Tháng 11/2017, NXB Trí thức đã cho in lần thứ ba cuốn sách “Phát triển kiến trúc bền vững / Kiến trúc xanh ở Việt Nam” có bổ sung vài nghiên cứu mới của tác giả – PGS.TS Phạm Đức Nguyên.
Vẫn giữ 8 chương như hai lần xuất bản trước, cuốn sách trình bày vắn tắt về cuộc khủng hoảng môi trường – sinh thái thế giới là nguyên nhân tạo ra phong trào Công trình xanh, từ khi còn sơ khai, những năm 1990 – 1995, cho đến lúc đạt cao trào như hiện nay. Tiếp theo, tác giả giới thiệu Mô hình Kiến trúc xanh (KTX) và các Chiến lược thiết kế (Design Strategies) để áp dụng chung trên thế giới và riêng với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Từ đó, PGS.TS Phạm Đức Nguyên trình bày phương pháp thiết kế KTX, giới thiệu các ví dụ thành công tại Việt Nam và thế giới (Chương 7 & 8).
Lần xuất bản thứ ba này, tác giả (TG) bổ sung thêm ba nội dung mới:
- Đề xuất về hai “Định hướng thiết kế KTX” ở Việt Nam với các ví dụ minh họa bằng các công trình thành công được thừa nhận (trong Chương 7). Phép so sánh các chỉ tiêu cho thấy các tính năng ưu việt về năng lượng, kinh tế, môi trường và sức khỏe khi áp dụng đúng định hướng CTX-KTX.
- Chương 6 đề xuất phương pháp xác định một trong các giá trị quan trọng nhất khi thiết kế vỏ tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam, thay cho phương pháp hiện hành sử dụng trên thế giới theo đề xuất của ASHRAE: Đó là giá trị OTTV – lượng nhiệt mặt trời truyền qua vỏ công trình vào nhà, khi sử dụng các loại kính công nghệ cao và có kết cấu che nắng.
- Tác giả giới thiệu lại một nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế KTX là “Xây dựng Biểu đồ sinh khí hậu xây dựng Việt Nam”- đã thực hiện tại Bộ Xây dựng (Đề tài RD 25-02 và RD 42-04) – nhằm giúp những người thiết kế yên tâm khi sử dụng và có thể góp phần hoàn thiện nó trong tương lai.
Trong sách vẫn cung cấp các số liệu phân tích khí hậu theo sinh học tại 10 đô thị Việt Nam dựa trên các số liệu khí tượng được đo theo từng giờ trong 20 năm từ 1981 đến 2000. Đây là phương pháp hiện đại được áp dụng tại nhiều nước, nhưng số liệu cung cấp trong sách là duy nhất tại Việt Nam, khi vận dụng sẽ giúp công trình thiết kế thích ứng tốt nhất với khí hậu nước ta.
Mỗi phần trong sách, là tổng hợp kết quả nhiều nghiên cứu trên thế giới, đồng thời giới thiệu một số các nghiên cứu của bản thân tác giả trong suốt cuộc đời theo đuổi lĩnh vực Kiến trúc khí hậu, Kiến trúc xanh.
“Phát triển Kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam” đã được Hội KTS Việt Nam trao tặng Giải thưởng kiến trúc Quốc gia năm 2012.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)