Cấu trúc và giải pháp thiết kế nhằm tăng tính cộng đồng trong nhà ở Cohousing

Trong những năm gần đây, có nhiều cộng đồng nhà ở chung sống như Cohousing đô thị, Cohousing nông thôn, Cohousing đa thế hệ, cho thấy xu hướng nhà ở kết hợp đang hình thành với quy mô và tiện ích đa dạng. Tuy nhiên, không phải tất cả cộng đồng nhà ở kết hợp đó đều đáp ứng được tính cộng đồng đúng nghĩa và có khả năng kết nối xã hội tốt. Các không gian phụ như sảnh, hành lang, ngoài chức năng lưu thông thì vẫn chưa được khai thác cho tính năng giao lưu hay thúc đẩy kết nối cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, nhu cầu phát triển của xã hội cũng như giao tiếp của con người trong thế giới hiện đại khiến cho các khu ở cần được chú trọng nhiều hơn tới tính giao tiếp cộng đồng, không gian giao lưu và chia sẻ. Mục đích của bài báo là tìm hiểu, phân tích và đề xuất giải pháp thiết kế nhằm tăng tính cộng đồng, khả năng kết nối xã hội trong nhà ở hợp tác.

Village Hearth Cohousing – Durham, Bắc Carolina (2015)- nguồn: [3]

Giới thiệu chung

Cohousing là cộng đồng có chủ đích, nơi mọi người chọn sống cùng nhau để cảm thấy được kết nối xã hội hơn. Bắt nguồn từ Đan Mạch vào đầu những năm 1970, ý tưởng Cohousing đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu và hiện có hàng trăm cộng đồng Cohousing trên toàn thế giới [1]. Hầu hết các cộng đồng nhận thấy quy mô từ 20-40 hộ gia đình là kích thước phù hợp để biết rõ về nhau. Mục tiêu chính của Cohousing là tạo ra sự hỗ trợ và hợp tác giữa các cư dân ở mọi lứa tuổi. Cư dân Cohousing thường tham gia và chia sẻ quy hoạch, thiết kế, quản lý và bảo trì cộng đồng, đồng thời tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng đang diễn ra.

Duwamish Cohousing -Seattle, Washington, USA (1996-2000)- nguồn: [4]
Các không gian trong ngôi nhà chung được cư dân sử dụng tối đa và số lượng các bữa ăn được chia sẻ cùng nhau ngày càng nhiều, vì thế ngôi nhà chung chính là chìa khóa để xây dựng cộng đồng. Hiệu quả của sự kết nối xã hội là không chỉ gặp nhau thường xuyên trong không gian mà còn phụ thuộc vào việc bố trí thiết bị, khoảng cách, tầm nhìn, khoảng mở, điểm giao cắt của không gian. Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19 tình trạng bị cô lập xã hội ngày càng tăng khiến mọi người khó gặp gỡ và ngại tương tác. Vì vậy, cân nhắc và tính toán trước trong việc hình thành không gian chung, nơi dễ tạo kết nối xã hội và kết nối cộng đồng là cần thiết. Xây dựng khả năng kết nối cộng đồng chính là đặc điểm cốt lõi của nhà ở Cohousing.

Eastern Village Cohousing – Boulder, CO-Caddis PC/ Wonderland Hill Development Co (2007) – nguồn: [5

Cấu trúc của mô hình nhà ở Cohousing

Trong các cộng đồng nhà ở chung hiện nay, tùy theo vị trí mà các cộng đồng hình thành dựa trên các căn hộ riêng và khu chức năng chung. Hầu hết các cộng đồng chung sống có hai chức năng chính, bao gồm các căn hộ riêng và các khu vực chung như nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, vườn và đất trống chung [2].Trong đó, nhà sinh hoạt cộng đồng là trái tim của cộng đồng chung sống. Không gian đó tạo ấn tượng ban đầu cho mọi người về đặc trưng và giá trị, và những lợi ích có được khi sống trong cộng đồng. Vì vậy, thiết kế Cohousing đòi hỏi sự cân nhắc đặc biệt. Với mô hình Cohousing đô thị, các căn hộ trường được bố trí trên cùng một hoặc nhiều đơn vị, không gian chung thường được ưu tiên bố trí ở tầng trệt, nơi mọi người thường kết nối tại sảnh chính, giao thông phương ngang (hành lang trên các tầng) và lõi giao thông đứng. Hầu hết các cộng đồng Cohousing đô thị định vị mình trong các khu dân cư có thể đi bộ được, nơi có nhiều phương tiện giao thông, cho phép họ tận dụng các nguồn tài nguyên đa dạng ở gần cộng đồng chung cư, giúp họ ít tách biệt hơn và hòa nhập hơn. Với thể loại Cohousing nông thôn, thông thường các ngôi nhà được bố cục theo mô hình cụm, các khu vực chung ở trung tâm và kết nối bằng các lối đi dành cho người đi bộ. Trong đó, nhà chung là trung tâm xã hội, nơi cư dân tổ chức các bữa ăn, câu lạc bộ, tiệc tùng, họp mặt,… Bố cục và định hướng phân khu chức năng trên tổng thể luôn khuyến khích ý thức cộng đồng. Ví dụ, các ngôi nhà ở được tập trung lại thành cụm, để lại nhiều không gian mở dễ chia sẻ hơn. Các ngôi nhà thường đối diện nhau qua đường dành cho người đi bộ hoặc sân trong, bãi đậu xe được bố trí ở ngoại vi. Chẳng hạn như mô hình Village Hearth Cohousing được tổ hợp từ 7 dãy nhà một tầng bao quanh sân chung trung tâm. Bố cục tạo các hiên trước và sân sau riêng tư cho phép cư dân cân bằng cộng đồng và quyền riêng tư. Duwamish Cohousing được tổ hợp từ những ngôi nhà phố (32 căn hộ) song lập chạy dọc hai bên tuyến đường đi bộ. Eastern Village Cohousing gồm 16 đơn vị ở và ngôi nhà chung được bố cục theo kiểu hỗn hợp, Cohousing được hình thành dựa trên cộng đồng cư dân nhiều thế hệ, những người cao niên có tinh thần cộng đồng. Còn với cộng đồng chung sống Chaco-Chapeltown Cohousing được hình thành dựa trên sự đồng thuận cao, hỗ trợ và thúc đẩy cuộc sống bền vững. Ngôi nhà chung phân tán các chức năng, gồm các căn hộ để tăng diện tích sân vườn.

Chaco-Chapeltown Cohousing- UK (2022) – nguồn: [6]
Một số cách bố trí các không gian chức năng của mô hình nhà ở Cohousing – Nguồn: Nhóm tác giả, 2022

Nhìn chung, bố cục tổng thể mô hình nhà ở dạng Cohousing phụ thuộc vào đặc điểm và tính chất của thể loại Cohousing đó. Tùy theo vị trí và quy mô mà cộng đồng hình thành được tổ hợp tương ứng. Bố cục tổng mặt bằng thường khuyến khích ý thức cộng đồng. Bố cục, kích thước và các đặc điểm của vị trí thúc đẩy sự tương tác thường xuyên và các mối quan hệ chặt chẽ. Dựa trên phân tích cấu trúc một số mô hình Cohosing nông thôn, nghiên cứu này tổng hợp một số cách bố trí các không gian chức năng của mô hình nhà ở Cohousing như bố trí theo kiểu tuyến tính, quanh sân hướng tâm, phân tán và hỗn hợp.

Những giải pháp tăng tính cộng đồng trong nhà ở Cohousing

Cohousing giúp thúc đẩy việc quay trở lại với cuộc sống lấy cộng đồng làm trung tâm, tránh xa sự tập trung vào chủ nghĩa cá nhân. Các nhà phát triển, KTS thường nghĩ về tính bền vững và chi phí khi định vị cấu hình không gian lưu thông, nhưng ít quan tâm đến kết nối xã hội, an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của người cư ngụ [7]. Do đó, hầu hết các hành lang liên kết các căn hộ đều dài, đơn điệu và không khuyến khích kết nối xã hội.

Trong cuốn sách “Tìm kiếm không gian đã mất: Các lý thuyết về thiết kế đô thị”, GS Roger Trancik cho rằng: Những không gian bị mất là những không gian không kết nối các yếu tố một cách mạch lạc và thiếu hiểu biết thực sự về hành vi của con người [8]. Tuy nhiên, những không gian bị mất vẫn còn tiềm năng chưa được khai thác như sảnh đón, hành lang, không gian lưu thông và phòng sinh hoạt chung…Vì vậy, để chuyển đổi không gian bị mất thành không gian dễ kết nối xã hội hơn cần có những giải pháp như sau:

1) Mở và kết nối sảnh với các không gian chung khác (sân vườn, phòng sinh hoạt chung, hành lang, cầu thang, sân thượng…)

Vị trí của sảnh so với các không gian chung khác sẽ quyết định đến sự thúc đẩy kết nối xã hội. Nếu không có phòng sinh hoạt chung thì nên thiết kế tiền sảnh đủ rộng để chứa một nhóm nhỏ khoảng 10-15 cư dân tụ tập và sinh hoạt. Thiết kế tiền sảnh có mái che bên ngoài kéo dài vào sân trong, đồng thời tạo nhiều điểm nhìn để mọi người có thể nhìn thấy hoặc thực hiện các hoạt động trong một không gian. Giải pháp này khuyến khích mọi người tạm dừng và tương tác trong không gian, giúp xây dựng các kết nối xã hội. Những hành lang phi truyền thống này phục vụ mục đích của người sử dụng như một không gian đến, đồng thời tạo thành một phần của chuỗi không gian xã hội có chủ đích khuyến khích sự kết nối.

Sơ đồ thể hiện chuỗi các không gian xã hội – Capitol Hill Urban Cohousing – Seattle, WA – nguồn: [11]
2) Cá nhân hóa tiền sảnh và tăng tính thoải mái trong sảnh đợi

Cư dân cảm thấy gắn kết hơn với một địa điểm khi họ có thể giúp định hình nó. Khi không gian được sử dụng bởi mọi người ở mọi lứa tuổi, chúng sẽ hiệu quả hơn trong việc giảm sự cô lập và xây dựng mối quan hệ tích cực giữa các thế hệ. Các nhà thiết kế có thể giảm thiểu thách thức này bằng cách tạo cơ hội cho những cư dân tương lai “hoàn thiện” không gian, biến một không gian vô danh thành một không gian sống động.

Cư dân phải cảm thấy thoải mái khi chờ ở sảnh để kết nối với hàng xóm. Thiết kế hệ thống ánh sáng, cách âm và tiện nghi nhiệt dựa trên các hoạt động dự kiến mà cư dân sẽ tham gia tại sảnh. Thiết kế không gian sảnh để cư dân cảm thấy rằng họ không cản trở các hoạt động cũng như làm phiền người khác khi sử dụng sảnh đợi.

Sảnh đợi của Capitol Hill Cohousing trưng bày một bức tranh tạo ra bởi các cư dân của tòa nhà– nguồn:[11]
3) Tạo các hành lang bao xung quanh sân trong để tăng khả năng tương tác xã hội

Các hành lang bên ngoài cho phép thiết kế xuyên suốt, có nghĩa là mỗi căn hộ đều có cửa sổ ra bên ngoài ở cả hai đầu. Giải pháp này nhằm tăng khả năng kiểm soát, tiếp xúc với xã hội và cho phép nhiều ánh sáng tự nhiên và thông gió chéo. Ngoài ra, các cửa sổ thông ra từ các phòng riêng dọc theo lối đi tạo ra các kết nối trực quan giữa không gian riêng tư và bán công cộng. Chúng cho phép lối vào của mỗi đơn vị mang lại cảm giác được cá nhân hóa, nhưng vẫn kết nối với cộng đồng. Các lối đi bên ngoài đủ rộng (1.5 – 2m) sẽ làm tăng diện tích chung của tòa nhà và không không cản trở luồng giao thông.

Hành lang bên ngoài đủ rộng để mọi người có thể nán lại và nhìn ra sân chung – Capitol Hill Urban Cohousing – nguồn: [11]
4) Tạo các điểm nghỉ hoặc điểm nhấn trực quan trên các hành lang

Thêm các điểm nhấn trên tuyến hành lang, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật, tầm nhìn, chỗ ngồi hoặc ngóc ngách; khuyến khích mọi người dừng lại và nán lại lâu hơn trong không gian lưu thông, tăng cơ hội gặp gỡ xã hội hoặc trò chuyện với hàng xóm. Thiết kế những ngóc ngách có chỗ ngồi để đọc sách trong khi vẫn có thể tương tác, tham gia vào cuộc trò chuyện khi mọi người đi ngang qua.

Không gian tụ họp thân mật có thể nhìn thấy từ các hành lang lưu thông – Little Mountain Cohousing– nguồn: [9]
5) Thiết kế sự chuyển tiếp có chủ đích giữa các hành lang và lối vào căn hộ

Chuyển tiếp giữa lối vào đơn vị và hành lang nên bao gồm một độ dốc từ không gian riêng tư, bán riêng tư, bán công cộng. Thiết kế một sự chuyển tiếp nhỏ, nửa riêng tư giữa khu vực lưu thông và căn hộ, để cho phép cư dân kiểm soát sự tiếp xúc với xã hội của họ. Cung cấp tầm nhìn hoặc khung nhìn cửa sổ giữa các căn hộ và không gian lưu thông. Thiết kế chuyển tiếp tạo ra sự chuyển đổi dần dần giữa không gian công cộng và không gian riêng tư để tạo cơ hội cho cả kết nối xã hội và rút lui.

6) Giảm mức tối thiểu chỗ đậu xe và thiết lập phố cộng đồng để tăng cơ hội tương tác xã hội

Các nhà thiết kế cần tìm hiểu cách tối đa hóa không gian đậu xe cho các mục đích sử dụng khác nhau. Để đảm bảo rằng cư dân cảm thấy an toàn, thoải mái và được khuyến khích trò chuyện với hàng xóm trong khuôn viên, hãy ưu tiên sự an toàn của người đi bộ và người đi xe đạp.

Liên kết giữa các đơn vị ở và lối đi công cộng tạo ra các phố cộng đồng. Phố cộng đồng được xem như một phòng ngoài trời tạo cơ hội để giao lưu nhưng vẫn duy trì một mức độ riêng tư. Sự hiện diện của cộng đồng không chỉ thể hiện ở bố trí vật chất mà còn là hiện vật của nghề nghiệp của con người – đồ đạc, đồ chơi, đèn chiếu sáng.

Đường đi bộ có mái che bên ngoài có bố trí thiết bị để tăng khả năng tương tác xã hội – Windsong Cohousing – nguồn:[14]
7) Tạo các ban công xã hội và không gian chung trên cùng một khu vực tòa nhà để tăng tính tương tác

Thiết kế mở rộng diện tích ban công và liên kết các mô-đun để tạo ra một không gian xã hội chung trên mặt tiền tòa nhà, kết hợp trồng cây xanh để tạo một khu vườn chung nhằm kích thích tính tương tác. Khu vườn chung này sẽ thu hút những người hàng xóm cùng tham gia chăm sóc cây cối, đây là một cách dễ dàng để cư dân trò chuyện và chia sẽ các hoạt động. Định vị các không gian chung trong cùng một khu vực của tòa nhà và dọc theo các lối đi là một phần trong thói quen hàng ngày của mọi người. Khi các không gian chung được bố trí gần nhau sẽ làm tăng số lượng và chất lượng các tương tác xã hội giữa các cư dân.

Ban công xã hội của Edwin Van Cappelbeen – nguồn: [15]
Sự chia sẻ và tham gia trên quy mô của một tòa nhà (gồm có khu vườn chung, cầu đi bộ, phòng sinh hoạt,…) trong một khu vực đô thị là rất quan trọng để tạo ra môi trường sống cùng nhau thông qua một không gian chung. Cầu đi bộ vừa là điểm nhấn kết nối các căn hộ, cũng là nơi hình thành không gian mở, tạo điều kiện cho cư dân tương tác một cách tự nhiên.

Kết luận

  • Cần khuyến khích các phương pháp tiếp cận đa dạng nhằm tạo ra những mô hình Cohousing có tính linh hoạt, lành mạnh và kết nối xã hội hơn. Khi các tòa nhà kết hợp thiết kế linh hoạt, nó cho phép mọi người giao tiếp cộng đồng lâu hơn và xây dựng mối quan hệ xã hội bền chặt hơn. Hơn nữa, xây dựng với sự linh hoạt trong thiết kế tổng thể và cấu hình căn hộ sẽ đáp ứng nhu cầu thay đổi của cư dân theo thời gian.
  • Các nhà thiết kế và phát triển nhà ở hợp tác cần nghiên cứu chiến lược tổng thể, thiết lập các giải pháp kết nối xã hội trong giai đoạn đầu của dự án. Đồng thời cần nhận ra lợi ích của thiết kế có chủ đích cho kết nối xã hội – giảm sự cô lập xã hội và khả năng phục hồi tốt hơn.
  • Những giải pháp đề xuất trong bài báo này hy vọng là những gợi ý ban đầu cho việc thiết kế các không gian tăng tính cộng đồng và sự chia sẻ của cư dân trong mô hình nhà ở hợp tác. Hơn thế nữa, những nghiên cứu đề xuất của chúng tôi cũng mong muốn góp phần thiết lập cơ sở cho những dự án nhà ở hợp tác trong tương lai.

TS.KTS Võ Hoàng Khánh – PGS.TS.KTS Ngô Lê Minh
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)


Tài liệu tham khảo
[1]. Jarvis, H., Scanlon, K., Fernández Arrigoitia, M., Chatterton, P., Kear, A., O’Reilly, D., Sargisson, L., & Stevenson, F. (2016). Co-housing: Shared futures. University of Newcastle. http://eprints.whiterose.ac.uk/132499/
[2]. Learning from community housing movements: The social potential of multi-unit building lobbies. Available: https://happycities.com/blog/learning-from-community-housing-movements-the-social-potential-of-multi-unit-building-lobbies
[3]. Village Hearth Cohousing (2015). Available: https://www.villagehearthcohousing.com/our-homes.html
[4]. Duwamish Cohousing Values (2020). Available:http://www.duwamish.net/0_duwamish-cohousing-values/
[5]. Eastern Village Cohousing – Boulder, CO-Caddis PC/ Wonderland Hill Development Co (2007). Available: https://blog.stannah-stairlifts.com/lifestyle/communal-living-cohousing/
[6]. Chaco-Chapeltown Cohousing- UK (2022). http://chapeltowncohousing.org.uk/the-project/living-it/joining-chaco/
[7]. Roger Trancik, (1986). Finding Lost Space: Theories of Urban Design,.Available: https://elibraryarchitecture.files.wordpress.com/2015/03/finding-lost-space.pdf
[8]. A Village in a Tower – Rachel Kao – Available: (https://lifeedited.com/a-village-in-a-tower/)
[9]. Little Mountain Cohousing (2019) – Vancouver, British Columbia. https://passivehouseaccelerator.com/articles/little-mountain-cohousing
[10]. Happy City (2022). Learning from community housing movements: The social potential of multi-unit building lobbies – Available: https://happycities.com/blog/learning-from-community-housing-movements-the-social-potential-of-multi-unit-building-lobbies
[11]. Capitol Hill Urban Cohousing, Seattle, WA – Available: https://capitolhillurbancohousing.org/
[12]. Quayside Village Cohousing – North Vancouver, British Columbia, Canada (1998). Available: https://www.ic.org/directory/quayside-village/
[13]. Vancouver Cohousing (2012) – Vancouver, British Columbia, Canada. Available: https://www.ic.org/directory/vancouver-cohousing/
[14]. Windsong Cohousing – Columbia – Canada (1994) – Available: https://cohousing.ca/about-cohousing/history-of-cohousing/]
[15]. Social Balconies by Edwin Van Cappelbeen – Design Academy Eindhoven – Available: https://www.dezeen.com/2019/01/14/video-social-balconies-edwin-van-capelleveen-mini-living-movie/
[16]. Cheryl Gladu (2018). Cohousing is an inclusive approach to smart, sustainable cities. Available: https://theconversation.com/cohousing-is-an-inclusive-approach-to-smart-sustainable-cities-105208
[17]. Nanterre Co-Housing (2015). Available: https://www.archdaily.com/779035/nanterre-co-housing-mao-architectes-plus-tectone
[18]. Jo Willians (2005). – Designing Neighbourhoods for Social Interaction: The Case of Cohousing – Journal of Urban Design, Vol. 10. No. 2, 195–227
[19]. Hamilton Aging in Community – Six Characteristics of Cohousing – LiveWell Cohousing Consulting – British Columbia. Available: https://hamiltonagingtogether.ca/six-characteristics-of-cohousing/