Ths.KTS. Nguyễn Kim Trung: Thiết kế bệnh viện dã chiến phải đảm bảo tính linh hoạt

Sau gần một tháng phát động, Cuộc thi Thiết kế “Ý tưởng Kiến trúc Bệnh viện Dã chiến” đã thu hút sự chú ý của giới nghề. Những vấn đề phức tạp của thiết kế bệnh viện đã được giới nghề liên tục đặt ra cho Ban tổ chức. Nhằm hỗ trợ và giải đáp thắc mắc, cũng như đưa đến góc nhìn từ những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trò chuyện với ThS.KTS Nguyễn Kim Trung, Phó Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế – Thành viên Ban giám khảo xung quanh những tiêu chí của cuộc thi. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

KTS Nguyễn Kim Trung: Đây là một cuộc thi đề cao trách nhiệm xã hội của giới KTS. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng trên khắp thế giới như hiện nay, việc tổ chức cuộc thi là cần thiết, đó là sự chuẩn bị không chỉ cho dịch bệnh Covid 19 mà cho cả tương lai để kịp thời ứng phó đối với các dịch bệnh, thảm họa mới.

PV: Là một người hoạt động trong cả 2 lĩnh vực kiến trúc và y tế, theo ông tiêu chí nào không thể thiếu trong cuộc thi này?

KTS Nguyễn Kim Trung: Tôi cho rằng cuộc thi phải tạo ra kết quả (giải pháp thiết kế, xây dựng) làm cơ sở để xây dựng sản phẩm ứng dụng cho tương lai, cho mọi trường hợp. Chính vì thế, tiêu chí hàng đầu cần chú trọng là: Đảm bảo tính linh hoạt trong giải pháp thiết kế (khả năng biến đổi về quy mô, thích ứng với điều kiện hiện trạng, địa hình, đáp ứng các yêu cầu công năng khác nhau).

PV: Thiết kế bệnh viện là bài toán khó giữa thiết kế và công năng, ông có thể nói thêm về nhiệm vụ thiết kế của cuộc thi?

KTS Nguyễn Kim Trung: Bệnh viện là công trình công cộng có tính chất phức tạp (như 1 nhà máy) và được đề cao yếu tố công năng. Dây chuyền công năng của bệnh viện phụ thuộc vào công nghệ khám chữa bệnh cùng với sự phát triển của trang thiết bị y tế (TTBYT). Người tham gia cuộc thi thiết kế ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến phải thực sự am hiểu quy trình khám chữa bệnh, quy trình vận hành của TTBYT và phải lường trước sự phát triển để thiết kế bệnh viện đảm bảo thích ứng với điều kiện mới. Chính vì vậy, BTC đã cung cấp sơ đồ khối chức năng và mối liên hệ trong BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid – 19 do Bộ y tế đề xuất. Sơ đồ này sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình nghiên cứu và thiết kế ý tưởng.

PV: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về điểm khác biệt giữa bệnh viện thông thường và bệnh viện dã chiến?

KTS Nguyễn Kim Trung: ​Bệnh viện thông thường có chức năng cố định, được thiết kế hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bệnh viện Dã chiến (BVDC) có chức năng tùy phụ thuộc vào dịch bệnh và thảm họa cụ thể. BVDC được xây dựng rất nhanh để đáp ứng yêu cầu cấp bách vì vậy công tác hậu cần cho BVDC được cung cấp từ bên ngoài, không cần xây dựng tại chỗ như bệnh viện thông thường.

PV: Góp phần nâng cao chất lượng, tạo ra những BVDC kiểu mẫu, tiết kiệm chi phí và thời gian, theo ông cần chú trọng những vấn đề gì?

KTS Nguyễn Kim Trung: ​Trong thiết kế, luôn phải đảm bảo các điều kiện về môi trường y tế (phẳng, nhẵn, dễ vệ sinh khử khuẩn, chống ăn mòn hóa chất đối với các khu vực có yêu cầu…). Không có BVDC kiểu mẫu, chỉ có các modul xây dựng điển hình để thích ứng xây dựng các BVDC ứng phó với mọi thiên tai, dịch bệnh.

PV: Rất cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Mọi câu hỏi liên quan đến cuộc thi xin mời bạn đọc tiếp tục gửi về theo hướng dẫn: Đăng ký nhận thông tin cập nhật về cuộc thi

Cuộc thi Thiết kế “Ý tưởng Kiến trúc Bệnh viện Dã chiến” nhằm phát huy các ý tưởng sáng tạo của KTS trong thiết kế các bệnh viện dã chiến sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế về khám chữa bệnh…để có thể triển khai nhanh chóng, ngay khi yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định. Chi tiết cuộc thi xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/thiet-ke-y-tuong-kien-truc-benh-vien-da-chien.html

PV- TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc