Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 04/2019/L-CTN ngày 27/6/2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Luật Kiến trúc được ban hành nhằm tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh quá trình phát triển, các hoạt động kiến trúc, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ KTS cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc và xây dựng đội ngũ KTS; phát huy đầy đủ vai trò của KTS, các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động kiến trúc; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Những vấn đề đặt ra trong Luật Kiến trúc
1. Một số điểm nổi bật trong Luật Kiến trúc 2019
Với 5 chương, 41 điều, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là về điều kiện hành nghề kiến trúc. Luật quy định cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, KTS hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Văn phòng KTS.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc theo quy định của luật gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
Luật cũng nghiêm cấm các hành vi: Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…
2. Những điểm cần làm rõ để Luật Kiến trúc thật sự đi vào cuộc sống
2.1- Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc
Tại khoản 1, Điều 5 quy định: “Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng”.
Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa với nhiều dân tộc khác nhau, do đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn (quy định tại khoản 2). Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc (khoản 3). Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia kể cả một số Đại biểu QH, cho rằng tại Điều 11: “Yêu cầu đối với công trình kiến trúc đô thị, nông thôn” tại điểm a, khoản 2 có nêu “Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và các giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến”. Nhưng trong Điều 3 “Giải thích từ ngữ” không có từ “Bản sắc văn hóa dân tộc”. Việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, trong Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, Luật đã quy định tại Điều 5 về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng:
- Bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý;
- Bổ sung một số quy định về bảo tồn, giữ gìn, khuyến khích kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc vào các quy định có liên quan trong Luật, như nguyên tắc hoạt động và yêu cầu quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn, Quy chế quản lý kiến trúc… Luật cũng đã quy định một số vấn đề có liên quan về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam đồng thời không làm hạn chế sự sáng tạo trong hành nghề kiến trúc của các KTS (như các Điều 4, Điều 11, Điều 14….).
2.2- Áp dụng mẫu thiết kế riêng cho khu vực thường xảy ra thiên tai
Điểm b, khoản 2 Điều 11 của Luật quy định: “Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”.
Tuy điều luật này mới chỉ mang tính chất khuyến khích nhưng cũng là tiền đề để các KTS, nhà quy hoạch nghiên cứu thiết kế các công trình phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai đem lại đối với cuộc sống của người dân.
2.3- Về Quy chế quản lý kiến trúc (Điều 14, Điều 15)
Một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, nhất là Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn, Quy chế quản lý kiến trúc chi tiết; quy định về hình thức văn bản của Quy chế; quy trình lập, thẩm định, lấy ý kiến về Quy chế; việc tổ chức thực hiện, rà soát, đánh giá thực hiện Quy chế.
Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là phù hợp và cần thiết để đáp ứng yêu cầu thiết kế kiến trúc, xây dựng, cải tạo, bảo vệ, giữ gìn, tu bổ, khai thác và sử dụng các công trình kiến trúc. Đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Quy chế quản lý kiến trúc còn là cơ sở để xác lập các chỉ tiêu cơ bản, đáp ứng yêu cầu quản lý kiến trúc và xây dựng, đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, cấp phép xây dựng, góp phần tạo lập môi trường đầu tư xây dựng thông thoáng, Luật đã bỏ quy định về Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn cấp xã, chỉ quy định một loại Quy chế quản lý kiến trúc. Đồng thời, các quy định về yêu cầu, nội dung, trách nhiệm của các cơ quan trong lập, thẩm định, ban hành, rà soát, đánh giá thực hiện, điều kiện và nguyên tắc điều chỉnh Quy chế quản lý kiến trúc đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 14 và 15 của Luật cho phù hợp quy định của pháp luật có liên quan. Để các công cụ quản lý nhà nước trong hoạt động kiến trúc bảo đảm rành mạch, tạo sự thống nhất, đồng bộ và khả thi trong các quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị và kiến trúc, thì tại Điều 39 của Luật đã bãi bỏ Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo quy định tại Điều 60 Luật Quy hoạch đô thị và thay thế bằng Quy chế quản lý kiến trúc.
Theo đó, Quy chế quản lý kiến trúc tập trung vào các quy định quản lý kiến trúc nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; định hướng phát triển kiến trúc, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương. Nội dung quản lý quy hoạch (như tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị…) đã ban hành trong quy định quản lý kèm theo Đồ án quy hoạch đã được phê duyệt sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; đối với Quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương cần phải quản lý đặc biệt về kiến trúc thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung và biện pháp thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc; hồ sơ, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, lấy ý kiến và công bố Quy chế quản lý kiến trúc cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước của từng thời kỳ (khoản 5 Điều 14).
2.4- Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc
Nếu như các hội đồng quốc gia khác được thành lập và duy trì hoạt động suốt đời thì Hội đồng tư vấn về kiến trúc chỉ được thành lập theo vụ việc, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 16 nêu rõ: ”Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng” và: “Thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người quyết định thành lập hội đồng về nội dung tham mưu, tư vấn của mình” ( khoản 4)
Theo quy định của Luật mặc dù chỉ là cơ quan tư vấn theo vụ việc cho Thủ tướng Chính phủ, nhưng Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia lại có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Luật đã quy định Hội đồng này chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí. Mô hình Hội đồng hoặc Ủy ban tư vấn về kiến trúc là khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Do đó, luật hóa Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia là phù hợp. Tương tự ở địa phương, Luật cũng đã quy định về Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh.
2.5- Nhiều công trình của địa phương phải tổ chức thi tuyển
Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Theo Điều 17, các công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:
- Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;
- Nhà ga đường sắt trung tâm tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và các tuyến đường chính.
Về việc tuyển chọn phương án kiến trúc có bản chất là chỉ định thầu cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc đã được pháp luật về đấu thầu điều chỉnh. Do đó, Luật đã bỏ quy định về hình thức tuyển chọn phương án kiến trúc. Để bảo đảm sự bình đẳng, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong quản lý hoạt động kiến trúc, Luật yêu cầu tất cả các công trình có ảnh hưởng đến diện mạo kiến trúc chung của khu vực, không phân biệt nguồn vốn thực hiện công trình đều phải thi tuyển phương án kiến trúc. Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định cụ thể hơn đối với công trình bắt buộc thi tuyển, hội đồng thi tuyển, tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển… cho đầy đủ, chặt chẽ hơn và giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.
2.6 – Ba đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn là 10 năm.
03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề
Để đảm bảo chất lượng của các công trình kiến trúc, Điều 21 của Luật chỉ rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể là cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và KTS hành nghề với tư cách cá nhân.
Với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với KTS hành nghề với tư cách cá nhân. Điều này cũng quá rõ và tạo nhiều điều kiện để KTS hành nghề, kể cả từng bước xã hội hóa giao việc cấp CCHN cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực của khá nhiều các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp CCHN, cần có giai đoạn quá độ trong việc chuyển giao nhiệm vụ này từ cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế trong Luật trước mắt giao UBND cấp tỉnh cấp CCHN (Điều 27) và thành lập Hội đồng xét cấp CCHN ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, chuyên gia (khoản 2, Điều 29).
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn, thu hồi CCHN, sát hạch để cấp CCHN kiến trúc, đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề… Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện hoạt động của các tổ chức này cho phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong từng trường hợp cụ thể (khoản 3 điều 23 và khoản 4 Điều 26).
Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm
Theo Điều 27, 28 chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:
- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;
- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;
- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Sau khi hết thời hạn, người này phải bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục và không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề được làm thủ tục gia hạn chứng chỉ.
Căn cứ tình hình thực tiễn của nước ta và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, vấn đề về điều kiện tham gia thiết kế kiến trúc để được cấp CCHN, nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc thời gian tập sự tối thiểu 03 năm đối với kỹ sư, cử nhân kiến trúc mới được xét cấp CCHN trở thành KTS hành nghề. Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định các trường hợp được xem xét miễn điều kiện trong cấp CCHN tại Điều 28. Theo đó, cá nhân có bề dày thời gian tham gia quản lý nhà nước, đào tạo về kiến trúc hoặc hành nghề kiến trúc liên tục thì được miễn điều kiện về sát hạch (khoản 3); cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc thì được miễn điều kiện về thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc (khoản 4).
Quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục, đạo đức nghề nghiệp là cần thiết, góp phần từng bước nâng cao chất lượng hành nghề của đội ngũ KTS hành nghề trong tình hình hiện nay và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của các quy định này trong quá trình thực hiện, Luật đã giao Chính phủ quy định thống nhất thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức liên quan đến quy định phát triển nghề nghiệp liên tục, quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề (Điều 22, Điều 23) và xác định đây là một trong những nội dung sát hạch để cấp CCHN (điểm d khoản 2 Điều 26), điều kiện để gia hạn CCHN (khoản 2 Điều 28), căn cứ để thu hồi CCHN (điểm c, khoản 1 Điều 30). Đồng thời, KTS hành nghề có nghĩa vụ tuân thủ những yêu cầu này trong quá trình hành nghề (khoản 2 Điều 32).
2.7- Tạo điều kiện cho người nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam- Điều 31
Nội dung này thể hiện khá rõ tinh thần của cơ chế mở cửa thị trường ở nước ta hiện nay. Rõ ràng, Luật đặt ra 02 điều kiện để người nước ngoài được hành nghề kiến trúc tại Việt Nam:
- Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi;
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề của Việt Nam.
Có thể thấy, các điều kiện này không có nhiều khác biệt so với KTS trong nước.
2.8- Về Văn phòng KTS tại Điều 33 trong Luật:
Có ý kiến cho rằng không nhất thiết quy định Văn phòng KTS trong dự thảo Luật vì cho rằng đây chỉ là tên gọi của tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ kiến trúc. Theo pháp luật hiện hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ kiến trúc hoàn toàn có thể được thành lập, đặt tên gọi và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, để quy định về mô hình dịch vụ kinh doanh mới cần có sự đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực tiễn về hoạt động và tác động chính sách khi quy định về mô hình này. Tuy nhiên, Luật đã quy định mô hình Văn phòng KTS tại Điều 33, bởi thực tế đang tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của KTS. Giới KTS Việt Nam đề nghị có quy định về Văn phòng KTS trong Luật nhằm cổ vũ tinh thần và động lực sáng tạo cho KTS hành nghề. Do đó, để tạo tâm lý bình đẳng trong hợp tác, hội nhập với các nước thì quy định về Văn phòng kiến trúc sư trong Luật là thật sự cần thiết.
Ths. KTS Trịnh Ngọc Phương – ĐBQH khoá XIV
Ths. Đinh Thuỳ Trâm – Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)
Tài liệu tham khảo:
- Luật Kiến trúc (2019);
- Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH;
- Những nội dung chính của Luật Kiến trúc – Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.