Hội nghị thường trực thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ xây dựng: Tháo gỡ khó khăn để cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

Chiều ngày 21/8/2020 vừa qua, đã diễn ra Hội nghị thường trực thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ xây dựng nhằm trao đổi về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các sở, ban, ngành thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hà Nội là đầu não chính trị – hành chính quốc gia. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội và là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Trong các năm qua, bám sát định hướng nêu trên, thành phố đã cụ thể công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị vào các văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, các chương trình hành động cụ thể của Thành ủy và đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh, địa giới hành chính rộng, dân số gia tăng nhanh và sự di biến động lớn… do đó công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc cải tạo chung cư cũ phải vừa bảo đảm quy hoạch, vừa thu hút được nhà đầu tư, hay vấn đề quản lý khu phố cổ, làm sao để vừa bảo tồn, vừa phát triển… Đây đều là những “bài toán khó” mà chỉ riêng thành phố không thể giải quyết được.”

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đề xuất 15 nội dung phối hợp với Bộ Xây dựng và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn, vướng mắc trên 5 lĩnh vực. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương và phối hợp với thành phố xây dựng, trình phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố…

Các Thứ trưởng Bộ Xây dựng tham dự hội nghị đều thống nhất với những đề xuất của thành phố về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để cải tạo chung cư cũ; ủng hộ giải pháp đột phá là điều chỉnh quy hoạch, nâng cao số tầng tòa nhà xây dựng tại các khu chung cư cũ để thu hút nhà đầu tư, cho phép thực hiện dự án khi có từ 70% đến 80% số người dân trong chung cư cũ đồng ý. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định, Hà Nội không thể đẹp được nếu không cải tạo chung cư cũ.

Ông Phạm Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Xây dựng đặc biệt tán thành những ưu tiên quản lý đô thị của Hà Nội trong thời gian tới, xác định đúng vị trí, vai trò đối với Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm cực tăng trưởng của cả nước. Ông Phạm Hồng Hà nhận định: “Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, thời gian qua, Việt Nam chưa hình thành khu nhà ổ chuột vì hiện nay nhà ở xã hội đang thực hiện phân tán 20% đan xen với các khu nhà ở thương mại khác. Việc Hà Nội thực hiện triển khai khu nhà ở xã hội tập trung cần nghiên cứu kỹ mô hình quản lý vì nếu dồn tất cả những người có thu nhập thấp vào một khu nhà tập trung sẽ dễ dẫn đến nguy cơ hình thành các khu nhà ổ chuột.”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng trong hội nghị, Bộ xây dựng đã đồng ý sẽ giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với các đề xuất của thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành cần chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng; phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình để phối hợp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Thụy An – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc