Trò chuyện với KTS Tôn Đại: Cánh chim bay giữa bầu trời sáng tạo

PGS.TS.KTS Tôn Đại:

  • Tên đầy đủ: Tôn Thất Đại.
  • Sinh năm 1937 tại Hà Nội.
  • Tốt nghiệp Kiến trúc sư Khóa 1 Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1989 tại Trường đại học Xây dựng Hà Nội.
  • Trưởng phòng thiết kế Ty Kiến trúc Vĩnh Phúc và Vĩnh Phú.
  • Giảng dạy tại: Phân hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Tại chức Bộ Đại học và THCN, Đại học Agostinho Neto (Angola), Nhạc viện Quốc gia Angola.
  • Sáng chế ra “Thước tính kết cấu Tôn Đại”.
  • Sách đã xuất bản: “Lịch sử kiến trúc thế giới qua hình vẽ”, “Kiến trúc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, “Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam”, “Mối quan hệ kiến trúc và các ngành nghệ thuật”, “Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc”, v.v.
  • Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.

Vũ Hiệp: Thưa bác, giới KTS nước ta lâu nay đều biết sự đa tài của KTS Tôn Đại: sáng tác kiến trúc, tính kết cấu, dạy học, vẽ tranh, viết sách, sáng tác nhạc, biết nhiều ngoại ngữ… Phải chăng truyền thống gia đình và giáo dục đã tạo nên một Tôn Đại đa tài?

KTS Tôn Đại: Tôi được thừa hưởng gien sư phạm và ngoại ngữ từ bố tôi (*), và gien văn hóa, nghệ thuật từ họ ngoại (**). Bố tôi mất khi tôi mới 7 tuổi. Mẹ tần tảo nuôi 5 chị em trong thời buổi loạn lạc, khó khăn, nhưng ai cũng được học hành đến nơi đến chốn.

Hồi trung học, tôi học trường Nguyễn Trãi, được học vẽ với thầy Nguyễn Bốn, thầy Thịnh Dell, học nhạc với thầy Trung Quân, học tiếng Anh với thầy Xuân, học tiếng Pháp với thầy Loan. Những kiến thức phổ thông đó đã giúp ích suốt cuộc đời bôn ba sau này. Tôi vẫn nhớ lúc thi tuyển tiếng Pháp để tham gia vào đoàn chuyên gia đi Algeria, có 250 người dự thi đã ôn tiếng Pháp cả năm trời, còn mình chỉ có 2 ngày chuẩn bị. Nhưng vốn liếng tiếng Pháp được học từ trung học gần 40 năm trước đã đủ giúp tôi đỗ thứ ba trong số 20 người trúng tuyển.

Phương án Trường chuyên nghiệp Karl Marx ở Luanda nhận giải thưởng 6.000 USD của Ngân hàng Pháp

Vũ Hiệp: Rồi bác theo học khóa 1 Đại học Bách khoa, khóa kiến trúc đầu tiên của thời kỳ xây dựng XHCN, đã sản sinh những KTS, những người thầy có đóng góp rất lớn cho nền kiến trúc hiện đại Việt Nam như Nguyễn Đức Thiềm, Lê Văn Lân, Trần Hùng, Tôn Đại, Lê Kiều… Bác có thể kể lại về chương trình học ngày đó?

KTS Tôn Đại: Năm 1956, Trường Đại học Bách khoa mở khóa đầu tiên, chưa có Khoa Kiến trúc mà chỉ có lớp học về kiến trúc khoảng hơn hai chục người, nằm trong Khoa Xây dựng. Sinh viên lúc đó thi vào Khoa Xây dựng, sau đó những người có năng khiếu vẽ mới thi chuyển sang lớp Kiến trúc này. Chương trình học về cơ bản dựa theo Liên Xô. Tham gia giảng dạy chủ yếu là các KTS đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Cao Luyện (dạy lịch sử kiến trúc), Hoàng Như Tiếp (dạy quy hoạch đô thị), Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Đoàn Ngọ, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Ngọc Chân (dạy các môn khác và hướng dẫn đồ án).

Các môn liên quan đến mỹ thuật thì do các họa sĩ, nhà điêu khắc đã thành danh như các thầy/cô Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim. Ngoài ra, có cả các thầy người Nga dạy hình họa và một số môn khác.

Chủ nhiệm lớp là thầy Ngô Huy Quỳnh, người đã được cử sang học nghiên cứu sinh ở Liên Xô từ năm 1951 đến 1956. Thầy Quỳnh dạy nhiều môn: diễn họa kiến trúc, lịch sử kiến trúc… Thầy là người sát sao nhất, tất cả mọi việc học tập đều do thầy quán xuyến. Thầy đã đề nghị nhà trường trang bị cho chúng tôi đầy đủ giá vẽ, bảng vẽ, hộp màu, và dẫn chúng tôi đi vẽ các công trình kiến trúc cổ khắp Hà Nội. Thầy Quỳnh tính tình phóng khoáng đúng như một nghệ sĩ, lúc nào cũng vui vẻ và nói chuyện hài hước.

Tất cả những điều kiện trên chứng tỏ chúng tôi được tạo điều kiện học tập tốt nhất trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Vũ Hiệp: Còn về trình độ của sinh viên thì sao hả bác?

KTS Tôn Đại: Đầu vào của sinh viên có mấy loại. Loại thứ nhất là tú tài phần hai (tương đương lớp 12), ví dụ như tôi. Loại thứ hai là tú tài phần một (tương đương lớp 11), như anh Thiềm. Loại thứ ba là học sinh kháng chiến gọi dự bị đại học (tương đương lớp 10). Loại nhiều nhất là học sinh kháng chiến lớp 9. Loại cuối cùng là bổ túc công nông. Sau nửa năm thì các bạn bổ túc công nông bị rớt khá nhiều.

Những sinh viên trụ lại được đến năm cuối phải vừa có năng khiếu kiến trúc, mỹ thuật, vừa nắm chắc kỹ thuật xây dựng.

Vũ Hiệp: Sau khi tốt nghiệp bác làm việc ở đâu ạ?

KTS Tôn Đại: Năm 1962 tôi nhận bằng tốt nghiệp, nhưng từ năm 1960 đã được cử đi thực tập tại Cục Thiết kế Dân dụng (Bộ Kiến trúc), và làm việc ở đó đến năm 1963 trước khi bị điều chuyển đi Vĩnh Phúc. Tôi làm việc ở phòng thiết kế của KTS Đoàn Ngọ, chủ yếu thiết kế trường học, có thể kể đến các công trình mà tôi tham gia: Khu nhà học Nhạc viện Quốc gia, Trường Dân tộc Trung ương, Trường Đại học Ngoại ngữ, Nhà ăn Trường Đại học Nông nghiệp… Được làm việc cùng với các KTS giàu kinh nghiệm như Nguyễn Văn Ninh, Đoàn Ngọ, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân, tôi sung sướng lắm.

Vũ Hiệp: Tại sao năm 1963 bác bị điều chuyển đi Vĩnh Phúc khi đang làm việc ở Cục Thiết kế Dân dụng?

KTS Tôn Đại: Tôi bị “yếu lý lịch”. Năm ấy, “chủ nghĩa lý lịch” đang ở cao trào. Nhưng dù sao việc điều chuyển cán bộ chuyên môn từ trung ương về địa phương cũng cần thiết, vì lúc đó hầu hết các tỉnh miền Bắc không có cán bộ chuyên môn tốt nghiệp đại học, năng lực rất hạn chế. Mình về đó phải cáng đáng mọi việc từ thiết kế kiến trúc cho đến kết cấu, điện, nước, dự toán, vừa làm vừa hướng dẫn anh chị em trong cơ quan. Rồi tôi cũng được mọi người tín nhiệm, làm trưởng phòng thiết kế. Trong gần 8 năm, từ 1963 đến 1970, tôi đã thiết kế nhiều công trình của tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là Vĩnh Phú (khi sát nhập với Phú Thọ). Một số công trình đáng chú ý là Khu an dưỡng ở Đầm Vạc, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc trên đồi Tỉnh ủy…

Một khu nghỉ dưỡng do KTS Tôn Đại thiết kế khi “làm thêm” cho công ty Soapro

Vũ Hiệp: Bác có gặp khó khăn khi làm việc với các đồng nghiệp ở địa phương?

KTS Tôn Đại: Tuy chuyên môn của cán bộ địa phương còn yếu nhưng anh em ở đó sống tình nghĩa và luôn ủng hộ tôi. Khi ấy, Phòng Thiết kế được giao nhiều việc mà nhân lực thì có hạn, tốc độ tính toán bị chậm so với tiến độ. Vì vậy tôi đã mày mò sáng chế ra một cái thước giúp tính toán nhanh hơn. Chiếc thước đó được chia thành nhiều vạch nhỏ theo cách của thước lô-ga-rít, có khả năng tính toán kết cấu cho các vật liệu khác nhau, dễ thao tác và cho kết quả nhanh, giúp những anh em trình độ trung cấp cũng có thể tự mình giải được các bài toán phức tạp về cơ học kết cấu, nền móng. Chiếc thước này đã được Bộ Kiến trúc công nhận là một sáng kiến có giá trị và được khen thưởng. Anh em gọi đó là “Thước tính kết cấu Tôn Đại”.

Ngoài thước tính kết cấu, tôi làm thước khái toán công trình để dùng cho lãnh đạo tính nhanh vật liệu, nhân công các công trình, giúp xây dựng kế hoạch công việc.

Anh trưởng ty Kiến trúc Vĩnh Phúc rất vui khi có trong tay công cụ này. Cũng vì quý mến, thông cảm với hoàn cảnh nhiều năm sống xa vợ con, anh đã đồng ý “thả” tôi về Hà Nội. Đó là năm 1970. Tôi bắt đầu làm giảng viên ở Phân hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Vũ Hiệp: Vậy là chuyển sang một chương khác, một Tôn Đại – thầy giáo. Đúng nghề “cha truyền” bác nhỉ?

KTS Tôn Đại: Đúng vậy. Tôi cảm thấy thoải mái và có động lực phát triển với công việc sư phạm. Được 1-2 năm thì Phân hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội giải tán, tôi chuyển sang giảng dạy ở Khoa Xây dựng – Trường Đại học Tại chức của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sau đó làm chủ nhiệm khoa đến năm 1982.

Những năm Bao cấp, cuộc sống rất khó khăn, mà lúc đó có “trào lưu” các giảng viên đại học sang châu Phi làm chuyên gia để tìm nguồn thu nhập, nên tôi đã đăng ký và trúng tuyển đi Algeria. Đùng một cái chương trình đó bị hoãn. Thế là phải chuyển sang đi Angola, một nước thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha.

Từ năm 1983 đến 1985, tôi dạy ở Khoa Kiến trúc – Đại học Agostino Neto tại thủ đô Luanda của Angola. Cuối năm 1985 tôi về nước, dạy ở Trường Đại học Xây dựng và làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Năm 1990, phía Angola mời tôi quay lại dạy, đến năm 1998 thì về hẳn.

Một trung tâm thương mại ở Luanda do KTS Tôn Đại thiết kế

Vũ Hiệp: Sinh viên kiến trúc ở Angola học hành thế nào hả bác?

KTS Tôn Đại: Trường này học trò không thi đầu vào. Chỉ cần có bằng tốt nghiệp phổ thông là được ghi tên và nộp tiền vào học. Nếu năm đầu tiên có 100 người nhập học, thì đến năm thứ hai chỉ còn 50, và năm thứ năm chỉ còn khoảng 10 người chuẩn bị tốt nghiệp.

Đầu năm 1985, các ngân hàng nước Pháp tổ chức thi thiết kế kiến trúc các trường trung cấp kỹ thuật cho Angola nhằm tuyển những phương án tốt để xây dựng cho nước này. Tôi thiết kế Trường chuyên nghiệp Karl Marx ở thủ đô Luanda. KTS Nguyễn Luận (cùng dạy khoa Kiến trúc với tôi) thiết kế Trường trung cấp nông nghiệp ở tỉnh Malange. Cả hai phương án của chúng tôi đều được trao giải, mỗi phương án 6.000 đô-la Mỹ (USD). Sứ quán Việt Nam báo về nước và Bộ Ngoại giao điện sang: mỗi tác giả chỉ được giữ lại 2.000 USD.

Lần thứ hai sang Angola, tôi được mấy sinh viên năm cuối mời làm trưởng nhóm thiết kế một nhà hàng dài 50m bên bờ biển với thiết kế phí 18.000 USD. Lúc nhận tiền thiết kế, các cậu ấy đề xuất chia cho tôi một nửa vì thầy là trưởng nhóm, nhưng tôi đã chia đều cho tất cả mọi người, ai cũng vui vẻ. Một công trình khác làm cùng với nhóm này là thiết kế khu nghỉ dưỡng trên đảo với khoảng hai chục biệt thự. Tôi chọn kiểu nhà sàn như một cách gợi nhớ quê hương, mà cũng hợp với cảnh quan nơi đây. Thiết kế phí được 12.000USD, tôi lại chia đều cho tất cả mọi người.

Ngoài ra, một văn phòng kiến trúc có tên Soapro (do một sinh viên cũ của tôi quản lý) cũng mời tôi đến văn phòng để tham gia thiết kế các đơn đặt hàng của họ như: nhà ở, khu nghỉ dưỡng, rạp chiếu bóng…

Kí họa nhà thờ trong điện Kremli, Moskva

Vũ Hiệp: Giảng dạy và thiết kế kiến trúc ở một đất nước châu Phi xa xôi, hẳn bác còn khám phá được nhiều điều từ văn hóa “lục địa đen” mà ở Việt Nam ít người biết đến. Bác có thể một vài kỷ niệm với người dân Angola?

KTS Tôn Đại: Đi làm xa gia đình, lúc rảnh rỗi hoặc giao lưu với người bản xứ tôi lại lôi guitar ra chơi, để đỡ nhớ nhà mà cũng là để kết bạn mới. Một lần dạo phố, tôi thấy hai nghệ sĩ đường phố chơi guitar và hát rất hay nhưng không hiểu họ chơi theo kiểu gì. Tôi mới kết bạn và tìm hiểu, hóa ra họ đang hát dân ca. Thế là tôi ký âm, ghi lại lời theo tiếng dân tộc và tiếng Bồ Đào Nha, được hơn chục bài. Tiếng lành đồn xa, các quan chức địa phương đề nghị giáo sư Tôn Đại cho in thành sách. Tôi cho xuất bản hai quyển: một quyển tập hợp các bài dân ca Angola, một quyển tôi soạn biến tấu cho guitar.

Chuyển soạn một bài dân ca Angola cho guitar

Vũ Hiệp: Vậy là chúng ta có thêm một Tôn Đại – nhạc sĩ. Người Angola chắc ngạc nhiên lắm, bác nhỉ?

KTS Tôn Đại: Lễ ra mắt sách được tổ chức rất hoành tráng, có nhiều quan chức văn hóa và các nghệ sĩ tham dự. Họ rất vui, bởi vì sau bốn trăm năm bị Bồ Đào Nha đô hộ, ngoài các giáo sĩ ra chưa có ai quan tâm đến âm nhạc truyền thống Angola, cho đến khi xuất hiện một giáo sư người Việt Nam, người không chỉ sưu tầm, ký âm, mà còn biến tấu thành những bản nhạc không lời dành cho guitar.

Ngay sau đó, Nhạc viện Quốc gia Angola mời tôi mở khoa guitar và dạy guitar cho sinh viên của họ. Guitar là nhạc cụ ít phổ biến ở Angola, và nhạc viện lúc đó họ mới đặt 20 chiếc guitar từ Bồ Đào Nha mang về. Có chút vướng mắc về thủ tục là mình không có bằng tốt nghiệp nhạc viện để dạy. Nhạc viện và tôi đành nghĩ ra kế “lách luật” bằng cách nhờ Đại sứ quán Việt Nam xác nhận rằng giáo sư Tôn Đại đã từng dạy đàn ở Hà Nội. Mức lương mà nhạc viện trả cho tôi là 2.000 USD/tháng, trong khi lương của các chuyên gia thực nhận tại đó chỉ 100 USD/tháng (hợp đồng giữa hai nhà nước là 1.300 USD/tháng).

Vũ Hiệp: Người Angola thật đáng mến!

KTS Tôn Đại: Họ rất chân thành, tiếp nhận nghệ thuật từ trái tim. Ít lâu sau vụ ra mắt sách, sở Văn hóa Luanda mở câu lạc bộ guitar và mời tôi dạy cho những người yêu thích guitar. Bất ngờ nhất là hai nghệ sĩ đường phố mà tôi kể lúc trước cũng đến học. Hóa ra họ hoàn toàn không biết nhạc lý hay kỹ thuật chơi guitar chuẩn mực. Họ hát và chơi nhạc hoàn toàn bằng bản năng. Tôi thực sự kinh ngạc.

Một lần, tôi bày tranh ký họa nhân vật, phong cảnh ở trường, với mục đích khuyến khích sinh viên cùng vẽ. Ai ngờ có một vị quan chức của Bộ Văn hóa đến xem. Ông ta đã đề nghị mở triển lãm cá nhân cho tôi ở Trung tâm Văn hóa Luanda. Triển lãm trưng bày hơn 130 bức ký họa, diễn ra trong một tháng, có nhiều người đến xem.

Vũ Hiệp: Vậy chúng ta có thêm Tôn Đại – họa sĩ. Thế còn Tôn Đại – tác giả sách thì sao ạ? Khi nào bác tập trung viết sách?

KTS Tôn Đại: Sau khi về nước năm 1998 thì tôi cũng đến tuổi nghỉ hưu. Từ lúc nghỉ hưu đến nay tôi cũng xuất bản được gần chục đầu sách, trong đó có cuốn “Kiến trúc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được trao giải Nhì, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.

Vũ Hiệp: Cháu có nhớ hồi mới tìm hiểu và học Kiến trúc, cháu rất thích bộ “Tủ sách nghệ thuật – Kiến trúc” của NXB Kim Đồng do bác và KTS Trần Hùng, KTS Nguyễn Luận viết từ những năm 2000. Quả thực, những cuốn sách nhập môn và phổ biến kiến thức cho học sinh phổ thông như vậy rất cần thiết để cả xã hội hiểu biết hơn về kiến trúc, nếu không tạo cảm hứng cho việc lựa chọn nghề kiến trúc cho học sinh thì cũng giúp họ có tầm văn hóa tốt hơn trong việc ứng xử với kiến trúc sau này dù ở bất cứ cương vị nào.

KTS Tôn Đại: Đúng vậy. Giáo dục kiến trúc cho đại chúng là vấn đề còn thiếu trong xã hội chúng ta hiện nay. Là một nhà sư phạm, tôi luôn cố gắng bù đắp thiếu sót đó mỗi khi có cơ hội.

Vũ Hiệp: Như vậy, dù cuộc đời trải qua biết bao thăng trầm, nhưng lúc nào bác cũng tìm thấy niềm vui trong sáng tạo – không chỉ kiến trúc, mà còn âm nhạc, hội họa, khoa học. Điều gì khiến bác có ý chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn một cách mạnh mẽ như vậy?

KTS Tôn Đại: Tôi có thể nói về hai điều. Thứ nhất, cái đẹp của nghệ thuật giúp con người ta biết lược bỏ những thứ vặt vãnh trong cuộc sống. Thứ hai, cuộc đời của mẹ tôi đã truyền nghị lực cho tôi luôn phải tự lực vươn lên. Bà là con thượng thư lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, đài các, đã học hết lớp Nhất của trường Tây, nói tiếng Pháp rất giỏi. Ấy vậy, mới ngoài ba mươi tuổi bà đã chịu cảnh không còn cha, chồng thì mất sớm, bà ở vậy, lam lũ nuôi các con ăn học nên người. Tôi nhớ khoảng thời gian 1947-1950, gia đình rời Hà Nội về sơ tán ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Khi ấy mẹ tôi đã mua bông về quay sợi, làm thành những cuộn sợi trắng mang ra chợ làng Hành Thiện để bán. Bà còn tự làm những chum tương để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Sau năm 1954, sự gian nan đối với gia đình tôi tăng lên gấp bội, nhưng Mẹ và chị em chúng tôi không khi nào chán nản, thối chí. Mà thực ra nhìn rộng hơn, không chỉ có gia đình tôi biết vượt qua khó khăn, cả dân tộc ta đều như vậy.

Vũ Hiệp: Cháu cám ơn bác về cuộc trò chuyện này. Kính chúc bác khỏe mạnh để tiếp tục viết sách, vẽ tranh, chơi nhạc!

Vũ Hiệp (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)


Chú thích
(*): Bố của KTS Tôn Đại là cụ Tôn Thất Bình từng là hiệu trưởng Trường Tư thục Thăng Long, nơi quy tụ các trí thức nổi tiếng Hà Nội thời bấy giờ như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai (chú thích của Vũ Hiệp).
(**): ông ngoại của KTS Tôn Đại là nhà văn hóa Phạm Quỳnh, cậu ruột là nhạc sĩ Phạm Tuyên (chú thích của Vũ Hiệp).