1. Trong hành trình 65 năm xây dựng đội ngũ và không ngừng nâng cao uy tín của Hội KTS Việt Nam, các thế hệ KTS đã nối tiếp nhau duy trì một cách sáng tạo các hoạt động sinh hoạt nghề nghiệp – để Hội KTS Việt Nam thực sự là mái nhà chung, là địa chỉ kết nối tin cậy của giới KTS. Khẩu hiệu “Đoàn kết – Sáng tạo – Phát triển” luôn được đề cao.
Đã nhiều năm qua, thật là vui và ý nghĩa mỗi khi ta về Hội, đến với những diễn đàn, những cuộc hội thảo chuyên đề đầy sắc màu nghề nghiệp. Đến với không khí sôi động trong các cuộc gặp mặt “Hội trại KTS trẻ toàn quốc”, và sôi nổi cuốn hút sinh viên kiến trúc các trường với mỗi kỳ “Festival sinh viên Kiến trúc”. Háo hức cùng nhau trao đổi thông tin trong mỗi cuộc “Gặp gỡ Mùa Thu” hoặc trong các lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ” được tổ chức hàng năm… Mỗi sự kiện đã thu hút hàng trăm KTS từ khắp các vùng miền tham gia, nhiệt tình, sôi nổi và đầy ắp tình đồng nghiệp. Những sinh hoạt đậm chất nghề đã trở thành truyền thống hoạt động Hội, luôn được các KTS cùng những người bạn đón đợi…và chính điều này đã khắc họa nên diện mạo riêng của Hội KTS Việt Nam.

2. Với vai trò Tư vấn – Phản biện xã hội, chúng ta có thể tự hào về những gì Hội đã làm cho đất nước, không né tránh những vấn đề bức xúc, luôn có chính kiến và đề cao trách nhiệm góp phần phát triển nền kiến trúc Việt Nam.
Hội KTS Việt Nam ngày một lớn mạnh về lực lượng, phong phú trong các sinh hoạt nghề nghiệp, huy động được sự chung tay góp sức của nhiều người cả trong và ngoài giới, tạo thành sức mạnh và làm nên những thành công. Điều đó liên quan trực tiếp đến tài năng nghề nghiệp và uy tín xã hội của người đứng đầu là Tổng thư ký hoặc Chủ tịch Hội KTS Việt Nam. Tôi muốn nhắc đến những KTS có tầm ảnh hưởng lớn, được giới nghề tôn vinh, xã hội nể trọng và giữ vai trò quyết định đến vị thế của Hội trong đối nội, đối ngoại…đó là các KTS Hoàng Như Tiếp (Tổng thư ký:1969-1982), Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch Hội:1983-1988) mà tôi đã gặp, đã biết từ khi còn là sinh viên và sau này với KTS Nguyễn Trực Luyện (Tổng thư ký: 1983 – 1995; Chủ tịch Hội: 1995 – 2005) khi tôi về Hội công tác và trực tiếp làm việc. Thế hệ các KTS đi trước luôn là tấm gương nghề nghiệp và nhân cách được nhiều KTS tôn kính, ngưỡng mộ, học tập. Tôi vẫn nhớ nụ cười và thần thái của bác Phát khi đến thăm trường nơi sơ tán, tính tình hồn hậu của bác Tiếp, sự tận tụy với công việc Hội của anh Nguyễn Trực Luyện – những thủ lĩnh của giới KTS đã có nhiều công sức xây nền lợp mái, cùng làm nên ngôi nhà chung của Hội KTS Việt Nam hôm nay.
3. Được điều về làm công tác tại cơ quan Hội, có rất nhiều chuyện đáng nhớ và nhiều khoảnh khắc…còn đọng mãi trong tôi. Trình bày và biên tập Tạp chí Kiến trúc là nhiệm vụ đầu tiên tôi tham gia khi về Hội – năm 1989. Tạp chí có khổ vuông như bây giờ là từ một chuyện rất tình cờ: Khi ấy vào năm 1995, số đầu của năm đã lên khuôn xong chỉ việc đem in thì bất chợt gặp anh Đặng Tố Tuấn (lúc đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho xem bản thảo số đầu của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (khi đó trực thuộc Trường). Thấy cùng kích thước A4 như mình, tôi đã nghĩ và đề xuất ngay việc đổi khổ Tạp chí của Hội nhằm làm cho khác lạ đi, dễ nhận biết hơn…Nhưng không phải là không có khó khăn, vì đẹp nhưng không được lãng phí, làm mới nhưng không được chậm…như anh Nguyễn Trực Luyện, anh Đoàn Đức Thành chỉ đạo và băn khoăn dặn dò. Quan trọng là sự nhất trí của các anh đã thôi thúc tôi đêm hôm vào cuộc. Cho đến nay là năm thứ 18, đã quen rồi nhưng mỗi khi cầm cuốn Tạp chí Kiến trúc trên tay, tôi vẫn nhớ như in từng bước chuyển “thay da đổi thịt” tờ Tạp chí của Hội, sau đó là niềm vui cứ lan tỏa mãi..”
Chuyện nữa rất đáng nhớ, liên quan đến việc thành lập Viện Kiến trúc của Hội: Khi anh Trực Luyện giao nhiệm vụ cho tôi thực hiện việc chuẩn bị các thủ tục để lập Viện Kiến trúc, năm ấy khoảng cuối năm 2003. Điểm quan trọng là anh phân tích tình hình liên quan, về mục đích và nhiệm vụ của Viện, để tôi tiếp nhận rõ ý chí và mục tiêu của Hội đặt ra, hướng đến…Sự rõ ràng, mạch lạc và sức truyền tải của anh làm tôi hiểu vấn đề gần như trong khoảnh khắc. Tôi cũng hiểu ra sự sâu sắc và tầm nhìn xa của vị Chủ tịch Hội khi lập ra một đơn vị công tác nhằm nâng cao vị thế Hội trong lĩnh vực NCKH. Điều tra nghiên cứu những vấn đề mà nhiều cơ quan khác khi đó ngại ngần hoặc né tránh như: “Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc công sở” hoặc “Nhìn nhận các xu hướng kiến trúc Việt Nam thời kỳ đổi mới”, “Phong thủy trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng”… Khoảnh khắc ấy có sức lan tỏa mạnh trong tôi khi vận hành công việc, trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ của Viện với vai trò là Viện trưởng từ năm 2004 đến 2010.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội, xin có đôi dòng kể góp vui cùng đồng nghiệp, cũng là tự nhắc mình lưu giữ mãi những khoảnh khắc đáng nhớ ấy – để rồi góp sức nhiều hơn trong việc xây dựng “mái nhà chung” cho nghề của mình…
TS. KTS. Ngô Doãn Đức