Về các KTS nước ngoài ở Việt Nam sau năm 1975

Vai trò tích cực

Lịch sử đã chứng minh, để duy trì hoặc đổi mới một nền kiến trúc, người ta phải huy động các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là yếu tố con người. Đôi khi, sự sáng tạo kiến trúc trong một không gian nhất định (quốc gia, đô thị) sẽ trở nên nhàm chán, bão hòa, và những làn gió mới có thể được kích ứng bởi những người có nguồn gốc từ bên ngoài. Khi các Sa hoàng dòng họ Romanov xây dựng Sankt Peterburg trở thành một “Cánh cửa của châu Âu” trên đầm lầy Baltic, họ đã phải mời các KTS giỏi nhất từ Pháp và Italia đến quy hoạch và thiết kế những công trình quan trọng của thành phố (TP). Những vị khách mời này dần dần trở thành những cư dân Sankt Peterburg. Hơn thế, họ đã đánh thức các KTS bản địa để cùng nhau tạo nên một chương mới trong lịch sử kiến trúc Nga. Những quốc gia giàu có và hùng mạnh ngày nay, nếu chưa thể dẫn đầu về công nghệ kiến trúc thì cũng phải mời các KTS giỏi nhất thế giới đến thiết kế (ví dụ Trung Quốc, UAE..,), qua đó sẽ tạo động lực cho sự vươn lên của các KTS trong nước.

Khách sạn Thắng Lợi

Từ khi giao lưu với kiến trúc phương Tây, thông qua người Pháp, kiến trúc Việt Nam đã trở nên đa dạng và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Danh xưng “KTS” xuất hiện một cách sang trọng và tôn vinh hơn, thay vì những người “thợ cả” gần như vô danh hàng nghìn năm. Nếu không có những người thầy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì không thể có thế hệ KTS hiện đại đầu tiên. Nếu không có Hebrard, thì phong cách Đông Dương khó đạt được vinh quang như vậy…

Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, các KTS nước ngoài xuất hiện ở cả hai miền không nhiều, chẳng hạn: KTS Adrian Wilson với Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn; Khu nhà chính Đại học Bách Khoa ở Hà Nội do các KTS Liên Xô thiết kế dựa trên mẫu điển hình của Viện Thiết kế Leningrad…

Ngay sau khi đất nước thống nhất, các nước thuộc khối XHCN (Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba…) và trung lập (Thụy Điển) đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, trong đó có việc gửi các chuyên gia kiến trúc đến thiết kế các công trình do bạn tài trợ. Những KTS nước ngoài nổi bật thời bao cấp có thể kể đến là: Nicolas Quintana (Cuba), Kazimierz Kwiatkowski (Ba Lan), Garol Isakovich (Liên Xô)…

Khi đất nước đổi mới, kinh tế phát triển nhanh chóng, nhu cầu xây dựng tăng cao. Các văn phòng kiến trúc nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, đảm nhiệm những công trình có công nghệ phức tạp như nhà siêu cao tầng, tổ hợp đa năng quy mô lớn, khu nghỉ dưỡng cao cấp…

Xã hội chuyển mình quá nhanh, cùng với đó là rất nhiều những yêu cầu mới về công năng, chất lượng thẩm mỹ, công nghệ, kỹ thuật… khiến giới KTS trong nước chưa thể đáp ứng ngay lập tức. Thông qua việc liên danh hoặc “đầu quân” cho các công ty nước ngoài, KTS Việt Nam đang ngày một trưởng thành hơn. Những KTS nước ngoài tiêu biểu trong giai đoạn hiện nay có thể kể đến: Carlos Zapata, Bill Bensley, Meinhard von Gerkan…

Sự đóng góp của các KTS nước ngoài đã được nhà nước Việt Nam ghi nhận bằng các giải thưởng, danh hiệu, ví dụ KTS Meinhard von Gerkan và Nikolaus Goetze được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Ở các môn nghệ thuật khác, chưa có văn nghệ sĩ nước ngoài nào được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nói thế để thấy rằng, giới kiến trúc Việt Nam rất cởi mở, sòng phẳng!

Những nhân vật tiêu biểu

KTS Nicolas Quintana (1925-2011): Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề kiến trúc ở Havana. Năm 1950, Nicolas tiếp quản hãng thiết kế từ người cha đã khuất của mình và nhanh chóng trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của trào lưu kiến trúc Hiện đại Cuba với công trình Ngân hàng nhà nước Cuba, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự. Sau cách mạng Cuba 1958, KTS Quintana phải đi cải tạo một thời gian rồi làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, nhưng vẫn thiết kế một số công trình ở Venezuela, Puerto Rica. Năm 1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và viện trợ một số dự án xây dựng, trong đó có Khách sạn Thắng Lợi. KTS Quintana được giao nhiệm vụ thiết kế công trình này, hoàn thành ngày 26/07/1975. Ngày nay, Thắng Lợi vẫn là một khách sạn cao cấp, hiện đại và sang trọng ở Hà Nội.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975) – Sự kết hợp giữa các KTS Liên Xô và Việt Nam

KTS Garol Isakovich (1931-1992): Sinh tại Moskva trong một gia đình công chức hạng trung. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Moskva khóa 1950-1956 dưới sự hướng dẫn của KTS nổi tiếng Mezensev. Ra trường, Isakovich bắt đầu sự nghiệp bằng việc tham gia quy hoạch và thiết kế những khu nhà ở tại các TP vệ tinh thuộc vùng Moskva, cũng như các công trình dân dụng, công nghiệp ở Tula, Kazan. Những năm 1967-1970, Isakovich tham gia thiết kế Khu tưởng niệm Lenin ở Ulianovsk và nhận Giải thưởng Lenin năm 1972 cho tác phẩm này. Là một trong những KTS xuất sắc nhất thời đại mình, Isakovich được nhà nước Xô-viết tin tưởng giao nhiệm vụ sang các nước XHCN phương Đông như Afganistan, Việt Nam để thiết kế các công trình do Liên Xô viện trợ. Những công trình ở Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975), Cung Văn hóa Hữu Nghị (1985), Vườn hoa Lenin (1985), Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990), cũng là những trang sáng chói trong sự nghiệp của Isakovich. Đến một đất nước nhiệt đới xa xôi, KTS Isakovich không cứng nhắc áp đặt kiến trúc Xô viết, mà tìm cách dung hòa, tiếp thu kiến trúc bản địa, từ hình thức cho đến nội hàm văn hóa. Có lẽ ông đã nhận thức khá rõ về hình ảnh bộ mái và tỷ lệ trong kiến trúc truyền thống Việt Nam và khéo léo sử dụng trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Hữu nghị. Sau khi công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Isakovich được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động, năm 1976.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990) – KTS Garol Isakovich

KTS Kazik (Kazimierz Kwiatkowski) (1944-1997): Sinh tại Lubelszczyzna, Ba Lan, trong một gia đình nông dân. Năm 1969, ông tốt nghiệp khoa Kiến trúc – ĐH Bách khoa Krakow và làm việc ở phòng Quy hoạch đô thị của tỉnh Lublin, sau đó chuyển sang phòng Thiết kế – Xây dựng Tổng hợp, rồi Phòng Trùng tu di tích. Năm 1981, KTS Kazik được nhà nước Ba Lan cử sang giúp Việt Nam trùng tu di tích thời hậu chiến, đặc biệt là di tích kiến trúc Champa. Trong thời gian ở Mỹ Sơn, đã có 8 người trong đoàn của Kazik thiệt mạng do bom đạn còn lại sau chiến tranh và bệnh tật. Năm 1991, khối XHCN Đông Âu sụp đổ, nguồn tài chính bị chấm dứt, ông đã tự đứng ra kêu gọi tạo quỹ cho hoạt động tại Mỹ Sơn và mở thành công Bảo tàng điêu khắc Champa năm 1994. Nhận thấy giá trị có một không hai của đô thị cổ Hội An, Kazik đã đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An đồng thời giới thiệu nét riêng biệt của Hội An ra thế giới. Việc Hội An trở thành di sản thế giới và thu hút hàng triệu khách du lịch như chúng ta thấy ngày nay không thể không nhắc tới công lao to lớn buổi đầu của KTS Kazik. Ông đột ngột mất ở Huế do bệnh tim khi đang thực hiện công việc đánh giá di tích Tử cấm thành. Để tỏ lòng nhớ ơn, nhân dân Việt Nam đã dựng tượng đài KTS Kazik ở Hội An và Mỹ Sơn.

Tượng đài KTS Kazik ở Hội An

Còn đó những trăn trở

Lịch sử kiến trúc thế kỷ 20 của Việt Nam đã chứng minh, những KTS nước ngoài xuất sắc nhất, có công trình “sống lâu” với thời gian nhất là những người coi trọng điều kiện đặc thù bản địa về khí hậu, văn hóa, thẩm mỹ, kết hợp hài hòa tính quốc tế với tính địa phương. Các công trình gần đây của các KTS nước ngoài hiếm khi có được điều đó. Nhìn những cao ốc hùng vĩ hoặc những công trình quan trọng của quốc gia như là những bản sao từ đâu đó trên thế giới, chúng ta không khỏi “chạnh lòng” bởi nhiều lẽ: Thứ nhất, sự hời hợt và thiếu sáng tạo của các KTS quốc tế khi đến với Việt Nam, làm những thứ quen thuộc của họ rồi áp đặt; thứ hai, sự thiếu vắng tinh thần phản biện của chủ đầu tư và chuyên gia trong nước, “nhắm mắt” nghe theo KTS nước ngoài. Có lẽ giới KTS hiện nay cần khắc ghi bài học của thế hệ đi trước. Đó là khi thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xảy ra sự khác biệt về quan điểm giữa KTS Liên Xô với KTS Việt Nam, nhưng các KTS Việt Nam khi đó đã kiên trì, quyết liệt bảo vệ ý kiến. Cuối cùng, KTS Isakovich chấp nhận một phương án thỏa hiệp như chúng ta thấy ngày nay. Như vậy, ngay trong thời kỳ nước ta còn nghèo, phải nhận viện trợ từ bạn nhưng không vì thế mà mất đi chính kiến. Còn ngày nay, chúng ta xây bằng tiền của mình, bỏ tiền ra để thuê tư vấn nước ngoài nhưng lại cứ phải “e ngại” mấy ông Tây, ông Nhật, để rốt cục tạo ra những công trình “đẹp như ai” ở những vị trí đắc địa nhất. Chúng ta không phủ nhận công lao của các KTS nước ngoài nhưng cũng phải thể hiện tinh thần tự chủ và chính kiến. Việt Nam cần những công trình độc đáo tầm quốc tế, đồng thời giàu tính bản địa, tạo tiền đề cho những hướng đi mới, tiến bộ. Có thế thì chúng ta mới cần thuê những KTS nước ngoài. Phải chăng họ vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng? Hay là Việt Nam chưa thể là điểm đến hấp dẫn đối với những KTS giỏi nhất thế giới?

Tháp Bitexco (2010) – KTS Carlos Zapata: Một trong số ít những công trình thành công của KTS nước ngoài hiện nay

KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)