Nghĩ về Nghề và Nghiệp

Theo dòng chảy của thời gian, tôi may mắn trở thành một kiến trúc sư (KTS) có được 43 năm hoạt động với nghề (từ năm 1980 đến nay), kinh qua nhiều lĩnh vực: Từ thiết kế công trình (hơn 15 năm), tham gia lãnh đạo doanh nghiệp tư vấn xây dựng và điều hành dự án đầu tư tại một Doanh nghiệp Nhà nước hạng I chuyên kinh doanh – phát triển nhà (6 năm), quản lý nhà nước về quy hoạch – kiến trúc cấp phòng của một Sở chuyên ngành (15 năm). Sau ngày nghỉ hưu (từ năm 2017), tôi viết sách, báo chuyên về “quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt”, nhận thỉnh giảng một số chuyên đề liên quan đến “quy hoạch đô thị” tại một vài trường Đại học, hiện đang hoạt động hội nghề nghiệp và trở thành một chuyên gia phản biện độc lập… Trong các loại hình hoạt động (từ nói, viết, vẽ, tư duy ý tưởng đến hành nghề thiết kế), tôi đã gặt hái những thành công và không ít lần thất bại, vinh quang và cay đắng luôn đeo đuổi hành trang đam mê sáng tạo giữa dòng đời xuôi ngược. Nói vậy, để xác định bài viết này như một trải lòng, chia sẻ trách nhiệm về nghề và nghiệp, với tư cách một người trong cuộc…

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Sứ mệnh sáng tạo của KTS

Trong quá trình học tập tại trường Đại học Kiến trúc TP HCM từ sau ngày thống nhất (khoá 1975), tôi luôn được truyền đạt và thấm nhuần tư tưởng: “Sứ mệnh cao cả” của KTS là thiết kế xây dựng những công trình tô đẹp hình hài đất nước, tham gia xây dựng địa phương sau ngày hoà bình – Phải sống và làm việc như một nghĩa cử “trả nợ” Nhà nước đã bao cấp chi tiêu một thời sinh viên (ăn, ở, học tập, sách vở, ốm đau…), tuy không đầy đủ nhưng cũng “sống được” cho đến lúc thành nghề, ra trường với “Quyết định phân công” lên Lâm Đồng nhận việc.

Thời ấy là vậy, giờ nghĩ lại: Trong công việc, KTS được lãnh đạo đơn vị phân công, giao/nhận thiết kế theo năng lực và sở trường của mỗi người. Chúng tôi làm việc với nhau nhưng bạn bè/đồng nghiệp không mấy ai “ganh tỵ”, thậm chí còn nhiệt tình góp ý chuyên môn. Với tôi, lúc ấy (chưa Đoàn viên/Đảng viên), “sứ mệnh của KTS” được hiểu là tuân thủ tốt sự chỉ đạo của cấp trên; biết lĩnh hội ý kiến chuyên môn của một vài KTS đàn anh (từ miền Bắc chuyển vào) khi trình bày phương án trước “Hội đồng nội bộ” đã là giỏi. Trong chúng tôi, ít ai quan tâm tìm hiểu về Bản sắc văn hoá hay Vai trò của kiến trúc, khi mà nền kinh tế Địa phương đang ở mức thấp; các nhu cầu lương thực và nhu yếu phẩm hàng tháng chỉ được đáp ứng ở mức dưới trung bình; cuộc sống Cán bộ – Công nhân viên còn lo chạy vạy từng tấm áo, chén cơm thường nhật cho một gia đình trẻ… Vậy mà, KTS lại “vô tư” trong sáng tác, chú tâm vào công việc thiết kế với tất cả sự hiểu biết tự thân, không quản ngại thức xuyên đêm, bụng đói cầm hơi, chỉ để mong sớm có một “sản phẩm” tốt đưa vào xây dựng.

Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống, dù bản thân chưa hiểu thấu chuyện đời, kiến thức còn hạn hẹp, khái niệm “hành nghề” và “thu nhập” là chuyện xa vời, nhưng tôi và các bạn đồng nghiệp đã có một vài công trình góp mặt với đời. Kiến trúc thời đó được sinh ra, không phải là không có những công trình được lưu dấu đến ngày nay, khắc ghi một giai đoạn “không thể nào quên” trong chặng đường dài của lịch sử Hình thành và phát triển một đô thị. Nói ra, không phải để so sánh, bàn luận hơn/thua về giá trị nghệ thuật – Bởi nó được tồn tại và xã hội nhìn nhận, khác hẳn với mọi tiêu chí thời nay được các Hội đồng giải thưởng xếp hạng và trao giải. Nhìn lại những “bộ sưu tập” công trình kiến trúc, đồ án quy hoạch của Hội/Ngành địa phương và cả nước thời gian qua, có cảm tưởng như những người biên tập đã quên đi, hoặc xem nhẹ nhiều công trình của một thời “thiếu gạo, thừa khoai”, vị trí xa cách thủ đô và TP lớn.

Lại nhớ: Trước đây tôi có viết một bài “10 năm Kiến trúc Đà Lạt (1975 – 1985)” từ góc độ cá nhân, được đăng trên Tạp chí Kiến trúc, số tháng 3/1985 (hồi ấy Tạp chí in 3 tháng/1 số, luôn phát hành chậm, nhưng mua được nó “hơi bị hiếm”). Ngày nay, xã hội đã phát triển, quyền hành được phân cấp, thậm chí cấp huyện được phê duyệt dự án kiến trúc, đồ án quy hoạch chi tiết và cấp phép xây dựng công trình. Nhưng buồn thay, cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện/TP thuộc tỉnh nhiều nơi không hề có KTS, trình độ và kiến thức chuyên môn của cán bộ (từ thẩm định đến phê duyệt) vừa giới hạn, lại trái ngành… Thử hỏi ai và cơ quan nào quan tâm đến việc thống kê, điểm danh những công trình kiến trúc và đồ án quy hoạch “tiêu biểu” tại Địa phương trong mỗi chặng đường phát triển (10 năm, 20 năm…)? Nếu không có sự tuyển chọn từ cấp cơ sở (xã, huyện, TP), làm sao cấp vĩ mô (tỉnh, Trung ương) có thể tổng hợp, chọn lọc thành một bức tranh đặc sắc, đại diện cho toàn cảnh diện mạo kiến trúc Địa phương hay Quốc gia qua từng mốc thời gian của lịch sử; như: Đánh dấu chặng đường 75 năm hoạt động Hội KTS Việt Nam (1948 – 2023), 50 năm thống nhất Đất nước (1975 – 2025), 130 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt (1893 – 2023), tiến đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945 – 2045)… Tiếc rằng, một số Hội/Ngành thuộc lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật cũng chưa làm theo cách này!.

Hoạt động nghề nghiệp theo luật kiến trúc

Trong hành trình hoạt động với nghề, có hàng loạt những vấn đề tôi tự đặt ra để mong tìm lời giải đáp cho chính mình, nhưng phần lớn đều vô vọng: Trước KTS được đào tạo thiết kế cả công trình và quy hoạch; nay sinh viên kiến trúc học ngành quy hoạch riêng, điểm đầu vào thấp hơn và số năm học (4 năm) ít hơn ngành kiến trúc công trình (5 năm), nên không khó hiểu khi các sinh viên tự xếp loại “KTS công trình” giỏi hơn “KTS quy hoạch” (?). Vì sao chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch được cấp theo Luật Xây dựng, không cần tích điểm CPD; còn Luật Kiến trúc đánh đồng “hành nghề kiến trúc” (nói chung) với “hành nghề thiết kế công trình” (nói riêng), nên bất kể KTS thâm niên hay mới ra trường đều phải tích điểm CPD hàng năm hoặc chấp nhận “thi sát hạch” đầu vào mới được xem là có “phát triển nghề nghiệp liên tục” (?). Có phải “Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia” giá trị hơn “Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia”, trong khi một bên chỉ vinh danh, còn một bên được trao thưởng bằng tiền từ Ngân sách Nhà nước (?). Vì sao Giải thưởng “Sáng tác văn học nghệ thuật – về kiến trúc” cấp tỉnh không được tính điểm CPD (cho dù có thấp điểm hơn Giải thưởng Quốc gia), khi mà thành phần Hội đồng xét giải có mời cả Lãnh đạo Hội chuyên ngành Trung ương làm Chánh/Phó Chủ tịch Hội đồng (?). Viết sách, bài về chuyên đề quy hoạch, kiến trúc nhưng không đăng trên “tạp chí chuyên ngành kiến trúc” sao lại không được công nhận tính điểm CPD (?). Thật lạ, khi Hội đồng xét tuyển chuyên ngành xếp chung công trình “thời bao cấp” với công trình được giải thưởng Quốc gia và Quốc tế của “thời hội nhập” để bình xét “Giải thưởng Văn học Nghệ thuật cấp Nhà nước”(?),… Rất nhiều câu hỏi “Vì sao?” trong tôi còn bỏ ngỏ!.

Chúng ta thường viện dẫn “văn bản do Nhà nước quy định” và “Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành”…, nên khó sửa đổi hoặc vượt ngoài chức năng và thẩm quyền quy định. Nhưng Hội KTS – từ tỉnh đến Trung ương – cũng thật sự chưa thấu hiểu hết những rào cản, bất cập trong chặng đường hành nghề gian nan của KTS/Hội viên trong cả nước, khi Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống. Tôi đề xuất một số kiến nghị liên quan đến hành nghề của KTS, chủ yếu như sau:

(1) Ban hành Quy chế riêng về hoạt động hành nghề đối với các KTS lão thành, thâm niên công tác (đã nghỉ hưu). Bởi họ vẫn âm thầm hoạt động và yêu nghề, với các hình thức khác nhau, như: Thiết kế ý tưởng kiến trúc (concept) hoặc chủ trì ý tưởng quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, tham gia giảng dạy, viết sách/báo, hoạt động hội nghề nghiệp…, không nhất thiết là người trực tiếp thiết kế cho các đơn vị tư vấn như một nhân viên hợp đồng;

(2) Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cách phân loại và tính điểm CPD cho các loại hình hoạt động và người tham gia (trực tiếp/gián tiếp), theo phương châm “dễ hiểu, dễ làm, khách quan và thiết thực”, không xa rời các điều kiện thực tế của xã hội đương thời. Cụ thể là: Có bài tham luận chuyên đề/chuyên ngành được đăng vào Kỷ yếu tại các hội thảo khoa học từ cấp tỉnh trở lên (không nhất thiết được trình bày trực tiếp); tham gia giảng dạy tại các Khoa Quy hoạch, Kiến trúc (cơ hữu/thỉnh giảng, môn chính/ phụ, không phải là Đại học Kiến trúc và Xây dựng); bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho KTS (dù nơi tổ chức không quan tâm việc tích điểm CPD cho người giảng và người nghe); Viết sách – báo về đề tài có tính chuyên môn của nghề, không phân biệt đăng ở nhà xuất bản, tạp chí nào, báo giấy hay báo mạng (miễn là được Nhà nước cấp phép hoạt động xuất bản, truyền thông/báo chí);…

(3) Rà soát, đánh giá lại thực chất nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng nghề cho KTS chuyên hành nghề thiết kế (tích điểm CPD); kiểm tra kỹ năng sư phạm, trình độ và uy tín của người truyền đạt; cách tổ chức của các cơ sở có chức năng đào tạo và sát hạch (trực tiếp và trực tuyến); ưu tiên giảm/miễn chi phí cho Hội viên và người về hưu;

(4) Mở rộng, cần có sự tích hợp, đa dạng và thống nhất giữa hoạt động nghề nghiệp của KTS, phân chia theo từng đặc điểm hoạt động và tuổi đời/tuổi nghề có khác nhau (từ 60, 70 và sau 70 tuổi), không chỉ hành nghề kiến trúc công trình mà gộp cả hành nghề quy hoạch xây dựng…

Vai trò của kiến trúc trong một xã hội tăng trưởng

Khi một Đất nước/Địa phương phát triển, có nghĩa là nền kinh tế nơi đó tăng trưởng; đời sống và thu nhập của nhân dân được cải thiện; các tiện ích nhu cầu xã hội được đáp ứng tốt, ở cấp độ dân chủ và văn minh; trình độ dân trí được nâng cao, tiếp cận với các nền văn hoá và trào lưu của thời đại… Từ đây, xã hội cũng đòi hỏi sự sáng tạo kiến trúc phải nâng tầm giá trị trên nhiều mặt: Kiến thức, giải pháp, nghệ thuật, khoa học và công nghệ… trong xu hướng “toàn cầu hoá, cùng hội nhập và cùng phát triển”.

Trong các “điểm tương đồng” về lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, từng Quốc gia/lãnh thổ có nét đặc trưng kiến trúc riêng, kết tinh thành bản sắc văn hoá của Dân tộc/vùng miền – bởi kiến trúc từ ngàn xưa vốn có điểm mạnh là “hình tượng hoá” các giá trị “di sản văn hoá” qua từng thời đại. Khi nghệ thuật kiến trúc hướng đến một “thế giới phẳng”, thì nghề nghiệp của KTS càng đòi hỏi phải nhận thức và hiểu rõ “sự khác biệt” của bản sắc văn hoá kiến trúc từng vùng miền/Địa phương; từ đó nâng tầm và chọn lọc thành nét văn hoá đặc sắc của Quốc gia – không thể nhầm lẫn với các Quốc gia khác – để có thể trở thành đại diện tiêu biểu trong “bộ sưu tập” kiến trúc của châu lục, khi muốn nhận diện toàn cảnh giá trị di sản văn hoá nhân loại trên bình diện kiến trúc toàn cầu.

Tuy nhiên, “Vai trò kiến trúc trong một xã hội phát triển bền vững” được đặt ra và đến nay có nhiều vấn đề cần thảo luận để có tiếng nói chung – ít nhất với quan điểm của một tổ chức Hội chuyên ngành cấp Quốc gia. Tôi đưa ra một số tình huống sau:

(1) Về đơn vị tư vấn quy hoạch: Việc lập hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch được phép “chỉ định thầu”, trong khi các công đoạn lập quy hoạch xây dựng tiếp theo phải “đấu thầu năng lực”. Một khi hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt (tức “đề bài”, hay “đơn đặt hàng” của chủ đầu tư/địa phương) do một KTS có năng lực/trình độ thấp thực hiện; liệu đơn vị tư vấn có năng lực cao trúng thầu và KTS giỏi chủ trì thiết kế, có dẫn đến kết quả ra đời một đồ án quy hoạch đúng hướng, khả thi và có chất lượng khi phê duyệt – hoặc ngược lại, sau đó phải xin điều chỉnh hồ sơ Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, để thiết kế đồ án phù hợp, đảm bảo đúng quy trình, quy định (?).

(2) Về vai trò nhà đầu tư: Từ đồ án quy hoạch phân khu được duyệt, chính quyền sở tại ban hành chủ trương thu hút đầu tư, đầu thầu dự án một số khu chức năng, khu đô thị, công trình điểm nhấn… Nhà đầu tư được tuyển chọn sẽ lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư trình duyệt. Khi đối diện với “nhà đầu tư tiềm năng” về tài chính, kiến thức đầu tư, kinh nghiệm thương trường… và cả quyền lực (vô hình lẫn hữu hình) trong các mối quan hệ đan xen, liệu KTS/đơn vị tư vấn được chọn có hành nghề đúng thực tâm với “sứ mệnh sáng tạo” mà Đời đã trao tặng (?).

(3) Về tuyển chọn phương án kiến trúc: Việc thi tuyển phương án kiến trúc để mong tìm kiếm công trình tốt nhất là nguyên tắc tối thượng; nhưng trong phạm vi một địa phương, nếu các thành viên Hội đồng xét tuyển cứ lập lại “một nguyên mẫu”, tôi e rằng qua thời gian sẽ hình thành một tập quán, một xu hướng từ một vài cá nhân có vị trí mang tính quyết định. Đối với đơn vị/cá nhân dự thi, tôi được biết họ thường nhìn vào vị trí các thành viên Giám khảo quen thuộc, biết rõ phong cách chấm, để quyết định tham gia dự thi. Còn người dân và giới chuyên gia tại chỗ, là đối tượng thụ hưởng trực tiếp, không được tham gia ý kiến và cũng không biết rõ các phương án dự thi để so sánh với đồ án đoạt giải (do không được trưng bày công khai trước và sau khi tuyển chọn). Rồi từ phương án được chọn, quá trình triển khai thiết kế được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu (như: diện tích, công năng, tầng cao, tổng mức đầu tư…) với nhiều lý do “thuyết phục”. Đến khi “cộng đồng mạng” và giới chuyên môn góp ý “từ xa” (qua báo chí), giới hữu trách mới thật sự quan tâm rà soát, điều chỉnh. Không rõ, chủ trương này có làm “bà đỡ” cho KTS tài năng và làm tăng giá trị các đồ án/công trình kiến trúc đặc sắc (?).

(4) Về kiến tạo bản sắc văn hoá và kiến trúc: Qua khảo sát một số dự án lớn của các doanh  nghiệp “lắm tiền, nhiều của”, tại các vùng đô thị và nông thôn, phải nhìn nhận việc xuất hiện các công trình/khu vực chức năng với những tên gọi đa dạng (như: Khu đô thị phức hợp, khu du lịch canh nông, làng nông thôn trong đô thị, khu văn hoá đô thị, khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, kết hợp “bất động sản du lịch”…) đã làm nổi bật toàn cảnh kiến trúc công trình – với khối tích to lớn, kiểu dáng đồng loạt, tích hợp âm thanh, ánh sáng và sắc màu sinh động. Tự hỏi: Việc hình thành các mô hình vật chất của kiến trúc mới (một số nơi giống nhau, do một nhà đầu tư thực hiện theo mô hình mẫu) có tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thực chất đời sống xã hội của người dân địa phương và thu hút tăng cơ học về dân số lưu trú quy đổi (?)… Nếu đến Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang, Mũi Né – tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Hy – tỉnh Ninh Thuận, Nam Ban – tỉnh Lâm Đồng,… không làm mọi người nhớ đến ký ức, hoài niệm về lịch sử hình thành một đô thị, thì vai trò kiến trúc (đã, đang và sẽ xuất hiện) trong các đồ án được duyệt và cấp phép xây dựng, có góp phần tích cực vào lộ trình kiến tạo, phát triển bền vững bản sắc văn hoá của một vùng đất (?);

Những kiến nghị

Vẫn biết, sửa đổi hành lang pháp lý là một công việc khó khăn, nhưng trước hết, chúng ta có thật sự lắng nghe và quyết tâm kiến nghị; hay bản thân đang còn lưỡng lự với chính mình, trước những “đặc quyền riêng” và “lợi ích nhóm” mà vô tình hay hữu ý Luật đang mang lại (?). Tôi viết những dòng này, có thể “ai đó” khó chấp nhận, hoặc muốn lý giải nhiều điều, nhưng trong quá trình thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc và các văn bản dưới Luật có liên quan đến hoạt động nghề của KTS, cá nhân có quyền nhận định như vậy. Thông qua bài viết này, tôi muốn gửi ý kiến của một cử tri “trí thức – hưu trí” đến những người có trọng trách trong Quốc hội, để mong xem xét “điều chỉnh, bổ sung một số điều” của Luật Kiến trúc và các Luật khác có liên quan đến “quyền và lợi ích hợp pháp” của KTS – như các bộ Luật khác vẫn thường làm.

ThS. KTS Trần Đức Lộc
PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị tỉnh Lâm Đồng
(Bài viết được lấy từ Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội kiến trúc sư Việt Nam: Vai trò Kiến trúc với phát triển bền vững văn hoá – kinh tế – xã hội)