Toạ đàm Quy hoạch và kiến trúc trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội

Ngày 29/9/15, tại Hội trường Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội 19 Hàng Buồm, Hội KTS Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm Quy hoạch và kiến trúc trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội. Đây là buổi sinh hoạt chuyên môn triển khai kế hoạch công tác năm 2015 và Hướng tới ĐH Hội KTS Hà Nội lần thứ VI nhằm giúp anh chị em KTS cập nhật Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, và trao đổi về những yêu cầu cần thiết xung quanh chương trình này.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội được Chính phủ triển khai từ năm 2009. Qua 6 năm thực hiện, chương trình đã bước đầu đạt được những kết quả, thay đổi diện mạo nông thôn từ sản xuất đến phát triển kinh tế, theo 19 tiêu chí đã được xây dựng. Theo KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội: “Xây dựng nông thôn mới là một chương trình công tác rộng lớn, làm thay đổi gương mặt nông thôn đất nước. Từ năm 2008, địa giới hành chính Hà Nội mở rộng, bao gồm thêm nhiều vùng nông nghiệp đa dạng, sẽ được phát triển theo định hướng của Quy hoạch chung TP phê duyệt năm 2011. Rất nhiều anh chị em KTS, nhất là anh chị em KTS quy hoạch và cả KTS công trình đang thực sự trăn trở với chương trình công tác này.”

Bởi lẽ, sau 6 năm triển khai (2009-2015), thực tế tại nông thôn đã cho thấy nhiều bất cập, nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bao gồm các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc. Đó cũng là điều băn khoăn của ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội khi chia sẻ với các đại biểu tại cuộc Tọa đàm: “Chủ trương xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, khi triển khai thực hiện trong thời gian qua, đã có nhiều tác động đến bộ mặt nông thôn, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí ngay cả các tiêu chí cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn mới phù hợp với thực tế đời sống hiện nay”. Có một thực tế ở nông thôn hiện nay theo sở thích của từng hộ gia đình, có nhiều vùng nông thôn của miền xuôi cũng như miền núi đều lấy nguyên mẫu nhà chia lô ở đô thị, tình trạng phá bỏ nhà truyền thống để xây nhà ống khá phổ biến, bê tông hóa đường làng không đồng bộ với hệ thống thoát nước, kỹ thuật….gây tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho làng xã. Thử tìm nguyên nhân cho tình trạng này, KTS Nguyễn Minh Dục nhận xét: “Trên cơ sở những tiêu chí xây dựng nông thôn mới của CP đã được ban hành, các xã đã giao các đơn vị tư vấn kiến trúc xây dựng lập đồ án quy hoạch, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các KTS đa phần xuất thân nông thôn nhưng am hiểu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn rất hạn chế nên công tác tư vấn quy hoạch còn nhiều lung túng, bất cập…”.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm rất đồng tình với kết quả nghiên cứu của TS.KTS Ngô Doãn Đức, Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, ông đã đánh giá tổng kết giai đoạn xây dựng phát triển nông thôn mới từ năm 2009 đến nay với những kết quả: Tạo bộ mặt làng, xã khang trang, nhà ở nông thôn được xây dựng nhiều hơn; xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình công cộng như trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá, bưu điện…; hệ thống giao thông được xây dựng tốt, nhiều địa phương có trạm cấp nước sạch, điện chiếu sáng phục vụ đời sống bà con nông dân… Tiếp đó, ông cũng nêu rõ một số bất cập: Mục tiêu còn chung chung, chưa phù hợp thực tế một số địa phương; Bộ 19 tiêu chí phát triển nông thôn mới có tiêu chí không phù hợp hoặc khó thực hiện; kinh phí đầu tư lớn, kết quả thu được hạn chế; nặng về phát triển hạ tầng và trung tâm hành chính cấp xã, chưa chú trọng phát triển quy hoạch có tầm nhìn xa trong điều kiện đô thị hóa; quan trọng hơn cả là nhận thức và vai trò tham gia của cộng đồng còn rất hạn chế…

Một số giải pháp đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận và tiếp tục đào sâu nghiên cứu:

  • Cần phân định những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị trong tổ chức xây dựng nhà ở nông thôn ở mỗi địa phương;
  • Không gian làng, xã nông thôn mới cần gắn liền với các di sản kiến trúc làng xã truyền thống. Xây mới phù hợp với giá trị sẵn có và phải thích ứng với sự thay đổi kinh tế – văn hóa – xã hội;
  • Bảo tồn các làng nghề truyền thống, phát triển theo hướng du lịch cộng đồng;
  • Xây dựng, phát triển nông thôn mới phải thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững;
  • Hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý xây dựng phù hợp với từng địa phương;
  • Điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với mỗi vùng miền, đặc thù của làng, xã;
  • Phối hợp giữa các nhà chuyên môn và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác thiết kế, quy hoạch…

Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, nhiều đại biểu trăn trở với phần bảo tồn các yếu tố nguyên gốc, phần “hồn cốt” của làng xóm xưa. ThS. KTS Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ rất khó để tìm thấy những cổng làng quý báu, những cây đa, bến nước đầu làng, những không gian linh hồn của làng quê còn sót lại ở những “làng trong đô thị” ấy… Tôi chỉ muốn chia sẻ một mong muốn giản đơn: Hãy ứng xử một cách có văn hóa nhất với làng xóm, dành cho nó sự quan tâm thích đáng – bởi đó chính là những tế bào lưu giữ cội rễ của chúng ta!

Có lẽ, đó cũng là điều nhiều người quan tâm và mong muốn. Nói như KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội khi tổng kết buổi Tọa đàm: “Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, muốn hay không thì quy hoạch kiến trúc nhất thiết phải là những lực lượng đi trước, cùng với các quy hoạch chuyên ngành khác, không chỉ bằng nhiệt huyết mà phải từ tư duy trách nhiệm khoa học. Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội chắc chắn càng phức tạp và đặc biệt hơn, 19 tiêu chí thực hiện cần phải được vận dụng để cân đối theo yêu cầu đảm bảo phát triển của Thủ đô, nhất là những phần nằm trong vùng phát triển đô thị!

Trúc Linh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)