Chùa Bách Môn: Đặc điểm kiến trúc và những giá trị nổi bật

Chùa Bách Môn (Linh Cảm tự) là một ngôi chùa nằm trên núi Khám Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, được biết đến với lối kiến trúc độc đáo hiếm có. Tuy nhiên, ngôi chùa này đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, bài viết phân tích, đánh giá những đặc điểm kiến trúc và những giá trị nổi bật của ngôi chùa có một không hai này.

Lịch sử hình thành và phát triển

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chùa Linh Cảm hay Long Khám (tên gọi ban đầu của chùa Bách Môn) được khởi dựng từ thời nhà Lý [4], [6], [16]. Nội dung văn bia “Trùng tu Linh Cảm tự bi ký” dựng năm 1558 và kết quả khai quật khảo cổ học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện năm 2015 cũng xác nhận ý kiến trên[5], [13]. Tuy nhiên, cho đến gần đây, chưa có ai xác định được niên đại khởi dựng chính xác của ngôi chùa này.

Theo sách “Việt Nam Phật giáo sử lược” xuất bản năm 1943, ngôi chùa được vua Lý Thần Tôn sắc lập vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) sau khi ông được Minh Không Thiền Sư chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo [12]. Tới tháng 9 năm 1137, khi mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, người có tội trong nước được tha [15]. Những dữ liệu đó cho phép khẳng định niên đại của chùa Linh Cảm là vào khoảng năm 1136 – 1137. Ngoài ra, sự kiện này cũng cho thấy chùa Linh Cảm đã từng có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa – xã hội thời Lý và đã từng được đánh giá khá cao. Có lẽ vì lý do đó mà về sau ngôi chùa này đã được trùng tu nhiều lần với sự đóng góp tiền của những người ở tầng lớp cao trong xã hội, đặc biệt là vào thời nhà Mạc, khi phong trào phục hưng Phật giáo diễn ra mạnh mẽ. Theo tư liệu văn bia thời Mạc và những dữ liệu lịch sử khác, đã có nhiều sự kiện đáng chú ý liên quan đến chùa Linh Cảm trong thời kỳ này:

  • Vào năm 1556, chùa được các quan chức trong huyện là Đông Khê hầu họ Vũ và Tham tri hoàng thành ty sự họ Bùi cùng nhiều thái lão trong xã và huyện bỏ tiền trùng tu [1], [13];
  • Năm 1557, chùa được đặc ân của đương kim hoàng thượng Mạc Phúc Nguyên ban cho cấm tiền [13], [17];
  • Cũng vào năm 1557, trong số trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận được Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn công đức 6.000 lá vàng cùng nhiều tiền bạc để xây dựng và trùng tu ở nửa sau thế kỷ 16, chùa Linh Cảm là ngôi chùa được thụ hưởng đầu tiên [17], [18];
  • Năm Hoằng định thứ 12 (1612) chùa Linh Cảm được đại trùng tu theo qui cách cũ [7], [10].

Cho đến nay chưa tìm được ghi chép cụ thể nào để chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét về hình thức của chùa Linh Cảm từ khoảng giữa thế kỷ 18 trở về trước, ngoài một đoạn trong văn bia trùng tu chùa: “Việc phụng thờ Phật đã có điện, thiêu hương. Trước Phật điện có tiền đường, xung quanh tiền đường có tường vây quanh vuông vức, trông thật là ngời ngời, sán lạn vậy; đồ sộ, rạng rỡ vậy!”. Từ thông tin này, PGS. TS. Đinh Khắc Thuân cho rằng, chùa Linh Cảm vào giữa thế kỷ 16 có bố cục nội công ngoại quốc giống như nhiều chùa lớn thường gặp ở thế kỷ 17, 18 [13].

Theo Lý lịch di tích chùa Bách Môn, thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), chùa Linh Cảm được bà Chúa Chè – Tuyên phi Ðặng Thị Huệ lựa chọn làm nơi ăn chay cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền sau khi bị thất sủng. Bà đã cho sửa sang, kiến thiết chùa thành một công trình đồ sộ với đủ cả bốn phương tám hướng và có tới 100 cửa để tu tâm tích đức [11] . Chắc hẳn tên gọi “Bách Môn” cũng được bắt đầu vào thời kỳ này và dần trở nên phổ biến trong dân gian.

Những dữ liệu trên cho thấy vị thế quan trọng trong lịch sử của chùa Linh Cảm – Bách Môn trong đời sống tâm linh của nước ta. Tiếc rằng trong thời kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa với kiến trúc độc đáo này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Vị trí và mối quan hệ của chùa Bách Môn với các ngôi chùa thời Lý trong khu vực lân cận

So với những danh lam cổ tự thời Lý ở phủ Thiên Đức và khu vực lân cận, chùa Bách Môn có vị trí trung tâm. Cụ thể, ở phía Tây Nam của Bách Môn là chùa Phật Tích, phía Tây Bắc là chùa Tiêu, phía Đông Bắc là chùa Dạm, và phía Đông Nam là chùa Tĩnh Lự (Hình 1). Đặc điểm chung của tất cả các ngôi chùa này là đều nằm trên sườn núi và có hướng nhìn thoáng đãng về phía trước. Vị trí trung tâm của Bách Môn so với 4 ngôi chùa trên núi làm ta liên tưởng đến bố cục cân xứng của nó với 1 tháp cao nhất ở chính giữa và 4 tháp thấp hơn ở 4 góc. Phải chăng khi kiến thiết lại chùa Linh Cảm vào thời chúa Trịnh Sâm cuối thế kỷ 18, “người thiết kế” đã lấy ý tưởng từ chính vị trí trung tâm của chùa so với các ngôi chùa khác trong khu vực?

Hình 1: Vị trí chùa Bách Môn trong tương quan với Đền Lý Bát Đế và một số chùa thời Lý lân cận.

Nghiên cứu hồi cố (nếu không bị nhầm lẫn) của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân năm 1969 cho thấy: Hướng chính của chùa là hướng Tây [2], tức là hướng vuông góc với trục thang lên chùa. Điều này có vẻ hơi lạ nếu so sánh với các chùa trên núi khác ở phủ Thiên Đức. Tuy nhiên, điều thú vị là hướng Tây cũng chính là hướng nhìn về phía làng Đình Bảng, nơi có đền Lý Bát Đế (Cổ Pháp) – được coi là nơi phát tích của nhà Lý (Hình 1). Không loại trừ khả năng việc quay hướng tây như vậy là chủ ý khi dựng chùa. Nếu suy đoán này là đúng thì đây lại là một đặc điểm riêng có của Bách Môn so với các ngôi chùa thời Lý khác. Theo GS. Trần Lâm Biền thì cùng với hướng Nam, hướng Tây là hướng phổ biến nhất của chùa Việt, bởi “đây là một hướng ổn định nhất vì hợp với sự vận hành của âm dương, khiến cho thần linh không rời bỏ nghĩa vụ vì chúng sinh đau khổ” [3, tr.63, 64]. Tuy nhiên, để có thể khẳng định hướng chính của chùa, cần có thêm nhiều bằng chứng, nhất là bằng chứng khảo cổ học.

Đặc điểm kiến trúc

Theo Gia Lộc, bố cục phổ biến nhất của chùa Việt có dạng chữ công (工). Loại bố cục này phù hợp với phần lớn chùa có quy mô trung bình và lớn. Một số chùa lớn hơn có bố cục hình chữ tam (三) hay nội công ngoại quốc. Các chùa nhỏ thường có bố cục hình chữ đinh (丁) [8]. Trong khi đó, theo bản vẽ hồi cố của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, chùa Bách Môn có bố cục mặt bằng hình vuông chữ điền (田) có 2 trục đối xứng và có hành lang/hiên bao quanh 4 phía [2] (Hình 2). Rõ ràng đây là bố cục rất đặc biệt, riêng có của chùa Bách Môn, và bố cục này cũng làm Bách Môn trở nên “bề thế” hơn rất nhiều so với quy mô tương đối “khiêm tốn” của nó: 26 x 26m trên mặt bằng. Nhận xét về ngôi chùa này, Trần Trọng Kim cho rằng đây “thật là một kiểu chùa ít có ở nước Nam” [7, tr. 96].

Hình 2: Mặt bằng và mặt bằng mái chùa Bách Môn (Vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)

Bố cục kiểu chữ điền làm chùa mở ra 4 hướng như nhau, hướng nào cũng có tượng thờ khiến một số người trước đây đến thăm chùa nhầm lẫn cho rằng chùa có “4 tòa tam bảo”. Thực chất, theo bản vẽ hồi cố và theo sách Phật lục của Trần Trọng Kim, chùa Bách Môn chỉ có 1 tòa tam bảo duy nhất ở mặt trước với nhiều lớp tượng thờ. Hai mặt bên của chùa cũng có tượng thờ nhưng ít hơn. Còn phía sau là điện thờ mẫu với chỉ 2 lớp tượng: Trên là Tam thế và dưới là Tam tòa Thánh mẫu [2], [7]. Nhà tổ được bố trí tách riêng ở phía Đông của chùa qua một khoảng sân không lớn lắm.

Nếu bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân là đúng thì việc để mặt chính của chùa quay về hướng Tây giúp tạo ra được một khoảng sân rộng rãi phía trước tòa tam bảo. Đây là điều không thể có được nếu chùa quay mặt chính về hướng Nam, bởi độ sâu khá khiêm tốn của dải đất dựng chùa (Bức ảnh cũ chụp chùa từ phía dưới bậc thang cho thấy, mặt đứng hướng Nam của chùa nằm rất gần bậc thang trên cùng). Tuy nhiên, do chùa có 4 mặt như nhau nên khi di chuyển theo các bậc thang lên chùa, khách viếng thăm chắc hẳn không bị cảm giác là đang tiếp cận “mặt bên” của chùa (Hình 3).

Hình 3: Ảnh chụp chùa Bách Môn của cụ Võ An Ninh và bản vẽ phối cảnh chùa (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969).

Phân tích các bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân và quan sát những bức ảnh cũ còn cho phép đưa ra các nhận định khác về kiến trúc chùa Bách Môn:

– Không gian chùa cũng được phân theo gian theo lối truyền thống. Tuy nhiên bộ vì nóc thay vì liên kết với hệ cột đỡ bằng gỗ thì lại gối lên tường và trụ gạch (cột hiên) được xây đơn giản nhưng chắc chắn. Gỗ làm vì nóc được xác định là gỗ dổi. Tiếc rằng cấu trúc và hình thức của bộ vì nóc đã không được xác định cụ thể:

– Các mặt đứng của chùa Bách Môn có bố cục đối xứng gần như tuyệt đối với điểm nhấn chính là tháp trung tâm (cao nhất) và điểm nhấn phụ là 2 tháp 2 bên. Tỷ lệ giữa khối nằm ngang (bái đường) với các khối tháp phát triển theo phương đứng rất hợp lý. Chiều cao của các tháp vừa đủ để không tạo ra tranh chấp. Có lẽ bởi vậy mà dù kiến trúc chùa Bách Môn rất khác so với các ngôi chùa Việt khác nhưng vẫn cảm nhận được sự gần gũi và thân thuộc (Hình 4).

Hình 4: Mặt đứng chùa Bách Môn (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)

– 4 tháp ở 4 góc chùa cũng chính là gác chuông, gác trống, gác khánh và gác mõ. Chuông, trống, khánh, mõ là những khí cụ được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ của Phật giáo. Tuy nhiên, thông thường chùa chỉ có gác chuông (nếu là 1 gác) hoặc gác chuông và gác trống/khánh (nếu có 2 gác). Trường hợp có tận 4 gác treo 4 khí cụ khác nhau thì có lẽ chùa Bách Môn là duy nhấtp;

– Nếu hiểu “môn” là “cửa” thì Bách Môn chỉ có 20 cửa ở 4 mặt ngoài ngôi chùa. Tuy nhiên, theo Từ điển Hán Nôm, “môn” còn có nghĩa là “lối ra vào” [14]. Hiểu theo cách này thì chùa Bách Môn có đúng 100 lối ra vào, kể cả các lối đi luồn dưới bệ thờ (Hình 5);

Hình 5: Sơ đồ 100 cửa của chùa Bách Môn (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)
Hình 6: Mặt bằng cấu trúc mái chùa Bách Môn (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)

– Trong chùa có 4 sân nhỏ ở 4 góc, nơi trồng một số cây cảnh như ngâu, láng, ngọc lan… [16]. Các sân trong này làm phong phú thêm cho cấu trúc không gian chùa, giúp lưu thông không khí và gia tăng chiếu sáng tự nhiên cho các không gian bên trong. Và dù có kích thước không lớn nhưng sự góp mặt của chúng cũng tạo ra những không gian thư giãn thú vị cho khách viếng thăm chùa (Hình 8).

Hình 7: Mặt cắt chùa Bách Môn (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)

Những giá trị của chùa Bách Môn

Những phân tích và so sánh trên đây cho thấy chùa Bách Môn có nhiều giá trị nổi bật đáng chú ý, đó là:

– Giá trị lịch sử: Chùa Bách Môn (Linh Cảm tự) là ngôi chùa có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, lên tới gần 900 năm. Tuy không được nhắc đến nhiều trong sử sách nhưng những sự kiện gắn liền với nó như đã chỉ ra trên đây cho thấy ngôi chùa này đã từng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh nước Việt. Không phải vô cớ mà khi xem xét cách bài trí tượng thờ trong chùa ở Bắc Kỳ, Trần Trọng Kim đã lựa chọn Bách Môn là 1 trong số 10 chùa lớn để mô tả [7, tr. 96,97]. Bên cạnh ý nghĩa về mặt tâm linh, chùa Bách Môn còn là di tích lịch sử cách mạng do đã được sử dụng làm cơ sở đào tạo cán bộ của Ðảng Lao động Việt Nam trước năm 1945 [11], [16];

– Giá trị kiến trúc: Với bố cục độc đáo riêng có, chùa Bách Môn xứng đáng là một “bông hoa” đẹp của kiến trúc Phật giáo Việt. Sự đột phá về mặt kiến trúc của nó đã phá vỡ lối mòn trong quan niệm về hình thức mà một ngôi chùa cần phải có. Và đáng chú ý là dù khác tất cả những ngôi chùa khác, nhưng hình thức của chùa Bách Môn vẫn mang tinh thần Việt rất rõ rệt. Từ giác độ này, kiến trúc chùa Bách Môn có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ KTS hiện tại và tương lai khi sáng tác những ngôi chùa mới.

– Giá trị cảnh quan: Bên cạnh những giá trị lịch sử và kiến trúc, chùa Bách Môn còn có giá trị cảnh quan do có địa thế rất đẹp: nằm trên lưng chừng núi Khám Sơn – được xem là phần đầu của con rồng (dãy Long Sơn), có tầm nhìn thoáng đãng ra cánh đồng và các dãy núi xung quanh (Trà Sơn, Lạn Kha, Thiên Thai). Theo GS. Trần Lâm Biền, nếu trước mặt chùa quang quẻ và có “các gò đống chầu về thì đó là một biểu hiện được coi như quy phụ Phật Pháp của mọi lực lượng thế gian” [3, tr.63]. Với kiến trúc độc đáo và cảnh quan đẹp đẽ, chùa Bách Môn đã được sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” xếp vào 1 trong 8 nơi cổ tích và thắng cảnh của tỉnh Bắc Ninh đầu thế kỷ 20 [9].

Hình 8: Mặt cắt qua gác chuông và bể cạn (vẽ lại theo bản vẽ của Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Bá Vân, 1969)

Thay lời kết

Chùa Bách Môn là một ngôi chùa rất độc đáo trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cho đến nay chưa tìm thấy ngôi chùa nào có kiến trúc tương tự. Ngôi chùa này chứa đựng trong mình nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và cảnh quan. Nếu được phục dựng một cách phù hợp, có nhiều cơ sở để tin rằng, trong tương lai chùa Bách Môn sẽ trở thành một điểm đến tâm linh, có kiến trúc cảnh quan hấp dẫn cho các phật tử và du khách.

*PGS.TS Khuất Tân Hưng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)

–––––––––––––––––––––––

Ghi chú
1. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải, thông tin này được ghi lại theo lời kể của dân làng mà không dựa trên nguồn tư liệu cụ thể.
2. Ngoài chùa Bách Môn, các thắng cảnh khác được ghi trong sách là: Đền Gióng (Phù Đổng – nay thuộc ngoại thành Hà Nội), Đền Cổ Pháp (Đền Lý Bát Đế), Rừng Thọ lăng, Lăng vua Lê Uy Mục, Chùa Lim, Bát Vạn Sơn, và Núi Tiên Sơn và Chùa Phật tích.

Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Công Bá (2001), Phật giáo thời Mạc qua tư liệu văn bia. Thông báo Hán Nôm học 2000
2. Nguyễn Đỗ Bảo, Nguyễn Bá Vân (1969), Bản vẽ kiến trúc chùa Bách Môn theo lời kể của người dân địa phương
3. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt. Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin Hà Nội
4. Hoàng Đạo Cương, Nguyễn Thị Xuân (2018), Khôi phục chùa Bách Môn, định hướng và giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chùa Bách Môn: Giá trị lịch sử – kiến trúc”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh
5. Trịnh Hoàng Hiệp (2018), Chùa Bách Môn qua tư liệu khảo cổ học. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chùa Bách Môn: Giá trị lịch sử – kiến trúc”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh
6. Nguyễn Quang Khải (2018), Chùa Bách Môn trong lịch sử. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chùa Bách Môn: Giá trị lịch sử – kiến trúc”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh
7. Trần Trọng Kim (1940), Phật lục. Editions Le Thang, Hanoi
8. Gia Lộc (2009), Văn hóa chùa. Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin Hà Nội
9. Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư (1930), Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ. Nhà in Lê Văn Tân, Hàng Bông, Hà Nội.
10. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt. Nhà Xuất bản Mỹ thuật Hà Nội
11. Sở Văn hóa Thông tin – Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (1998), Lý lịch di tích chùa Bách Môn.
12. Mật Thể (1943), Việt Nam Phật giáo sử lược. Nhà Xuất bản Tân Việt, Hà Nội
13. Đinh Khắc Thuân (2018), Văn bia trùng tu chùa Linh Cảm và ngôi chùa Bách Môn. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chùa Bách Môn: Giá trị lịch sử – kiến trúc”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh
14. Từ điển Hán Nôm http://hvdic.thivien.net/
15. https://nghiencuulichsu.com/2017/09/18/ly-trieu-tan-bien-than-tong-hoang-de/
16. http://phamnghiemtrai.com.vn/tin-tuc/kien-truc-doc-dao-chua-bach-mon/
17. http://phatgiaonguyenthuy.com/news-4343/Lich-su-Phat-giao-va-dan-toc-Viet-Nam-P4.html
18. http://vanhien.vn/news/Thai-hoang-Thai-hau-Vu-Thi-Ngoc-Toan-38888