Khởi công đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

Hôm nay 19/7, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức khởi công đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đây là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất ở phía Nam với tổng chiều dài 57,1 km và tổng kinh phí xây dựng lên đến 1,6 tỉ đô la Mỹ (tương đương 31.320 tỉ đồng).

Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, điểm đầu của dự án là điểm giao giữa đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và đường vành đai 3. Điểm cuối giai đoạn 1 giao với quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai; còn điểm cuối của dự án giai đoạn 2 giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.



Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là dự án đường cao tốc có số vốn đầu tư lớn nhất khu vực phía Nam
(Ảnh: Lê Anh)

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài 57,1 km, đi qua các tỉnh Long An (2,7 km, gồm huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc); TPHCM (26,4 km, gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (28 km, gồm huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành).

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có 4 làn xe với 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Do tuyến đường đi qua nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76 km, nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM và cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18 km nối huyện Cần Giờ, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tuyến đường sẽ có 6 nút giao, hàng trăm cống hộp dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ như trung tâm điều hành giao thông, trung tâm vận hành, bảo trì, trạm dịch vụ, trạm dừng xe, trạm thu phí … và hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Tổng chi phí xây dựng (giai đoạn 1) là 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,6 tỉ đô la Mỹ), trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu đô la, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu đô la và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu đô la.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được giao làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch đường cao tốc này sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Sau khi hoàn thành đường cao tốc này sẽ kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai – Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành mà không cần đi qua TPHCM.

Khi các khu đô thị của TPHCM phát triển rộng khắp địa bàn thành phố, cùng với đường vành đai 3, tuyến cao tốc này sẽ đảm nhiệm thêm chức năng giao thông vành đai đô thị bao quanh khu vực nội thành trên phạm vi rộng, đi gần một số đô thị vệ tinh của TPHCM và giao cắt với hầu hết các đường hướng tâm, xuyên tâm của thành phố như đường vành đai 2 hiện nay.

Tuyến đường cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1A, quốc lộ 51, rút ngắn thời gian và hành trình vận chuyển hàng hóa từ Long An đến Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại.

Trong tương lai, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc TPHCM- Vũng Tàu (dự kiến) tạo thành một phần của tuyến Hành lang Kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TPHCM – Vũng Tàu.

Một tuyến cao tốc khác tại khu vực Đông Nam Bộ là đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cũng đang gấp rút thi công hơn 30 km còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây. Do gói thầu số 5 (đi qua huyện Long Thành và Cẩm Mỹ dài 13,9 km) phải đấu thầu lại nên đến tháng 12/2015 đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây mới hoàn thành, chậm một năm so với kế hoạch.

Lê Anh

TBKTSG