Phòng khám Y học cổ truyển Sao Phương Đông – phát huy giá trị tốt đẹp của nền y học cổ truyền

Công trình phòng khám Y Học Cổ Truyền (YHCT) Sao Phương Đông toạ lạc tại một toà nhà cao tầng thuộc khu đô thị phức hợp mới tại Hà Nội với hai khu chức năng chính là khu tiếp đón và khu điều trị. Dự án được xây dựng với mục đích  gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của nền YHCT trong bối cảnh nền y học hiện đại đã được ứng dụng rộng rãi, giúp con người có thêm sự hiểu biết về việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân.

Không gian tiếp đón – Tầng 1

Không gian tiếp đón nằm bên cạnh khu vực sảnh chính của toà nhà, tiếp giáp với trục giao thông lớn tại khu đô thị. Định hướng của thiết kế được lấy cảm hứng từ những quan niệm cơ bản của YHCT. Các vật liệu tự nhiên, truyền thống như gạch gốm, đá tự nhiên, gỗ… được kết hợp mang lại cảm mộc mạc, thân thiện, ấm áp. Một không gian mang đậm tính truyền thống lồng ghép trong bối cảnh không gian chung mang tính thời đại đã góp phần làm giảm cảm giác công nghiệp và tạo ấn tượng cho khu vực tiếp đón bệnh nhân.

Điểm nhấn tại đây là bức tường cong bằng chất liệu đá và gỗ được xây dựng theo phương pháp thủ công truyền thống. Đường cong uyển chuyển ngoài việc nhằm phân định rõ các khối chức năng còn làm nhấn mạnh hình ảnh người thầy thuốc phối trộn tỉ mỉ, chuẩn xác. Các vị thuốc bên cạnh tủ thuốc với hơn 110 loại thảo mộc khác nhau cũng thể hiện rõ tính đặc trưng của YHCT.

Không gian phòng điều trị – Tầng 07

Theo quan niệm của YHCT, để điều trị hiệu quả cho người bệnh cần đảm bảo cả hai yếu tố: bệnh lý và tâm lý của người bệnh. Không gian phòng khám chuyên khoa được thiết kế lấy cảm hứng từ những không gian mang lại cảm giác yên bình trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Nhịp điệu trong không gian phòng khám chuyên khoa được dẫn dắt bởi 31 cột đá tự nhiên trải dài trên các trục hành lang chính. Bên cạnh đó, các phòng khám chức năng được ngăn bằng không gian cây xanh nhằm tạo ra sự riêng tư cần thiết giữa các phòng khám, đồng thời cũng mang lại sự tươi mới và cũng góp phần tạo lên tính nhịp điệu cho không gian chung.

Điểm cuối các trục hành lang mở ra những không gian có sự hiện diện nhiều hơn các yếu tự nhiên như cây xanh, ánh sáng… mang lại cho người bệnh trải nghiệm dễ chịu, thoải mái, hoà mình cùng thiên nhiên. Nhằm giúp người bệnh có được sự nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi trước khi bắt đầu liệu pháp điều trị.

Khác với không gian sảnh tiếp đón, không gian phòng khám chuyên khoa là sự kết hợp các vật liệu tự nhiên và nhân tạo. Vật liệu kính được sử dụng nhằm tăng khả năng lấy ánh sáng tự nhiên vào trong công trình. Kết hợp cùng các yếu tố kiến trúc theo chiều đứng, giúp cho không gian có cảm giác cao, sáng, thoáng hơn.

Cây xanh cũng là một yếu tố quan trọng của dự án. Với mục tiêu không chỉ mang lại cho không gian sự tươi mới mà còn nhằm tuyên truyền, giáo dục cho con người có thêm sự hiểu biết về YHCT thông qua các chủng loại cây thảo dược. Những vị thuốc đều được làm từ các loại cây xanh gần gũi với đời sống con người giúp con người có thêm phương pháp chăm sóc sức khoẻ hàng ngày, không bị phụ thuộc nhiều vào thuốc Tây. Qua đó giúp con người có sự gắn kết với thiên nhiên nhiều hơn và nâng cao trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.

Công trình YHCT Sao Phương Đông thể hiện sự kết hợp các yếu tố con người, kiến trúc, y học cổ truyền. Các yếu tố, truyền thống – hiện đại, tự nhiên – nhân tạo, con người – thiên nhiên được kết hợp nhằm tạo không gian giúp con người có được sự nghỉ ngơi, thư giãn và được điều trị bệnh. Qua các trải nghiệm trong không gian khám chữa bệnh, người dân cũng có thêm sự hiểu biết về YHCT và có sự gắn kết với thiên nhiên nhiều hơn, đóng vai trò quan trọng trong dự án thì kiến trúc cũng đã cho thấy và cố gắng thể hiện được sự ứng xử phù hợp với những giá trị truyền thống, văn hoá bản địa trong thời đại phát triển mạnh mẽ ngày nay.

Thông tin công trình:

  • Tư vấn thiết kế: ODDO architects
  • Địa điểm xây dựng: Hà Nội, Việt Nam
  • Tổng diện tích: 1100m2
  • Năm hoàn thành: 2022
  • Thời gian thi công: 6 tháng
  • Số phòng khám: 21 phòng
  • Ảnh công trình: Hoang Le

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc