Kết hợp giữa công nghệ và kiến trúc để nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị

Nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về chất lượng không khí trong nhà ở, nâng cao môi trường sống, vừa qua, tại Khách sạn Sheraton Saigon, 80 Đông Du, P. Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp Tập đoàn Panasonic tổ chức.

Tới dự hội thảo có sự tham gia của TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc; KTS. Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. HCM; đại diện Hội KTS các địa phương lân cận (Đồng Nai, Long An, Bình Dương…); đại diện Tập đoàn Panasonic cùng gần 300 chuyên gia, KTS, Kỹ sư, đại diện các Chủ đầu tư; đơn vị tư vấn, nhà thầu và các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo, đài Trung ương và Địa phương….

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc đánh giá cao những nỗ lực của giới nghề trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống, không gian ở của người dân: “Theo đánh giá vào cuối năm 2019, sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động. Quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên chính gây ra những điều này. Bằng những nghiên cứu, sáng tác từ quy hoạch đến thiết kế, giới kiến trúc sư đã đóng góp nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, hiện nay những giải pháp hoàn toàn tự nhiên chỉ đem lại hiệu quả tại những vùng có mật độ dân số thấp. Các vùng đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với mật độ dân số cao, thì giải pháp kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên là cần thiết để đem lại hiệu quả. Hy vọng, sau hội thảo này, trên cơ sở lý luận khoa học của các chuyên gia, nhà thiết kế, chúng ta sẽ có những giải pháp đồng bộ giữa kiến trúc và công nghệ, thực sự hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng không khí trong môi trường ở của người dân đô thị.”

TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc

KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để chúng ta thảo luận giải pháp làm môi trường trở nên tốt hơn. Qua hội thảo, chúng tôi mong rằng, các chuyên gia, khách mời sẽ cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp kiến trúc và công nghệ tốt nhất để cải thiện chất lượng môi trường không gian ở đô thị.”

KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gia tăng tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ trên nhiều phương diện như kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết trên quy mô toàn cầu. Tại hội thảo, các chuyên gia, khách mời đã cùng chia sẻ, trao đổi, đề xuất không chỉ trên phương diện Quy hoạch – Kiến trúc mà còn từ nhiều góc độ như Quản lý môi trường đô thị, công nghệ ứng dụng, kinh nghiệm hoạt động từ các dự án lớn, các đô thị thông minh trên thế giới.

Ông Kei Taniguchi – Giám đốc điều hành Panasonic Air – Conditioning, đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo chia sẻ: “Panasonic bắt đầu nâng cấp các sản phẩm dân dụng sang các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ và cải thiện chất lượng môi trường. Chúng tôi mong muốn sẽ trở thành nhà giải pháp trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống tại Việt Nam và hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp mọi người hiểu hơn về các sản phẩm của Panasonic.”

Ông Kei Taniguchi – Giám đốc điều hành Panasonic Air – Conditioning

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã có những góc nhìn toàn cảnh về thực trạng chất lượng không khí tại Việt Nam hiện nay và bước đầu đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng không khí bằng các thiết chế quản lý và văn hoá đô thị.

Kỹ thuật và công nghệ đều là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng không khí nhưng nếu có sự kết hợp hợp lý giữa 2 giải pháp này sẽ nâng cao hiệu quả về chất lượng và tiết kiệm năng lượng gấp nhiều lần. Đó là nội dung được các chuyên gia hào hứng trao đổi tại chủ đề thứ 2 tại Hội thảo – Kiến trúc xanh và các giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong nhà ở đô thị, hướng tới tiết kiệm năng lượng.

Phiên tọa đàm Kiến trúc xanh và công nghệ nâng cao chất lượng không khí, (thứ tự từ trái sang phải) với sự tham gia của KTS. Trần Công Đức – Giám đốc Công ty GMP Asia-Pacific; Ông Kei Taniguchi – Giám đốc điều hành Panasonic Air-conditioning Việt Nam; Ông Đặng Quang Tuấn, Trưởng phòng thiết kế Panasonic Air-conditioning Việt Nam; ThS. KS. Đỗ Hữu Nhật Quang – Giám đốc Công ty tư vấn xanh Greenviet, Phó Chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP. HCM.

Dưới góc nhìn đa dạng, hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị” đã cung cấp caí nhìn toàn cảnh, mang đến những phân tích thấu đáo từ bản chất của xã hội học đô thị. Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/11/2020 sắp tới. Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm theo dõi tại website: Tapchikientruc.com.vn và Fanpage: www.facebook.com/tckt.ktsvn


 

Phiên tọa đàm: Nâng cao chất lượng không khí từ giải pháp quy hoạch và môi trường (Thứ tự từ trái sang phải): TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp Bộ xây dựng; KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. HCM; TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners; TS.KTS Lê Thị Hồng Na – GV Bộ môn Kiến trúc, Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG-HCM.

TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners: “Thực tế, Việt Nam vẫn có rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt, hay những đô thị chưa có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách, chất lượng không khí vẫn được đảm bảo, chất lượng không khí không phải vấn đề cần bận tâm. Tuy nhiên với các đô thị lớn, các yếu tố từ giao thông, xây dựng, mật độ nhà ở đông đúc, chất lượng không khí bị ảnh hưởng lớn. Vậy nên, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có thêm giải pháp về quy hoạch, và các sản phẩm công nghệ. Kiến trúc cũng là một giải pháp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng xét trên tầm nhìn vĩ mô, giải pháp về quy hoạch và thể chế kiến trúc mới có thể giải quyết lâu dài được. Ngoài ra, gần đây, việc xuất hiện thêm Covid-19, chúng ta còn cần những giải pháp công nghệ để ngăn ngừa vi khuẩn, đảm bảo sức khoẻ”.

TS. KTS Nguyễn Tất Thắng – Chuyên gia cao cấp Bộ Xây Dựng: “Tôi muốn nói đến việc cải thiện chất lượng không khí từ cả khía cạnh văn hoá và kỹ thuật, trong đó, văn hoá bằng cách áp dụng các thể chế pháp lý, ban hành những quy định để quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt với đất nước đa dạng về văn hoá như nước ta. Còn về khía cạnh kỹ thuật, tôi thấy chúng ta nên lồng ghép công nghệ vào các giải pháp thiết kế. Các KTS hiện nay thường áp dụng các giải pháp thụ động, để cải thiện chất lượng không khí, nhưng như vậy là chưa đủ. Vì nhìn chung, các giải pháp này, vẫn lấy không khí trực tiếp từ môi trường, nhưng chất lượng không khí bên ngoài ở các đô thị lớn hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Vậy nên, việc kết hợp giữa giải pháp kiến trúc và công nghệ là rất cần thiết.”

PGS. TS. KS. Naoki Kagi – Khoa Kiến trúc & Kỹ thuật XD, Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản: “Không khí trong nhà rất quan trọng bởi thời gian hoạt động ở trong nhà của mọi người rất nhiều. Cùng với không khí, chúng ta còn cần thức ăn và nước uống. Và một điều bất ngờ đó là lượng nước và thực phẩm mà chúng ta đưa vào cơ thể lại ít hơn ta tưởng rất nhiều. Điều đó cho thấy, không khí trong nhà, cũng như không khí ngoài trời quan trọng như thế nào với con người. Chính vì vậy, việc làm sạch không khí là điều vô cùng cần thiết. Vậy chúng ta có thể làm gì để làm sạch không khí trong nhà? Có 3 phương pháp chính:

  • Thứ nhất là không để các chất ô nhiễm ở bên ngoài lọt vào bên trong.
  • Thứ hai là không đặt những nguồn ô nhiễm có thể sản sinh ra chất ô nhiễm ở trong nhà.
  • Và cuối cùng là loại bỏ những chất ô nhiễm có ở trong nhà bằng cách sử dụng hệ thống thông khí và máy lọc không khí.”

 

Đông đảo khách mời trao đổi tại sự kiện

Thu Vân
© Tạp chí Kiến trúc