Biểu tượng của chất cảm

Khi ta đứng trước một bức tường bằng đá hay ngồi trong một ngôi nhà bằng gỗ và cảm thấy xúc động, ta nói: “Đá này đẹp! ”, “Gỗ này thích thế! ” Vậy cái đẹp của đá và gỗ từ đâu ra? Có lẽ, cái đẹp được tổng hợp từ hai phương diện: Thứ nhất, cái đẹp thuần túy tự nhiên; thứ hai, cái đẹp được biến tạo qua các tầng lớp văn hóa.

Thành nhà Hồ, thế kỷ 15, Thanh Hóa. Tổng công trình sư :Đỗ Tỉnh

Ở phương diện thứ nhất, cái đẹp được tạo nên từ gân đá, vân gỗ, từ vẻ sần sùi thô ráp của gạch, vẻ bóng láng của inox…, rồi qua sự bố cục sắp xếp của KTS mà thị giác của ta thấy chất cảm đẹp. Chủ nghĩa Thô mộc chính là một cách tôn vinh vẻ đẹp thuần túy của chất cảm.

Ở phương diện thứ hai, là cái mà ta đang bàn ở đây, cái đẹp được tạo nên từ những huyền thoại, những biểu tượng của chất cảm. Từ cổ xưa, các chất liệu kiến trúc đã gắn với con người, cùng con người trải qua tháng năm lịch sử, cùng vinh quang và đau buồn, cùng lao động và suy tưởng, và rồi chúng trở thành các “mã văn hóa” ẩn náu trong ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng. Nếu khai thác được phương diện thứ hai này, vẻ đẹp của chất cảm sẽ được sáng tạo vô biên.

Mọi vật, mọi từ ngữ chúng ta đang suy tư ngày nay, đều ẩn chứa trong mình những gốc tích nguyên thủy cổ xưa. Tri thức loài người ngày một phong phú hơn, máy móc ngày một tinh xảo hơn, khiến chúng ta có vẻ thông minh hơn. Nhưng linh cảm về những huyền thoại, những biểu tượng của chúng ta thì ngày một yếu đi, may ra chỉ âm thầm phát lộ trong giấc mơ rồi vụt trôi mất. Nếu như KTS có thể tìm lại được những ý nghĩa biểu tượng xa xưa của chất cảm đang nằm dưới những tầng sâu tiềm thức, thì tác phẩm của anh ta sẽ có được cơ may tìm lại được cái “tâm thần nguyên thủy” mà nhà phân tâm học C.G. Jung mơ ước. Dưới đây, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua về những ý nghĩa biểu tượng của một số chất cảm trong kiến trúc.

Đá

Từ thời nguyên thủy, con người lấy hang đá làm nơi ở của mình và vẽ các bức tranh tuyệt đẹp trên nó, vì vậy, đá là chất liệu thần thánh và có thể khơi gợi bản thể cổ xưa của con người. Một số loại đá quý (còn gọi là ngọc) như ruby, saphire, lục bảo, kim cương, thạch anh… từ cổ xưa đã được con người dùng làm trang sức và trừ tà. Mỗi loại đá quý đều có biểu trưng riêng của chúng, ví dụ kim cương là tình yêu tinh khiết, lục bảo là hồi sinh và hi vọng, saphire là khát vọng và khai sáng…

Theo Kinh Cựu ước, các đền thờ cổ xưa phải xây bằng đá thô chứ không được phép đẽo gọt, bởi khi đẽo gọt thì tạo vật của Thượng Đế sẽ biến thành sản phẩm của con người, bị giảm đi tính thiêng. Trong Xuất hành 20,25 viết: “khi ngươi đặt lưỡi đục lên tấm đá, ngươi sẽ làm cho đá thành phàm tục”. Kinh Cựu Ước cũng kể lại giấc mơ của Jacob rằng ông ta gối đầu lên hòn đá để ngủ và được Chúa mặc khải, ông lấy hòn đá làm tin cho giao ước với Chúa. Hòn đá chính là vật liên hệ giữa Jacob và Chúa, giữa con người với vũ trụ toàn năng.

Vì nhu cầu xây dựng các công trình lớn nên đến thời Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại, người ta xây dựng các đền thờ, lăng mộ bằng đá đã qua đẽo gọt. Người ta cũng tạc tượng các vị thần bằng đá. Người La Mã thường tế thần Jupiter bằng cách dùng đá lửa đánh chết lợn, coi như sự đảm bảo lời thề, khi kí kết hiệp ước quan trọng. Đối với người Hồi giáo, ít nhất một lần trong đời họ phải cố gắng đến được thánh địa Mecca và đặt tay lên tảng đá đen ở đó rồi cầu nguyện. Ở Nhật Bản, đá là thành phần không thể thiếu trong thiết kế vườn, dù là vườn có nước hay vườn khô. Đặc biệt, trong các vườn thiền, chỉ với các tảng đá tự nhiên đặt trên nền đất rải sỏi, người ta có khơi gợi được thế giới tinh thần và sự rèn luyện tinh thần. Trong văn hóa Ấn Độ, trụ đá dựng đứng biểu tượng cho dương vật (linga). Những người phụ nữ vô sinh ở Bretagne tin rằng có thể cầu nguyện tảng đá đứng để sinh con. Cột đá chùa Dạm ở Bắc Ninh có lẽ do sự giao lưu văn hóa với Champa và Ấn Độ khá mạnh thời Lý, và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là biểu tượng linga. Ở Việt Nam, còn có nhiều công trình bằng đá khác như Thành nhà Hồ, Nhà thờ Phát Diệm… cũng là những nơi có tinh thần nơi chốn rất mạnh.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, 1982, Washington DC. KTS Maya Lin

Những đài tưởng niệm hiện đại, nếu không đủ tiền để xây bằng đá, thì ít nhất cũng phải ốp đá thì mới có thể tạo ra không gian kiến trúc linh thiêng, mới có thể kết nối thế giới của người sống và người chết. Ví dụ Đài tượng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington dù có kiến trúc rất đơn giản nhưng lại tạo ra một nơi chốn linh thiêng một phần bởi vì người ta phải kì công sử dụng đá granit đen lấy từ vùng Bangalore, Ấn Độ.

Gỗ

Từ thời cổ xưa con người cũng đã thờ phụng cây, hẳn nhiên, cây phải có khí chất linh thiêng của nó, nhất là những cây cổ thụ. Tục ngữ Việt Nam có câu “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Khắp các làng quê Bắc Bộ, ở đâu cũng có cây đa ở giữa làng, cây gạo ở đầu làng để chở che cho người dân. Ngày nay, dù cho quá trình đô thị hóa làm biến đổi các làng quê, nhưng chúng ta không khó để bắt gặp những bát hương thờ cây cổ thụ linh thiêng ở thành thị hay nông thôn Việt Nam.

Người theo đạo Thiên Chúa cũng thờ cây. Trong các lễ thức của đạo này, gỗ thường được coi như đồng nghĩa với giá Thập tự. Chúa Jesus vốn cũng làm nghề thợ mộc. Kinh mở đầu của hội Cành viết: “Khả dĩ thắng thù, do gỗ, bị kẻ thù đánh bại, cũng do gỗ”. Truyền thống trang trí cây thông dịp lễ Giáng sinh, hiện đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới, đã thể hiện rất rõ tính chất linh thiêng của cây.
Gỗ sử dụng trong kiến trúc tuy là dạng cây đã chết nhưng nó vẫn còn giữ được ít nhiều khí chất của vũ trụ trong đó. Khi nói đến nhà truyền thống bằng gỗ của người Việt Nam, thì đó là khái niệm chỉ về bộ gỗ của ngôi nhà (cột, lương, vì kèo, hoành, rui, cửa, ngưỡng, thuận…) chứ không bao hàm cả nền đất để xây dựng nó như chúng ta hiểu ngày nay. Nếu xây nhà gạch, thì đập nhà đi tức là không còn ngôi nhà. Còn nhà gỗ, dù có dỡ ra rồi mang đến khu đất khác dựng lại thì nó vẫn là ngôi nhà đó. Tuổi đời của ngôi nhà được tính bằng lúc nó được dựng lần đầu tiên, bất kể khu đất đó ở đâu. Điều đó cho thấy, cái khí chất của bộ gỗ ngôi nhà rất mạnh, mạnh đến mức ít bị phụ thuộc vào khí chất của khu đất xây dựng và của người chủ sử dụng.

Kiến trúc nhà ở truyền thống của rất nhiều các dân tộc trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Bắc Âu… là gỗ. Trong các truyền thuyết Bắc Âu, gỗ hay cây thân mộc thường mang ý nghĩa về sự thông tuệ, ví dụ cây phỉ tượng trưng cho khôn ngoan và tri thức, đũa gỗ cây trăn dung làm phép thuật. Còn nhà thơ Brodsky của Nga có đôi câu thơ về nhà gỗ rất hay là:

“Ở thành phố gỗ thường có được giấc ngủ ngon,
vì toàn mơ thấy những điều đã trải nghiệm.” (trích Từ loại)

Nhà ở truyền thống của người Việt Nam nếu nghèo thì thường được làm bằng tre. Tuy không phải thuộc loại gỗ nhưng tre cũng có tính Mộc. Huyền thoại Việt Nam cũng gắn liền với cây tre như chuyện Thánh Gióng, Cây tre trăm đốt… Gần đây, KTS Võ Trọng Nghĩa đã phát huy thành công vẻ đẹp của cây tre trong những công trình kiến trúc đương đại.

Bamboo wing, Đại Lải. KTS Võ Trọng Nghĩa

Gạch

Nhà tổ mối, 2014, Đà Nẵng. Thiết kế: Tropical Space

Gạch là một chất liệu được làm từ đất và lửa, nên có được những tính chất tổng hợp của hai “nguyên tố” đất và lửa như: Sự trầm ấm, đam mê, bền vững, thủy chung. Làm nhà ở thì nên làm bằng vật liệu gạch là vì lý do đó.

Nguồn gốc của gạch là từ đất, nên nó mang nghĩa bền chặt, trầm lắng. Về mặt tạo hình nó được tượng trưng bằng hình vuông. Về mặt giới tính nó mang tính nữ, “đất mẹ” mà! Trong Kinh Dịch, đất là quẻ Khôn (người mẹ). Trong Kinh Vệ Đà cũng có câu:

“Hãy nhìn xuống đất là mẹ của người!
Nơi tọa lạc mênh mông ấy chứa chan ân huệ”.

Đất có tính Âm, nhưng khi được nung với lửa, có tính Dương, thì tạo nên gạch. Trong gạch có đủ cả sinh khí nam và nữ, có lẽ vì vậy mà người Champa ưa dùng gạch để xây dựng đền thờ và nhà ở. Mới đây, công trình Nhà tổ mối của Tropical Space là một ví dụ rất hay về sử dụng gạch nung, gợi nhớ đến những tháp Champa cổ mà vẫn mang tính hiện đại.

Thép

Theo Ngũ hành thép thuộc hành Kim. Tuy không có tính chất tinh thần mạnh mẽ như vàng và bạc (dùng làm trang sức để trừ tà và tăng năng lượng tốt cho con người), nhưng thép cũng là biểu tượng của sự rắn rỏi (chả thế mà Ostrovsky viết tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy), là biểu tượng của sức mạnh trí tuệ (có lẽ bởi sự ảnh hưởng của các nhà giả kim thuật thời Trung cổ). Còn người Mỹ tự hào nhận văn hóa của mình là “melting pot” (lò luyện kim loại), một văn hóa hỗn tạp nhưng mạnh mẽ.

Bảo tàng nghệ thuật de Young (chi tiết bề mặt thép)
Bảo tàng nghệ thuật de Young, San Francisco. KTS Herzog & de Meuron

Trong hệ biểu tượng của Jung, thép nói riêng và kim loại nói chung được đồng nhất hóa với dục năng (libido). Tính cách “nằm sâu dưới lòng đất” có nét gần gũi với ham muốn tình dục. Làm cho các ham muốn này được thăng hoa, tức là phải thực hiện việc biến các kim loại thành vàng. Bản chất hàng thế kỷ say sưa của giả kim thuật chính là được thôi thúc bởi dục năng, nếu như nhìn dưới góc độ phân tâm học.

Trong kiến trúc, thép được dùng chủ yếu vào kết cấu và chi tiết trang trí (hàng rào, lan can). Nhiều công trình của KTS Frank Gehry sử dụng tấm thép không gỉ tạo bề mặt cong rất sáng tạo. Đặc biệt ở Bảo tàng nghệ thuật de Young, KTS Herzog & de Meuron đã thể hiện rất chính xác tính thông minh, rắn rỏi của biểu tượng thép. Nhìn vào công trình này là ta cảm giác về một ý nghĩa rất cổ xưa nào đó.

Như vậy, mỗi vật liệu đều mang trong mình một “mã văn hóa”, lưu giữ những huyền thoại, biểu tượng cổ xưa, đồng thời có liên hệ với những hiện tượng văn hóa văn nghệ thời hiện đại. Chủ nghĩa Thô mộc chỉ mới dừng lại ở việc tôn vinh cái đẹp “bề mặt” của chất cảm, là cái dễ học, dễ bắt chước; còn cái đẹp “chiều sâu”, cái thực sự tạo nên nơi chốn của công trình, thì cần KTS phải có sự am hiểu nhất định về huyền thoại, cũng như có linh cảm biểu tượng thì mới tạo ra được. Cái đẹp “chiều sâu” không thể bắt chước được, nó là thần khải.

KTS Vũ Hiệp

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)