đơn giản nhẹ bụng
Nhà ít đồ nhẹ người.”
“Giữa đám đông phải né người
Ở nhà mình chớ phải né đồ.”
“Tiện như ở khách sạn
Quen như ở nhà mình.”
“Nhìn nhà, nhìn bày biện, nhận ra chủ nhà là ai.”
“Nghệ thuật tổ chức chốn ở là nghệ thuật nhốt và mở không gian.”
“Nhà ở sinh thái là nhà hô hấp
Nhà ở sinh thái là nhà đặt đúng địa chỉ theo nghĩa rộng.”
“Con cháu kế thừa cái nhà
Cộng đồng kế thừa đô thị.”
“Mở rộng đô thị quá tay giống như đem cán cái bành dày thành cái bánh đa.”
“Mở rộng lãnh thổ đô thị quá tay là con đường nông thôn hóa đô thị nhanh hơn cả.”
“Mở rộng địa giới đô thị bằng văn bản
Tạo dựng cơ ngơi đô thị bằng đầu tư
Thành thị hóa dân cư bằng thời gian.”
“Độ rộng lớn của đô thị nhiều khi tỉ lệ nghịch với văn minh đô thị.”
“Tổ tiên ta từ núi đồi xuống đồng bằng
Con cháu ta có nguy cơ đi ngược.”
“Cái nhà đứng bên bờ ao
Đô thị đứng bên bờ sông
Quốc gia phải đứng cả hai chân trên bờ biển.”
“Ta nghèo muôn thủa bởi luẩn quẩn bên cái ao
Ta chậm chân bao đời bởi chỉ mon men ra biển.”
“Con người hơn và kém gì cái sự con mối, con ong, con cò trong việc kết tổ. Con người khôn hơn thiên nhiên, ấy vậy mà vụng về hơn Nó.”
“Đô thị là sản phẩm tạo nên từ cái chung và cái riêng, là sản phẩm của luật và thỏa hiệp.”
“Làng có khuôn mặt của những chủ nhân vị kỷ khéo chung sống.”
“Làm nhà ở giả cổ, chẳng khác gì đem nó đi dự lễ hội hóa trang.”
“Các thế hệ xưa để lại di sản, các thế hệ thời nay để lại tàisản đồ sộ, một phần nhỏ trong đó có cơ may trở thành di sản.”
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9-2024)