Cổng sáng tạo – công trình thiết kế mang tính biểu tượng của lễ hội

Ý tưởng thiết kế bắt nguồn từ quan niệm Trời tròn Đất vuông và thông tin khoa học hiện đại. Ngôn ngữ Kiến trúc của chiếc Cổng Sáng tạo nhằm biểu đạt sự kết nối giữa truyền thống với khoa học kỹ thuật, giữa quá khứ với tương lai, giữa khát vọng với thực tại, giữa Hà Nội với thế giới, giữa nghệ thuật với tất cả mọi người.

Khi trình bày về chức năng của công trình Cổng Sáng tạo, KTS Lê Quang Thạch chia sẻ:
Ở đây, người dân sẽ có thể check-in với quảng trường Đông kinh nghĩa thục dưới một hình ảnh khác với ngày thường, có thể chạm tay vào đỉnh ngọn nước của đài phun, có thể ngồi nghỉ ngơi và ngắm cảnh Hồ Gươm ở một góc nhìn chưa từng có. Tuy công trình chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng hy vọng có thể mang lại những cảm xúc mới mẻ và để lại nhớ nhung cho người yêu Hà Nội.

Công trình sử dụng cấu trúc đương đại, cả khối tích nằm gọn trong một hình hộp lập phương, kích thước mỗi cạnh là 14m. Hệ khung chính sử dụng kết cấu thép, cột sơn hoàn thiện màu Đỏ. Màu Đỏ son vốn là màu sắc truyền thống của dân tộc. Hệ mái có hình chóp ngược, dốc bốn phía vào chính giữa, nơi được xuyên thấu bởi một giếng Trời hình tròn. Hình tròn này biểu thị cho “Trời”.

Phần chân đế công trình có hình dáng của một ngọn núi hình vuông, với bề mặt giật cấp như ruộng bậc thang. Hình vuông này biểu thị cho “Đất”. Phần mái hình chóp ngược và phần đế hình ngọn núi được thiết kế hướng vào nhau ở giữa công trình. Khoảng giao thoa giữa “Trời” và “Đất” này là một khoảng không, trống rỗng và nhỏ bé. Ngụ ý không gian sinh sống của con người là khoảng giao thoa giữa Trời và Đất, và con người thực sự nhỏ bé giữa sự giới hạn của tự nhiên. Nhưng qua đó cũng thể hiện khát vọng vô hạn của con người luôn vượt khỏi giới hạn của cuộc sống.

Phần lõi của mái được tạo bởi 600m lụa tơ tằm, căng thành từng dải, dài ngắn khác nhau, vô phương vô hướng. Đây là tạo hình thể hiện vũ trụ phía trên của bầu trời. Bởi vũ trụ chúng ta biết là một khái niệm rất hỗn mang vô cực với phần lớn cấu tạo bởi vật chất tối và năng lượng tối chưa đong đếm được. Phần lõi của chân đế Kiến trúc sư dùng chính đài phun nước hiện có để thể hiện ý niệm. Trong lòng đất yên bình vốn là các dòng dung nham cuộn chảy, đâu đó vẫn phun trào những ngon núi lửa dữ dằn, và đâu đó cũng vươn lên những mạch nước ngầm mang lại sự sống cho con người. Hệ cột của công trình được chia nhỏ như một cơn mưa sao băng có thể tạo hiệu hứng cinematic khi di chuyển hoặc chụp ảnh, mang lại sự tương tác thú vị cho người tham quan.

Công trình được thiết kế với 80 cột độc lập. Con số 80 này xuất phát từ sự kết hợp giữa hai dữ kiện mang tính truyền thống. Số 8 nằm trong câu Bát túc hoành địa (Tám chân tung hoành dưới đất). Số 10 nằm trong quan niệm của Phật giáo là vũ trụ có tới 10 phương. Thể hiện khát vọng tự do khám phá, vượt khỏi những giới hạn hiện hữu của loài người. Qua đó cũng thể hiện tiêu chí của Lễ hội thiết kế sáng tạo là vượt khỏi giới hạn về ranh giới địa lý, vươn tầm quốc tế.
Công trình sử dụng 100% sản phẩm truyền thống làng nghề làm vật liệu hoàn thiện. Phần mái dốc tạo hình từ việc kéo căng 480 sợi dây thừng, được đan thủ công từ sợi của cây gai dầu. Phần trên của mái (biểu hiện hình ảnh của vũ trụ) được làm bằng chất liệu lụa tơ tằm. Nền của pavilion dạng bậc thang được bọc hoàn thiện bởi các tấm cói ép. Hệ cột được hoàn thiện màu đỏ bởi chất liệu sơn son, được chế từ nhựa cây son, cũng là nguyên liệu truyền thống của Việt Nam.

Về KTS Lê Quang Thạch: Anh là người chủ trì Công ty Nội Thất Avalo (Avalo Interior Design), chuyên thiết kế thi công kiến trúc nội thất. Năm 2017, Avalo với đại diện là KTS Lê Quang Thạch đã vinh danh với giải thưởng Kiến trúc sư Xanh khu vực châu Á.

  • Thời gian: Từ ngày 11-13/11/2022.
  • Địa điểm: Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, số 7 Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Nhóm tác giả: Kiến trúc sư Lê Quang Thạch/Avalo Interior Design cùng sự đồng hành của: WeplayKIA; APDI; TOOB Studio; Croled; Phenikaa Lighting; Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Ngọc Trang; Nguyễn Như Vẽ; Avalo team.

Một số hình ảnh thực tế: 

© Tạp chí Kiến trúc