Là một đơn vị tư vấn quốc tế đến từ Cộng hòa Pháp, hoạt động ở thị trường Việt Nam hơn 10 năm, Huni Architectes Việt Nam có cơ hội được làm việc với nhiều chủ đầu tư tên tuổi ở các dự án trọng điểm trên khắp đất nước. Huni Architectes ghi dấu ấn bằng những công trình mang phong cách đương đại nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc địa phương.
Luôn kiên định trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới với triết lý thiết kế lấy yếu tố cảm xúc và phát triển bền vững làm trọng tâm, với tầm nhìn trở thành một đơn vị thiết kế có tầm ảnh hưởng đến nền kiến trúc đương thời, Huni Architectes đang không ngừng nỗ lực để kiến tạo những dự án chất lượng, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao, từ đó góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam.
Quảng trường tháp Nghinh Phong
Điểm nhấn độc đáo bên bờ biển Phú Yên
Được thiết kế bởi Huni Architectes năm 2020 và hoàn thiện năm 2021, Quảng Trường Tháp Nghinh Phong là biểu tượng du lịch mới của Thành Phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Công trình dần khẳng định sự độc đáo, ấn tượng của mình khi liên tiếp dành 02 giải thưởng quốc tế danh giá Asian Townscape Awards 2023 (Giải thưởng cảnh quan Châu Á) và World’s Leading City Monuments 2023 (Công trình biểu tượng thành phố hàng đầu thế giới).
Bối cảnh, mục tiêu
Công viên biển với trung tâm là Quảng trường Tháp Nghinh Phong được thiết kế với tính biểu tượng cao, mang những đường nét mạnh mẽ của kiến trúc đương đại nhưng vẫn mang đậm hồn Việt. Với tiêu chí hàng đầu là tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, công trình phản ánh những thế mạnh về vùng đất và con người Phú Yên từ thắng cảnh thiên nhiên gần gũi đến lịch sử khai hoang mở cõi, mang giá trị văn hoá lớn, gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ý tưởng
Công trình với tên gọi “Nghinh Phong”, thiết kế mô phỏng hình ảnh của danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia “Gành Đá Đĩa” của tỉnh Phú Yên và “Trăm trứng trăm con” của huyền sử Âu Cơ – Lạc Long Quân, có giá trị văn hoá lịch sử cao.
- Hai toà tháp Nghinh Phong gồm 100 cột đá với 50 cột đá – 50 người con mỗi bên tượng trưng cho Cha và Mẹ, âm và dương, rồng (Biển) và tiên (Non), là biểu tượng của tình đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
- Các khối đá chồng lên nhau tạo nên hai tòa tháp được cách điệu từ thắng cảnh Gành Đá Đĩa nổi tiếng ở Phú Yên ngoài đời thực.
- Tên gọi Nghinh Phong nghĩa là “Đón gió”, thể hiện tâm thế của người Phú Yên ở mảnh đất cực đông đất nước, mong muốn phát triển bền vững thuận theo tự nhiên, cởi mở đón nhận những nguồn năng lượng từ biển mang lại.
Điểm nhấn nghệ thuật
- Về nghệ thuật màu sắc: Ban đêm, Tháp được được chiếu sáng với công nghệ Tesla, 3D mapping và laze cường độ cao tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu. Ban ngày, sắc xanh của đá hài hoà với màu xanh của trời mây và biển cả. Công nghệ chiếu sáng hiện đại và ánh sáng tự nhiên tôn vinh vẻ đẹp của công trình trong mọi thời điểm.
- Về nghệ thuật âm thanh: Việc bố trí tạo khe đón gió mang lại hiệu ứng thính giác đặc biệt, âm thanh của biển luồn qua khe đón gió “Nghinh Phong”, trở thành những bản nhạc từ cuộc sống sôi động vùng biển, đánh thức trái tim mọi du khách.
- Về nghệ thuật Hội hoạ: Hai vách lớn của Khe đón gió là bức tranh điêu khắc trên tường đá về các dân tộc anh em và quá trình khai phá đất nước, xây dựng quê hương Phú Yên. Nghệ nhân địa phương đã thổi hồn cho những bức phù điêu được chạm khắc trên vách đá ở khe gió Nghinh Phong, kể lại bằng hình ảnh câu chuyện lịch sử của dân tộc Việt.
- Về nghệ thuật Sắp đặt: Việc áp dụng loại hình nghệ thuật sắp đặt tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong không gian ba chiều của công trình công cộng. Thiết kế Tháp đặc trưng cho địa điểm ven bờ biển Đông, tạo ra sức hấp dẫn của không gian ba chiều.
- Nghệ thuật Kiến trúc tạo hình: Hình dạng khối tháp được thiết kế hài hòa với thiên nhiên, các khối đá mở rộng ở phần chân tượng trưng cho sức lan tỏa mạnh mẽ, mọc lên từ đất mẹ thể hiện sự phát triển và hội nhập với thế giới của thành phố trẻ.
- Về kỹ thuật xây dựng: Quá trình thi công ứng dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống, độc đáo của các thợ đá địa phương lành nghề. Công trình sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu đá granite bản địa, bền vững theo thời gian, thích ứng với khí hậu biển của Tuy Hoà, Phú Yên.
Quảng trường Tháp Nghinh Phong là công trình kiến trúc hoàn chỉnh, tập trung nhiều bút pháp nghệ thuật kiến trúc và ứng dụng, có đẩy đủ các đặc điểm của một công trình nghệ thuật ngoại cảnh hiện đại, thẩm mỹ, mang đậm tâm hồn Việt và phong cách sống của người Phú Yên.
Trụ sở làm việc cơ quan tỉnh Khánh Hòa
Cánh chim hướng về cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa
Phương án thiết kế của Huni Architectes giành giải Nhất Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan dự án Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Nhiệm vụ: Với đề bài xây dựng một Trung tâm hành chính tương xứng với quy mô, tốc độ phát triển của tỉnh Khánh Hòa, nhóm KTS đã xác định đây phải là một công trình điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan của đô thị, phát huy tối đa công năng của một cơ quan chính trị chủ chốt, phù hợp với định hướng hiện đại hóa của tỉnh.
Bối cảnh: Thuộc khu vực tập trung mật độ cao các công trình hiện hữu, tiếp giáp với không gian xây xanh, bãi biển công động, đồng thời là nơi giao nhau giữa các trục đường chính có mật độ lưu thông cao. Phương án đề xuất đã có sự cân nhắc kỹ các điều kiện về giao thông, âm thanh, khoảng mở hiện hữu nhằm đưa ra giải pháp tối ưu cho công trình.
Giải pháp đề xuất: Dự án nằm trong lõi đô thị lịch sử có từ thời Pháp thuộc, đã trải qua quá trình thay đổi và đô thị hóa lâu năm, hình thành nên các trục đô thị hiện hữu như tuyến đường Phan Châu Trinh, Pasteur, Trần Phú. Trên cơ sở đó, đội ngũ KTS Huni Architectes đã lựa chọn cách tiếp cận lấy tuyến đường Phan Châu Trinh phóng thẳng ra biển tạo khoảng mở cảnh quan – đô thị, xoay toàn bộ công trình về hướng Đông Nam, mục đích tạo tính kết nối về không gian với toàn bộ khu vực đô thị xanh và công viên biển phía trước. Giải pháp giúp tạo ra khoảng lùi đủ lớn để hình thành nên ba cụm quảng trường: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc với chiều sâu không gian giúp cảm nhận trọn vẹn khối tích và ngôn ngữ kiến trúc của công trình, đồng thời đảm bảo an ninh đô thị. Sự độc đáo trong lối tiếp cận đã xoay trục trung tâm công trình hướng Đông Nam này về hướng cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa lớn – phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Giải pháp đề xuất giúp giải quyết bài toán về áp lực giao thông trên tuyến đường huyết mạch Trần Phú, đồng thời tránh được hướng xấu nhằm cải thiện vi khí hậu và giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng cho toà nhà.
Ý tưởng kiến trúc
- Hình khối công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh chim hòa bình sải cánh ra đại dương bao la, tương ứng với 2 khối công năng chính là Tỉnh ủy Khánh Hòa và HĐND kết hợp UBND.
- Mặt đứng công trình lấy ý tưởng từ Nhánh san hô đỏ – sản vật quý đặc trưng của Khánh Hòa, được cấu tạo từ bê tông sợi (GFRC) – một loại vật liệu thẩm mỹ và độ bền vượt trội. Dụng ý thiết kế mặt đứng như một tấm bình phong, có tác dụng bảo vệ sự riêng tư và an ninh của công trình nhưng không che chắn tầm nhìn hướng ra biển; tạo nên một không gian thẩm mỹ đầy xúc cảm với hiệu ứng bóng đổ tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời. Ứng dụng vật liệu cũng đảm bảo tính bền vững, đồng thời tiết kiệm năng lượng thông qua các giải pháp thiết kế che nắng, tạo bóng đổ và nghiên cứu tỉ lệ đặc – rỗng để tối ưu chiếu sáng tự nhiên.
Dự kiến thi công và đưa vào sử dụng năm 2025, công trình sẽ là nơi làm việc hiệu quả, kỳ vọng trở thành biểu tượng chính quyền mới của tỉnh, là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của địa phương, tạo dấu ấn đối với khách du lịch và đối tác đến làm việc tại Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung.
Quy hoạch đường biển Nguyễn Tất Thành
Điểm sáng phát triển của du lịch Đà Nẵng
Huni Architectes vinh dự được mời làm đơn vị tư vấn chiến lược cho UBND thành phố Đà Nẵng trong việc đề xuất phương án hiệu quả nhất nhằm phát triển cảnh quan tuyến đường trọng điểm ven biển Nguyễn Tất Thành.
Nhận định biển là một món quà tự nhiên vô giá của thành phố Đà Nẵng, Huni Architectes đề xuất định hướng phát triển khu vực này thành một tuyến du lịch thu hút mới của thành phố. Phương án thiết kế tập trung vào việc kiến tạo các công trình biểu tượng và mở rộng các không gian cộng đồng nhằm mang lại tiện ích đa dạng, hấp dẫn cho người dân và khách du lịch. Nghiên cứu dựa trên cơ sở bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo vệ các yếu tố tự nhiên cốt lõi và thích ứng với các vấn đề thời tiết cực đoan như gió bão, xói mòn bờ biển.
Mục tiêu của thiết kế hướng đến:
- Kiến tạo tuyến không gian du lịch biển ấn tượng.
- Xây dựng bộ mặt đô thị biển hấp dẫn.
- Điểm nhấn cảnh quan đô thị khu vực Tây Bắc thành phố.
- Kích cầu du lịch cho địa phương.
- Đem lại giá trị kết nối, giao lưu văn hoá
Thủy biều Ecolodge Resort 5*
Đóa sen trên dòng sông Hương
- Địa điểm: Thành phố Huế
- Quy mô: 12 ha, 160 căn biệt thự
- Chức năng: Khu nghỉ dưỡng 5 sao
Thủy Biều Resort là một điểm nhấn ấn tượng bên bờ sông Hương. Cảm hứng thiết kế cho dự án đến từ hoa sen – loài hoa gắn liền với văn hóa Việt Nam nói chung và cố đô Huế nói riêng.
Giải pháp quy hoạch quan tâm đến thủy văn và địa hình khu vực, tạo nên một bông hoa sen nổi trên sông Hương, nép mình bên bờ mảnh đất di sản. Việc tổ chức không gian theo chênh lệch cao độ và sắp xếp các nhánh công trình tích hợp với diện tích xanh bán ngập vừa khắc họa hình ảnh đặc trưng như những cánh hoa sen, vừa hình thành các không gian nghỉ dưỡng sinh động, đóng vai trò là giải pháp thích ứng tình trạng thường xuyên ngập nước của khu vực bãi bồi Thủy Biều. Phương án quy hoạch này đảm bảo được tất cả các căn biệt thự và công trình đều có hướng nhìn ra cảnh quan và mặt nước.
Thiết kế công trình quan tâm đến sự tinh tế trong từng chi tiết, lấy yếu tố văn hóa cố đô làm chủ đề, thổi vào nét tinh tế của kiến trúc hiện đại. Dự án cũng hướng đến ưu tiên sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với tự nhiên như gỗ, đá, tre,…
Link ảnh: https://drive.google.com/drive/folders/1aTtf5Dy4gm21ogCuopLgkG97Ya9dfkVH
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)