KTS Trần Tuấn Anh: Cải tạo biệt thự cũ – Cần nhiều cảm hứng và sự đam mê

Tự nhận là mình khá có “duyên” với các công trình biệt thự kiến trúc Pháp, KTS Trần Tuấn Anh đã chủ trì cải tạo nhiều công trình thuộc thể loại này, trong đó, có những công trình tiêu biểu như: Rạp Tháng Tám (Majestic Cinema), café Paloma (góc phố Lý Thường Kiệt – Quán Sứ), An Nam Spa (phố Lê Thái Tổ), Nhà hàng Thủy Tạ, Café Minh Minh (phố Lê Thái Tổ), tòa nhà 93 Lý Nam Đế, Biệt thự phố Phùng Hưng… Mỗi công trình anh thực hiện đều mang dấu ấn riêng, thổi một làn gió mới vào không gian xưa cũ của những ngôi biệt thự mang kiến trúc thuộc địa. Khi được hỏi về quá trình thực hiện những công trình này, anh nói thật đơn giản: “Cải tạo biệt thự Pháp cũ – Cần rất nhiều cảm hứng, lòng kiên nhẫn và đam mê!”

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện của PV TCKT với KTS Trần Tuấn Anh về những ngôi nhà đã tạo nên vẻ đẹp vượt thời gian của Hà Nội.

KTS Trần Tuấn Anh: Phải nói rằng trong hơn 20 năm làm nghề thiết kế, tôi thực sự có duyên với các công trình kiến trúc Pháp,  từ dinh thự, biệt thự, nhà phố, rạp chiếu phim, nhà máy,… với việc bảo tồn, cải tạo kiến trúc, nội thất để trở thành các công trình với các mục đích sử dụng khác nhau (kinh doanh các ngành hàng dịch vụ cao cấp như nhà hàng, bar lounge, café, shop, spa, nhà ở…). Ở mỗi thời điểm, tùy vào mục đích đầu tư của chủ đầu tư, quy mô mà mỗi công trình lại có những đặc thù hoàn toàn riêng sau khi cải tạo…

Phóng viên (P/V): Theo anh, “cơ duyên” này từ đâu mà có?

KTS Trần Tuấn Anh: Tôi nghĩ có thể do từ bé tôi đã từng ở trong những căn nhà kiến trúc Pháp nên có xu hướng hoài niệm về nó. Cũng bởi Hà Nội có quá nhiều các công trình kiến trúc Pháp đẹp đến thơ mộng. Hơn nữa, tôi học về kiến trúc, có những cảm xúc thật đặc biệt với những giá trị thẩm mỹ khắt khe của công trình kiến trúc Pháp. Và hơn hết, tôi nghĩ bởi tình yêu với Hà Nội, tôi mong muốn được làm gì đó để giữ lấy vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội, một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được những công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ,với nhiều câu chuyện văn hoá… Thực sự là tận mắt thấy những công trình đẹp như thế phải mai một đi mỗi ngày, tôi không nỡ!

P/V: Anh có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về công trình mà anh ưng ý không?

KTS Trần Tuấn Anh: Mỗi công trình đều có những đặc thù riêng, câu chuyện riêng về nghề nghiệp, lịch sử, các câu chuyện xã hội văn hoá xung quanh nó. Bạn biết đấy, có thể nói mỗi công trình đều là sự “đắc ý” riêng của người làm nghề, thật khó mà nói đâu là tác phẩm ưng ý nhất.

Tuy nhiên, tôi có thể giới thiệu một công trình khá khiêm tốn, tôi cho là nó kể được câu chuyện khá thú vị của một biệt thự Pháp tại 93 Lý Nam Đế, phố “nhà binh”. Nơi đây vốn là một khu nhà dành cho các quan chức quân đội của Pháp khi mới sang Việt Nam. Tòa nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, khi đó để xây được căn nhà này, cũng như nhiều căn nhà khác cùng thời kỳ, người Pháp đã nhập rất nhiều các nguyên vật liệu từ chính quốc sang Việt Nam như sắt thép, ngói lợp mái, đá Mable…, kết hợp với những vật liệu bản địa và tay nghề khéo léo của thợ kim khí thủ công xưa đã tạo nên ngôi biệt thự với nhiều hồn cốt, cho tới nay vẫn không lỗi thời, thậm chí còn vô cùng chắc chắn…Với công nghệ thi công thời kỳ đó thì hệ kết cấu chịu lực là móng gạch, tường gạch dày 25cm tới 45cm, trần là thép I 15 kết hợp với gạch ống panel rồi lát gạch bông, hệ cửa trong kính ngoài chớp kích thước lớn được coi là điển hình cho các căn nhà Kiến trúc Pháp thời bấy giờ…
Rất may mắn, trong quá trình cải tạo, tôi đã phục hồi và giữ lại được gần như toàn vẹn những thứ có giá trị như hệ cửa gỗ lim, bao gồm cả Clemont, khoá chốt gang đúc, hệ lan can hoa  sắt, toàn bộ sàn gạch bông cũ, lò sưởi… Dù là chi tiết nhỏ, nhưng kết hợp với những thiết kế hiện đại, căn biệt thự đã được cải tạo thành không gian sống tiện nghi, sang trọng và ấm áp cho chủ nhà…

P/V: Các công trình của anh đều có vẻ rất “thời trang”, thậm chí còn trở thành “điểm đến” của giới trẻ trong một trào lưu nhất định, đem lại “hơi thở thời đại” cho những công trình biệt thự cũ. Anh có thể cho biết, thực hiện những công trình như thế có khó không, điều cần đặc biệt lưu tâm là gì?

KTS Trần Tuấn Anh: Theo tôi, việc sửa chữa cải tạo các công trình kiến trúc Pháp nói chung và các công trình kiến trúc Pháp nói riêng trong khu phố cũ và phố cổ có khá nhiều khó khăn:

  • Việc hệ thống hoá công trình di sản chưa có hồ sơ ghi chép cụ thể, đánh giá hiện trạng các khu nhà Pháp cũ để làm tiền đề cho phân cấp bảo tồn cải tạo về kiến trúc, kỹ thuật. Trong khi đó, quá trình cải tạo còn rất phức tạp và khó khăn khi cấp phép cải tạo cho từng loại nhà;
  • Việc phát triển cơi nới tự phát của dân cư dẫn tới quá tải về kiến trúc và hệ thống kỹ thuật gây rất nhiều khó khăn cho quá trình chỉnh trang, cải tạo…

Tuy vậy, có khó khăn, thách thức cũng tạo ra động lực nhiều hơn cho người thiết kế. Với những công trình đẹp như vậy rồi, kinh nghiệm của tôi là: Cần nghiên cứu kỹ hiện trạng để cải tạo phần kết cấu, kỹ thuật; sau đó lên phương án báo tồn những thứ còn giá trị sử dụng, kết hợp cải tạo, làm mới các phần khác cho phù hợp với mục đích đầu tư sử dụng. Điều quan trọng là cần tôn trọng chi tiết kiến trúc hoặc căn cứ theo mô típ đó để làm mới, tăng giá trị thẩm mỹ của công trình…

Các công trình của tôi đã làm rất đa dạng, tất nhiên sẽ mang theo định hướng và cá tính thiết kế của tôi – Tôi chú trọng sự tiện nghi, đồng hành với chủ đầu tư, hướng tới xây dựng cuộc sống tinh tế và có văn hoá với các công trình dân sinh, bắt kịp sự phát triển thị trường đối với các công trình kinh doanh…Tất cả là lòng tin, sự đồng hành dựa trên nhiều trao đổi để cùng nhau thấu hiểu về văn hoá, thói quen, mục đích kinh doanh, đầu tư…

Như trên tôi đã nói, cải tạo công trình biệt thự kiến trúc Pháp cũ, cần rất nhiều cảm hứng, sự say mê, và cả sự kiên trì, không chỉ với nghề mà còn với chính các công trình vốn đã rất đẹp đẽ ấy…

P/V  Cảm hứng, sự say mê, và cả… tiền nữa chứ?

KTS Trần Tuấn Anh: Cũng không hẳn như vậy. Nếu biết cách làm, thì hoàn toàn không tốn nhiều tiền, quan trọng là sự sắp đặt, kết hợp đúng nơi, đúng chỗ. Điều may mắn nhất của tôi là được gặp những chủ nhà hiểu biết, có gu, “biết người biết của”. Phải nói rằng những người thích không gian biệt thự Pháp họ đều có gu thưởng thức nghệ thuật tinh tế, và tôi thì tìm cách để sắp đặt những không gian, nội thất tiện nghi, không chỉ đẹp mà còn ấm cúng, thể hiện được “gu” văn hóa, thẩm mỹ của chủ nhân, tạo ra được năng lượng tích cực cho người sử dụng…

P/V: Một câu hỏi cuối cùng: Những công trình biệt thự cũ còn tương đối nhiều, nhưng vẫn đang xuống cấp mỗi ngày. Theo anh, có giải pháp nào hữu hiệu để làm đẹp thêm cho những công trình này, vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị của những biệt thự này không?

KTS Trần Tuấn Anh: Ngày nay, với xu hướng phát triển chung của kinh tế cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, cộng đồng xã hội đã có cái nhìn đúng đắn, ý thức được giá trị của các căn biệt thự Pháp về kiến trúc, văn hoá.. Đã có các chế tài được đưa ra nhằm bảo vệ, bảo tồn nhằm gìn giữ và nâng cao giá trị các công trình biệt thự kiến trúc Pháp… Các toà đại sứ, dinh thự công vụ, các toà nhà tư nhân đã được đầu tư cải tạo công phu, bài bản, đi đôi với cải tạo chỉnh trang qui hoạch cảnh quan tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… Các công trình công cộng lớn đã có được sự quan tâm đầu tư đúng mức, đem lại giá trị văn hoá du lịch rất cao.

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức, vô tình theo thói quen của cuộc sống mà tổn hại các công trình này, giảm giá trị thẩm mỹ, kiến trúc vốn có. Theo tôi, cần nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng, không chỉ là giá trị về văn hoá tinh thần mà cả kinh tế. Khi có sự qui hoạch chỉnh trang đồng bộ, khi có được chế tài phù hợp, khi cộng đồng thấy được các giá trị đó thì họ mới có những ứng xử với nó một cách trân quí hơn để nâng cao chất lượng sống của chính mình và cộng đồng, cũng góp phần làm đẹp hơn cho Hà Nội.

P/V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh có nhiều thêm những công trình mới ưng ý!

Nhật Khuê (Thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)