15 chung cư Hà Nội xin chuyển thành nhà xã hội

Các chủ đầu tư thừa nhận xin chuyển đổi để được ưu đãi và dễ bán hàng hơn. Thành phố đã chấp nhận cho 3 dự án chuyển đổi theo yêu cầu.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 3 dự án nhà thương mại đã được chuyển sang nhà thu nhập thấp gồm nhà ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm của Công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội, dự án khu nhà ở cao tầng tại 143 Trần Phú (Hà Đông) của Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà và dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty Bánh kẹo Thăng Long

Ngoài ra, còn có 12 dự án đã được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi cơ cấu căn hộ và mô hình nhà thương mại sang nhà xã hội.

Theo ông Hoàng Văn Anh, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà, đơn vị này muốn chuyển đổi một tòa nhà 35 tầng sang nhà xã hội để hưởng chế độ ưu đãi. Lý do khác là đầu ra của sản phẩm này dễ dàng bởi nhu cầu nhà xã hội còn rất lớn, trong khi nếu xây nhà thương mại thì không dễ bán. Tại TP HCM, công ty này đang có 2 dự án nhà thương mại tại vị trí đẹp song không bán được trong thời điểm thị trường nhà ở trầm lắng.

“Chúng tôi không đi theo trào lưu song cần phải chuyển đổi nhà diện tích lớn sang diện tích nhỏ để dễ bán, nhất là thời điểm này. Diện tích căn hộ dự án từ 45 đến 75m2”, ông Hoàng Văn Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cơ quan này đã thị sát nhu cầu về nhà xã hội trên địa bàn thành phố. Hiện có 35 cơ quan trung ương với 157.000 cán bộ có nhu cầu nhà ở và 83 cơ quan của thành phố với 36.000 cán bộ công chức đăng ký mua nhà xã hội. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015 là xây dựng 15.500 căn hộ với diện tích khoảng 1,1 đến 1,5 triệu m2 cho cán bộ viên chức.

"Chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu đang cần của xã hội hiện nay, nhà thương mại đang ở trạng thái thừa trong khi nhà xã hội vẫn thiếu", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn khi cơ cấu căn hộ thay đổi, mật độ xây dựng tăng gây quá tải hạ tầng đô thị. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho rằng, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội là chủ trương đúng song không nên làm ồ ạt. Bởi dự án nhà thương mại có diện tích căn hộ hơn trăm m2 nay hạ xuống diện tích nhỏ 40-50m2 thì dân số tăng, kéo theo căng thẳng về giao thông, chỗ đỗ xe, trường học… Do vậy, cơ quan quản lý phải rà soát từng dự án và có điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, theo quy định các dự án chuyển đổi được phép tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất nhưng căn hộ điều chỉnh phải đảm bảo an toàn tiện lợi, phải đủ không gian, có diện tích tối thiểu 45m2 đảm bảo tiện nghi như bếp, phòng ngủ…

Ngoài ra, khi tổng diện tích sàn của dự án thay đổi so với quy hoạch đã được phê duyệt thì phải điều chỉnh quy hoạch 1/500. Dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì sẽ được nhà nước hoàn trả hoặc được khấu trừ các nghĩa vụ tài chính.

Trước những ý kiến về nhiều người dân đã mua nhà thương mại nay lại chuyển đổi dự án, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho rằng, các dự án được chuyển đổi sang nhà xã hội sẽ được công khai, minh bạch để người dân được biết, có những vấn đề gì liên quan đến dự án, quá trình thực hiện các dự án trước đây của chủ đầu tư, thì cần thông báo cho cơ quan nhà nước.

Ông Hùng cũng khẳng định, các dự án nhà thương mại chuyển đổi nhà xã hội đều được tổ công tác của thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát để có điều chỉnh quy hoạch nếu có, tránh quá tải về hạ tầng.

Theo VnExpress