Thực trạng tổ chức không gian vui chơi học tập của trường mầm non tại TP. Hồ Chí Minh

Việc giáo dục trẻ nhỏ lứa tuổi mẫu giáo về những giá trị của môi trường sống, giúp trẻ được gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu và học cách hòa nhập với môi trường xung quanh là vô cùng cần thiết. Quá trình giáo dục này có thể tiến hành thông qua nhiều hoạt động khác nhau, tuy nhiên đối với lứa tuổi mầm non, vui chơi vốn được coi là hoạt động có nhiều ưu thế. Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập ở nhiều trường mầm non hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy được hết những tác dụng tích cực. Bài nghiên cứu này được thực hiện tập trung phân tích hiện trạng tại một số Trường mầm non tại TP.HCM, từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn khái quát về việc xây dựng mô hình giáo dục tích cực trong việc tổ chức không gian vui chơi – học tập của trẻ mẫu giáo tại TP.HCM.

Khái niệm về không gian vui chơi – học tập

Trong hệ thống trường mầm non, “không gian vui chơi-học tập” là một bộ phận quan trọng, đây là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi – học tập của các em trong phần lớn thời gian ở trường, nơi trẻ sẽ được học tập, trao đổi tương tác qua nhiều kênh thông tin phong phú và bổ ích, bao gồm:

1.Không gian vui chơi, học tập trong lớp:

  • Không gian học tập, năng khiếu: Không gian này hầu như diễn ra phần lớn thời gian học tập tại trường của trẻ;
  • Không gian vui chơi: Được tổ chức theo nhóm, qua đó trẻ có thể bộc lộ tính cộng đồng hay những tố chất, cá tính riêng trong cùng một nhóm bạn;
  • Không gian chơi tĩnh: Là nơi nghỉ ngơi thư giãn của trẻ sau những giờ vận động, học hành. Có thể bố trí là nơi đọc sách, đọc truyện, vẽ tranh, …

2. Không gian vui chơi, hoạt động rèn luyện ngoài trời:

  • Kết hợp với không gian vui chơi, học tập trong lớp sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện cho trẻ. Ngoài sân vườn, khối này bao gồm các không gian sau:
  • Không gian chơi động: Nơi giúp trẻ rèn luyện thể chất, phát triển chiều cao, sự nhanh nhạy trong thao tác, trong không gian này có thể bố trí các khu chơi:
    + Khu sân tập trung và chơi các trò chơi hoạt động;
    + Khu chơi các trò chơi giao thông;
  • Không gian chơi cát và nước: Gồm khu bơi lội (có thể bố trí trong nhà hoặc khu có mái che) và các hoạt động chơi tương tác gắn liền cát và nước;
  •  Không gian thể hiện bản thân: Là không gian chơi mà trẻ có thể bộc lộ khả năng của mình qua những trò chơi ưa thích. Qua đó có thể phát triển những năng khiếu và sở thích của trẻ;
  • Không gian giao tiếp với môi trường thiên nhiên: Là nơi trẻ được làm quen với môi trường thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên cho trẻ.

3. Không gian chuyển tiếp: Sảnh, hiên chơi có mái che…

Tất cả các không gian này đều hướng tới phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập phát triển toàn diện cho trẻ. Các trò chơi giúp các em phát triển óc tưởng tượng, sáng tạo, tạo mối giao tiếp với bạn bè và thầy cô. Không gian vui chơi, học tập trong trường mầm non cũng chính là nơi giúp các em rèn luyện thể chất, giúp các em hòa đồng với thiên nhiên, cảm nhận môi trường, ánh sáng, âm thanh, sự vận động, …

Sơ đồ về cấu trúc của không gian vui chơi-học tập trẻ mẫu giáo – Nguồn: Tác giả, 2018

Các yếu tố cấu thành không gian vui chơi – học tập

1. Công trình kiến trúc

Cách bố cục các khối nhà ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các không gian vui chơi – học tập. Khoảng cách, kích thước của công trình quyết định sự liên kết giữa các không gian. Các không gian vui chơi phải được bố trí hài hòa để có sự liên thông với công trình, đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của các chức năng. Tỉ lệ hình khối của công trình phải đẹp và hợp lý, góp phần tăng tính thẩm mỹ chung. Kiến trúc công trình phải phù hợp với lứa tuổi mầm non, những hình ngộ nghĩnh tươi vui sẽ có tác động tốt đến các em, tạo ra sự lôi cuốn ham muốn đến trường cho trẻ.

2. Trang thiết bị và đồ chơi

Trang thiết bị trong nhà trẻ phải an toàn cao, đồng bộ, gọn gàng thuận tiện cho trẻ vui chơi – học tập và phải phù hợp với đặc điểm của từng lứa tuổi. Đồng thời, trang thiết bị tránh cầu kỳ để dễ theo dõi chăm sóc và vệ sinh. Đồ chơi và các thiết bị khác dùng cho trẻ phải đẹp về hình dáng, cân đối, độc đáo giúp cho việc giáo dục thẩm mỹ.

3. Trang trí, vật liệu, màu sắc và ánh sáng

Cách trang trí, vật liệu, màu sắc và ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức không gian vui chơi, học tập cho trẻ. Vật liệu phải sinh động theo từng không gian, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi. Ánh sáng phải đủ cung cấp cho những không gian ở bên trong và màu sắc giúp phản chiếu ánh sáng tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ có lợi cho phát triển thị giác của trẻ.

Không gian chơi chung rộng với đồ chơi phong phú trên nền BTCT – Mầm Non Tuổi Thơ 7, Q.3 – Nguồn: Tác giả, 2018

4. Cây xanh – mặt nước – kiến trúc nhỏ

Cây xanh trong sân vườn vừa có tác dụng lấy bóng mát, vừa có tác dụng chống côn trùng, tạo hương thơm và ra hoa đẹp mắt. Cây xanh cũng góp phần vào việc tăng thẩm mỹ chung cho công trình. Thảm cỏ trong sân vườn hay trong từng khu vực vừa có tác dụng tạo cảnh vừa làm sạch, tránh bụi cho công trình.
Các kiến trúc nhỏ (chòi nghỉ, tác phẩm điêu khắc, …) sẽ góp phần làm tăng chất lượng của không gian vui chơi. Mặt nước, vòi phun, các hồ nhỏ sẽ tạo ra không khí mát mẻ, đồng thời làm tăng tính thẩm mỹ tạo ra cảnh trí đẹp mắt.

Các yếu tố cấu thành không gian vui chơi – học tập trẻ mẫu giáo – Nguồn: Tác giả, 2018

Thực trạng chung ở TP. Hồ Chí Minh

Là một thành phố phát triển mạnh và lớn nhất cả nước, TP.HCM đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý và phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Điều này thể hiện rõ ở những bất cập về thực trạng của việc tổ chức các không gian vui chơi – học tập trong đại đa số trường mầm non hiện nay. Qua khảo sát thực tế tại một số trường mầm non đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị đại diện cho ba khu điển hình: Khu trường công lập xây dựng cũ tại trung tâm Q.1, Q.3, khu trường quốc tế tại Q.7, khu trường tư nhân xây mới tại Q.9), tác giả đưa ra một số nhận xét tổng quan như sau:

1. Trường mầm non công lập

Tổng mặt bằng, hình thức kiến trúc

  •  Mặt bằng tổng thể quy hoạch theo kiểu chắp vá, không có cái nhìn một cách tổng thể, không phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành. Diện tích của các trường thường nhỏ hẹp, không có không gian và quỹ đất dự trữ để phát triển. Các khối lớp đều bị quá tải, việc đầu tư sửa chữa không được định hướng gây lãng phí;
  • Hình thức kiến trúc thường là nhà mái bằng 3-4 tầng, tầng sát mái bị nóng và có phần đơn giản, khô cứng không phù hợp với lứa tuổi mầm non;
  • Các khối hành chính, phục vụ (bếp, kho lưu trữ, chế biến, …) còn đơn sơ, hầu hết đều chưa được sử dụng các công nghệ hiện đại;
  • Không gian khối nhóm lớp không được bố trí hợp lý và thường bị quá tải nên không phát huy được hết khả năng hoạt động vui chơi – học tập trong lớp của các em.
  • Diện tích khuôn viên nhỏ, phần lớn là xây dựng công trình nên các không gian vui chơi chỉ là phần diện tích tận dụng từ góc méo của khu đất. Diện tích để xe rất hạn chế và phần chờ đón học sinh rất nhỏ, thậm chí còn không có, phụ huynh học sinh phải đậu xe ở cả phần đường dành cho lưu thông cơ giới.

Trang thiết bị, trò chơi

  • Diện tích sân chơi thường nhỏ, được bố trí ở phần sân trước trung tâm hoặc tận dụng hành lang lưu thông trước lớp học để làm một phần sân chơi cho trẻ. Nên điều không cần bàn cãi nhiều là diện tích này sẽ không thể nào đảm bảo đủ chuẩn (2,5m2/trẻ) và đồ chơi vì vậy cũng rất hạn chế, chỉ là vài món đồ chơi nhỏ quá thông dụng. Thời gian chơi của trẻ cũng bị giảm thiểu, chủ yếu sinh hoạt của các cháu là trong không gian lớp học chật hẹp.
  • Có quá ít không gian chơi cho cá nhân hoặc nhóm nhỏ, đồ chơi kích thích sự phát triển toàn diện của trẻ, chưa linh hoạt với từng độ tuổi trẻ khác nhau. Điều này có thể một phần dẫn đến tâm trạng lười vận động, suy nghĩ ở trẻ;
  • Không gian vui chơi – học tập cho trẻ hầu như là những khoảng sân trống, những bãi cát thiếu sự chăm sóc vệ sinh. Trang thiết bị phục vụ lớp học và khu vực vui chơi đa phần cũ kỹ, hoặc có thì chỉ chắp vá, chưa quan tâm đến tính an toàn của trẻ khi chơi;

Trang trí, vật liệu, màu sắc, ánh sáng

  • Việc trang trí góc lớp, mảng tường, ngoài hành lang, cầu thang,… đã có sự quan tâm, tạo nên một môi trường sinh động và đẹp mắt. Việc trang trí những môi trường như thế vừa tận dụng những khoảng trống trên các mảng tường vừa tạo nên vẻ đẹp của trường mầm non, kích thích giác quan trẻ;
  • Vật liệu chủ yếu là BTCT, gạch men,… nên tính an toàn cho trẻ chưa cao;
  • Do các khối lớp học và chức năng đều bao quanh sân chơi ở trung tâm nên ánh sáng tại hầu hết các không gian đã được xử lý tốt;
  • Màu sắc hài hòa nhưng chưa phong phú nên chưa tạo hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất cho sự phát triển thị giác của trẻ, mỗi trường lại tập trung không gian trong và bên ngoài theo một màu chủ đạo nhất định.
  • Cây xanh, mặt nước, kiến trúc nhỏ
  • Các yếu tố cảnh quan cây xanh, trang trí nội ngoại thất, kiến trúc nhỏ thường bị lược bỏ vì cho là lãng phí và không được ưu tiên. Hoặc khi có thì cũng chưa phù hợp không gian chung của trường mầm non;
  • Kiến trúc cổng ở một vài trường cũng được cách điệu từ những hình ngộ nghĩnh tươi vui (động vật, chữ cái, …) có tác động rất tốt đến các em, tạo ra sự lôi cuốn ham muốn đến trường cho trẻ.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng chung về các không gian vui chơi-học tập trẻ mẫu giáo hiện nay – Nguồn: Tác giả, 2018

2. Trường mầm non quốc tế, tư nhân

Hiện nay, do đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều trường mầm non quốc tế đã được xây dựng. Các trường này thường được bố trí trong các khu đô thị mới, tại vị trí quỹ đất dành cho xây dựng trường học, chủ yếu là ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7 hay các dự án Khu dân cư ở Q.9. Các trường này thường có cơ sở vật chất tốt, các không gian vui chơi học tập cũng được quan tâm và xây dựng theo chuẩn quốc tế. Các trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, do đầu tư cơ bản lớn nên học phí tại các điểm trường này khá cao, không phải ai cũng có thể cho con em theo học tại đây. Vì thế loại hình này ít nhận được sự quan tâm của phụ huynh học sinh cũng như đáp ứng đúng nhu cầu học tập của phần đông trẻ em Việt Nam.

Mô hình chuẩn về KG VCHT cho trẻ – Mầm Non QT Nam Sài Gòn, Q.7- Nguồn: Internet
Ảnh trái: Không gian vui chơi ngoài trời tổ chức rất tốt – Mầm Non Ngô Thời Nhiệm, Q.9 – Nguồn: Tác giả, 2018
Ảnh giữa và phải: * ThS.KTS. Lê Tấn Hạnh – Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Số 19 đường Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Phong, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Thay lời kết

Trẻ mẫu giáo ở cấp học mầm non cần có một môi truờng vui chơi, khám phá và trải nghiệm lý tưởng cho trẻ nhỏ từ 3 đến 6 tuổi, để các em phát triển toàn diện, cởi mở, thân thiện và giàu tính sáng tạo. Đó là một khởi đầu tốt nhất cho những bước đi đầu tiên trong hành trình học tập lâu dài của trẻ nhỏ. Nơi đây, không đơn thuần là một ngôi truờng mầm non, mà đây còn là một gia đình, là ngôi nhà thứ hai cho tất cả các bé, được yêu thương và được học cách yêu thương, sẻ chia.

Thực tế cho thấy, những hoạt động vui chơi, học tập trong các trường mầm non tại TP.HCM chưa được tổ chức tốt, ngoài lý do về trình độ và sự linh hoạt của giáo viên còn yếu kém khi giải quyết các tình huống, cụ thể là thiếu hẳn kiến thức khoa học về đặc điểm tâm sinh lý từng độ tuổi ở trẻ; lý do quan trọng nhất ở đây chính là sự hạn chế về cơ sở vật chất, diện tích trường chật hẹp, môi trường hoạt động chưa phong phú, phương tiện vật chất thiếu thốn, số lượng trẻ trên một lớp lại quá đông…

Bởi vậy, việc tìm hiểu, nhìn nhận lại hiện trạng để từ đó cần có thêm các nghiên cứu sâu nguyên nhân, bất cập để xây dựng cách thức tổ chức không gian vui chơi – học tập theo hướng hướng phát triển thích hợp cho lứa tuổi mẫu giáo trong các trường mầm non trên địa bàn TP. HCM là việc làm hết sức thiết thực, mang ý nghĩa thực tiễn và nhân văn cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non hiện nay, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào những bậc học tiếp theo.


Tài liệu tham khảo

[1] Vũ Duy Cừ (2003), NXB xây dựng, Tổ chức chức không gian kiến trúc các loại nhà công cộng;
[2] Tạ Trường Xuân (2002), NXB xây dựng, Nguyên lý thiết kế công trình kiến trúc công cộng;
[3] Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Nguyễn Như Mai, Đinh Kim Thoa, 2008, NXB giáo dục, Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non;
[4] Nguyễn Cao Phán (2009), ĐH Kiến trúc TP.HCM, Tổ chức không gian vui chơi cho trẻ em trong các khu ở mới trên địa bàn TP.HCM – Luận văn Thạc sĩ.
[5] Lê Tấn Hạnh (2013), ĐH Kiến trúc TP.HCM, Tổ chức không gian vui chơi, học tập cho lứa tuổi Mẫu giáo trong các Trường mầm non trên địa bàn TP.HCM – Luận văn Thạc sĩ.


Lê Tấn Hạnh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)