Những kỷ niệm không quên về thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên

Tôi tự thấy mình là người may mắn được tiếp xúc với những KTS thế hệ đầu tiên của nước ta, cho dù đến hôm nay hầu hết đã qua đời, nhưng đã để lại cho chúng ta những tấm gương về tư cách người KTS, về tài năng, lòng yêu nghề và những thành quả lao động của họ.

Năm 1956, tôi thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Khoa Xây dựng. Nhà trường tổ chức một lớp học Kiến trúc, những người đã đậu vào Khoa Xây dựng muốn học kiến trúc thì đăng ký một kỳ thi vẽ. Thế là ra đời lớp đào tạo KTS đầu tiên của nước ta – Đó là tổ 29 Khóa 1 – Trường ĐH Bách khoa gồm 26 sinh viên (SV). Ngoài những môn khoa học cơ sở như toán, lý, hình học họa hình, sức bền vật liệu… được học chung với các lớp thuộc Khoa Xây dựng cùng các giáo sư Việt Nam và chuyên gia Liên Xô, lớp kiến trúc chúng tôi được học vẽ, điêu khắc và các môn học chuyên ngành kiến trúc khác. Tất cả các môn này đều mời các thầy cô giáo là các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đến giảng dạy. Học vẽ và điêu khắc có nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Phạm Văn Đôn, KTS Ngô Huy Quỳnh… Thực tế là cô Kim và thày Quỳnh dạy nhiều nhất. Riêng SV lớp kiến trúc được trang bị khá phong phú nào là giá vẽ, bảng vẽ, giấy, bút than, màu… Thầy Quỳnh dẫn SV đi tham quan các công trình kiến trúc truyền thống và các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng, thầy dẫn đi thực địa và dạy vẽ ký họa. KTS Nguyễn Cao Luyện dạy lịch sử kiến trúc thế giới. Tôi nhớ đã được thầy Luyện gọi lên bảng để vẽ một số hình vẽ kiến trúc Ai Cập Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thầy Luyện rất cẩn thận, chu đáo, khi thầy vẽ trên bảng thì nắn nót từng nét, vẽ một nét lại lùi xuống ngắm nghía. KTS Hoàng Linh, thời gian này (1957) ông là Tổng thư ký Hội KTS Việt Nam, giảng dạy môn thiết kế kiến trúc dân dụng. KTS Nguyễn Hữu Thứt dạy thiết kế công trình công nghiệp, KTS Hoàng Như Tiếp dạy về quy hoạch đô thị. Một số thày khác hướng dẫn đồ án như Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật,…

Các KTS dự hội nghị KTS Việt Nam lần thứ II, ngày 26,27 – 4 – 1975

Ngày 26 và 27/4/1957, cả lớp 29 được đến dự Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 của Đoàn KTS Việt Nam (sau này đổi là Hội KTS Việt Nam). Hội nghị họp tại một ngôi nhà họp mới được xây dựng trong khuôn viên thư viện Trung ương ở phố Tràng Thi (Hà Nội). Hôm ấy có mặt 21 hội viên là KTS, một số khách mời là các văn nghệ sĩ của các Hội văn học nghệ thuật khác cùng một số quan khách của Đảng và chính quyền. 26 SV lớp chúng tôi được vinh dự họp đại hội này và được chủ tọa giới thiệu là các KTS tương lai. Tôi còn nhớ, nhà điêu khắc Trần Văn Lắm lên phát biểu và xin gia nhập Hội. Trong đại hội này, KTS Hoàng Linh được bầu làm Tổng Thư ký của Hội, hai KTS Hoàng Như Tiếp và Trần Hữu Tiềm làm Phó tổng thư ký cùng 4 ủy viên BCH khác.

Thời gian tập sự và sau tốt nghiệp, tôi còn được làm việc với các KTS lão thành một vài năm, thật là hạnh phúc. Lúc đó, khoảng những năm 1959 – 1961, Bộ Kiến trúc – Thủy lợi có trụ sở ở phố Hàng Tre gần bờ sông Hồng, sau đó chuyển về trụ sở mới ở Lê Đại Hành (Bộ Xây dựng ngày nay). Tôi được đi thực địa với KTS Nguyễn Ngọc Chân đến các công trường đang xây dựng: Trụ sở của Bộ Xây dựng, trường Nguyễn Ái Quốc. Đây là hai cụm công trình lớn của KTS Nguyễn Ngọc Chân, cùng đi có kỹ sư Phạm Đình Biều giảng giải cho chúng tôi về các kết cấu bê tông cốt thép của công trình. Sau khi chuyển về trụ sở mới ở Lê Đại Hành, cơ quan tôi làm việc được gọi là Cục thiết kế dân dụng (nay là VNCC) Cục trưởng là KTS Nguyễn Văn Ninh, Cục phó là kỹ sư Phạm Đình Biều. KTS Nguyễn Văn Ninh người nhỏ nhắn, đeo kính cận nặng, ông nói năng nhỏ nhẹ, tính tình hiền hậu, dịu dàng.Khi xét duyệt các đồ án, ý kiến của ông rất sắc bén, thuyết phục, ai cũng yêu quý kính nể ông.

Những sáng tác của KTS Đoàn Văn Minh rất đẹp: Trụ sở Tổng cục thống kê ở Hà Nội có mặt trước cong nhẹ rất duyên dáng. Trong quá trình thi công, tôi được cùng KTS Đoàn Văn Minh lên tận mái bằng công trình này kiểm tra, cũng như ở công trình Học viện thủy lợi (nay là Trường đại học Thủy Lợi). Đó là hai tác phẩm chính của KTS Đoàn Văn Minh đã góp phần làm đẹp cho Hà Nội.

Tôi thuộc tổ thiết kế của KTS Đoàn Ngọ nên được tiếp xúc với ông nhiều nhất. Ông đến bàn làm việc của từng nhân viên, ngồi vào, tay cầm chiếc bút chì 6B, đặt giấy can lên bản vẽ của chúng tôi rồi phác, chữa cẩn thận, đồng thời giảng giải phải làm thế này, nên sửa thế kia… Hồi đó, tôi được ông giao tham gia thiết kế Hội trường Trường Dân tộc TW, vài hạng mục của Đại học ngoại ngữ, nhà học tập của Học viện âm nhạc Hà Nội… cùng các bạn Nguyễn Đình Phúng, Đoàn Đức Thành, chị An, anh Tác… Chúng tôi rất quý tính tình điềm đạm, vui vẻ của KTS Đoàn Ngọ, tôi được ông chỉ bảo rất chu đáo trong sáng tác thiết kế và nhất là về cấu tạo.

Sau này, khi tôi chuyển sang công tác giảng dạy thì cũng nhiều lần được làm việc với các KTS thế hệ đầu tiên ấy. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi lấy tên là GRETHA do GS Trương Quang Thao sáng lập, đã tổ chức gặp gỡ với các KTS lão thành bàn bạc về học thuật. Tôi còn nhớ lần được làm việc với KTS Nguyễn Cao Luyện, chúng tôi kê ghế ngồi thành một vòng tròn, bác Luyện vui vẻ trao đổi và kể chuyện về thời gian học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, kể về các giáo sư người Pháp và cách giảng dạy cùng các sách vở tài liệu kiến trúc về Đông Dương… mà các thầy Pháp dùng để giảng dạy. Một lần khác gặp gỡ KTS Ngô Huy Quỳnh, thày Quỳnh mô tả lại thầy giáo Pháp Arthur Kruze dạy sáng tác thế nào, treo các bản vẽ của SV lên trường rồi cả thầy và các trò lần lượt nhận xét phê phán từng phương án một. Dạy và học như thế rất hiệu quả.

KTS Hoàng Như Tiếp một lần gọi chúng tôi, một số học sinh cũ của ông đến nhà trao đổi và giao cho mỗi người một nội dung để suy nghĩ và thử viết theo đề cương của ông. Những cuộc trao đổi trò chuyện này thật ra là những bài học chuyên môn bổ ích mà các KTS bậc thầy ấy đã dạy chúng tôi.

Một lần tôi đi công tác cùng Hội KTS Việt Nam vào TP HCM. Chuyến đi này vào năm 1979; do Chủ tịch Hội KTS Việt Nam lúc đó là KTS Trần Hữu Tiềm dẫn đầu. Nhân dịp này tôi được gặp mặt một số KTS thế hệ thứ nhất làm việc ở miền Nam như các KTS: Nguyễn Quang Nhạc, Huỳnh Kim Mãng, Nguyễn Hữu Thiện, Ngô Viết Thụ cùng nhiều KTS khác được đào tạo tại các nước phương Tây, lúc đó đang giảng dạy tại Đại học kiến trúc Sài Gòn.

Một cuộc họp mặt KTS Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Từ trái sang (hàng trước): Đoàn Văn Minh, Nguyễn Văn Ninh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Ngọc Chân, Nguyễn Ngọc Ngoạn, Trần Hữu Tiềm, Phạm Hoàng. (hàng sau): ĐàmTrung Phường, Hoàng Như Tiếp, Khổng Toán (Ảnh tư liệu: Gia đình KTS Nguyễn Cao Luyện)

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, bồi hồi nhớ lại một vài kỷ niệm về những KTS thế hệ đầu tiên của Việt Nam, trong đó có những người là sáng lập viên của Hội KTS Việt Nam. Họ được đào tạo rất bài bản theo chương trình đào tạo KTS của nước Pháp với những thầy giáo là những KTS giỏi như Ernest Hesbrard (Giải thưởng Khôi nguyên La Mã), Arthur Kruze, Gaston Roger, Louis Georges Pineau, Jacques Lagisquet… Ernest Hesbrard, người đề xướng ra phong cách Đông Dương trong kiến trúc, đã hướng những KTS Việt Nam sáng tác theo xu hướng kiến trúc châu Á. Những KTS Việt Nam xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã vận dụng những kiến thức về nghệ thuật dân tộc kết hợp với kiến thức về kiến trúc hiện đại phương Tây tạo nên nhiều tác phẩm mang tính chất dân tộc hiện đại.

Được là học trò của những KTS thế hệ đầu tiên của Việt Nam, tôi thấy mình rất hạnh phúc và cố gắng làm việc, học tập cống hiến sao cho xứng đáng với những người thầy đáng kính ấy.

PGS.TS.KTS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)