Biểu tượng chùa Cầu

Chùa Cầu là một công trình kiến trúc cổ dạng cầu, nối giữa phố Trần Phú và phố Nguyễn Thị Minh Khai nằm trong khu phố cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài.

Chùa Cầu Hội An: Góc nhìn chính từ hướng Nam, phía sông Hoài

Chiếc cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, công trình là vật trấn yểm con Cù – một loài thuỷ quái có đầu ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và đuôi ở Nhật Bản; mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Trên thực tế, ngoài chức năng giao thông và tín ngưỡng, cây cầu là điểm hẹn và là nơi phân xử tranh chấp trong buôn bán ở thương cảng Hội An trong lịch sử. Năm 1653, ở sườn cầu phía Bắc được dựng thêm phần chùa (làm cho mặt bằng công trình có hình chữ T); nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817 dưới thời nhà Nguyễn.

Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. Mỗi phần đầu cầu hai phía được xây gạch bao gồm 3 nhịp, phần cầu ở giữa có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm xuống nước. Tất cả hệ khung của công trình làm bằng gỗ, có 3 hệ mái tương ứng với 3 phần cầu. Mái công trình lợp ngói âm dương, với những chi tiết trang trí tinh xảo trên bờ nóc, bờ chảy. Đặc biệt là có những đồ gốm men lam được khảm trên mái.

Giữa cầu là lối vào Chùa. Gọi là Chùa nhưng thực tế ở đây không thờ Phật mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – một vị thần chuyên trị phong ba, lũ lụt, bảo hộ xứ sở, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người – theo tín ngưỡng người Trung Hoa. Bên trên lối vào gian thờ có tấm biển gỗ đề 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”. Phía trên cửa, dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đậm nét tín ngưỡng của Hội An.

Gian thờ nằm ở giữa Chùa Cầu về hướng Bắc

Hai đầu cầu có đặt tượng khỉ (linh hầu) và chó (thiên cẩu). Đây được coi là đôi linh vật canh giữ, trấn yểm Chùa Cầu, được thờ cúng trang trọng. Không rõ nguyên nhân xuất xứ của đôi linh vật này. Có giả thuyết cho rằng khỉ và chó thể hiện thời gian xây dựng cầu, trong khoảng từ năm con khỉ đến năm con chó, tuy nhiên điều đó chưa được xác tín.

Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu, vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986. Nhiều nét kiến trúc Nhật Bản ban đầu đã mai một. Tuy vậy, chùa Cầu vẫn là một kiến trúc đặc sắc, là di sản quý báu bậc nhất của khu phố cổ nói riêng và Hội An nói chung, được coi là biểu tượng của đô thị cổ này.

Hiện tại, Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo đánh giá sơ bộ thì phần trụ cầu xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc, khung gỗ nhiều cấu kiện đã mục, nứt nẻ, sàn cầu bằng ván gỗ bị mài mòn nghiêm trọng do phải đón quá nhiều du khách. Đặc biệt là phần trụ cầu luôn phải đối diện với nguy cơ từ dòng chảy xiết của nước lũ. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã lên kế hoạch, lập dự án trùng tu Chùa Cầu. Tuy nhiên, trùng tu công trình đặc biệt, ở vị trí đặc biệt này là một vấn đề nhạy cảm, không hề dễ dàng, đòi hỏi một cách thức làm việc khoa học, nghiêm túc và cẩn trọng. Bởi lẽ Chùa Cầu là di sản quý báu, là tinh hoa của kiến trúc phố cổ Hội An, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hoá.

Tượng chó ở đầu cầu phía Đông

Năm 2016, một hội thảo về trùng tu Chùa Cầu đã được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ở Hội An với sự tham gia của gần 120 nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực kiến trúc, văn hoá, lịch sử, bảo tồn, du lịch, nhà quản lý của Việt Nam và Nhật Bản. Tất cả đều có nhận định chung là Chùa Cầu cần phải trùng tu cấp thiết, song không thể quá vội vàng mà phải nghiên cứu kỹ giải pháp. Giải pháp hạ giải toàn bộ để trùng tu được đa số đại biểu đồng tình, vì xử lý được triệt để những vấn đề tồn tại; nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại là với giải pháp này vì lo ngại rằng Chùa Cầu có thể biến dạng và không giữ được hồn cốt vốn có. Bởi lẽ trước đó đã có nhiều công trình, di tích thay đổi tiêu cực sau khi trùng tu. Vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý người dân Hội An và du khách cũng được xem xét vì công trình nằm trong lõi di sản, là hình ảnh quen thuộc gắn bó với đời sống cộng đồng.

Trước mắt, định hướng đưa ra là sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong lĩnh vực bảo tồn để thực hiện, như sử dụng các camera chuyên dụng để chụp ảnh 3D, số hoá tư liệu, dựng thành phim 3D, dùng công nghệ in 3D… Phía Nhật Bản rất nhiệt tình trong dự án này vì Chùa Cầu là biểu tượng của mối quan hệ hữu hảo Việt – Nhật.

Dự án sẽ là sự phối hợp của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia đa ngành, được nghiên cứu bài bản, cẩn trọng; kết hợp với phương pháp và công nghệ hiện đại; dự kiến sẽ triển khai trong khoảng năm 2017-2020.

Hà Thành

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)