Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam: Điểm xuyết những thành quả và vai trò Tiên phong – Sáng tạo của lớp trẻ

Trong nửa thế kỷ vừa qua, nền kiến trúc Việt Nam đã có bước chuyển mình quan trọng với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt đóng góp tiên phong cho những thành tựu đó là vai trò của lớp KTS trẻ. Họ đã có những đột phá sáng tạo với những khát khao hi vọng, bộc lộ khả năng đáng ngạc nhiên và vô cùng đáng trân trọng. Việc phân tích, nhận định đánh giá đầy đủ,toàn diện về những kết quả này cần có những chương trình nghiên cứu công phu, trong phạm vi bài viết, chỉ xin điểm xuyết một số nét về bức tranh màu sắc rạng rỡ này – Nội dung đề cập cũng chỉ dừng ở 3 mảng: Sáng tác, Lý luân – Phê bình – Phản biện, cộng đồng lập nghiệp.

Từ những năm 70 thế kỷ 20, khi hầu hết các sáng tác thiết kế công trình của lớp KTS thế hệ đi trước vẫn ảnh hưởng rất sâu đậm phong cách kiến trúc Đông dương từ thời Pháp thuộc, phong cách kiến trúc mô phỏng châu Âu XHCN, hoặc phong cách gán ghép những chi tiết kiến trúc truyền thống… thì tại Hà Nội đã xuất hiện một công trình ghi dấu ấn hiện đại bản địa rất rõ nét, dứt khoát – Đó chính là công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội của KTS Lê Văn Lân thiết kế ở lứa tuổi 35. Công trình này về tư duy sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn vượt trội và dũng cảm, thoát khỏi những cái bóng tiền bối. Công trình đã tạo nên một “cú sốc”đối với giới kiến trúc bây giờ do ngôn ngữ tạo hình hoàn toàn mới mà ở đó, đạt được cả 2 tiêu chí: Cách ứng nạp kiến trúc truyền thống như một tuyên ngôn độc lập và là công trình đầu tiên người Việt thiết kế mang tính hiện đại thực sự ở miền Bắc Việt Nam. Thành công của KTS ở đây mang tính toàn vẹn về tư duy sáng tác, từ bố cục tinh tế tổng quy hoạch, tạo khối không gian liên kết uyển chuyển mới cũ, đến tổ chức mặt bằng công năng và xử lý chi tiết… đều vận dụng tốt yếu tố dân tộc. Điều đó thể hiện độ “chín” của KTS không phụ thuộc vào độ tuổi và môi trường đào tạo – Vì KTS Lê Văn Lân du học bôn ba nước ngoài, nhưng vẫn giữ được “gen nghệ thuật Việt”. Lê Văn Lân trước và sau đó còn để lại nhiều dấu ấn kiến trúc đậm chất nhân văn cho Hà Nội và một số địa phương. Anh xứng đáng là lớp trẻ trong đội ngũ tiên phong, đã có đóng góp vô cùng cần thiết, không thể phủ nhận cho việc đổi mới kiến trúc nước nhà trong một thời kỳ còn nhiều rào cản và phủ rộng tính bất biến, an vị. Sự thành công mà anh tạo ra sau đó đã được thừa nhận yếu tố cách mạng trong kế tục, không hổ thẹn với thế hệ đàn anh lừng lẫy.

KTS Nguyễn Tiến Thuận thuộc thế hệ trẻ kế ngay sau đó, những sáng tác của anh mang đến luồng gió mới cho kiến trúc Việt Nam vững bước vào hiện đại với bản sắc đậm đà. Trong những năm 70, 80 của thế kỷ 20, anh là người rất tận tuỵ mày mò sáng tạo theo xu hướng kiến trúc hội nhập trào lưu hiện đại thế giới, đồng thời thử nghiệm sự kết hợp tiếp biến bản sắc bằng hình thái cách tân, không mô phỏng bắt chước. Có thể đơn cử ví dụ ở một công trình không lớn, rất khó “nhằn” là cải tạo Nhà điều hành ĐH Kiến trúc Hà Nội. Hồi đó, đầu những năm 80, công trình này nhận được không ít sự ngưỡng mộ về tính sáng tạo, một mặt thay đổi hẳn được diện mạo cũ, trở nên giàu chất văn hoá bản địa tinh tế, mặt khác lại đi đôi với sự cách tân mới mẻ trong cân bằng giao hoà. Lõi ngôi nhà trước vẫn được giữ lại, giảm thiểu được kinh phí đầu tư…. Nhiều người chắc chưa quên một công trình kéo dài non một phần năm thế kỷ, từ lúc phôi thai, đến lúc hình thành của anh là chợ Đông Hà, Quảng Trị. May mà thời gian lâu vậy, nhưng nhờ tính không thoả hiệp về chuyên môn của người thiết kế, sản phẩm cuối cùng vẫn giữ nguyên được hình hài như khi đặt bút, kiến trúc miền Trung có được một công trình công năng thời mới, kiến trúc nhiệt đới, bản địa. Dòng người đi dọc quốc lộ 1A qua đó, vui thêm vì như thoáng thấy cả rừng cờ chào đón, báo hiệu Nam Bắc toàn vẹn một dải. Trụ sở UBND TP Hà Nội, Trung tâm hội chợ Hải Phòng và các bảo tang anh thiết kế sau này, độ trí tuệ vẫn sắc sảo vậy, độ kiên định không hề thay đổi, mà dường như tính đằm thắm với con người, đất nước càng ngấm sâu. Điều thú vị nữa là tính trẻ về khả năng dứt điểm, rõ cá tính vẫn theo anh – Vì vậy, cái mới ở những công trình anh thiết kế vẫn luôn được xác lập và tồn tại cùng thời gian.

Cung thiếu nhi Hà Nội KTS Lê Văn Lân

Công trình Rạp xiếc trung ương, những năm thế kỷ 21 sẽ mang lại một cảm nhận chẳng thoả quy mô lớn về kiến trúc và cũng không nhiều phức tạp, nhưng ở những năm 80 của thế kỷ trước, thiết kế kiến trúc về thể loại và độ lớn này, do KTS Việt Nam thực hiện quả là mạo hiểm, đưa đến cảm giác chung là quá sức. Vậy mà, KTS Hoàng Hữu Phê, lúc bấy giờ chưa đến tuổi 30, dám làm điều đó và đã thành công. Có lẽ khí hơi gàn của người miền Trung cũng góp một phần cho sự quyết dấn thân này. Dĩ nhiên, bên cạnh nền tảng chính là sự tự tin, dám nghĩ, dám làm của KTS trẻ, trong môi cảnh kiến trúc còn nhiều tầng bậc, trọng tiền nhân, vẫn phải là kiến thức mà anh thu nạp được trong quá trình học tập, cùng với năng khiếu sẵn có. Khi công trình xây dựng xong vào những năm 90, suốt một thời gian không ngắn, đây là niềm tự hào sánh vai quốc tế của kiến trúc Việt. Điều thú vị là, với một công trình thể loại rất mới, lần đầu tiên có ở Việt Nam, nhưng tính mô phỏng, bắt chước hình mẫu trên thế giới ở đây rất mờ nhạt. Trong khi đó, việc xử lý hệ lam che nắng mặt ngoài, bố trí cấu trúc chung, xử lý chi tiết nội ngoại thất… công trình lại có được hơi hướng rất Việt Nam. Chỉ tiếc trong lần cải tạo gần đây, điều đó đã mai một đi khá nhiều.

Một ngày đã xa, đi qua hồ Tây, quãng phía trên chùa Trấn quốc, ta bắt gặp một nhà thuyền tròn, với mái vòm thanh nhẹ lãng đãng giữa mờ tỏ hương hồ. Công trình nhỏ xinh thôi, nhưng đóng góp cho khung cảnh một hình ảnh thật hữu tình lãng mạn và tò mò muốn trải nghiệm cùng. Tìm hiểu ra, được biết đây là công trình của KTS Vũ Hoàng Hạc, một người còn trẻ, hoạt động nghề rất lặng lẽ. Trái ngược với sự âm thầm của tác giả, những công trình anh thiết kế rất độc và bùng nổ, phong cách riêng, rất tinh tế Hà Nội. Những KTS cùng thời và thế hệ sau anh, khi cảm nhận các không gian ấy đã học tập được không ít về một lối tư duy gọn sắc, mực thước mà vẫn rất lãng mạn. Làng trẻ em SOS có lẽ là sự đúc kết khá đầy đủ triết lý sáng tác của anh – Đó là một khuôn làng hoàn hảo, mang đậm tính bản địa trong cách quy hoạch cho đến tổ chức từng ngôi nhà, tạo nên một làng Việt đổi mới từ truyền thống. Sự ấm áp, tiện dụng và hấp dẫn từ mọi nẻo cảm thụ thật sự đã giải quyết trọn vẹn bài toán dung hoà giữa công năng và hình thức. Đó là công trình đã xây dựng đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế. Không dễ gì mà ông Henmut Kutin, Chủ tịch Tổ chức nhân đạo SOS quốc tế đã nhận xét “Đây là một trong những làng có chất lượng thiết kế tốt nhất trong số trên 1000 làng SOS ở 112 quốc gia”.

Cùng thời gian này, ở miền Nam, KTS Võ Thành Lân với độ tuổi trên dưới 30 vừa giảng dạy, vừa thiết kế cũng đã để lại những công trình mang dấu ấn khẳng định tính tiên phong của lớp trẻ. Những công trình anh thiết kế với độ lì về bản ngã, được triển khai với năng lực dồi dào thật ấn tượng và có sức biểu đạt. Ngay năm 1981, khi mới ra trường được 5 năm, anh đã đạt giải thưởng quốc tế với Đồ án Lớp học nổi đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, hàng loạt thiết kế của anh được hình thành, đều mang phong cách riêng, kiên định, thể hiện con đường độc lập vững bước. Võ Thành Lân có một năng lực rất đáng nể nữa là, nhiều công trình anh thiết kế theo phong cách xuất phát chuẩn từ cổ điển châu Âu, nhưng khi hình thành lại được đón nhận là sự sáng tạo mới. Ở đây, vẫn có gì đó tương đồng, thân thuộc nơi chốn. Sự bộc trực sắc sảo của anh trong chính kiến về nghề trên các diễn đàn cũng rất ấn tượng và đáng học.

Đồ án đạt giải giải Nhất – Cuộc thi thiết kế khách sạn UNIMEX Hà Nội của KTS Nguyễn Văn Tất

KTS Nguyễn Văn Tất cùng lứa với Võ Thành Lân, chính là hai người lớp trẻ nằm trong số ít KTS nổi bật nhất những năm 80 của thế kỷ 20 về mặt sáng tác thiết kế. Ở Sài gòn và miền Nam vào thời kỳ đó, dù còn rất trẻ, nhưng các anh hay được anh em nghề gọi bằng “Ông’’ khi nhắc đến, như một sự tôn vinh hiển nhiên. Ngay khi còn là sinh viên, anh đã đạt Giải nhất Cuộc thi quốc tế “Archis79 – Habitation Ruaral’’, do tổ chức ACCT của Liên hiệp quốc và UIA tổ chức, với đồ án “Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm căn – Cà mau”. Năm 1985, vào độ tuổi 30, anh đã độc lập tham gia một cuộc thi quốc gia lớn hiếm hoi thời bấy giờ và dành giải Nhất – Cuộc thi thiết kế khách sạn UNIMEX Hà Nội. Đồ án này của anh đã mang đến một luồng gió mới cho kiến trúc loại hình khách sạn, vốn xu hướng bảo thủ, đồng dạng mô típ lúc bấy giờ. Ngoài việc tổ chức mặt bằng công năng có nhiều sáng tạo so với quan niệm phổ biến, hình thái toàn thể công trình mang hơi thở cởi mở, phóng khoáng phương Nam tới, khá độc đáo, nhưng vẫn hoà nhập với kiến trúc Hà Nội thâm nghiêm. Rồi Pansea Phan Thiết Resort, anh thiết kế vào đầu năm 90, công trình làm thay đổi đột ngột tư duy thiết kế các khu nghỉ biển thời đó đang rất khuôn khổ, vô cảm. Viêc tạo lập mặt bằng sinh động, kết nối những ngôi nhà tạo hình với kiến trúc mang hơi thở nơi chốn nhưng mới, tiện nghi mà phóng khoáng, dọc những “lối cũ ta về’’ thân thuộc như làng quê Việt. Tất cả đã thuyết phục ban giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1996, giải nhất được trao. Chặng đường tiếp theo của tuổi trẻ, cho đến hiện nay, Nguyễn Văn Tất vẫn vậy, anh luôn nằm trong tốp lĩnh ấn tiên phong, đột phá trong sáng tạo của kiến trúc nước nhà, những sáng tác của anh về các thể loại: Trụ sở làm việc, resort, hội quán sân golf, nhà ở nông thôn, khu tưởng niệm… đều mang được hơi thở mới, riêng, góp phần cho kiến trúc Việt rời lối mòn nguyên thuỷ, chảy thành dòng sông đa phú, trong mát tụ về biển hội nhập. Đến nay, dù tuổi không còn trẻ, nhưng anh vẫn là chỗ dựa đáng kể của lớp trẻ.

Trong những năm đầu 90, mảng thiết kế nội thất của Việt Nam chưa được quan tâm nhiều, một phần do hạn chế về vốn đầu tư, một phần do quan niệm của các chủ đầu tư. Tại TP HCM chợt xuất hiện một văn phòng tư vấn chuyên về nội thất, đầy sáng tạo quyến rũ. Các sáng tác của họ đã làm cho rất nhiều nhà đầu tư thức tỉnh, đua nhau đi đặt hàng nội thất. Văn phòng này được sáng lập, điều hành bởi 3 KTS trẻ: Trần Minh tâm, Trần Khánh Trung, Lê Bá Thông – văn phòng TTT. Họ làm tư vấn với triết lý cũng rất trẻ “để giữ mãi tuổi thần tiên trong tâm hồn mỗi người, để gieo hạt giống lành vào mỗi công trình kiến trúc’’. Với sứ mệnh “Tiên phong trong công nghệ,chuyên nghiệp trong lao động sáng tạo, TTT không chỉ kiến tạo những công trình đẹp mà còn làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn’’, ngay cả những khách hang nước ngoài khó tính như Nike, Adidas, Unilaver, HSBC, Pesico, Honda, AIA…cũng đều bị chinh phục khi những thiết kế của họ được xây dựng xong. Cách nghĩ cách làm trẻ trung và năng động đó đã làm cho TTT rất sớm trở thành một Nhà thiết kế nội thất hàng đầu Việt Nam với những sáng tạo mới mẻ, độc đáo nhưng rất diệu nghệ về kiến trúc. Đi đầu trong ứng dụng những công nghệ thiết kế xây dựng tiên tiến của thế giới, một cách bài bản càng góp phần cho TTT luôn vững bước tiên phong trong công cuộc chinh phục đỉnh cao mới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Người KTS trẻ Việt Nam tài năng là vậy, luôn dũng cảm đi bằng đôi chân của mình để khẳng định mình với cộng đồng và thế giới.

Bảo tàng Gốm Bát Tràng – KTS Hoàng Thúc Hào

Trở lại miền Bắc, tôi muốn nói đến KTS Hoàng Thúc Hào, người khi còn rất trẻ đã không ngừng trăn trở, tìm lối đi riêng. Ngay từ ngày mới ra trường, anh đã cùng cộng sự tham gia nhiều cuộc thi quốc tế và dành giải thưởng cao. Năm 1994 tại Cuộc thi ITERARC, Đồ án “Trả lại cho đất những gì của đất’’ của anh đã đạt bằng danh dự và huy chương chung cho 3 đồ án. Đến năm 1996, Đồ án cải tạo nhà tù Hoả lò thành “Quảng trường Khoan dung” của Hoàng Thúc Hào lại đạt Giải thưởng UIA. Những năm cuối 90 và đầu 2000 anh đã liên tục có tên trong tốp KTS trẻ Việt Nam có nhiều công trình đột phá sáng tạo theo một triết lý mà sau này khi thành lập văn phòng kiến trúc 1+1>2 (2003) anh mới công bố chính thức “Kiến trúc hạnh phúc”. Thời gian này anh bắt tay thiết kế hàng loạt nhà ở, có lẽ dấu ấn được định dạng ở công trình cụ thể, bắt đầu từ ngôi nhà ở ven đô, thiết kế vào khoảng 2003 đã đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2006. Từ thời gian này trở đi anh liên tục đạt thêm rất nhiều Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia và Quốc tế. Hiện nay trong số KTS Việt Nam thê hệ 7X trở về sau, anh là người đat nhiều giải thưởng quốc gia nhất, một trong 2 người đạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất. Văn phòng 1+1>2 của anh từ ngày ra đời đến nay đã liên tục là thương hiệu uy tín, với nhiều sản phẩm kiến trúc độc đáo, mang ngôn ngữ riêng, rất giàu tính bản địa nhưng không kém phần hiện đại, sánh vai quốc tế. Kiến trúc của anh có đặc điểm nổi trội nữa là luôn hướng tới vì cộng đồng, nhất là với các vùng sâu xa, khó khăn. Những bông hoa rừng giàu chất bản địa của anh và cộng sự đang tiếp tục nở rộ.

Cùng thế hệ KTS Hoàng Thúc Hào, có một người khá đặc biệt là KTS Đoàn Kỳ Thanh. Hai anh đều xuất phát từ văn phòng ADC của KTS Hoàng Phúc Thắng, một mô hình tư vấn giải toả sáng tạo tư nhân đầu tiên ở miền bắc vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20. Khi rời văn phòng này, Đoàn Kỳ Thanh đã tự thành lập AVANT, với triết lý hoạt động không giống ai, có nhiều sáng tạo mang tính chuyên biệt. Anh không triển khai dự án tư vấn để hướng tới tham gia giải thưởng quốc gia và quốc tế, mà đi theo hướng nhằm tạo ra dạng kiến trúc tự do, thành lập và điều phối mô hình tạo sân chung hữu ích cho cộng đồng, vui chơi kết nối không ràng buộc. Mô hình tổ hợp Creative City và Zone 9 anh sáng lập triển khai, một thời ở Hà Nội đã trở thành một địa chỉ háo hức không khí giao kết tự do, mà không kém những cơ hội trình diễn sáng tạo cho giới KTS và người làm nghệ thuật nước nhà. Mô hình này có lẽ là tiền đề tạo lập không gian sáng tạo, nơi TP Hà Nội hiện nay đang tổ chức những cuộc thi dạng này để hướng tới lấp khuyết những mảng ghép về tạo lập môi trường văn hoá tinh thần, cho người dân.

Võ Trọng Nghĩa chính là khuôn mặt KTS đặc biệt nhất trong lớp trẻ về khẳng định tính tiên phong, không thua kém thế giới của Kiến trúc Việt Nam. Dù là được đào tạo từ môi trường nước ngoài, nhưng khi về nước hành nghề, anh đã khai thác tinh tế, độc đáo và hiệu quả chất truyền thống để làm nên những kỳ tích Kiến trúc rất riêng Việt nam, làm cho thế giới phải ngưỡng mộ. Các tác phẩm của anh không phải ngẫu nhiên mà dành được rất nhiều giải cao ở giải thưởng kiến trúc quốc gia. Đối với giải thưởng quốc tế, hiện nay anh là người có số lượng đồ án đạt giải nhiều nhất trong lịch sử phát triển của Kiến trúc Việt Nam. Hầu hết công trình của anh có một đặc điểm chung là, dù lớn hay nhỏ, thuộc thể lại nào, thì vẫn dường như tạo nên được hình ảnh quen mắt, gần gụi với người Việt. Có thể nói đó là những công trình xanh, gắn kết với nơi chốn, thiên nhiên bằng biểu đạt rõ ràng, tiếp biến, làm mới nhuần nhị tính bản sắc. Điều rất đáng nói về kiến trúc bản địa của anh là, các công trình đều được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu địa phương, nhưng vẫn rất hiện đại và phù hợp với phát triển của mọi đô thị và cả các vùng nông thôn nước ta. Thiết kế của anh cũng đã đạt được độ thâm sâu về yếu tố phi vật thể của truyền thống, làm sáng những vùng kiến trúc còn lộn xộn, đa ngôn ngữ chắp vá xa lạ. Có thể nói, anh là một trong những cánh chim trẻ báo tin vui của kiến trúc Việt Nam ra thế giới, làm cho thế giới phải ngoái chấp một nền Kiến trúc “Mới nổi’’ đầy khát vọng. Những ngôi Nhà ở Bình thạnh, Nhà vườn xếp, Nhà cộng đồng đảo kim cương, Trường học ở Bình dương, Trường mầm non thế giới xanh… đều là những tiếng nói thuyết phục cho triết lý nghề mà anh theo đuổi. Một chặng đường dài, với tính độc hành rất cao, đến nay thêm sự ứng nhập thiền định, Võ Trọng Nghĩa vẫn tiếp tục là một trong những người làm nên những tác phẩm Kiến trúc Việt Nam có khả năng chinh phục thế giới.

Toàn cảnh thiết kế nhà hàng tại Mexico của Công ty Võ Trọng Nghĩa
Trường Quốc tế Bắc Mỹ SNA Biên Hòa – KTS Nguyễn Xuân Minh

Huế, một vùng đất cố đô, tuy chứa đựng nhiều yếu tố lãng mạn như tranh hoạ đồ về Kiến trúc, thành phố di sản đậm đặc. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà tầng bậc Kiến trúc Huế, từ người sáng tác đến sản phẩm một thời gian dài biểu đạt trầm lắng, bình nhập theo xu hướng đồng điệu với khuôn thước đã có từ ông cha. Nguyễn Xuân Minh, một người lớp trẻ thì không suy nghĩ như vậy. Từ môi cảnh ấy, nhưng bằng trí lực khát khao khởi tạo, sự độc lập trong tìm tòi khám phá, cộng với sóng cồn tuổi trẻ, anh đã cho ra đời những tác phẩm kiến trúc rất mới mẻ hiện đại. Điều khá lạ là những tác phẩm đầy hiện đại, dường như theo chủ nghĩa công năng của anh, vẫn có sự trầm tư, già dặn của đất “thần kinh’’. Nhà nguyện Khâm mạng là một công trình biểu đạt cô đọng ý niệm làm nghề, thoát thai khỏi lệ thuộc cố đô di sản của anh: “Luôn quan tâm đến cảm xúc của các không gian kiến trúc”. Ở đây, hình khối tối giản với một đường dốc xoắn bao quanh một khối hộp thuần khiết. Cuối con đường dốc là một cây thánh giá thanh thoát, tất cả đã góp phần nói hộ ẩn ý sâu lắng về trình chặng tu hành. Công trình đã thành công ở sự hiện hữu và vô hình siêu thoát. Sáng tác của Nguyễn Xuân Minh đều hướng vậy, mỗi công trình biểu đạt một cảm xúc không gian riêng, cần có cho tính chất công trình, nhưng không hề gượng ép mà hoàn toàn tự nguyện, người cảm nhận tự lắng đọng. Tuổi còn trẻ vậy thôi, nhưng anh đã được xếp là KTS tiêu biểu trong 10 KTS giai đoạn 2010-2015 của Hội KTS Việt Nam, nơi ngôi nhà chung, luôn trân quý và kịp thời phát hiện ra, cổ vũ cho thành công xứng đáng của những người Kiến sĩ.

Văn phòng cho thuê 521 Kim Mã – KTS Nguyễn Huy Khanh

Nguyễn Huy Khanh là một trong ít KTS lớp trẻ đã chủ trì và tham gia nhiều công trình Nhà nước quy mô lớn trong thời kỳ vừa qua. Có được điều đó không phải là do hành nghiệp ở đơn vị tư vấn công lớn nhất cả nước một thời là VNCC. Cái chính để đưa anh đến những cơ hội nghề đó chính là do khả năng chắc tay sáng tác, hành nghiệp. Năm 1996, khi mới ra trường, tác phẩm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh anh thiết kế đã đạt Giải thưởng Quốc gia và Giải thưởng dành cho KTS trẻ. Trước và sau đó anh cũng đã tham gia cùng nhóm VNCC đạt 3 Giải thưởng Quốc gia khác. Anh là người được lựa chọn làm chủ nhiệm đồ án phía Việt Nam nhiều công trình liên doanh nước ngoài, có độ lớn và quan trọng với quốc gia trong giai đoan những năm 2000: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội… Sự kết hợp này là bước đột biến không của riêng của anh, mà là của giới KTS nước nhà, trên con đường hội nhập. Tìm KTS đảm trách được việc này không dễ, nhưng anh đã làm được và rất thành công. Nguyễn Huy Khanh còn là người hơi dị ở chỗ, trở thành người lãnh đạo nghề rất sớm, nhưng khi thấy xuất hiện nhiều ràng buộc, ám ảnh chuyên môn, đã tự xin rút để tìm hướng đi mới. Những vấn đề nóng Kiến trúc tại mỗi thời điểm, anh đều có những tham kiến sắc sảo, thẳng ruột ngựa, không ngại ngần.

Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hoàng Mạnh, Nguyễn Hoà Hiệp, Đàm Huỳnh Quốc Vũ là những người lớp trẻ hôm nay trong lĩnh vực sáng tác Kiến trúc. Có thể nói họ là “mỗi người một vẻ mười phân ven mười” , góp phần tiên phong, làm mới độc đáo, trên nền tảng Việt Nam. Đoàn Thanh Hà với những công trình không giống ai, dường như đã góp phần không nhỏ, đánh thức vẻ đẹp làng quê dân dã, mỗi khi anh tìm đến. Không gian cộng đồng tại Hà tĩnh là một ví dụ, với vật liệu cực kỳ dân dã, lấy người sử dụng làm trung tâm, ráp nối những không gian nhỏ sum họp trong một cộng đồng bình dị. Ngoài yếu tố nhân văn, phải chăng ở đây tiếng gọi nơi hoang dã, cổ xưa về tình nghĩa xóm giềng, tắt lửa tối đèn có nhau đã được đúc rút cô đọng. Đó đích thị là bản sắc Việt đã được khám phá vận ứng vào. Rồi đến tổ ấm nở hoa, vườn vệ sinh, văn phòng ban điều phối dự án SRPD-IWMC Hà tĩnh… chuỗi sáng tạo không ngừng nghỉ của KTS trẻ Đoàn Thanh Hà tiếp tục là những sản phẩm sáng tạo riêng ngôn ngữ, giàu nhân văn, thương cảm từng miền quê, thị thành về sự quá tải phế thải, ô nhiễm. Gần đây anh lại tiếp tục thể nghiệm mới ở những loại nhà lắp ghép, nhanh chóng và rẻ tiền, nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi và độ bền vững trong điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, thiên tai.

Toàn cảnh Naman Spa – KTS Nguyễn Hoàng Mạnh

Nguyễn Hoàng Mạnh lại bứt phá tìm tòi cho những loại công trình có phần yêu cầu “sang chảnh’’ hơn. Anh thiên nhiều đối với các loại hình ở Việt Nam đã bắt đầu đi vào dòng chảy quanh quẩn buồn phiền, đó là các khu nghỉ dưỡng, các loại nhà ở chung cư, các loại công trình công cộng quy mô vừa… Rõ ràng với thiện ý nương nhờ thiên nhiên một cách dịu dàng, với cảm nhận của một người làm nghề có tâm và có tầm, sáng tác của anh đã làm hài lòng những người chủ khó tính. Đặc biệt nhất là công trình do anh thiết kế tạo nên sức hút bền sâu cho du khách mong tìm chốn tiện nghi, bình yên, trong trẻo, để được hoà mình vào thiên nhiên. Có lẽ vì là người trẻ, hiểu tâm lý trẻ, nên công trình của Nguyễn Hoàng Mạnh còn tạo ra nhiều góc ảo để check – in cho tuổi trẻ nhiều mộng mơ, tuổi trung đầy hoài niệm bồng bềnh thi vị. “Hơi thở nhiệt đới đương đại’’, hướng về hội nhập quốc tế bằng sức mạnh nội tại, là triết lý mà anh đã thành công ở những công trình ấn tượng: Nhà ga tàu cánh ngầm Vũng tàu, Tiger Den VN, Khu dân cư và dịch vụ phía Bắc hồ sinh thái Đống đa, Naman Retreat Pure Spa… những thiết kế này của anh đã xây dựng từ khá lâu, nhưng đến hôm nay vẫn khẳng định được độ chín đầy đặn của người trẻ.

Nguyễn Hoà Hiệp chọn một con đường chông gai, đi tìm những “phế liệu’’ người ta đã rũ bỏ để tạo lập nên không gian Kiến trúc của mình. Triết lý của anh có lẽ xuất phát từ ý thức chắt bóp, cần kiệm như truyền thống của ông cha, cộng với sự hoài tiếc kỷ niệm rực rỡ của quá khứ, lại gặp người “có mới nới cũ’’ không thương tiếc, mình muốn thức tỉnh họ. Có thể là chút “khùng” của tuổi trẻ khi thấy bất bình chẳng tha. Nhưng rõ ràng với triết lý tự tôn người Việt, anh đã không ngán thể hiện vóc tri thức tuổi trẻ một cách hiền triết, bình tĩnh như trải đời lâu năm để làm nên nhiều thành công, mà cần nói ngắn thì chỉ là “ngạc nhiên chưa”. Công trình đầu tiên sau 9 năm ra trường là văn phòng Đá, anh đã bộc lộ cá tính riêng giàu chất thép tự tôi. 5 năm tiếp theo anh rất bình tĩnh nghiền ngẫm, cho ra đời số lượng không nhiều 18 công trình, nhưng tất cả thiết kế đều “đắt xắt ra miếng”. Lấy một vài ví dụ: Năm 2014 công trình The chapel (Nhà nguyện) của anh nhận giải công trình năm tại Liên hoan Kiến trúc thế giới tổ chức tại Singapo, hay The Nest, căn nhà ở “tôn thép’’ ở Thuận An, Bình Dương lộ rõ khí chất không khoan nhượng với xa xỉ đắt tiền. Cũng có những công trình dạng cao cấp hơn, Kiến trúc được bê tông hoá hẳn hoi, thiết kế của Nguyễn Hoà Hiệp vẫn mang sâu sắc hồn cốt dân tộc, lan toả đến người thưởng thức một cách hồn nhiên đậm đà mà không cần thông điệp đao búa. Bảo tàng cà phê Trung nguyên là một minh chứng sống động cho điều này. Ở đó, vẻ ngoài công trình đã gợi hình rất khéo sự tiếp biến của những ngôi nhà dài dân tộc vùng lộng nắng gió vào hôi nhập uyển chuyển, bên trong là những không gian trưng bày và hoạt động cộng đồng thật cởi mở phóng khoáng, giàu chất thơ, làm cho người lãng phiêu vào thế giới cà phê, ngỡ ngàng trước lịch sử phát triển của một chất uống huyền thoại.

Công trình The Chapel – KTS Nguyễn Hòa Hiệp
Bo Mon Preschool – KTS Đàm Huỳnh Quốc Vũ

Đàm Huỳnh Quốc Vũ cũng rất đặc biệt. Mới ra trường, anh là cộng sự của KTS nổi tiếng Nguyễn Văn Tất. Ở văn phòng giàu sáng tạo như vậy, anh cũng đã có nhiều ý tưởng được ghi nhận, những cơ hội mở ra không ít. Nhưng với ý chí độc lập và tự tin tuổi trẻ, anh đã tự rời bỏ và mở ONE ARCHITECTURE vào năm 2007, sau đó tái lập 2013 với tên mới KIENTRUC O. Các dự án do anh chủ trì thực hiện đã vươn nhanh, trở thành địa chỉ đáng tin cậy về tư vấn cho những chủ đầu tư thích đổi mới, sáng tạo. Các dự án đó đa dạng về thể loại, nhưng luôn có những điểm chung: tạo ra không gian kiến trúc có tác động mạnh và tích cực đến xúc cảm và nhận thức của con người về sự tương tác lẫn nhau, tương tác tự nhiên với thiên nhiên. Mảng công trình nhà ở sinh thái nằm trong thế mạnh của anh. Nhà lô phố như House 304 chẳng hạn, công năng tiêu chuẩn, tiện nghi. Với các mặt nhà bị bó kín ở 3 mặt, mặt tiền rộng 3,5m cận đường, nhưng thiết kế đã linh ứng, tạo được mọi không gian trong nhà đều ‘’dễ thở”, mọi căn phòng đều được tiếp cận chan hoà thiên nhiên. Với dạng công trình trường học như Bó Mon Preschool (The world’s top new architecture projects), trường mầm non TTc elite Saigon, các thiết kế của anh lại làm được những điều khác, tạo lập được công năng phóng khoáng hợp với trẻ, nhưng vẫn trong giới hạn tiêu chuẩn. Kiến trúc đã thoát, không còn dấu vết tầng bậc, mô thức của Kiến trúc trường học vốn đã tồn tại hàng thế kỷ. Thú vị là, những không gian công nghiệp do Đàm Vũ thiết kế không bị khô khan, cứng nhắc, mà tạo nên được sự tươi mới, giàu tính nghệ thuật kiến trúc bất ngờ.

Một lĩnh vực hầu như dành riêng cho những KTS có tuổi đời dày, tuổi nghề từng trải là lý luân phê bình, thì gần đây đã xuất hiện một hiện tượng khá độc: Vũ Hiệp – một KTS tuổi đời còn rất trẻ. Nếu chỉ đọc những trang viết của anh, dễ tưởng lầm là của một người cao niên. Tại vì ở đó ta gặp một con người có hiểu biết về lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật kiến trúc nói riêng một cách khá toàn diện, có tính cội nguồn, phạm vi bắc cầu toàn cục từ thế giới đến Việt Nam. Cách phân tích khẳng định vấn đề ở đây rất mạch lạc, già dặn, có lý luận, bản ngã, tự tin, có sức thuyết phục. Những gợi mở, đề xuất có khả năng tạo ra giá trị cụ thể đích thực, góp nền tảng tạo hướng. Khoảng 3/4 thế kỷ vừa qua, ở Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm lý luận dày trang của nhiều học giả uyên bác về nghệ thuật, hàng vạn bài chuyên luận mổ xẻ đa hướng ngành, nhưng chưa thấy tác phẩm nghiên cứu đi đến kiến tạo con đường giải quyết vấn đề. Có vẻ điều này ở Vũ Hiệp đã khác hơn, hình như ta bắt đầu rút ra được rõ ràng ít nhiều điều ở mỗi tác phẩm. Le lói tia hi vọng về tiến tới nhận diện bản sắc, về tương giao hội nhập. Điều đó chắc cũng được nhiều học giả nhận ra, chứng thực là tác phẩm “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền của anh” đã được giải A về lĩnh vực lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Trung ương. Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đã xướng tên tác phẩm viết của anh ở thứ hạng cao. Đó là một sự khẳng định rõ ràng về năng, tài và dám dấn thân của người KTS trẻ Việt nam, tiên phong trên con đường xây dựng nền kiến trúc nước nhà.

Toàn cảnh Vinhomes Ocean Park – KTS Thái Lan Anh
Mặt bằng tổng thể Thị trấn Thứa – KTS Phạm Thúy Loan

Một nghề thoạt nghe nhiều người thích, nhưng lội vào thì chông gai, gian khó trùng điệp và hay bị thất bát như Kiến trúc, thế mà có những phụ nữ đã dũng cảm lặn lội. Sự thành công của họ thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Bài viết chỉ xin điểm xuyết 3 người ở chủ đề lớp trẻ tiên phong. Phạm Thuý Loan là người đầu tiên có thể nói đến. Sau tốt nghiệp hạng ưu ở ĐHXD một thời gian ngắn, chị theo học và hoàn thành luận án tiến sĩ rất sớm ở Nhật Bản, một môi trường khắc nghiệt, với kết quả xuất sắc. Về nước, trong quá trình giảng dạy ở ĐHXD chị đã lựa chọn hướng đi chuyên sâu là Quy hoạch và Cảnh quan. Mảng giảng dạy và nghiên cứu, chị đã chủ trì và tham gia khoảng 20 chương trình đề tài. Điều đáng ghi nhận là hầu hết đề tài của chị đều là giải quyết thực tiễn các vấn đề nóng, cần kíp tại đô thị và nông thôn. Các nghiên cứu hầu như đều đi đến đích, với kết quả đóng góp thiết thực vào các chương trình mục tiêu. Mảng sáng tác, chị tham gia thưa hơn, nhưng năng lực sắc bén cũng đã thể hiện rất thành công. Năm 2005 chị và cộng sự đạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch chung TP Yên Bái; năm 2009 chị cùng nhóm Nikken Sekkei đạt giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi Ý tưởng đô thị Hồ Gươm và vùng phụ cận. Trước đó, ngay sau khi mới tốt nghiệp đại học, chị đã dành một giải quốc tế về cảnh quan tại Indonesia và một giải tại Việt Nam trong cuộc thi liên quốc tế. Hiện nay, tuy không còn thật trẻ về tuổi, nhưng sự càn lướt, xung trận chuyên môn của chị vẫn như ngày nào. Với tinh thần như vậy, sự đóng góp cho kiến trúc nước nhà của chị, đặc biệt là quy hoạch và kiến trúc cảnh quan vẫn chứa nội hàm giá trị sâu đậm.

Thái Lan Anh, một thủ khoa nữ của ĐHXD vào năm 2005, sau đó bằng con đường tu nghiệp đã được cấp bằng LEED Accredited Professional và bằng thạc sĩ tại Mỹ 2008. Chị đã độc lập thành lập công ty tư vấn chuyên về cảnh quan (PLA Studio) từ rất sớm. Có thể công ty của chị chính là nơi khởi phát bài bản, thiết kế chuyên về cảnh quan đầu tiên ở phía Bắc Việt Nam. Nhưng điều đó không quan trọng bằng thành quả mà KTS đạt được chỉ sau 15 năm hành nghề. Với triết lý “Tạo ra những không gian hài hoà giữa tự nhiên và con người, tạo sự tương tác trải nghiệm của người tham gia với không gian cảnh quan’’, Thái Lan Anh và PLA đã cho ra đời hàng loạt không gian cảnh quan đầy ấn tượng và có bản sắc riêng, tại những dự án lớn và rất lớn: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Metropolis, Lanmark 81, Vinhomes Bason, khu du lịch và nghỉ dưỡng Ocean Valley… Xem khối lượng công trình thiết kế, rồi đến tận nơi để thưởng ngoạn những không gian kiến trúc cảnh quan này, dứt khoát sẽ cảm nhận tính đột phá sáng tạo, tính tiên phong xông vào lĩnh vực mới, với một năng lực chuyên môn tiềm tàng của người trẻ, thật sửng sốt và tự hào KTS Việt nam. Mà họ lại là phụ nữ.

Từ đầu thế kỷ 21, mỗi mùa xuân về, người dân Sài Gòn và các nơi về thăm thành phố lại náo nức đổ về đường hoa Nguyễn Huệ, mê mải trải nghiệm và check in. Người chủ trì thiết kế đường hoa đó từ những năm đầu, tiếp nhiều năm sau là một nữ KTS rất trẻ, mới tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TPHCM 2007, Phạm Thị Ái Thuỷ. Kiến trúc cảnh quan đường hoa Nguyễn Huệ được phôi thai ý tưởng vào năm 2004, để thay thể chợ hoa Nguyễn Huệ đã tồn tại từ thời chế độ cũ. Năm 2007, khi vẫn còn là sinh viên năm cuối đại học, chị đã cùng cộng sự tham gia cuộc thi tìm ý tưởng cho đường hoa, với tâm ý thể hiện lý thuyết học vào ứng dụng thực tiễn. Đồ án đạt giải đặc biệt cuộc thi này của chị được làm thật. Chính kết quả đó đã mang lại cho chị và nhóm giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008. Sự thu hút rất đậm đặc, không hề nhách loãng theo thời gian của “cảnh quan biểu đạt trọn chốn xuân’’ đó, thể hiện sự thành công của sản phẩm thực nghiệm. Đưa đến cho chị một nhiệm vụ khả thi mỗi năm tết đến, với việc trả lời câu hỏi: “Năm nay đường hoa Nguyễn Huệ có gì mới?”. Rồi không biết do năng thế vang lan, hay do một phần may mắn KTS Ái Thuỷ lại đảm trách chủ trì thiết kế Cầu vàng Bà Nà Đà Nẵng. Công trình này sau khi hoàn thành đã thành công vang vọng về mặt Kiến trúc cảnh quan, với tầm lan toả ra thế giới. Nhà đầu tư được tăng lợi đột ngột, nhờ sự tò mò muốn trải nghiệm cùng nó của khách du lịch đến từ toàn cầu. Như vậy, người KTS đã đạt thành công trọn vẹn khi làm nghề. Chỉ với hai công trình đó thôi, đã cho thấy tính tiên phong ở lĩnh vực Kiến trúc của lớp KTS trẻ là phụ nữ đáng trọng thị, thừa nhận đến nhường nào.

Cầu vàng Bà Nà – KTS Phạm Thị Ái Thủy

Đề cập đến những người đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam kết nối cổ vũ, đồng hành, góp gió cho lớp KTS trẻ đi tiên phong, trước hết, phải nói đến KTS Nguyễn Thu Phong. Từ lúc còn là sinh viên, anh khẳng định vị thế của ngành kiến trúc với vai trò thủ lĩnh của ĐH Kiến trúc TPHCM tại cuộc thi SV96, sự thành công đó còn dư âm đến bây giờ. Ra trường một thời gian ngắn, với bằng thủ khoa tốt nghiệp, anh đã dấn thân vào cuộc trường chinh, tạo lập công ty NHÀ VUI năm 2000, một thương hiệu mà chỉ vài năm sau thành lập đã nổi đình đám với nhiều thiết kế sáng tạo thích dụng, tiện nghi về nhà ở. Năm 2009, 2010 anh được TPHCM trao giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu. Ngoài ra, những năm tuổi trẻ, anh còn được tặng nhiều giải khác cho thành tích khởi nghiệp kiến tạo. Các thiết kế nhà ở của công ty, những năm đầu thế kỷ 21 này vẫn bền bỉ, có tên trong tốp đầu về uy tín, chất lượng và tính chuyên nghiệp. Sau đó, sự đa dạng về thể loại công trình thiết kế mở rộng, họ cũng đã chiến thắng trong nhiều cuộc thi gai góc ở tầm quốc gia và quốc tế, chứng tỏ năng lực về chuyên môn và điều hành của người thủ lĩnh. Đặc biệt, anh là một trong những người trẻ nhất được bầu vào ban chấp hành, thường vụ Hội KTS Việt Nam nhiều nhiệm kỳ. Từ 2005 đến nay, anh liên tục được Hội giao đặc trách mảng KTS trẻ. Từ đó, anh dấn thân nhiệt thành với phong trào, tạo rất nhiều dấu ấn cá nhân hoạt động, cùng lớp kts trẻ tài năng toàn quốc, đi từ thành công này đến thành công khác. Góp phần cùng họ luôn khẳng định được tính tiên phong của lớp trẻ trong nền Kiến trúc nước nhà. Mới đây, đến thăm một công trình rất nhỏ bé thôi, tâm huyết của anh: Hero House núi chúa. Chợt thấy bùi ngùi, nếu như Nguyễn Thu Phong không hi sinh, dành nhiều thời gian cho hoạt đông Hội cùng lớp trẻ nhiều vậy, có lẽ anh cũng sẽ là một trong những KTS trẻ của Việt Nam dành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Con đường mà KTS Nguyễn Tuấn Anh thuộc lớp trẻ cuối 7X.20 có những tương đồng. Khi còn rất trẻ, anh đã cùng cộng sự đạt giải Nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (2010) với công trình: Trường trung học phố thông Amsterdam. Công trình đã góp phần thức tỉnh tư duy thiết kế trường học, sau ngày dài mặc nhiên cảm thức trường học là những mô típ nhà chữ U, sân ở giữa, kiến trúc mái ngói, gờ phào, vòm… Ở sáng tác này, thể hiện rõ sức bật bằng cách đặt vấn đề cởi mở, vươn ra ngoài khuôn mẫu đã có, đem đến một không gian sư phạm có tính đột phá, cho các em một cảm xúc tươi mới cuốn hút, thúc đẩy học tập giàu say mê tương tác sáng tạo. Sau đó, cùng thiết kế nhiều công trình thể nghiệm tìm tòi, anh chuyển sang mô hình tổ chức những hoạt động vì Kiến trúc: Thành lập ATEK Architects, theo đuổi việc thiết lập những không gian chung cho cộng đồng kiến trúc, nhằm kết nên một môi trường sáng tạo tương tác đa dạng, tìm đến những giá trị mới mẻ, đồng thời tạo ra những mối quan hệ mới trong thực hành hành nghề, kinh doanh, kết nối hữu thức với cộng đồng; Hình thành nhóm A+G với tiêu chí “kết nối tầm, nâng tâm trí’’ nhằm gắn nối những người tâm huyết vì một nền kiến trúc xanh. Đến nay ngoài thành công về làm nghề, thành công của các tổ chức mà KTS Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự sáng lập vận hành là rất rõ ràng. Họ đã tạo được ngôi nhà nhỏ ấm áp giàu nhân văn, đồng trí, đồng lòng trong ngôi nhà chung dung dị nơi chốn cuả Hôi Kiến trúc sư Việt Nam. Vừa qua, anh đã nhận nhiệm vụ kế bước Nguyễn Thu Phong trong kết nối KTS trẻ, đó là một thử thách mới đối với người giàu nhiệt huyết.

Giải nhất GTKTQG 2010 : Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam – KTS Nguyễn Tuấn Anh

Nói về tính tiên phong của lớp KTS trẻ Việt Nam mọi thời kỳ là vô cùng khó, nhất là đi vào phân định cội nguồn tâm huyết, ý tưởng để họ sáng tạo nên nhiều kỳ tích trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Cách nay không lâu, lãnh đạo Hội KTS Việt Nam được mời dự một triển lãm của nhóm WEPLAY gồm 11 thành viên, đa số là các KTS còn rất trẻ. Triển lãm với cái tên rất lạ “LỘ’’! Ở đó nhiều sáng tạo của KTS trẻ được vô tư bộc lộ, có những sáng tạo biến không thành có, biến bình thường thành vô thường, thật sự gây thảng thốt với người làm nghề, dư âm mang về sau cuộc triển lãm thật ngọt ngào, xúc động. Rõ ràng những lãng tử kiến trúc trẻ đã rất hào sảng, yêu da diết nghiệp kiến, cùng nhau vượt lên cát bụi thất bát, ràng níu của đời thường, đưa khát vọng chân chính nghề thành những tác phẩm trong trẻo, đượm sắc. Nhưng nhìn những ánh mắt và nghe bày tỏ những khát vọng của họ, lãnh đạo Hội không ít day dứt về những điều chưa, và có cả những điều không bao giờ làm được để đồng hành sẻ chia cùng. Điều cuối cùng muốn nói ở đây là, tất cả KTS đã tham gia trưng bày triển lãm ở “LỘ” ngoài đời cũng đã đóng góp rất nhiều bông hoa bình dị mà cao quý cho Kiến trúc nước nhà, những tác phẩm của họ đâu đó đều xứng đáng là là những sáng tạo đích thực nhân văn vì cộng đồng. vậy nhưng, đều chưa kịp được nêu dẫn trong bài viết nhận thức về tầm quan trọng của lớp trẻ này.

Trên đất nước chúng ta, trải dài từ Nam quan đến mũi Cà mau, còn biết bao KTS lớp trẻ các thế hệ, miệt mài lao động bằng trí tuệ và sức lực, góp phần cho sự phát triển phồn thịnh. Với thời gian và tầm có hạn, bài viết xin hai từ cảm thông cho sự đề cập còn nhiều kiếm khuyết, trống vắng này. Có thể nhìn nhận, trong từng chặng đường Kiến trúc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, KTS Trẻ Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu, đóng vai trò hạt nhân khai phá, mở đường trong đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Sự vững bước với nền tảng tri thức chắc chắn, năng thế chuyên môn dày dặn, họ đã tự dựng nên những “cơ đồ” riêng đầy vinh quang, trong cơ đồ chung tươi xanh của Kiến trúc nước nhà. Nhất định chặng thế kỷ 21, khi đường lối Đảng, nhà nước không ngừng đổi mới; chế tài từng bước được cải thiên; sự đồng hành sát cánh kiến tạo, tháo gỡ của Hội KTS Việt Nam ở các cấp; sự gắn kết thấu hiểu của cộng đồng; đặc biệt là sự đoàn kết chung đồng trí sức của lớp trẻ, mà mô hình câu lạc bộ là một phương cách; KTS tuổi trẻ Việt Nam sẽ đạt tiếp những thành công vang sáng trên con đường riêng của mỗi người, mỗi tổ chức cộng sự, trong sự phát triển chung của một ngành nghệ thuật – Kỹ thuật đặc thù. Như Hồ Chí Minh đã gửi gắm “Kiến trúc là một việc rất quan hệ’’, Vậy đó!

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)