Shingeru Ban – Một tâm hồn kiến trúc đầy nhân ái

“Các KTS chủ yếu làm việc cho những người có đặc quyền, những người có tiền và quyền lực. Quyền lực và tiền bạc là vô hình, vì vậy mọi người thuê chúng tôi để hình dung sức mạnh và tiền bạc của họ bằng cách tạo ra những công trình kiến trúc hoành tráng. Tôi cũng thích tạo ra những thứ ấy, nhưng tôi nghĩ có lẽ chúng ta có thể sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của mình cho công chúng, với những người đã mất nhà cửa trong thiên tai”Shigeru Ban.

KTS Shigeru Ban

  • Sinh ngày 05/8/1957 tại Tokyo, Nhật Bản.
  • Năm 1977 – 1980, ông học kiến trúc tại Học viện Kiến trúc Nam California,
  • Mỹ, sau đó theo học trường kiến trúc Cooper Union.
  • Năm 1982 – 1983, ông bắt đầu sự nghiệp tại xưởng kiến trúc của KTS. Arata Isozaki.
  • Năm 1985, ông thành lập văn phòng kiến trúc của riêng mình tại Tokyo. Hiện tại, ông có các văn phòng thiết kế đặt tại Tokyo, New York và Paris.
  • Shigeru Ban được trao Giải thưởng Pritzker năm 2014.

Nhận giải Pritzker lần thứ 37 vào năm 2014, Shigeru Ban được vinh danh vì đã sử dụng sáng tạo các vật liệu và sự cống hiến cho các nỗ lực nhân đạo trên khắp thế giới. Với Hội đồng giám khảo giải Pritzker, Shigeru Ban thực sự là “Một người truyền nghề tận tụy, không chỉ là một tấm gương cho thế hệ trẻ mà còn là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người”. Trong bài viết đầy trân trọng này về Shigeru Ban, chúng tôi cố gắng mô tả một cách chân thật và dung dị nhất về ông, như lời cảm ơn gửi tới một KTS lớn có tấm lòng nhân ái cao cả luôn hướng đến cộng đồng.

Shigeru Ban – Sự dấn thân trong hoạt động vì cộng đồng

Trong thời gian học kiến trúc tại Mỹ và sau khi tốt nghiệp, Shigeru Ban luôn trăn trở một câu hỏi lớn: Tại sao giới KTS thường không được tôn trọng tại Nhật? Ngoài lí do ngành nghề này có lịch sử ngắn ngủi ở Nhật, liệu có hay không một lí do khác như người ta thường nghĩ rằng KTS thường đòi hỏi chi phí cao và cố gắng sáng tạo ra những ngôi nhà khác thường để thu hút sự chú ý cho bản thân?

Trong quá khứ, KTS thường làm việc cho những người có quyền hành, như vua chúa hay các nhóm tôn giáo. Khi trở thành KTS, Shigeru Ban đã khá thất vọng khi hiện trạng đó gần như không thay đổi. Ông cho rằng, nếu như so sánh với những nghề như bác sĩ, giáo viên hay một số ngành nghề khác – những nghề thường hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn – thì KTS lại rất hiếm khi góp mặt trong các hoạt động vì cộng đồng/xã hội bằng kĩ năng nghề của mình. Vậy nên, nếu KTS có thể đóng góp cho xã hội bằng thiết kế của mình thì sẽ thật tuyệt vời, thay vì chỉ xây nên các tòa nhà lớn, những tượng đài cho đô thị và giúp các nhà đầu tư kiếm tiền từ xã hội.

Theo Shigeru Ban, các KTS thậm chí càng cần có trách nhiệm lớn hơn đối với người dân ở những vùng bị thảm họa, bởi vì đôi khi người dân không mất vì động đất mà vì những tòa nhà do các KTS thiết kế sụp đổ lên đầu họ khi sự cố xảy ra. Là con người có tâm hồn thấu cảm, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của những con người tuyệt vọng khốn khổ, Shigeru Ban nhận thấy sự thôi thúc nội tại phải vận dụng kiến thức, sự nhạy bén trực giác trong quan sát, xử lý để giải quyết những khó khăn cho đồng loại dưới góc độ chuyên môn của một nhà thiết kế.

Sau khi thấy những hình ảnh kinh hoàng về người tị nạn ở Rwanda năm 1994, Shigeru Ban nhận ra phần lớn các quốc gia châu Phi có khí hậu nhiệt đới, nhưng Liên Hợp Quốc lại viện trợ cho họ những tấm nhựa mỏng không đủ giữ ấm vào mùa mưa. Ngoài ra, các giải pháp của Liên Hợp Quốc đưa ra đã khiến vấn đề phá rừng trầm trọng hơn vì hơn 2 triệu người tị nạn đã phải chặt cây để gia cố cho mái nhà nhựa của họ. Để khắc phục tình trạng này, Liên Hợp Quốc cung cấp các ống nhôm thay cho cây, nhưng người tị nạn vì khó khăn lại bán chúng để lấy tiền. Shigeru Ban đã liên lạc với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và quyết tâm gia cố chỗ ở cho người dân với đề xuất dùng ống giấy thay vì ống nhôm, ông đã đi khắp nơi trên thế giới để giúp đỡ những người dân chịu ảnh hưởng từ thiên tai hay chiến tranh bằng các thiết kế đầy nhân văn của chính mình.

Trong thời gian đầu, Shigeru Ban tự mình vượt mọi khó khăn đến các vùng thảm họa mà ông biết được. Song, việc ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ, người dân đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, họ không thật sự tin vào các giải pháp của ông đề xuất. Tại khu vực động đất lớn Hanshin ở Kobe năm 1995, Shigeru Ban đã phải trở đi, trở lại nhiều lần để thuyết phục được các mục sư xây lại nhà thờ đã sập bằng những ống giấy. Với tinh thần làm việc nghiêm túc và các giải pháp giản dị song khả thi của mình, ông dần nhận được sự tin tưởng của người dân. Sau này, dường như ông không còn cần tìm đến những nơi có thảm họa nữa, mà chính các vùng thảm họa tự tìm đến ông. Mỗi khi thảm họa xảy ra, Shigeru Ban nhận được rất nhiều email và fax nhờ giúp đỡ. Với Shigeru Ban lúc này, việc lựa chọn khu vực nào trong số nhiều nơi đang bị thiên tai khẩn cấp hơn để đến trước cũng thực sự trở thành một việc không dễ dàng. Ví dụ như, khi động đất xảy ra ở Gujarat, Ấn Độ năm 2001, ông nhận được fax từ một phụ nữ làm bảo tồn nghề làm giấy thủ công truyền thống từ một ngôi làng. Bà biết về các công trình giấy của ông nên đề nghị được giúp thiết kế một loại nhà ở tị nạn và sẽ tự lo tài chính cho dự án, trong khi một công ty xây dựng địa phương sẽ thực hiện thi công nhanh chóng các thiết kế của ông.

Hình 3 – Nhà thờ sau thảm họa động đất tại Christchurch, New Zealand

Các công trình phục vụ người dân sau thảm họa của Shigeru Ban đã được dựng lên khắp thế giới, từ Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines ở châu Á cho tới Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand ở những phương xa… Ông đi nhiều và làm nhiều vì cộng đồng đến nỗi từng thú nhận dí dỏm trên tạp chí The Wall Street: “Có lẽ nhà của tôi là trên máy bay”. Không chỉ thiết kế các công trình nhà ở tạm thời hay các công trình trú ẩn, ông còn thiết kế cả những công trình công cộng giản dị và hợp lý để thay thế cho các công trình bị phá hủy bởi động đất, bão, lũ, với mong muốn phần nào giúp xoa dịu nỗi đau trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Những công trình ấy có thể là nhà thờ, trường học, nhà hát, phòng hòa nhạc hay trung tâm nghệ thuật,…

Hình 4 – Trường tiểu học sau thảm họa động đất tại Thành Đô, Trung Quốc

Nhiệt huyết của Shigeru Ban thực sự truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trao đi những suy nghĩ sáng tạo đầy tâm huyết, ông thường xuyên nhận lại được sự giúp đỡ tình nguyện và chân thành từ người dân địa phương, các tổ chức, Chính phủ, các thế hệ thanh niên tình nguyện. Tại Kobe, nhà thờ ông xây được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chi phí vật liệu, cấu trúc kết cấu, còn sinh viên tình nguyện đã giúp xây dựng công trình. Ở Ấn Độ, sinh viên và các tổ chức phi chính phủ cũng ra sức giúp đỡ ông. Sau trận động đất Izmit năm 1992 ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông cũng đã được các sinh viên trường Đại học Công nghệ Istanbul nhiệt tình tham gia hỗ trợ dự án.

Những người đã tự thân chọn lựa cho mình một trách nhiệm, hay cao cả hơn là một sứ mệnh, cuộc đời không tránh khỏi có những khúc quanh, những chỗ gập ghềnh, thử thách. Với Shigeru Ban, những thử thách chuyên môn chưa bao giờ làm khó ông, song những nghi kỵ, soi xét của chính đồng loại cũng đôi lúc làm ông trăn trở, ưu tư. Nhiều lúc, ông phải chịu đựng những ý kiến trái chiều, những lời phê phán, thậm chí công kích khi người ta cho rằng ông đã lợi dụng những dự án thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi của mình, để trở nên nổi tiếng và từ đó được tiếp cận với nhiều dự án khác hơn. Shigeru Ban đã luôn chứng minh không hề có sự khác biệt nào trong cách tiếp cận và làm việc giữa một nhiệm vụ thiết kế nhà ở thông thường hay dự án cứu trợ thiên tai. Ông cho rằng mình đã may mắn được các cộng sự hỗ trợ rất nhiều trong công việc, nên càng cần dành nhiều thời gian hơn cho các dự án thiện nguyện với tâm nguyện mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Hình 5 – Shigeru Ban trực tiếp tham gia lắp dựng nhà ở cho người dân chịu ảnh hưởng bởi thảm họa động đất Haiti năm 2010

Giấy và các vật liệu từ đời sống được chuyển đổi chức năng

Trong khi các KTS luôn tìm cách phát triển những thiết kế tích hợp các công nghệ ngày càng cao hơn, đòi hỏi những vật liệu cao cấp hoặc khó chế tạo hơn, thì Shigeru Ban lại tập trung nghiên cứu những nguyên liệu thô sơ và những vật liệu xung quanh. Niềm đam mê với đồ thủ công và ghét sự ô nhiễm là nền tảng hình thành những nguyên tắc thiết kế của Shigeru Ban. Ông cho hay đây là nét ảnh hưởng đến từ cả bố và mẹ mình. Theo ông, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những vật liệu đơn giản, thô sơ, dễ tái tạo… để xây dựng công trình với giá trị và chức năng mới. Đó không phải là phát minh ra cái gì mới, mà chỉ sử dụng những thứ có sẵn xung quanh theo một cách thức khác là đưa chúng vào trong cấu trúc công trình.

“Ngay cả một ngôi nhà làm từ giấy cũng có thể trường tồn, nếu người ta yêu mến nó. Và ngay cả một ngôi nhà bê tông cốt thép cũng có thể chỉ là một thứ tạm bợ, như những gì chúng ta đã thấy trong các trận động đất”

Lý do khiến Shigeru Ban tìm đến với vật liệu giấy để sáng tạo vì đó là vật liệu dễ kiếm và giá thành rẻ. Thường xuyên làm việc tại những vùng thảm họa, ông thấm thía tầm quan trọng của chi phí cho vật liệu hơn bao giờ hết. Sau thảm họa, tất cả các vật liệu xây dựng đều thiếu thốn và tăng giá. Người dân lúc này đã mất rất nhiều tài sản nên không đủ khả năng mua những vật liệu đắt tiền, trong khi đó, các ống giấy và bìa lại rất rẻ và dễ sản xuất. Shigeru Ban không gọi những ống giấy là vật liệu xây dựng, bởi theo ông, chúng ta có thể kiếm nó ở bất cứ đâu, nó thực ra là vật liệu đã được chuyển đổi chức năng.

Một trận động đất lớn đã tàn phá Kobe, Nhật Bản vào năm 1994. Shigeru Ban đã tạo ra những nơi trú ẩn tạm thời rất rẻ và dễ lắp dựng, dễ mở rộng qui mô với sự tham gia của cộng đồng. Các mô-đun 16 mét vuông có ống giấy làm khung tường, với khoảng trống thông gió nhỏ giữa các không gian có thể được dán lên để bảo vệ sự riêng tư. Màn mái được làm từ vật liệu không thấm nước, trong khi nền bao gồm các thùng bia có chèn túi cát. Hay sau trận động đất kèm theo sóng thần tấn công bờ biển Đông Bắc Nhật Bản năm 2011, những ống giấy cứng cáp đã được sử dụng để làm khung màn, phân chia không gian sinh hoạt cho các hộ gia đình bên trong trung tâm sơ tán sau thảm họa.

Hình 8 – Trại trú ẩn Kobe, 1994

Không chỉ sử dụng giấy làm cột và tường trong những công trình nhà cứu trợ quy mô nhỏ, Shigeru Ban còn sử dụng các ống giấy vào những kết cấu phức tạp hoặc những kết cấu vượt khẩu độ như giàn không gian, kết hợp giấy với gỗ và kính trong kết cấu ở những thiết kế tưởng chừng như bất khả thi. Ông thực sự đã cố gắng thử thách và vượt mọi giới hạn về tiềm năng kiến trúc và kết cấu của vật liệu giấy. Năm 2000, Shigeru Ban hợp tác cùng Frei Otto tạo ra mái vòm khổng lồ dài hơn 35m với kết cấu giấy và gỗ cho gian triển lãm của Nhật Bản tại Expo Hannover 2000. Cùng năm đó, ông cũng dựng một mái vòm khác ngoài trời trong Bảo tàng nghệ thuật hiện đại tại New York hoàn toàn bằng kết cấu bìa và giấy. Nhà thờ Christchurch tại New Zealand cũng là một minh chứng ông tạo ra cho thấy giấy và bìa có thể hoàn toàn được dùng triển khai kết cấu cho những không gian lớn.

Hình 9 – Japan Pavilio, Expo 2000 Hannover.
Hình 10 – Centre Pompidou tại Metz, Pháp, 2010

Nổi tiếng với việc sử dụng giấy, nhưng ít người biết rằng Shigeru Ban luôn cố gắng trăn trở tìm tòi sáng tạo trên hàng loạt các vật liệu rẻ tiền hoặc tái chế khác như: Vật liệu bao bì đóng gói, két nước giải khát, màn kim loại, vải, nhựa, arcrylic, tre ép, gỗ (không có đinh hay kết nối kim loại), sợi carbon, rèm cửa, vật liệu tổng hợp, sợi tái chế hoặc sử dụng cả các thùng container cũ như ở dự án tại Onagawa sau trận động đất năm 2011. Hiện nay, ông thậm chí còn đang nghiên cứu dựng nhà từ cát ở Dubai.

Phối trộn kinh nghiệm bản địa và tính nhân văn

“Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên bởi những người thợ thủ công địa phương. Kỹ năng thủ công và vật liệu truyền thống thường đem lại cho tôi nhiều cảm xúc để đem chúng vào trong thiết kế của mình”

Khi làm việc tại Philipine sau cơn bão lũ Haiyan lịch sử, Shigeru Ban cố gắng tạo nên những ngôi nhà cho người dân bằng cách phối hợp kĩ thuật của mình với các kĩ thuật sử dụng tre của người dân bản địa. Tre luôn là vật liệu khó có thể đáp ứng được những yêu cầu về kết cấu trong xây dựng hiện đại, nhưng bằng cách sử dụng các công nghệ bản xứ, người Phillipines đã rất thành công và khiến Shigeru Ban bị thuyết phục. Ông cố gắng kết hợp những ống giấy với vách tre, tạo nên những nơi trú ẩn tạm thời cho các nạn nhân của cơn bão Haiyan. Sản phẩm tạo ra chính là những ngôi nhà với cấu trúc tổng hợp từ những vật liệu rất đặc biệt: Khung xương bằng ống giấy, tường phên tre, mái lá cọ lót bạt, sàn bằng gỗ tái chế, và nền móng từ những thùng bìa và nước ngọt bằng nhựa đựng túi cát.

Hình 11 – Nhà làm từ ống bìa và tre, Philipines

“Việc tôn trọng nhà ở truyền thống của người bản địa là tối quan trọng”, Shigeru Ban nói trên tạp chí Financial Times. Tại Nepal, ông nghiên cứu những ngôi nhà đã đứng vững sau động đất, để rồi tìm ra rằng rất nhiều trong số chúng sống sót do đã sử dụng các khung gỗ ăn sâu trong tường chứ không phải bê tông. Dựa trên các nghiên cứu đó, ông đề xuất một mẫu nhà tạm trú mới với những bức tường được dựng lên từ các mô đun khung gỗ đã được kiểm tra tại Nhật Bản về sức đề kháng địa chấn. Giữa các khung này được lấp đầy bằng gạch cũ lấy từ đống đổ nát sau trận động đất, sau đó ông sử dụng các ống giấy làm khung mái để giảm tải trọng từ mái cho các bức tường. Với kỹ thuật này, những ngôi nhà Nepal vừa giản dị, vừa dễ xây dựng, có chi phí thấp và thích dụng đã ra đời, được người dân địa phương trân trọng, thích nghi và đánh giá cao.

Hình 12 – Nhà ở chống chịu động đất ở Nepal của KTS. Shigeru Ban sử dụng gỗ, gạch và ống bìa

Sau sự tàn phá do sóng thần năm 2004 gây ra cho làng chài Hồi giáo trong khu vực Tissamaharama, bờ biển phía Đông Nam của Sri Lanka, Shigeru Ban đã thiết kế mẫu nhà điển hình thuộc dự án cung cấp 100 ngôi nhà cho cộng đồng địa phương, có thể được xây dựng với chi phí thấp bằng cách sử dụng vật liệu địa phương và đặc biệt phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Ông quan niệm phải thích nghi nhà cửa với khí hậu, sử dụng lao động địa phương và vật liệu để tối ưu hóa chi phí và đáp ứng các yêu cầu của người dân trong thôn thông qua tham vấn trực tiếp. Shigeru Ban đã sử dụng gỗ cao su địa phương cho các vách ngăn và phụ kiện, và các khối đất nén cho tường. Sử dụng lao động địa phương cũng được Shigeru Ban ưu tiên, vì hơn ai hết ông hiểu tầm quan trọng của những kĩ thuật và kinh nghiệm bản địa của các thợ thủ công địa phương.

Hình 13 & 14- Mẫu nhà dành cho cộng đồng Hồi giáo chịu ảnh hưởng bởi sóng thần tại Sri Lanka, KTS. Shigeru Ban

Bền vững: Sự tồn tại vĩnh cửu

Mặc dù nhiều lần phủ nhận việc mình theo đuổi kiến trúc xanh, song các thiết kế của Shigeru Ban lại luôn được đánh giá là những kiến trúc xanh và bền vững nhất thời đại. Có thể nói, “Xanh” đã đến với Shigeru Ban một cách rất tự nhiên từ chính đam mê của ông. Kiến trúc “tiết kiệm” của ông thực sự đã phát triển từ sự cộng hưởng của chủ nghĩa thắt lưng buộc bụng, chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa tái chế, chứ không hẳn từ động lực môi trường.
Nói như vậy không có nghĩa Shigeru Ban phủ nhận kiến trúc xanh, chỉ là ông cho rằng cần tiếp cận kiến trúc xanh một cách tự nhiên, như một yêu cầu căn bản của kiến trúc chứ không phải chạy theo xu thế hay trào lưu. Dù làm cách này hay cách khác, hình thức có thể khác nhau nhưng ý tưởng luôn luôn là khai thác đặc điểm của vật liệu để tận dụng và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.

Hình 15 – Biệt thự tại Hanegi tôn trọng tối đa cây xanh sẵn có

Shigeru Ban đóng góp nhiều quan điểm khá quan trọng trong kiến trúc bền vững, ví dụ như quan điểm về tính cố định và tạm thời, sự tái chế và tái sử dụng. Nhiều người cho rằng những cấu trúc từ giấy của ông chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, nhà thờ Kobe do ông thiết kế đã tồn tại đến 11 năm trước khi được chuyển giao cho một vùng thảm họa khác ở Đài Loan để đóng vai trò là một trung tâm cộng đồng. Khái niệm về sự vĩnh cửu và tạm thời của công trình – đối với Shigeru Ban là thứ KTS không quyết định được khi thiết kế. Khi thảm họa xảy ra, không một công trình nào có thể coi là vĩnh cửu, dù có được xây cực kì kiến cố vẫn có thể sụp đổ sau một trận động đất hay sóng thần. Khái niệm về sự vĩnh cửu cần được xem xét lại, không phải bởi sự tồn tại với thời gian mà dưới góc độ của mục đích sử dụng lâu dài hay không. Nếu như các công trình bê tông được xây nên chủ yếu với mục đích vì lợi nhuận, thì chúng sẽ luôn chỉ là công trình tạm thời, vì sớm muộn cũng bị đập bỏ bởi một chủ đầu tư khác để xây một công trình mới có khả năng sinh lợi cao hơn. “Đó thực sự là một sự lãng phí” – Shigeru Ban bày tỏ quan điểm trên Iconeye.

Hình 16- Art Museum, Aspen, Mỹ

Một ví dụ khác, các không gian kiến trúc rất lớn và hoành tráng như các gian triển lãm tại một kỳ Expo nào đó chỉ tồn tại trong nửa năm, sau đó bị tháo dỡ và tạo ra rất nhiều rác thải công nghiệp. Mục tiêu của Shigeru Ban không phải là chỉ là hoàn thành tòa nhà, mà còn là sử dụng nó như nào khi được tháo dỡ. Vì vậy, ông cẩn thận lựa chọn vật liệu và phương pháp xây dựng để tái chế hoặc tái sử dụng vật liệu xây dựng sau khi nó được tháo dỡ. Điểm chung giữa các công trình của Shigeru Ban chính là sự tổng hòa một cách hiệu quả và hợp lý các vật liệu tái chế để tạo nên công trình, sau đó, có thể dễ dàng tháo dỡ và tái sử dụng. Sự tạm thời được chuyển hóa thật hiệu quả và tiết kiệm, có thể sử dụng liên tiếp cho đến hết vòng đời của vật liệu. Phương thức này làm cho vật liệu tiệm cận với khái niệm tồn tại vĩnh cửu của Shigeru Ban. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng mà kiến trúc xanh luôn hướng tới để đạt được sự bền vững.

Thay lời Kết…

Sự đánh mất văn hoá, tinh thần và tính nhân bản trong những thành phố thế kỷ 20 đã tạo ra môi trường sống với những vấn đề nội tại bẩm sinh – xa lạ với bản chất con người: Sự hãnh tiến, tiêu thụ năng lượng thái quá, ô nhiễm, tội phạm, nhiều người nghèo đô thị hơn. Trong bối cảnh này, KTS với trách nhiệm nghề nghiệp và sự tự dấn thân vào những thử thách vừa chuyên môn vừa xã hội, đã và sẽ góp phần làm cho kiến trúc nhân văn hơn, làm thế giới này đẹp đẽ hơn.

“Tôi vẫn chưa đạt được thành tựu xứng đáng, tuy nhiên tôi sẽ lấy giải thưởng này làm nguồn khích lệ cho các dự án tương lai của mình” – Shigeru vẫn nói rằng ông cảm thấy mình chưa xứng đáng nhận Giải thưởng Pritzker. Shigeru Ban xứng đáng được tôn vinh không chỉ bởi tài năng chuyên môn, mà còn bởi sự dấn thân cao cả trong sứ mệnh đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Shigeru Ban có một tâm hồn kiến trúc đầy nhân ái!


Không chỉ nổi tiếng với các công trình lớn trên thế giới, Shigeru Ban còn được biết đến là một KTS vị nhân sinh khi phần lớn các công trình của ông thiết kế đều hướng đến cộng đồng, đặc biệt cho nạn nhân ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.Trong bối cảnh Việt Nam đang phải gồng mình ứng phó với việc khắc phục hậu quả từ thiên tai bão lũ, với mong muốn truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần vì cộng đồng qua những công trình kiến trúc độc đáo của Shigeru Ban, TOTO tổ chức sự kiện “Kiến trúc và hoạt động vị nhân sinh” với mong muốn được đóng góp và khơi gợi những ý tưởng kiến trúc nhằm cải thiện cuộc sống của những người dân chịu ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta lắng nghe những chia sẻ từ Shigeru Ban trong lần đầu tiên ông đến Việt Nam.

Tại sự kiện, KTS. Shigeru Ban cũng sẽ trao giải thưởng cuộc thi Thiết Kế Kiến Trúc – Giải Pháp Nhà Ở Cho Vùng Thiên Tai cho các sinh viên Việt Nam.

Thông tin về chương trình “Kiến trúc và hoạt động vị nhân sinh”:

  • Đơn vị tổ chức: TOTO Việt Nam và TOTO Gallery MA
  • Đơn vị bảo trợ: Hội KTS Việt Nam
  • Đơn vị phối hợp: CLB KTS trẻ Việt Nam
  • Thời gian: 17g30 – 21g, ngày 02/12/2017
  • Địa điểm: Gem Center, TP. Hồ Chí Minh

TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân
ThS.KTS. Hồ Phương Thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)

Tài liệu tham khảo:

  1. Judith Benhamou-Huet, 2009, Shigeru Ban, Interview Magazine
  2. Dana Goodyear, 2014, Paper Palaces, The New Yorker.
  3. Julian Worrall, 2017, The good architect: Shigeru Ban, Architecture Australia Magazine
  4. Lee Ji Choi, 2009, Interview with Shigeru Ban, Designboom Magazine
  5. Marcus Fairs, 2014, Architectural culture is “moving in two directions”, Dezeen Magazine.
  6. AD Editorial Team, 2014, The Humanitarian Works of Shigeru Ban, Archdaily Magazine
  7. Julie Iovine, 2011, 60 Seconds With: Architect Shigeru Ban, The World Street Journal.
  8. John Hill, 2014, The Materials of Shigeru Ban, World-Architects
  9. Caroline Meathrel-Mack, 2015, Shigeru Ban – Rebuilding Lives Through Architecture, Design Made in Japan
  10. Nguyễn Hồng Thục – Trần Thiên Hương, 2017, Kiến trúc vì con người – Đề cao trách nhiệm xã hội, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.