Luật kiến trúc – Hành nghề kiến trúc và Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Ngày 6/8/2018, tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Luật Kiến trúc do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Quốc Hội Việt Nam chủ trì, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có phát biểu về những vấn đề của Luật Kiến trúc và những đóng góp ý kiến về Dự Thảo 5 của Luật. Tạp chí Kiến trúc xin trích đăng dưới đây là toàn văn bài phát biểu để độc giả cùng nắm được.

I. Một số vấn đề tổng quan về Luật Kiến trúc – Hành nghề kiến trúc và Hội Kiến trúc sư Việt Nam

1. Như vậy, để hiểu được sự cần thiết xây dựng Luật Kiến trúc phải đổi một thời gian dài cùng với việc vận động, tuyên truyền, hội thảo.

Trong thời đại giao lưu quốc tế mở rộng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ở mọi quốc gia,  người muốn hành nghề đều phải có chứng chỉ. Tuy vậy, trong số các nghề, có 3 nghề ưu tiên cần có luật điều chỉnh hành vi của người hành nghề là Luật sư (Luật Luật sư), Bác sỹ – dược sỹ (Luật Hành nghề Bác sỹ – dược sỹ) và Kiến trúc sư (Luật Hành nghề của kiến trúc sư, Luật Kiến trúc) bởi lẽ:

“Luật sư gắn liền với xã hội pháp trị, bảo vệ quyền con người; Bác sỹ gắn liền với sức khỏe và sinh mạng con người. Kiến trúc sư gắn liền với 3 yếu tố:

  • An toàn và tiện nghi của môi trường – không gian sống của con người;
  • Hiệu quả đầu tư với nguồn kinh phí lớn của xã hội và gia đình;
  • Giá trị văn hóa, nếp sống và thẩm mỹ của một đô thị, một quốc gia.

Mặc dù các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã khẳng định vị trí của nghệ thuật kiến trúc trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến và bản sắc, nhưng kiến trúc và hành nghề kiến trúc vẫn được coi như những nghề xây dựng khác, được điều tiết của Luật Đấu thầu như công trình cấp, thoát nước ….,của Luật Xây dựng (như một bộ môn bình thường), không tôn trọng bản quyền tác phẩm nghệ thuật, không coi trọng tính sáng tạo nghệ thuật của kiến trúc, còn hơn thế nữa, hành nghề của kiến trúc sư luôn bị người có quyền lực tài chính, cũng như người quản lý can thiệp, làm méo mó công trình nghệ thuật, biến kiến trúc sư thành người thể hiện ý chí của người có quyền lực.

Do vậy, kiến trúc Việt Nam tụt hậu cả về lý luận và thực tiễn, cả về ý tưởng sáng tạo đến công nghệ xây dựng.

2. Xây dựng Luật Kiến trúc, xã hội Việt Nam, giới kiến trúc sư Việt Nam kỳ vọng sẽ thúc đẩy kiến trúc nước nhà phát triển mạnh mẽ; phát huy khả năng sáng tạo đầy tiềm năng của con người Việt Nam. Trên cơ sở xây dựng môi trường hành nghề của kiến trúc sư theo hướng tiến bộ, lành mạnh, sẽ khuyến khích tính sáng tạo và lòng yêu nghề của giới kiến trúc sư, cũng như xây dựng mô hình tổ chức hành nghề phù hợp với đặc tính lao động nghệ thuật của kiến trúc sư; tham gia sâu rộng môi trường hành nghề của kiến trúc sư khu vực và thế giới, thực hiện đầy đủ nội dung của các Nghị quyết của Đảng – Bộ Chính trị về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến – bản sắc góp phần thực hiện quá trình cải cách hành chính, giảm biên chế, xã hội hóa những công việc mà Nhà nước không cần trực tiếp quản lý.

3. Với kiến trúc sư hành nghề đang mong đợi được Luật pháp trao cho 3 quyền cơ bản:

  • Được hành nghề và công hiến cho xã hội. Không bị áp lực của người đầu tư, người quản lý;
  • Được Luật pháp bảo vệ, tôn trọng quyền tác giả, được xã hội tôn trọng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc mà nhiều luật khác đã bỏ qua (Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật bản quyền tác giả …).
  • Được nhận thù lao đúng với giá trị lao động bỏ ra với tác phẩm, được bồi thường khi bị vi phạm hợp đồng, không bị cắt xén, quỵt tiền thiết kế … mà hiện nay đang khá phổ biến và không có ai bảo vệ.

4. Để cải cách thực trạng hành nghề hiện nay cần thiết phải có một Luật để điều tiết những quy định không phù hợp của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật bản quyền, đồng thời thay đổi, điều chỉnh nội dung quản lý hành nghề của kiến trúc sư mà Nghị định 59 và Thông tư 17 Bộ Xây dựng đang thực hiện.

Một trong những nội dung cần nghiên cứu là hình thành một tổ chức để quản lý, cấp chứng chỉ, đào tạo, huấn luyện, sát hạch (nếu có). Mô hình này được Nhà nước công nhận, không cần biên chế, không thành hệ thống, không hưởng lương từ ngân sách, có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, của tổ chức Hội Kiến trúc sư Việt Nam và KTS hành nghề. Các nước gọi tổ chức này là BOAD, dịch ra tiếng Việt là Hội đồng Kiến trúc sư hành nghề.

Đây là mô hình quản lý hành nghề kiến trúc được Nhà nước công nhận, được xã hội hóa, hiểu về nghề kiến trúc nên quản lý, theo dõi và tổ chức các chương trình hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng sẽ hiệu quả, thiết thực, hạn chế hiện tượng tính tiêu cực.

5. Hội Kiến trúc sư Việt Nam được Đảng giao chức năng là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của giới kiến trúc sư (bao gồm các KTS hành nghề có chứng chỉ, các KTS hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý Nhà nước, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quản lý dự án, thi công, giám sát công trình …).

Đến năm 2018, Hội có trên 6000 hội viên (chủ yếu là những kiến trúc sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc trong tổng số >20.000 KTS) có hệ thống tổ chức ở tất cả các tỉnh – thành phố Việt Nam. Nhiều KTS hành nghề tự do hiện nay (dự đoán khoảng 40 – 50%) không là hội viên. Số còn lại đã lớn tuổi, không sinh hoạt Hội hoặc là Hội viên thuộc Hội KTS tỉnh – thành phố.

Như vậy, Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tổ chức của các kiến trúc sư. Nhiều kiến trúc sư hành nghề không phải hội viên Hội KTSVN nên Hội KTSVN không phải là tổ chức quản lý KTS hành nghề.

Để tập hợp và quản lý KTS hành nghề cần một tổ chức do các KTS hành nghề lập ra được Nhà nước công nhận, có thể là Hội đồng KTS hành nghề. Để dễ hiểu, lấy mô hình của Hội Luật gia, Đoàn (Liên đoàn) Luật sư Việt Nam để nhận dạng: Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội đồng Kiến trúc sư hành nghề.

Tuy vậy trong điều kiện hiện nay, Hội Kiến trúc sư là tổ chức đủ điều kiện để có thể đảm nhận chức năng quản lý hành nghề kiến trúc sư thông qua việc thành lập Hội đồng kiến trúc sư hành nghề trực thuộc Hội (nếu được Nhà nước cho phép). Mô hình tổ chức Hội đồng KTS có thể vận hành các chức năng của tổ chức quản lý, cấp chứng chỉ, đào tạo thi sát hạch mà Nhà nước yêu cầu hoặc thực thi một số chức năng mà Nhà nước cần.

II. Về nội dung Dự thảo (lần thứ 5) Luật kiến trúc của Chính phủ

Hội Kiến trúc sư Việt Nam và một số Hội KTS tỉnh thành phố đã có văn bản góp ý, đề nghị bổ sung , điều chỉnh nội dung của Luật. Nhìn chung dư luận của KTS cả nước đều mong đợi Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc để thúc đẩy phát triển nền kiến trúc nước nhà với những tinh thần đổi mới, đủ sức điều chỉnh những nội dung của những điều Luật đang làm cản trở cho sức sáng tạo của  KTS Việt Nam.

1. Về tên Luật – Luật Kiến trúc

Nếu nhìn nhận Kiến trúc là một nghệ thuật thì không cần và không thể có Luật điều chỉnh ngành nghệ thuật đó

Nhưng nếu nhìn nhận Kiến trúc như một sản phẩm có quan hệ đến sự an toàn, tiện nghi cho con người, đến hiệu quả đầu tư của xã hội, đến giá trị văn hoá của một lãnh thổ, của quốc gia, đòi hỏi Nhà nước quản lý, thì tên Luật Kiến trúc có cơ sở khoa học và thực tiễn.

2. Về bố cục:

a. Chương “Quản lý Kiến trúc” là tên gọi không đúng vì Luật Kiến trúc là quản lý Nhà nước về Kiến trúc. Ở đây nên gọi Quản lý phát triển Kiến trúc

b. Trong thực tiễn hoạt động có nhiều khiếu kiện về hành vi vi phạm đạo đức hành nghề, về quyền tác giả, bản quyền tác phẩm, sở hữu tác phẩm … giữa KTS với nhà đầu tư, giữa KTS với KTS, nên cần có chương: “Xử lý khiếu nại” , với những nội dung phù hợp, đầy đủ để giải quyết tranh chấp.

3. Về những nội dung bị cấm

Đây là nội dung có thể điều chỉnh hành vi vi phạm bản quyền, quyền hành nghề, làm lành mạnh môi trường hành nghề KTS. Ở nhiều quốc gia, những điều cấm và qui định về đạo đức hành nghề KTS được giành một chương trong Luật Kiến Trúc.

Những điều cấm cho hành vi của đối tượng nào?

  • Đối với KTS hành nghề
  • Đối với nhà đầu tư
  • Đối với công chức quản lí Nhà Nước

Hội kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh đã có đề nghị về nội dung này khá chi tiết nhưng Dự thảo không đề cập và không giải thích lí do không tiếp thu

4. Hội đồng kiến trúc

Hội đồng kiến trúc là công cụ quản lí kiến trúc hiệu quả, minh bạch, phát huy được sức mạnh của cộng đồng xã hội trong quản lí kiến trúc. Vì là một công cụ nên chính quyền các cấp có quyền quyết định thành lập Hội đồng để tư vấn cho chính quyền quyết định những dự án, công trình quan trọng. Có hai cấp Hội đồng:

  • Hội đồng Kiến trúc Quốc gia
  • Hội đồng Kiến trúc Tỉnh, Thành phố

Đề nghị giao cho Chính phủ qui định, hướng dẫn chi tiết

5. Về Thi tuyển – Tuyển chọn phương án Kiến trúc

Đây là nội dung cần đươc qui định trong Luật Kiến trúc để có tác phẩm kiến trúc tốt, minh bạch, công bằng. Do vậy cần viết lại Điều này cho phù hợp với Thông lệ quốc tế (Qui định của Liên hiệp KTS thế giới UIA) như:

  • Qui định những công trình phải qua thi tuyển kiến trúc
  • Các hình thức thi tuyển :

a. Chỉ định một tác giả (một Công ty kiến trúc) tài năng, có kinh nghiệm để thiết kế (đối với những công trình có hàm lượng văn hoá , biểu tượng cho thành phố …).

Khi đã mời và chỉ định tác giả thì nhà đầu tư giành sự tin cậy, không can thiệp quá sâu đối với tác giả. Trường hợp này Luật cần qui định cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định tác giả.

b. Cuộc thi mở, rộng rãi:

Mô hình này được nhiều quốc gia áp dụng cho những công trình cần những ý tưởng mới, độc đáo như một cây cầu trong thành phố, một nhà văn hoá, bảo tàng quốc gia,…

Có hai bước thực hiện:

  • Thi rộng rãi, mở cho tất cả đối tượng tham gia để đề xuất ý tưởng kiến trúc cho công trình. Từ đó, Hội đồng chọn 5 đến 10 ý tưởng hay để tiếp tục phát triển thành phương án.
  • Thi phương án: Các tác giả được chọn phát triển ý tưởng thành phương án cụ thể. Hội đồng tuyển chọn phương án tối ưu cùng với tổ chức tư vấn tương ứng đủ điều kiện để triển khai các bước tiếp theo

c. Cuộc thi hạn chế

Chủ đầu tư chọn một số KTS hay đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc phù hợp với công trình, có nhiệm vụ cụ thể, không đòi hỏi cao về sự đột phá…để tổ chức thi. Hội đồng chọn phương án tốt nhất.

  • Luật cần qui định tác giả được trúng tuyển được quyền triển khai tiếp các bước tiếp theo dự án để không bị luật đấu thầu điều chỉnh như hiện nay ở VN.

6. Về hành nghề KTS

Về Tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề

a. Tổ chức nào cấp chứng chỉ hành nghề KTS?

  • Cơ quan quản lí Nhà nước về xây dựng:

+ Bộ Xây dựng (chứng chỉ cấp I)
+ Sở xây dựng (chứng chỉ cấp II)
hoặc

  • Hội đồng Kiến trúc sư hành nghề

b. Tổ chức nào thực hiện chương trình đào tạo liên tục: Hội đồng Kiến trúc sư hành nghề.

c. Cơ quan nào chuẩn bị nội dung và tổ chức kiểm tra và sát hạch: Hội đồng KTS hành nghề.

d. Cơ quan nào xây dựng Quy chế đạo đức hành nghề KTS: Hội đồng KTS hành nghề.

e. Cơ quan quản lí kiểm tra và xử lí vi phạm: Hội đồng KTS hành nghề (phối hợp với cơ quan quản lí Nhà Nước).

f. Các KTS có chứng chỉ hành nghề tham gia sinh hoạt vào tổ chức nào: Hội đồng KTS hành nghề.

Như vậy, Luật Kiến trúc cần có Điều khoản về Hội đồng KTS hành nghề, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình tổ chức, quản lí và giao cho chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Đây là mô hình quản li hành nghề KTS được đa số các quốc gia áp dụng có hiệu quả, được KTS đồng tình, ủng hộ.

7. Về tổ chức hành nghề Kiến trúc

  • Với đặc trưng của nghề kiến trúc và sự liên kết, liên doanh , tính chuyên môn hoá cao trong hoạt động kiến trúc, qui định tại điều 47 cần ghi rõ: Tổ chức hành nghề kiến trúc gồm có:
  • Công ty Kiến trúc, là doanh nghiệp hoạt động tư vấn thiết kế.
  • Văn phòng Kiến trúc sư: là tổ chức hành nghề do một KTS tài năng thành lập chuyên về lĩnh vực kiến trúc – cảnh quan, có liên kết với tổ chức chuyên ngành khác. Mô hình này rất hiệu quả trong sáng tạo các tác phẩm kiến trúc xuất sắc. Trong thực tiễn, tại Việt Nam đã xuất hiện mô hình này nhưng Luật Doanh nghiệp – Luật Xây dựng chưa đề cập đến. Mô hìnhVăn phòng Kiến trúc sư này như văn phòng Luật sư, Văn phòng khám bệnh của Bác sĩ.

8. Cấp chứng chỉ hành nghề cho đối tượng nào?

a. Chỉ cần KTS hành nghề đủ điều kiện.
Hay
b. Cho các KTS có đủ năng lực và trách nhiệm Chủ trì đồ án Kiến trúc

  • Nếu theo trường hợp a) thì cần 2 loại chứng chỉ: loại I và II
  • Nếu theo trường hợp b) thì chỉ cần 1 loại chứng chỉ cấp cho chủ trì Kiến trúc.

9. Chủ trì kiến trúc

  • Ai công nhận chủ trì kiến trúc?
  • Tiêu chuẩn chủ trì kiến trúc?

– Chính phủ (Bộ xây dựng) ban hành tiêu chuẩn chủ trì kiến trúc.

– Hội đồng KTS hành nghề xét: Công nhận chủ trì kiến trúc( sau khi kiểm tra và thống nhất với tổ chức nơi KTS hành nghề).

– Do vậy, trong Luật kiến trúc cũng cần có Điều khoản về nội dung này vì nó có tác dụng cho công tác quản lí và nângcao chất lượng hành nghề kiến trúc.

10. Về cấp, đổi, thu hồi, cấp laị, chứng chỉ hành nghề

Cần làm rõ :

  • Cầp chứng chĩ lần đầu cần đủ các thủ tục và nội dung như quy định.
  • Đổi, cấp lại, sau khi hết hạn, bị mất.

Thì nội dung đơn giản hơn, không thi sát hạch nhưng cần đủ chứng chỉ đào tạo liên tục.

  • Thu hồi khi không hành nghề kiến trúc, định cư nước ngoài, chuyển nghề, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề.
  • Cấp lại sau khi hoàn thành thời gian xử phạt thì cần xem xét kĩ.

Như vậy, để quản lí và cập nhật các trường hợp để cấp, thu hồi… chứng chỉ phải có tổ chức của những người hành nghề mà cơ quan QLNN khó thực hiện thuận lợi – Đó là Hội đồng KTS hành nghề.

III.  Kết luận

1. Việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết, cấp bách, cho đất nước hôm nay và ngày mai.

2. Các quốc gia trong khu vực và thế giới đã ban hành Luật Kiến trúc từ rất lâu, có nước trên 100 năm, nên kiến trúc phát triển lành mạnh,kĩ cương, đảm bảo cho nền văn hoá phát triển bền vững của đất nước . Đến nay, các quốc gia đã điều chỉnh Luật nhiều lần (Malaysia có Luật Kiến trúc sư từ năm 1926 và đã bổ sung, điều chỉnh 4 lần).

Vì vậy, Dự án Luật Kiến trúc lần đầu biên soạn không tránh khỏi những vấn đề tranh luận, khó thoả mãn yêu cầu của giới KTS, của Xã hội, chưa nói đến sự đồng thuận của Đại biểu Quốc hội.

  • Đề nghị: Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật thêm một bước để kịp trình Quốc hội sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Uỷ ban, các chuyên gia; Đồng thời, cần có giải thích những nội dung chưa hoặc không tiếp thu cho cộng đồng.

Cần rà soát những điều khoản, nội dung của các Luật khác (như Luật Đấu thầu, Luật bản quyền, Luật Xây dựng…) đã được gỡ bỏ, điều chỉnh, để Luật Kiến trúc thực sự thúc đẩy sự phát triển  của nền Kiến trúc nước nhà.

KTS. Nguyễn Tấn Vạn – Hội Kiến trúc sư Việt Nam
© Tạp chí Kiến trúc

Chi tiết Dự thảo 5 Luật kiến trúc: