Công trình 61 Trần Phú, góc nhìn từ tài liệu lưu trữ

Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với những công trình ngày càng hiện đại, minh chứng cho một thành phố phát triển năng động. Bên cạnh những tổ hợp xây dựng hiện đại, Hà Nội vẫn còn đó những công trình kiến trúc Pháp cổ có niên đại hàng trăm năm làm nên vóc dáng lịch sử cho thành phố này.

Công trình 61 Trần Phú trước khi bị phá dỡ (ảnh sưu tầm)

Mới đây, việc phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở đoạn giao phố Trần Phú – Lê Trực – Hùng Vương – Nguyễn Thái Học đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và khiến nhiều người yêu di sản Hà Nội không khỏi nuối tiếc.

Xung quanh sự việc này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa” được ban hành kèm theo Nghị định số 24/2013/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.(1)
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị thì “việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ để xây mới một tòa cao ốc là một điều đáng tiếc và có phần vội vàng”.(2)

Với tư cách là cơ quan đang bảo quản các hồ sơ xây dựng Nhà, Kho, xưởng máy và nhà ở dành cho Trưởng kho của Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương trên đại lộ Félix Faure – hiện nay là công trình số 61 phố Trần Phú, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhận thấy phải có trách nhiệm cung cấp cho công chúng nói chung và những người yêu di sản Hà Nội nói riêng thêm một góc nhìn về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của công trình này.

Vào những năm cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20, dịch vụ bưu điện với hoạt động trao đổi thư từ và những khoản thu từ thuế mà nó mang lại đã trở thành yếu tố quan trọng trong công cuộc khai thác thuộc địa nên ngay khi bắt tay vào quy hoạch và mở rộng Hà Nội với việc lấy hồ Gươm làm trung tâm để phát triển, người Pháp đã nghĩ ngay đến việc xây dựng tại đây một trung tâm bưu điện, thông tin liên lạc. Ngay từ năm 1886, người Pháp đã chủ trương xây dựng ở phía Đông hồ Gươm, các cơ quan hành chính, chính trị đầu não của Chính quyền trong đó có Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương.(3).

Song song với việc xây dựng và mở rộng các hạng mục công trình chính của Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương thì chính quyền Pháp cũng cho xây kho, xưởng tại phố Leclanger và kè Clémenceau (nay là phố Lê Phụng Hiểu).(4)

Trong những năm đầu của thế kỉ 20, việc liên lạc giữa Đông Dương và Pháp quốc không chỉ dừng lại ở công việc hành chính mà còn đáp ứng cả nhu cầu thương mại. Nên công trình kho, xưởng của Sở Bưu điện nhanh chóng trở nên quá chật hẹp, Bưu điện không có nơi chứa hàng, phải để ở những nơi công cộng, phải thuê nhiều nhà của tư nhân trong thành phố để làm làm kho. Còn nhà máy ở ngay trụ sở chính cũng cần dời đi nơi khác để lấy đất mở rộng nhà Bưu điện bờ Hồ(5). Chính vì thế Sở Bưu điện đã có chủ trương xây dựng kho, xưởng và nhà ở làm việc của Trưởng kho ở đại lộ Félix Faure (nay là phố Trần Phú) để có điều kiện quản lý và mở rộng sau này. Công trình này được xây dựng trên thửa đất rộng 8.720m2 giáp 4 mặt phố Félix Faure (nay là phố Trần Phú), Brière de l’Isle (nay là đường Hùng Vương), Général Lebloie (nay là phố Lê Trực) và Duvillier (nay là phố Nguyễn Thái Học).(6)

Việc xây dựng công trình này đã được Sở Bưu điện đề xuất trong các báo cáo năm 1921 và trở thành một trong những công trình cấp thiết cần được thi công ngay. Kinh phí xây dựng đã được Hội đồng Tối cao phê duyệt 2 lần vào năm 1922 và 1923. Dự án đã được thông qua lần đầu ngày 25/9/1922 nhưng do giá nguyên vật liệu tăng nên việc thi công bị hoãn lại đến tháng 6/1923 mới tổ chức bỏ thầu.Công trình khởi công năm 1923 nhưng phải đến 4 năm sau thì những hạng mục cuối cùng mới được hoàn thiện(7). Toàn bộ công trình gồm:

  • Nhà ở cho Trưởng kho (2 tầng);
  • Kho và phòng làm việc của kế toán (2 tầng);
  • Xưởng thợ (nhà máy);
    1. dãy nhà kho để gửi hàng hình chữ U, ôm lấy nhà máy trên 3 mặt phố;
    2. nhà vệ sinh.
CamScanner 04-08-2022 11.19

Năm 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương, công trình này được Chính phủ tiếp quản và giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý và đến thời điểm trước khi bị phá dỡ thì đây là một trong những công trình kiến trúc Pháp cổ hiếm hoi còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn.

Dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhưng trải qua mưa nắng và sự biến thiên của thời gian, công trình với dáng vẻ hài hòa với cảnh quan xung quanh này đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian đô thị Hà Nội. Công trình này đã rất đỗi thân thuộc với người dân thủ đô bởi kiểu kiến trúc Pháp thấp tầng thanh lịch bám theo mặt đường dưới những tán cây xanh mát.

Có thể nói, các công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội mang một giá trị văn hóa, kiến trúc, là những chứng nhân lịch sử của một thời đã qua. Mang nhiều trọng trách to lớn là thế, nhưng ngày nay, khó có thể nhận ra những hình xưa bóng cũ của những “chứng nhân lịch sử” này khi đi dọc các con phố Hà Nội.

Nhận thấy tài liệu lưu trữ chỉ thật sự được phát huy giá trị khi được khai thác, sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội nói chung và công tác bảo tồn di sản nói riêng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức nhiều triển lãm với chủ đề xoay quanh các công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội. Và đặc biệt là gần đây, Trung tâm đã tổ chức biên soạn và phát hành cuốn sách “Kiến trúc Pháp-Đông Dương – Những viên ngọc qúy tại Hà Nội”. Sách được biên soạn từ những bản vẽ thiết kế, những bức ảnh tư liệu cũ, những giấy tờ liên quan đến việc xây dựng các công trình “kiểu Pháp” tại Hà Nội từ trước năm 1945 cùng những thông tin về “tiểu sử” đổi dời của chúng theo biến thiên của thời gian. Đây là một cuốn sách có giá trị đặc biệt về mặt tư liệu đối với những người quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội, những người thiết tha với công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, văn hóa đang có nguy cơ biến mất dần giữa cuộc sống đô thị hối hả này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Theo https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/so-quy-hoach-kien…;
  2. Theo https://dantri.com.vn/van-hoa/do-toa-nha-phap-co…;
  3. TTLTQGI, RST/4435;
  4. TTLTQGI, Mục lục KT/50;
  5. TTLTQGI, IGTP/732;
  6. TTLTQGI, Mục lục KT/49;
  7. TTLTQGI, IGTP/732;
  8. TTLTQGI, Kiến trúc/H175.

Theo Nguyễn Hằng/Trung tâm lưu trữ quốc gia 1