TPHCM: Quy hoạch dự án xây dựng phải lấy ý kiến nhân dân

Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép quy hoạch các công trình xây dựng (không phải nhà ở riêng lẻ), cơ quan thẩm định hồ sơ phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư có liên quan về nội dung cấp phép.

Thay đổi quy hoạch tùy tiện theo ý chủ đầu tư

Lâu nay, các dự án xây dựng trong khu vực đô thị ở TPHCM vẫn được cấp phép, quy hoạch mà không phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Từ đó dẫn đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như tại dự án khu dân cư Miếu Nổi (phường 3, quận Bình Thạnh). Dù được quy hoạch hơn 10 năm nay nhưng khu dân cư này vẫn chưa hoàn tất, trong khi đó, quy hoạch khu dân cư thay đổi liên tục theo ý kiến đề xuất của chủ đầu tư mà người dân sống trong khu vực quy hoạch dự án chẳng hề biết gì.

Trong ngày 14/12/2012, nhiều cư dân tại chung cư Miếu Nổi lô B (tổ 10 + 11 khu phố 1) đã gửi phản ánh trực tiếp đến báo Dân trí về việc xây dựng công trình nhà ở tại khu đất đối diện chung cư (giới hạn bởi đường Trường Sa, đường số 5 và đường dưới chân cầu Hoàng Hoa Thám), bởi khu đất này vốn được quy hoạch làm công viên.

Bỗng dưng khu đất trước khu chung cư Miếu Nổi lô B được điều chỉnh cho xây nhà ở dù quy hoạch ban đầu là công viên mà cư dân sống tại đây không hề biết

Các cư dân tại đây bức xúc: “Chúng tôi về ở đây đã được 17 năm. Theo quy hoạch công khai khi đó thì khu đất ngay trước chung cư chúng tôi là công viên cây xanh. Chúng tôi chờ đã 17 năm rồi mà chưa thấy công viên đâu, nay xây dựng là sao? Phải chăng chúng tôi đã bị lừa? Một mảng xanh nho nhỏ như vậy cũng bị lấy mất?”.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết quy hoạch khu vực này mới được điều chỉnh lại, tại khu đất này, ngoài công trình miếu Phú Hòa Vạn ra thì còn có 2 công trình xây dựng khác chiếm gần hết diện tích. Mảng xanh chỉ còn là những viền đất hẹp bao quanh 3 công trình này, có lẽ chỉ đủ để… làm vỉa hè hoặc trồng cỏ.

Điều quan trọng là từ khi dự án này được hình thành, nó đã được điều chỉnh quy hoạch rất nhiều lần. Đến nỗi ngay chính cán bộ phường 3 cũng không nhớ nổi là điều chỉnh bao nhiêu lần, còn người dân sống ngay trong dự án này thì mù tịt về thông tin điều chỉnh quy hoạch dự án vì họ chưa từng được hỏi ý kiến về việc quy hoạch mảnh đất họ đang sống.

Phải hỏi ý kiến người dân

Không chỉ riêng khu dân cư Miếu Nổi mà còn rất nhiều khu vực dự án xây dựng trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng trên. Chính vì nghịch lý này đã dẫn đến nhiều đơn thư khiếu nại, bất bình của quần chúng nhân dân.

Để khắc phục tình trạng này, UBND TPHCM đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 của UBND TP về cấp giấy phép quy hoạch tại TP.

Theo đó, giấy phép quy hoạch được cấp cho chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng. Đây là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết, bản vẽ tổng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Giấy phép quy hoạch cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Theo quyết định này, trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép quy hoạch, cơ quan thẩm định hồ sơ cấp giấy phép quy hoạch phải phối hợp UBND phường, xã, thị trấn để tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư có liên quan về nội dung cấp phép. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quy định này áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị (trừ nhà ở riêng lẻ), dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.

Khi quy định này có hiệu lực, người dân sẽ được có ý kiến đối với quá trình thẩm duyệt, cấp phép quy hoạch cho các dự án xây dựng trong khu vực mình sinh sống, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Tùng Nguyên