Vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho các Hội VHNT năm 2012. Hội kiến trúc TP.HCM đã vinh dự đoạt giải đặc biệt xuất xắc về công trình kiến trúc “Đền tưởng niệm vua Hùng”do kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu thiết kế. Đây là thành quả đáng phấn khởi cho toàn ngành kiến trúc thành phố.
Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM. Ảnh: SGTT
Bên cạnh đó, trong năm 2012, Hội kiến trúc TP.HCM cũng đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật như: tổ chức hội thảo về di sản kiến trúc, đào tạo và nâng cao kiến thức cho nhiều kiến trúc sư trẻ… Kiến Trúc sư Khương Văn Mười – Chủ tịch Hội Kiến Trúc TPHCM đã trả lời phỏng vấn về những thành tựu nổi bật trong năm qua, cũng như một vài định hướng trong năm 2013, đặc biệt là chiến lược phát triển kiến trúc đô thị, những kế hoạch tầm xa cho mỹ thuật kiến trúc tổng quan TPHCM
* Thưa ông, trước hết, xin ông vui lòng cho biết một số thành tựu nổi bật của Hội kiến trúc trong năm 2012 vừa qua?
– Ông Khương Văn Mười: Ngoài các tác phẩm do các kiến trúc sư thực hiện, chúng tôi còn tổ chức các hội thảo về nghiên cứu chuyên môn để cung cấp kiến thức cho các kiến trúc sư trẻ. Chúng tôi tổ chức hội thảo 1 số lĩnh vực như: Hội thảo về di sản kiến trúc TP.HCM, đây là một tài sản vô giá, mà là một trong những yếu tố phát triển bền vững của TP.HCM. Hội thảo được xã hội đánh giá có đổi mới, có giá trị, có chất lượng. Hội hoàn thành được nhiệm vụ do UBND Thành phố giao phó. Ngoài ra chúng tôi cũng đã phối hợp với trường ĐH kiến trúc tổ chức lớp nâng cao kiến thức về thiết kế đô thị. Trong lớp này, chúng tôi cũng đã mời 1 giáo sư của 1 trường ĐH ở Anh để hỗ trợ cho công tác hội thảo này. Đây là bước đầu của 1 chương trình nhằm nâng cao kiến thức cho các kiến trúc sư trẻ trong bối cảnh đổi mới. Và qua đó cũng có cấp chứng chỉ cho các học viên mang tính pháp lý theo quy định của Bộ xây dựng.
* Trong giai đoạn phát triển hiện nay, thì Hội kiến trúc TP.HCM có những thuận lợi hay gặp phải những khó khăn nào?
– Ông Khương Văn Mười: Thực sự về hoạt động công tác xã hội, thì chúng tôi quan tâm tới học sinh nghèo, quan tâm tới những người gặp khó khăn, tới vùng bị bão lũ, tới, quan tâm tới biển đảo, những nơi vùng sâu – vùng xa. Thực sự đó là các công tác xã hội, chúng tôi vận động rất tốt. Qua việc kêu gọi anh em, tất cả không riêng gì các kiến trúc sư lớn tuổi mà ngay thế hệ trẻ họ cũng rất là nhiệt tình. Nhưng có nhiều hoạt động khác, chúng tôi làm cũng để phục vụ cho xã hội, nhưng đã gặp khó khăn là: các đơn vị kinh doanh họ cũng gặp khó khăn. Cho nên sự vắng bóng của họ tài trợ trong các hoạt động này nên không triển khai được, từ đó chúng tôi giảm bớt các hội thảo và các hoạt động khác.
* Thưa ông, được biết vừa qua công trình kiến trúc “Đền tưởng niệm vua Hùng” của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đoạt giải xuất sắc về giải thưởng VHNT TP.HCM. Xin Ông cho biết thêm về thành quả đặc biệt này, ngoài ra thì ngành kiến trúc sẽ thực hiện những công trình tầm vóc nào nữa trong tương lai?
– Ông Khương Văn Mười: Tác phẩm “Đền tưởng niệm vua Hùng” của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, với góc độ là kiến trúc sư, chúng tôi có thể đánh giá thế này: Đây là một công trình kiến trúc của thế hệ hôm nay, chúng ta xây dựng để tưởng nhớ các vua Hùng lập nước và dựng nước. Đó là công trình kiến trúc của thời đại, giải pháp kiến trúc của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đã nói lên được nhiệm vụ đó. Qua công trình này, đã chứng minh cho chúng ta thấy được KTS Việt nam có đủ năng lực để làm nên một công trình mới, có đủ năng lực để sáng tác ra những tác phẩm mà không thua gì nước ngoài. Đây là một hoạt động đã đánh dấu cho những tác phẩm kiến trúc ở TP.HCM nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung.
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình lý luận phê bình của ngành kiến trúc hiện nay?
– Ông Khương Văn Mười: Về tình hình lý luận phê bình trong lĩnh vực này, có thể đánh giá chung qua tổng kết của giải VHNT – không thấy xuất hiện tác phẩm giải về lý luận phê bình. Thật sự thì cũng có nhưng người ta không gửi đến, hoặc là còn quá ít ỏi. Cho nên trong năm tới sẽ quan tâm tới những tác phẩm lý luận phê bình về VHNT. Hội kiến trúc chúng tôi, trước kia cũng có một số tác giả viết về lý luận phê bình, nhưng mà sau này về mặt lý luận phê bình của Hội kiến trúc thật sự không phát triển được. Tuy nhiên, nằm trong các nhiệm vụ của Hội, chúng tôi sẽ đẩy mạnh lĩnh vực này lên để từ đó có những ngôn ngữ của sự phát triển kiến trúc của TP.HCM.
* Xin ông cho biết một số chiến lược về việc phát triển kiến trúc và mỹ quan kiến trúc đô thị TPHCM trong tương lai, cũng như những công việc nổi bật nhất mà Hội kiến trúc sẽ thực hiện trong năm 2013?
– Ông Khương Văn Mười: Nói về chiến lược phát triển kiến trúc, với tư cách là Hội kiến trúc sư thì chúng tôi luôn luôn đứng bên cạnh về lĩnh vực chuyên môn, để cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm với các sở, ban, ngành của thành phố, để định hướng các giải pháp kiến trúc cho TP.HCM của mình, để thúc đẩy cho ngành kiến trúc TPHCM phát triển. Hội kiến trúc sư chúng tôi tiếp tục mở các lớp nâng cao trình độ kiến thức cho các kiến trúc sư trẻ và để họ có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề, tổ chức các hoạt động và tổ chức liên hoan để kết nối và giao lưu với các Hội bạn trong thành phố, trong các tỉnh phía Nam và phía Bắc, thậm chí cả nước ngoài.
* Xin cảm ơn ông. Trước thềm năm mới, xin kính chúc ông cũng như Hội kiến trúc TP.HCM sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm mới 2013.
Ngọc Mai