Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: “Biệt thự Hà Nội đã từng làm người Pháp phát ghen!”

Sau một loạt các ấn phẩm về Hà Nội như: “5678 bước quanh hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”… mới đây nhất nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lại tiếp tục trình làng cuốn khảo cứu mang tên “Đi xuyên Hà Nội”… Ở những cuốn sách này, Nguyễn Ngọc Tiến vẫn cứ nhẩn nha bàn đủ thứ chuyện về Hà Nội – lớn thì quy hoạch kiến trúc, đô thị, di sản văn hóa, rồi thì đời sống dân sinh… Sự thay đổi không ngừng của Hà Nội từ khoảng hơn 100 năm trở lại hiện lên rõ nét trên từng con chữ của ông. Trăn trở có, tiếc nuối có, tự hào cũng có… Nhân dịp này ông đã dành cho Tạp chí Kiến trúc một cuộc trò chuyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

PV: Ở cuốn sách mới tinh vừa trình làng “Đi xuyên Hà Nội” ông nhắc nhiều đến kiến trúc, quy hoạch Hà Nội với giọng văn đầy nghẹn ngào. Hẳn là việc chứng kiến một đô thị Hà Nội đương đại ngổn ngang làm ông bất chợt nhớ đến quá khứ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Một thành phố đã trải qua nhiều khúc quanh của thời cuộc thì đương nhiên chuyện được – mất rất nhiều. Hà Nội là một thực thể sống, vì thế thành phố này buộc phải thay đổi. Chẳng ai cứ nương mãi vào quá khứ mà sống được, nhưng cũng không được quyền quên đi quá khứ dù nó có thể nào đi chăng nữa. Và tôi, với vai trò là một người viết, công việc của tôi là nhặt nhạnh những điều xưa cũ để phác họa lại bức tranh của ngày hôm qua. Vui hay buồn, đúng hay sai đều do bạn đọc của ngày hôm nay cảm nhận và phán xét.

PV: Sau khi trở thành thành phố nhượng địa vào năm 1888 thì chính phủ Pháp đã có kết hoạch gì để xây mới, mở rộng Hà Nội, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Với mục đích cai trị, làm căn cứ để bình định các tỉnh Bắc Kỳ, chiếm đóng Việt Nam lâu dài, chính quyền bảo hộ đã quyết định xây dựng Hà Nội trên nền cũ, không xây bên cạnh như người Anh làm ở New Delhi. Thời kỳ này, trong khu vực 36  phố phường, nhà lá vẫn chiếm đa số, nhà xây ít và chủ yếu là các phố Hoa kiều gồm: Mã Mây, Lãn Ông, Hàng Ngang…Các con phố bắt đầu bằng chữ Hàng cong queo, phố không có rãnh thoát nước, nói chung điều kiện vệ sinh lúc bấy giờ rất sơ sài. Công việc cải tạo khu phố cổ tiến  hành song song với xây dựng khu hành chính ở phía Đông và khu phố kiểu Pháp ở phía Nam hồ Gươm. Trên quan điểm: “Đô thị là tổng hòa những biện pháp mà một quốc gia dùng nó để đảm bảo cho nhịp điệu và chất lượng của đời sống kiểu mới”, các văn bản về quy hoạch, quy định chi tiết cho các công trình được ban bố. Công báo ngày 21-4-1890 đã đăng Nghị định do trú sứ Brière ký ấn định hướng, chiều dài, chiều rộng, vỉa hè của các tuyến phố cổ, phố mới. Theo đó, chiều ngang phố cổ ít nhất phải là 4m, vỉa hè phải là 3m. Tại các phố mới gồm Rollandes (Hai Bà Trưng hiện nay), Jauréguiberry (Quang Trung), Gia Long (nay là đoạn đầu phố Bà Triệu), Hennri Rivière (Ngô Quyền)… chiều rộng đường là 18m trở lên, vìa hè từ 7-7,5m. Tiếp đó ngày 21-9-1891, đốc lý Beauchamp ký quy chế chi tiết về lục lộ, điều 7 quy định: “Chiều cao của mỗi tầng các ngôi nhà hai bên phố không được thấp dưới 3m tính từ mặt sàn tới trần. Ở những phố và đại lộ có chiều rộng 18m và hơn thế chiều cao của ngôi nhà có thể là 15m”. Điều 15 quy định “Không một ống lò sưởi hoặc ống khói nào được thoát ra bên ngoài đường phố công cộng”.

a1110_tckt_02
Một số hình ảnh ấn phẩm của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến – Ảnh: Internet

PV: Vậy thời điểm nào thì biệt thự Hà Nội được hình thành? Hẳn trong quá trình xây dựng, chính quyền thuộc địa cũng sẽ có những tiêu chí quy định kiến trúc buộc các gia chủ phải tuân theo?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Theo báo cáo tổng kết của đốc lý Baille trong nhiệm kỳ Toàn quyền Paul Doumer thì năm 1897 Hà Nội có 27 biệt thự, năm 1989 là 42, đến 1900 là 55 và 1901 là 57. Cho đến hết nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897-1902), khu phố Pháp đã hình thành rõ nét, trong đó có nhiều biệt thự cỡ lớn rộng hơn 1000m2. Rộng nhất là biệt thự của Giám đốc nhà máy rượu Fontaine với gần 5000m2, nay là Đại sứ quán Pháp. Sau khi phá xong tường thành Hà Nội vào năm 1897, nhà thầu chính hãng Bazin được cấp 90 ha ở khu vực này và họ bắt đầu làm đường bán đất. Các phố Chu Văn An, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Hồng Phong, Cao Bá Quát, Điện Biên Phủ… ngày nay đều hình thành vào đầu thế kỷ 20… Để hạn chế nhà ống và buộc chủ đất phải xây biệt thự, tháng 7-1921, một ủy ban bao gồm các quan chức tòa thị chính đã thông qua văn bản quy định nhà xây trong khu phố mới phải có các phòng với khối tích từ 100 m3 trở lên, chỉ tiêu là 25m3 một người, trong đó sân vườn với diện tích tối thiểu là 50 m2. Nhà phải xây cách hàng rào nhà bên ít nhất 2m. Một năm sau, tòa thị chính ra tiếp văn bản cấm xây nhà ống trên 22 tuyến phố, nơi chỉ được phép xây nhà kiểu phương Tây.

a1110_tckt_03
Công trình kiến trúc Pháp tại số 65 Nguyễn Thái Học – Ảnh: Thế Sơn

PV: Cho đến bây giờ, dù kiến trúc biệt thự cổ Hà Nội đã phôi pha và biến dạng nhưng phần nào vẫn ẩn chứa những giá trị đầy bất ngờ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Biệt thự ở Hà Nội từng có thời làm người Pháp phải phát ghen. Paul Boudet, thành viên Hội địa lý Pháp, Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương từ năm 1917 đã viết: “Những đại lộ rợp bóng cây, thấp thoáng những ngôi biệt thự không phải chuyển ra ngoại thành như ở Paris, nó được đặt đúng chỗ làm Hà Nội lãng mạn vô cùng”. Thực ra, hồi đó, kiến trúc được sử dụng như một công cụ chính trị. Trước những phản ứng về sự áp đặt của chính quyền, họ lập tức xây nhà kết hợp giữa phong cách Pháp và kiến trúc bản địa để làm hài lòng dân chúng, đặc biệt là giới thượng lưu. 

 Khi phong cách kiến trúc Đông Dương (kết hợp giữa phong cách châu Âu và bản địa) được chấp nhận ở những công trình lớn thì cũng có các KTS đưa nó vào các công trình kiểu biệt thự  và một trong những đại diện đó là Arthur Kruze – GS trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.  Kruze đã thiết kế khu nhà ở dành cho sĩ quan Pháp trên phố Lý Nam Đế (nay là Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội) theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Trước năm 1935, hầu hết các biệt thự đều do KTS người Pháp thiết kế, nhưng sau này các KTS Việt Nam khóa đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã bắt đầu ra trường và nhận hợp đồng thiết kế cho những gia đình giàu có. Tạp chí Họa báo Đông Dương (L’Indochine Illustrée) ra số đặc biệt 155 (1943) chuyên về kiến trúc đã ngợi ca không tiếc lời kiến trúc ngôi nhà của Vũ Gia Thụy ở Thiền Quang do nhóm Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Gia Đức, Nguyễn Cao Luyện thiết kế… Đấy, quá khứ huy hoàng là thế, nhưng rồi bao biến thiên, bao thăng trầm, chiến tranh và thay đổi, biệt thự hôm nay đa phần đã không còn giữ được dáng hình xưa, nhiều cái chắp vá, già nua cũ kỹ.  Theo số liệu công bố tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội sáng ngày 4-12-2013 chỉ còn 15% nguyên vẹn, 80% biến dạng và 5% còn lại là đã bị phá đi xây mới.

a1110_tckt_05     a1110_tckt_06

PV: Người ta vẫn thường nói rằng, Hà Nội hấp dẫn không phải chỉ trên mỗi con phố, mà linh hồn của Hà Nội, sự “quyến rũ chết người” còn là ở những con ngõ, theo ông quan niệm này thế nào?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Ngõ Hà Nội có nhiều chuyện. Ngõ Phất Lộc chủ yếu dân họ Bùi tỉnh Thái Bình. Ngõ Hài Tượng trước khi thành ngõ là đất hoang, do những người dân làm giầy ở Hải Dương lập nên mà thành. Ngõ Ăn Mày, nay là ngõ Đoàn Kết – Khâm Thiên xưa cũng là đất hoang, tối tối mấy chục gia đình ăn mày dựng lều nấu cơm ở đây nên khi thành ngõ dân phố gọi là Ăn Mày. Bạch Mai có ngõ Lò Lợn vì nhiều gia đình làm nghề mổ lợn. Ngõ Đào Duy Từ – nối từ Tạ Hiện sang Đào Duy Từ xưa gọi là ngõ Sầm Công nơi trú ngụ của nhiều Hoa kiều. Tốn nhiều giấy mực nhất là ngõ Tạm Thương, có người giải thích thời Minh Mạng ngõ có kho trữ thóc thu thuế của nông dân trước khi chuyển vào kho chính trong thành nên mới có tên Tạm Thương. Cũng có cách giải thích khác, xưa phố này nhiều nhà thổ… Trước năm 1954, nhiều viên chức hay tầng lớp trung lưu thích sống ở trong các con ngõ yên tĩnh. Thị trưởng người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội Trần Văn Lai sống ở ngõ Tức Mạc. Ngõ Dã Tượng cũng có nhiều công chức ngành tòa án mua, thuê nhà ở đây đi làm cho tiện. Đặc biệt, ngõ Hạ Hồi có rất nhiều công chức sinh sống… Dân sống trong ngõ đông hơn ngoài mặt phố, nhiều người lầm tưởng, trong ngõ lắm thành phần nên phức tạp, nhưng không phải, người sống trong ngõ mang đậm nét thị dân là tình cảm, chịu khó, chịu đựng, bất cần nhưng không bất nhẫn. Hiểu ngõ tức là hiểu Hà Nội. Trong ngõ có nhiều quán ăn trông xộc xệch, nhưng đã ăn một lần thì khó quên như bún cá Hồng Phúc, bún đậu Phất Lộc hay phở gà ngõ Hàng Chỉ… Ngõ làm cho đô thị mềm hơn trước những phố ngang đường dọc. Nhưng Hà Nội hôm nay có quá nhiều ngõ, tạo thành ma trận và đó chính là thất bại của Quy hoạch Hà Nội. p

PV: Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

a1110_tckt_07
Góc phố Tràng Tiền

 

Yên Minh (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)