Cũ và mới

20A01030-01
Tháp Hà Nội, một công trình thương mại đã thay thế Nhà tủ Hỏa Lò – một di tích lịch sử. Một phần của công trình cũ đãđược giữ lại làm di tích và nơi tưởng niệm.

1. Cái gì lúc bắt đầu cũng mới, nhưng chẳng thể mới mãi. Nó sẽ cũ dần, cũ dần – Kể cả khi người ta cố tình gìn giữ cho mới về mặt hình thức, với vẻ bề ngoài nguyên vẹn, đẹp đẽ, sạch sẽ… thì nó vẫn cứ cũ, cũ bằng thời gian, bởi thời gian. Có những thứ chưa lâu mà đã cũ, đã xấu, đã hỏng. Nhưng cũng có những thứ qua cả trăm năm, vẫn long lanh như mới. Trong cuộc sống, có những thứ cũ cần làm lại cho mới về hình thức, có thể là lau rửa, sơn lại, sửa lại… nhưng cũng có những thứ lại phải cũ đi, phai màu đi thì mới đẹp, mới thích, mới có giá trị.

Kiến trúc là thứ mà chẳng thể giấu được cũ hay mới, dù bề ngoài có được sơn phủ thế nào. Kiến trúc phản ánh thời đại và lịch sử, và cũng là “nhân chứng” lịch sử, nhưng điều đặc biệt là kiến trúc không phải là những con chữ hay những trang giấy để ghi chép được lưu trong thư viện, cũng không phải là những đồ vật, di vật của quá khứ nằm trong bảo tàng. Kiến trúc hiện hữu cùng xã hội, cùng con người, cùng những thay đổi thời gian và thăng trầm của lịch sử. Có những kiến trúc tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.

20A01030-02
Trung tâm thương mại Diamond Plaza mới bên công trình cổ Nhà thờ Đức Bà ở Công trường Công xã Paris (TP Hồ Chí Minh)

Những kiến trúc cũ có nhiều cái bị mất đi, nhưng cũng nhiều cái vẫn còn – có cái là phế tích, có cái vẫn sống, hòa nhịp với cuộc sống mới sau nhiều thế kỷ. Những kiến trúc mới đương nhiên vẫn ra đời, mỗi thời mỗi khác: Khác về nhu cầu sử dụng, về quan điểm thẩm mỹ, về quy trình – kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng… Nhiều khi muốn làm như cũ cũng chẳng dễ, nếu có làm, nó sẽ là một sự khập khiễng, thậm chí có lúc, có chỗ là lố bịch, vô duyên.

2. Có những kiến trúc đủ thời gian (cùng những yếu tố lịch sử) để trở thành cũ, cổ, xứng đáng được đóng khung và treo biển “Di tích”, “Di sản”; kể cũng như trọn vẹn một kiếp. Nhưng đâu phải thế là xong, kiến trúc dẫu bằng đá thì vẫn mòn, huống chi kiến trúc cổ đa phần là gỗ với gạch. Vậy là lâu lâu lại “được” trùng tu cho “mới”. Nhiều kiến trúc cũ, cổ trở nên vô hồn khi được “bảo tồn”, “trùng tu”. Và cũng trớ trêu là có nhiều kiến trúc xây mới hoàn toàn, ở một không gian mới hoàn toàn; của xã hội, thời đại khác rồi nhưng vẫn bám lấy hình thức, tư tưởng kiến trúc cũ – trước đó cả trăm năm – Mà người ta thường gọi là nhại cổ, nệ cổ.

Bên cạnh những kiến trúc cũ đã được “đóng khung”, “treo biển”, thì cũng có những kiến trúc cũ, kiến trúc cổ vẫn bền bỉ thực hiện sứ mệnh của mình là phục vụ con người – theo đúng nghĩa công năng của một công trình. Đó có thể là nơi ở, là nơi làm việc – hội họp, hay phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí. Những thay đổi của xã hội, của con người, của khoa học kỹ thuật… thường tạo nên những khoảng cách nhất định với những kiến trúc cũ – đặc biệt là vấn đề công năng và trang thiết bị kỹ thuật. Vậy là phải có chuyện sửa chữa, cải tạo, mở rộng công trình cũ. Cũ có thể thành khác đi, mới hơn; hay có thể là Mới đứng cạnh Cũ. Tùy theo từng công trình, theo nhu cầu và những hoàn cảnh cụ thể khác(về hình thức, về không gian, về giá trị lịch sử…) để có ứng xử thích hợp giữa Cũ và Mới, giữa trước và sau. Cũ – Mới phải thân thiện, hài hòa, tạo nên mối quan hệ có ý nghĩa trong tổng thể, nâng đỡ và bổ sung cho nhau.

20A01030-03
Không gian cổ kính của Hồ Gươm đang bị vây bọc bởi những tòa nhà cao ốc mới

3. Ai làm nghề tư vấn thiết kế hẳn sẽ có lần “bị” (hay “được”?) thiết kế cải tạo, sửa chữa. Có người thích, có người không; có công trình dễ, có công trình khó; nhưng chắc chắn nếu làm nghề có tâm, có trách nhiệm thì không thể từ chối, dù là khó (mà phần nhiều là khó). Cái khó có nhiều nguyên nhân, có thể là do công năng kiến trúc, có thể là vấn đề tài chính, có thể là kỹ thuật… nhưng cái khó nhất chính là việc xử lý mối quan hệ giữa Mới và Cũ. Nếu như một công trình cũ được tu sửa, làm mới lại thì có lẽ chỉ khó về kỹ thuật. Nhưng nếu một công trình cũ, cổ được cải tạo, mở rộng thì hẳn là một vấn đề không đơn giản và vượt ra ngoài phạm trù kỹ thuật thuật túy, nó còn liên quan tới các yếu tố văn hóa, xã hội và lịch sử. Ở mức độ cao hơn, đó là những công trình mới trong không gian đô thị cũ, hay có thể quá trình phát triển, mở rộng đô thị.

20A01030-04
Giải pháp kiến trúc “tương đồng” cho khách sạn Hilton Opera bên Nhà Hát Lớn tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội. Hai công trình được xây dựng cách nhau ngót 1 thế kỷ

Cải tạo, trùng tu, mở rộng công trình cổ – cũ, hay xây mới bổ sung, xen cấy luôn là một công việc khó, rất khó. Thực tế cho thấy tỷ lệ thành công không nhiều. Những công trình thành công đều là thiết kế của những KTS lành nghề, có kinh nghiệm, giàu sáng tạo; và quan trọng hơn là phải có một nền tảng văn hóa, tri thức – rộng và sâu – để hình thành và phát triển ý tưởng, cho đến khi hiện thực hóa bằng những cấu kiện và vật liệu xây dựng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trên thế giới thường xuyên có các cuộc thi quốc tế về mở rộng, cải tạo các công trình cũ; hay xây mới công trình trong đô thị cũ hiện hữu. Có thể là công trình không lớn, đầu tư không nhiều, nhưng “chủ đầu tư” đều hiểu rất rõ rằng, với những dạng công trình như vậy, cần thiết chất xám của những KTS tài năng, hơn là một công nghệ thiết kế thông thường.

Là KTS, ai không biết một Kim tự tháp kính – Mới, tỏa sáng lung linh bên một Điện Louvre cổ kính ở Paris (Pháp), do KTS Ieoh Ming Pei thiết kế; hay những đường cong ấn tượng bằng kính, thép ở vòm mái mới ở một kiến trúc di tích – tòa nhà Quốc hội Đức (Berlin), là sáng tạo kỳ diệu của KTS Norman Foster. Đó là những hình mẫu tiêu biểu của sự giao thoa Cũ – Mới, ấn tượng mạnh mẽ, tương phản – tôn cao lẫn nhau; mà lại vẫn hài hòa – gắn kết chặt chẽ.

20A01030-05
Khối sảnh Nhà ga Hà Nội, được xây lại với hình thức kiến trúc khác, sau khi bị sập bởi trúng bom trong chiến tranh

Mỗi khi có một dạng công trình như vậy, từ khi làm dự án cho tới khi hoàn thành xây dựng, thường có ý kiến nhiều chiều. Để đi tới tận cùng ý tưởng, ngoài tài năng, cần có cả bản lĩnh của KTS.

4. Tháp Hà Nội có mặt chính quay ra phố Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đây là một trong những tòa cao ốc đầu tiên ở Hà Nội. Đất xây dự án này dân thủ đô ai cũng biết – đó là Nhà tù Hỏa Lò, một trong những công trình đặc biệt, di tích đặc biệt, có tuổi ngót trăm năm, trải qua mấy chế độ. Đương nhiên trong một bối cảnh chính trị xã hội đã khác, mà xu hướng hội nhập và hòa bình được đề cao, thì việc để một nhà tù lớn chình ình giữa trung tâm thủ đô là một điều không nên, không thể. Một công trình văn phòng – thương mại mới đã được dựng trên nền đất cũ, và công trình cũ được giữ lại một phần để làm di tích, nơi tham quan… Ứng xử như vậy cũng không quá tệ, nhưng người viết bài này vẫn tiếc. Năm 1996, đồ án “Quảng trường Khoan dung” (Tolerance Square) của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự, với nội dung cải tạo khu vực Nhà tù Hỏa Lò thành một quảng trường lịch sử – văn hóa, một không gian công cộng được giải thưởng quốc tế. Biết rằng đó chỉ là một đồ án ý tưởng, không/chưa thể đem ra xây dựng; nhưng những ý tưởng nhân văn và nhiệt huyết vì cộng đồng của kiến trúc sư thường thua cuộc trước những dự án mới mang sức nặng của đồng tiền. Nỗ lực gìn giữ, bảo vệ những cái cũ, những công trình cổ, những kiến trúc di sản, những không gian đô thị đẹp – chuẩn mực… ngày càng trở nên tuyệt vọng trước cơn lốc ào ạt của những cái mới, với sự lạnh lùng không suy xét, với dân trí và cả quan trí thấp; đã tạo nên nhiều bức tranh đô thị – nông thôn đầy gam màu tối. Nhiều kiến trúc cũ có giá trị, nhiều không gian bị chèn ép (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) và suy tàn, sụp đổ!

20A01030-06
Kiến trúc cổ trong phố cổ Hà Nội bị chèn ép

Không nên bảo thủ và lúc nào cũng đau đáu nhìn về quá khứ, nhưng cũng không thể sống mà không có ký ức. Cũ – Mới luôn phải song hành – Cuộc sống phải là như vậy!

KTS Nguyễn Trần Đức Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)