Nghề thiết kế kiến trúc thời hội nhập

Bước vào thời buổi hội nhập tích cực với khu vực và thế giới, giới KTS ở nước ta đang đối mặt với mấy vấn đề lớn sau đây:
– Ta phải sớm nhận thức rằng nghề thiết kế kiến trúc đang trở thành một dịch vụ kỹ thuật, sẽ phải tham gia vào một môi trường hành nghề cạnh tranh theo cơ chế thị trường thế giới.
– Việt Nam đã đến lúc phải mở cửa cho các tổ chức thiết kế xây dựng quốc tế và khu vực vào hành nghề tự do theo thoả thuận hội nhập toàn diện khối ASEAN 2015, AFTA (Asia Free Trade Agreement), thương mại thế giới WTO (World Trade Organization), rồi hướng tới hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership).
Đối với tất cả anh em trong các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật thì việc hội nhập với những cam kết mậu dịch tự do quốc tế đang đặt ra thật nhiều vấn đề nan giải. Cái lo lắng nhất là nhìn thấy các tổ chức trong nước cứ “bình chân như vại”, chưa mấy quan tâm! Vậy mà vào mốc thời gian 2015 gần kề, theo như cam kết Việt Nam bó buộc phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước Asean vào hoạt động tự do ở nước ta, trong khi khung pháp lý hành nghề của chúng ta rất lỏng lẻo.
Trở lại việc tổ chức một Đoàn nghề nghiệp đích thực
Suốt mười năm qua, anh em trong nghề không ngớt tranh luận và tìm kiếm phương cách tập hợp nhau lại, nhằm tạo sức mạnh trong hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu quả cao.
Phải nói lực lượng KTS và kỹ sư nay đã khá đông đảo, nhưng hoạt động còn rất phân tán. Một số làm việc trong cơ quan Nhà nước, đa phần chưa có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt đối với giới trẻ hành nghề càng khó khăn hơn, thường phải bươn chải tự làm lấy (do chưa được đào tạo hành nghề ở nhà trường hoặc thực tập cụ thể sau tốt nghiệp) hay xoay xở làm nghề khác kiếm sống. Số đeo bám nghề, phải thỏa hiệp, móc ngoặc để có việc làm, tranh giành nhau rất mất đoàn kết, vì vậy mà hoạt động nghề nghiệp khó đạt hiệu quả cao.
Đất nước đang bước vào thời tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, khối lượng xây dựng cơ sở vật chất là rất lớn (từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn nước ngoài, tư nhân trong nước). Nếu ta chấn chỉnh lại đội ngũ, tổ chức nghề nghiệp rõ ràng, tìm biện pháp nâng cao tay nghề anh em thì đây là thời cơ hiếm có giúp cho lực lượng xây dựng nước mình có cơ hội phát triển nghề nghiệp ngang tầm thế giới.

Cà phê Gió và Nước – Thiết kế: KTS Võ trọng Nghĩa

Tôi nhận xét thấy ta đang lúng túng giữa hai mô hình tổ chức nghề nghiệp:
– Hoặc như Trung Quốc vẫn duy trì Hội KTS về một mối nhưng đồng thời hình thành các tập đoàn thiết kế và thi công lớn, đầy đủ năng lực kỹ thuật và nhân sự tay nghề cao, cạnh tranh ngang ngửa với nước ngoài.
– Hoặc theo gương hầu hết các nước trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á (và cũng là mô hình Sài Gòn trước 1975), hình thành Đoàn chuyên nghiệp về nghề thiết kế kiến trúc, hoạt động tương tự như Đoàn Luật sư hiện nay (và Đoàn KTS Việt Nam trước đây).
Nay ta không nên nghĩ đơn giản là mình đang mới ở ngưỡng cửa hội nhập, mà thực sự chúng ta đã nhập cuộc bước vào hội nhập nhiều mặt với thế giới rồi. Hình thành khung pháp lý cho nghề kiến trúc, xác định lại vai trò thiết kế của KTS, tập hợp lực lượng, tổ chức lại nghề nghiệp chuyên môn của mình phải chăng đó là những công việc cấp bách của tất cả anh em trong nghề kiến trúc chúng ta hôm nay. Dẫu muộn còn hơn không!

Xác định lại vai trò thiết kế   
Trước đây ở Sài Gòn và nay thì cả thế giới đều áp dụng việc phân chia tách bạch các khâu thiết kế và thi công trong xây dựng công trình. Chỉ có ở nước ta là có tình trạng mập mờ và nhập nhằng này mà thôi!
KTS chủ yếu đảm trách phần công năng, mỹ thuật công trình. Nào bố cục, kiểu dáng, hình khối, màu sắc, vật liệu, tổng dự toán. Theo thông lệ quốc tế, phần thiết kế kết cấu, điện nước… được chuyển qua khâu thi công đảm nhiệm. Điều đó giúp giải tỏa trách nhiệm của KTS không có điều kiện quán xuyến hết mạng lưới kỹ thuật rất phức tạp. Căn cứ trên hồ sơ thiết kế kiến trúc, bên thầu đảm trách việc này vì mọi công ty thầu đều có bộ phận chuyên viên, kỹ sư riêng.
Một khi đã có phân công rạch ròi, đơn vị thi công chịu trách nhiệm bảo hành về phần kết cấu từ 10 đến 15 năm, các phần khác từ 1 đến 2 năm. Xảy ra sự cố, bên thi công phải sửa chữa, làm chậm có thể mất tiền ký quỹ, bảo hành và nếu nghiêm trọng hơn thì đưa ra tòa xét xử theo luật.
Ở đây có một vấn đề cần lưu ý. Đó là do những mâu thuẫn và khó khăn trong thiết kế, nhiều người có trách nhiệm ở các Bộ, Ngành, Thành phố đã không tìm hiểu giúp khai thông bế tắc mà vội vàng kết luận: “Năng lực thiết kế người mình còn kém!” rồi đề xuất nên giao nước ngoài thiết kế. Giải pháp tiêu cực này không những gây lãng phí (đơn giá và phí thiết kế rất cao), mà nhất là gây phí phạm không sử dụng đội ngũ chuyên viên người mình đang cần việc làm. Trong thực tế, điều này tạo điều kiện cho người nước ngoài giành hết công ăn việc làm, rồi tiếp tục thuê mướn lại chuyên viên và nhân công trong nước làm thay với giá rẻ mạt!
Hầu hết các công trình do nước ngoài đảm trách đơn giá cao hơn nhiều, phần lớn các công trình đều điều hành bảo quản tốn kém, không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam (như lạm dụng điều hòa nhiệt độ, ít tận dụng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, không phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới).
Trước đây ở Sài Gòn và tại tất cả các nước, giới thiết kế nước ngoài làm ăn tại nước nào đều bắt buộc phải hợp tác theo một cách nào đó với người thiết kế bản địa. Điều này tôi nhìn thấy trước 1975 người ta đã làm và Trung Quốc thì đã áp dụng cách đây trên 20 năm rồi.      
Mô hình tổ chức nghề nghiệp các nước
Văn bằng cấp phát ở đại học chỉ là một chứng chỉ xác nhận trình độ đào tạo chuyên môn, Đoàn nghề nghiệp mới là tổ chức quyết định việc hành nghề. Tại Âu Mỹ cũng như hầu hết các nước Đông Nam Á, tốt nghiệp bất cứ một ngành học đại học nào, sau một thời gian thực tập ta có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề, do tổ chức nghề nghiệp đó cấp phát. Nghề KTS cũng vậy.

Nhà cộng đồng Tả Phìn – Thiết kế: KTS Hoàng Thúc Hảo

Đoàn KTS Mỹ
Tại các nước Bắc Mỹ, dẫu cho có văn bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ kiến trúc, ta đều phải học việc ít nhất là 2 năm tại một văn phòng thiết kế kiến trúc mới được phép tham gia cuộc thi hành nghề. Ở Mỹ, cuộc thi khá khắt khe do tổ chức nghề KTS Mỹ AIA (Viện KTS Mỹ, American Institute of Architects) phối hợp cùng Nhà nước tổ chức.
Mỗi bang đều có tổ chức nghề địa phương, tuy vẫn tuân theo quy định chung của tổ chức nghề nghiệp cấp liên bang nhưng lại đặt ra thêm các quy định riêng biệt, do đặc thù tình hình phát triển kinh tế, điều kiện địa lý, thời tiết khí hậu, tính chất, loại hình xây dựng khác nhau. Từ bang này sang bang khác hành nghề phải gia nhập Đoàn ở bang đó, thi lấy bằng hành nghề do bang đó cấp. KTS nước ngoài phải học lại một số môn, có kinh nghiệm thực tế địa phương vài năm và thi lấy bằng hành nghề như KTS tại chỗ.
Luật KTS cho phép thiết lập Hội đồng KTS (do chính các KTS trong nghề bầu ra từng nhiệm kỳ), hướng dẫn việc đăng ký KTS, quy định  phẩm chất đạo đức trong hành nghề và việc cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc. Hội đồng quản lý đoàn viên về cả mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.
Ngày nay hầu hết các nước trên thế giới, nhất là ở Đông Nam Á đều theo lối Anh Mỹ (Anglo-Saxon) này.

Đoàn KTS Pháp    
Tại Sài Gòn thời cũ, tổ chức nghề nghiệp thiết kế kiến trúc lấy tên là KTS Đoàn Việt Nam, tiếp nối vai trò Đoàn KTS  (Ordre des Architectes) địa phương Pháp (thời Việt Nam còn là thuộc địa Pháp), một tổ chức qui tụ những người cùng nghề theo thông lệ quốc tế cùng lề lối hành nghề dịch vụ trong nền kinh tế thị trường.
Tổ chức hành nghề KTS tại Pháp hoạt động trong khuôn khổ Luật KTS với nội dung: quy chế hoạt động của Đoàn KTS, tổ chức nghề nghiệp của KTS, luật nghĩa vụ của KTS.
Hội đồng KTS được thành lập theo luật, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính và đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Pháp. Ở các địa phương, có Hội đồng KTS địa phương, cả nước có Hội đồng KTS Quốc gia.

Đoàn KTS Sài Gòn trước 1975
Trước 1975, tổ chức và hành nghề KTS giống như các Luật sư Đoàn, Bác sĩ Đoàn… Các ngành nghề nhờ vậy mà đi vào ổn định, có kỷ cương và uy tín. Đoàn hoạt động theo Luật hành nghề KTS do Quốc hội  ban hành. Nhà thiết kế phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về hồ sơ thiết kế của mình.
KTS Đoàn Việt Nam (chủ yếu ở Sài Gòn) ra đời từ đầu các năm 1960, hoạt động đến năm 1974 qui tụ gần 200 người. Sinh viên tốt nghiệp ngành kiến trúc có giấy chứng nhận 2 năm tập sự ở một văn phòng thiết kế kiến trúc (tập sự trong thời gian theo học hoặc sau tốt nghiệp) được phép đăng ký gia nhập Đoàn, Hội đồng Đoàn xét và nhận, mới được cấp giấy phép làm nghề. Hội đồng Quốc gia KTS Đoàn là tổ chức cao nhất, được bầu ra trong một đại hội đoàn viên, với nhiệm kỳ 3 năm. Phụ trách Đoàn thường là những người có uy tín trong nghề chứ không phải là viên chức cao cấp Nhà nước. Hội đồng Đoàn thường triệu tập Hội đồng kỷ luật để cảnh cáo hoặc đề ra các biện pháp chế tài các sai phạm của đoàn viên. Do đó có lần một KTS ở Sài Gòn đã bị mất quyền hành nghề mấy năm do vi phạm quy định hành nghề vì đã ký quá nhiều bản thiết kế do người khác vẽ mà không kiểm tra kỹ (một dạng bán chữ ký).
KTS nước ngoài muốn hành nghề ở Việt Nam phải được Hội đồng Đoàn chấp nhận, và phải hợp tác với KTS trong nước để thiết kế. Đơn cử việc thiết kế Trường Đại học Y (do Mỹ viện trợ), một công trình lớn và hiện đại, kiến trúc sư Mỹ bắt buộc phải hợp tác với kiến trúc sư Việt Nam để thực hiện công trình đó.
Nghề kiến trúc ở miền Nam  trước 1975 do đó mà ổn định và có kỷ cương, sáng tạo được nhiều công trình đặc sắc và cho đến nay vẫn bền chắc.

Ga Hàng không Liên Khương – Thiết kế:KTS Lưu Hướng Dương – Giải Nhất Giải thưởng KTQG năm 2010

Ý kiến các KTS về khung pháp lý
KTS Trần Đình Quyền
(Thạc sĩ Khoa học Kiến trúc – Đại học Columbia, New York, đã  hành nghề từ 1964, từng là đoàn viên KTS Đoàn Việt Nam ở Sài Gòn)
“Bản thân tôi vẫn trăn trở khi nhận Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nhà nước 2002 với 2 tác phẩm công trình thiết kế trước 1975 (bệnh viện Thống Nhất và Đa khoa Huế). Tôi tự hỏi vì sao các công trình bệnh viện tôi thiết kế sau này, quy mô còn lớn và hiện đại hơn, với kinh nghiệm tích lũy nhiều hơn, trong điều kiện kỷ thuật vật tư phong phú hơn so với thời điểm trước 1975, nhưng tại sao chúng vẫn chưa vượt qua được về nhiều mặt so với các công trình trước đó ?
Phải chăng đó là do ngày nay điều kiện hạn chế hơn, không cho phép tôi được chủ động trong sáng tác, quyền tác giả không được tôn trọng. Cụ thể như quy định cấm người lập dự án (tác giả thiết kế cơ sở) không được triển khai thiết kế kỹ thuật (mâu thuẫn với Luật Tác quyền của ta), rồi lại quy định đấu thầu thiết kế (đối với một công việc nặng về sáng tác, mỹ thuật) thay vì thi chọn thiết kế.
Kiến trúc chưa được coi trọng, nhất là về mặt mỹ thuật… nên bị tùy tiện thay đổi thiết kế, bóp chết những ý đồ sáng tác, đường nét, màu sắc bị hy sinh, mất cả tính chuyên nghiệp.
Phải chấn chỉnh hoạt động của lực lượng KTS, hình thành cho bằng được tổ chức hoạt động nghề nghiệp KTS (Đoàn KTS Việt Nam) bảo đảm KTS hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, có đủ sức cạnh tranh với KTS nước ngoài, ít nhất trên đất nước mình.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, nếu không khai thông bế tắc hiện nay, không theo chuẩn mực chung của thế giới, mà vẫn duy trì các quy định kìm hãm tính sáng tạo, phát triển tay nghề trong lĩnh vực kiến trúc, tiếc là chúng ta tự trói tay ngăn cản mình không làm gì được tại nước ngoài và kìm hãm cả quyền sáng tạo ngay cả trên đất nước của mình!
Tôi dám khẳng định nếu có được điều kiện hành nghề như KTS các nước bạn (ít nhất là các nước trong khối ASEAN), chắc chắn KTS Việt Nam sẽ làm tốt hơn đồng nghiệp nước ngoài. Điều này đã được minh chứng qua các công trình xây dựng tại Sài Gòn trước đây, mà KTS Việt Nam đã làm được, trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với KTS, kỹ sư nước ngoài có nhiều tiền, thế lực hơn…”

KTS Christian Pedelahorede Loddis
(Nhà nghiên cứu và thiết kế kiến trúc Pháp, từng hoạt động nghề nghiệp ở Hà Nội)
“Kiến trúc đô thị Việt Nam yếu kém về quy hoạch chiều cao, nhà chia lô làm xấu đi bộ mặt đô thị, chung cư xuống cấp và Việt Nam nên nghiêm chỉnh gìn giữ bản sắc, sử dụng vật liệu địa phương, nhanh chóng hội nhập quốc tế, cần giao cho KTS vai trò chủ nhiệm đồ án.
Bộ mặt đô thị khó mà hoàn chỉnh nếu không có quy hoạch, định hướng và thể chế hóa. Dân số tăng nhanh ở đô thị, làn sóng nhà cao tầng nước ngoài tràn đến trong khi Việt Nam chưa sẵn sàng về luật pháp, thể chế… đang là những vấn đề lớn đặt ra cho nền kiến trúc Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa”.

 KTS Lawrie Wilson

(Australia, hoạt động nghề nghiệp ở Việt Nam)
“Đối với ngành kiến trúc, nếu chúng ta không làm bài bản và không có hệ thống thì chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta những công trình kiến trúc tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đang có”.

KTS Pierre Huyard
(Pháp, từng hành nghề ở TP.HCM)
 “Cần tạo ngay một khung pháp lý, với những điều khoản linh động, nhưng tuyệt đối nên tránh những khoản mập mờ khó hiểu trong các quyết định hành chính. Vai trò của Nhà nước là làm trọng tài. Muốn làm trọng tài, luật lệ cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và được mọi người chấp nhận. Điều này hiện nay Việt Nam chưa có.    
Tiếp đó là phải tạo những hành lang pháp lý để khiếu nại hoặc lên tiếng bên ngoài trong trường hợp có sự giải thích sai lệch hoặc cấm đoán không có cơ sở. Thách thức vào các năm tới là cần phải lập được một khung luật lệ,  đào tạo nhân sự phụ trách việc thi hành và xử lý các hồ sơ”.

KTS Toh Bin Hoo
(Singapore, từng hợp tác thiết kế ở Việt Nam)
“Các bạn đừng nghĩ KTS nước ngoài đến đây để cạnh tranh với các bạn. Phí xây dựng ở nước tôi cao hơn ở đây nhiều lần.Mong rằng các bạn chuẩn bị tinh thần tốt hơn để tiếp nhận những tri thức mới. Điều tôi muốn nói là phải tăng cường sự hiểu biết, sự hợp tác, để có được những công trình tốt, vì một nền kiến trúc phát triển.
…Ở Singapore, một KTS sau khi ra trường, muốn hành nghề trong một doanh nghiệp tư vấn phải trải qua một thời gian rất lâu, thời gian học nghề lên tới 3 năm mới được đi gặp khách hàng. Điều đó rất khác ở Việt Nam…”

KTS Nguyễn Hữu Thái

Nguồn: TCKT 02/2014