Sáng 8/10/2020, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy từ, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long – Hà Nội” nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động về bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội trong thời gian qua và đề xuất các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 25 năm thành lập Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam…
Khu phố cổ (KPC) Hà Nội có vị trí đặc biệt trong khu vực nội đô lịch sử với di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, các phố nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long – Đông đô – Hà Nội.
Trong thời gian 25 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản trong KPC Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định: Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; các giá trị phi vật thể được phục hồi và phát huy; hệ thống hạ tầng chất lượng đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh, chất lượng cao… Qua đó, từng bước góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong KPC. Diện mạo KPC đã có nhiều đổi thay, ngày càng khang trang, sạch đẹp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, góp phần ổn định cho nguồn thu ngân sách của quận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ,vẫn còn những hạn chế cần khắc phục:
- Việc bảo tồn các di sản vật thể vẫn còn nhiều hạn chế do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực và quy trình để thực hiện các dự án đầu tư;
- Thiếu điểm giao thông tĩnh trong KPC dẫn đến việc ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông;
- Việc thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng còn nhiều bất cập;
- Vệ sinh môi trường cần được quan tâm hơn nữa;
- Tiến độ thực hiện công tác giãn dân còn chậm, thiếu sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách…
Trước thực trạng đó, BQL KPC Hà Nội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tập trung giải quyết một số nội dung chính sau:
- Hoàn thiện các cơ sở pháp lý và các quy hoạch định hướng như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế kiến trúc…;
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp, chủ động tham mưu cho TP trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản KPC;
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về giá trị và trách nhiệm trong công tác bảo tồn tôn tạo KPC;
- Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị, cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố;
- Thực hiện có hiệu quả đề án giãn dân KPC;
- Tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn;
- Ổn định cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ CB làm công tác quản lý bảo tồn KPC Hà Nội.
Trước mắt, BQLPC Hà Nội cũng đưa ra những kiến nghị về việc thực hiện dự án không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch 131 vòm cầu đá đường dẫn nam cầu Long Biên; đề án giãn dân phố cổ; đề án nghiên cứu không gian ngầm tại ven KPC để phát triển giao thông tĩnh; kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, nhất là nhà ở sở hữu tư nhân.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Vi Khánh
© Tạp chí kiến trúc