“Bia đá kể chuyện”: Đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại

Triển lãm “Bia đá kể chuyện” được thiết kế trưng bày với ý tưởng thể hiện những tấm bia câm lặng trong suốt hơn 500 năm qua sẽ lần đầu tiên “dốc hết ruột gan” để trò chuyện cùng khách tham quan. Vì vậy, các pa-nô được ghép thành nhóm như thể đang nối tiếp nhau bước ra từ trong lòng bia Tiến sĩ. Cách thể hiện này cũng truyền đi một thông điệp rằng ẩn sau mỗi lớp mặt đá khô cứng với những hàng chữ nho khó đọc kia chính là những lớp thông tin vô cùng thú vị cần được “bóc tách” và khám phá. Các gam màu được sử dụng cho mỗi cụm bia cũng được lựa chọn nhằm tạo nên sự đa dạng về màu sắc đủ để khách tham quan thấy được sự sinh động, phong phú của các thông tin được giới thiệu, song cũng được tiết chế cho hài hòa và phù hợp với không gian trưng bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trưng bày được diễn ra tại Nhà Thái học đến ngày 8/11/2022

Trong suốt chiều dài gần 1000 năm kể từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông) và kết thúc bằng khoa thi năm 1919 (dưới triều vua Bảo Đại), lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam đã góp phần đào tạo cho các triều đại từ Lý, Trần, Hồ đến Lê, Mạc, Nguyễn hàng ngàn nhân tài với những đóng góp không nhỏ cho sự hưng thịnh của đất nước. Những nỗ lực không mệt mỏi của các bậc quân vương trong việc tuyển chọn hiền tài đã được ghi lại trên những tấm bia đề danh Tiến sĩ hiện đang được bảo tồn tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Những pho sử đá quý giá này đã được UNESCO công nhận là “Di sản Tư liệu Thế giới” từ tháng 03/2010.

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, 82 bia Tiến sĩ được trưng bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới chỉ chủ yếu mang đến cho khách tham quan sự cảm nhận về hình dáng bề ngoài. Còn những nội dung thông tin lý thú chứa đựng trong từng bài văn bia chưa thực sự đến được với đông đảo du khách và những người yêu mến di sản này. Phần lớn các hướng dẫn viên du lịch cũng chỉ giới thiệu những thông tin khá chung chung rằng đây là những tấm bia tôn vinh tên tuổi và quê quán của những người đã thi đỗ qua các kỳ thi Nho học thời phong kiến. Chính thực tế đó đã thôi thúc tôi cần tìm kiếm một cách tiếp cận có tính đột phá để mỗi nhân chứng “kiệm lời” này phải dốc bầu tâm sự với khách tham quan về những lớp thông tin thú vị ẩn chứa sau bề mặt đá câm lặng suốt hơn 500 năm qua. Và ý tưởng thiết kế một cuộc triển lãm “Bia đá kể chuyện” đã ra đời.

Thách thức đầu tiên đặt ra đối với tôi ở dự án này là cần thể hiện các thông tin, dữ liệu di sản theo một ngôn ngữ đương đại có tính hấp dẫn, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu chỉ đơn thuần thiết kế những pa-nô có nội dung văn bia đã được dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, chắc chắn khách tham quan sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc hết được hai bài văn bia. Sau một thời gian suy ngẫm và cân nhắc giữa nhiều phương án lựa chọn, tôi quyết định sử dụng ngôn ngữ hình ảnh dạng infographics. Đây chính là cách thức thể hiện đang được ưa chuộng trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Cách thể hiện này cũng sẽ phù hợp với những người trẻ, những đối tượng cần hướng tới trong các dự án phát huy giá trị di sản – Bởi họ chính là những thế hệ sẽ tiếp tục kế thừa và đảm bảo cho sự trường tồn của những di sản mà các bậc tiền nhân đã để lại.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Câu hỏi tiếp theo đặt ra đối với tôi là vấn đề chọn lọc những thông tin như thế nào để tránh sự trùng lặp với nội dung của các bài văn bia và để khách tham quan thấy được bức tranh toàn cảnh về chế độ khoa cử thời xưa. Mặt khác, khối lượng thông tin có thể khai thác trên 82 bia Tiến sĩ thực sự rất đồ sộ nên không thể trình bày được toàn bộ trong khuôn khổ một cuộc triển lãm. Đó là lý do tại sao cuộc triển lãm đầu tiên về chủ đề này tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên. Số bia này liên quan đến các khoa thi được tổ chức trong giai đoạn 1442 – 1529, tương ứng với thời Lê Sơ, nên được khép lại bằng khoa thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1529 chính là khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Bên cạnh đó, việc thể hiện thông tin cũng cần cô đọng như một hình thức giúp khách tham quan có thể “đọc nhanh” nội dung của 14 tấm bia này.

Qua quá trình nghiên cứu nội dung chi tiết của toàn bộ 14 văn bia, tôi quyết định sẽ thể hiện thành bốn cụm thông tin theo các chủ đề lần lượt là: “Chiêu mộ hiền tài”, “Con đường khoa cử”, “Gương sáng tiền nhân”, “Lưu danh muôn thuở”. Mỗi chủ đề bao gồm bốn pa-nô và ưu tiên tối đa cách thể hiện bằng các biểu tượng hình ảnh (icon) để mỗi pa-nô trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự trong mắt khách tham quan. Bên cạnh đó, do đặc thù của Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một điểm đến ưa thích của du khách quốc tế nên toàn bộ nội dung trưng bày đều cần được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh. Yêu cầu này đòi hỏi nội dung mỗi pa-nô cần hạn chế càng ít thông tin dạng văn bản càng tốt, bởi khi trình bày song ngữ cũng đồng nghĩa với việc số lượng ký tự sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, điều mà khách tham quan mong muốn là được xem triển lãm chứ không phải được… đọc văn bản.

Ngay từ ngày đầu khai mạc, triển lãm đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà của cả giới chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – “Ý tưởng trưng bày này làm “sống dậy” bia đá câm lặng, đặc biệt là hình thức kể chuyện bằng đồ họa thiết kế tốt, giúp người xem có nhận thức mới, sâu sắc hơn về những tri thức có thể không mới với một số người. Với cách trình bày đồ họa sinh động trên pa nô, trưng bày lần này mang đến rất nhiều thông tin thú vị về chế độ khoa cử thời phong kiến, cách tuyển dụng người tài rất minh bạch và những quan điểm về trọng dụng hiền tài…”. Còn TS Vũ Thị Minh Hương – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng chia sẻ cảm nhận: “Tôi nhận thấy triển lãm đưa ra cái nhìn tổng quát về cách thức tổ chức khoa cử của nước ta thời xưa, bao gồm thông tin các kỳ thi; các địa phương, các dòng họ có người đỗ đạt, ý nghĩa các chi tiết trang trí trên bia đá… Cách trình bày hiện đại, sử dụng thiết kế đồ họa khiến cho người xem dễ tra cứu. Tôi mong muốn cách thức trình bày này cần được triển khai rộng rãi tại hệ thống bảo tàng để văn hóa thực sự đi vào đời sống mang thông tin đến thế hệ trẻ”.

Việc sử dụng ngôn ngữ đồ họa infographics tại cuộc triển lãm này thực sự là một thử nghiệm thành công về cách tiếp cận mới theo hướng đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại. Những thông điệp được truyền đi qua ngôn ngữ hình ảnh đã tạo được hứng thú cho người xem và khách tham quan di tích. Với cách tiếp cận này, hình ảnh của các di sản và tư liệu lịch sử sẽ không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ của những bức ảnh chụp địa điểm thờ tự hay những tấm mộc bản với vẻ bề ngoài đơn điệu. Bên cạnh đó, việc thiết kế theo hình thức thông tin infographics sẽ đòi hỏi những người làm thiết kế cần hiểu sâu giá trị văn hóa – lịch sử của những tư liệu cần khai thác, có khả năng tổng hợp thông tin một cách súc tích và xác định được rõ nội dung thông điệp cần chia sẻ với khách tham quan. Đây cũng là một hướng đi mới giúp cho các điểm di tích đa dạng hóa được các trải nghiệm văn hóa dành cho khách tham quan chứ không chỉ đơn thuần khai thác và phát huy giá trị di tích theo một lối mòn là mở cửa bán vé tham quan những gì có sẵn.

Bia đá Văn Miếu- Quốc Tử Giám chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật

Trương Quốc Toàn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)