Cuối năm tản mạn về nơi chốn

1. Thường vào dịp cuối năm, trong kế hoạch nghỉ ngơi ta thường đặt câu hỏi: “Sẽ ở đâu trong những ngày nghỉ dài dài của Tết?”. Truyền thống thì đó là kế hoạch trở về, xa quê thì về quê, xa nhà thì về nhà. Đời sống khá lên trong thập kỷ qua, nhu cầu đi xa để kiếm tìm những trải nghiệm mới dần trở nên thịnh hành. Trở về không chỉ dành cho những người lớn tuổi và nệ cổ. Đi xa cũng không chỉ dành cho lớp trẻ năng động, ưa khám phá. Nơi chốn với tư cách như một địa điểm tạo ra sự cuốn hút để bỏ phiếu cho những lựa chọn cuối năm. Không gian nơi chốn, như cách nói kiến trúc, vật chất hóa sự cuốn hút đa chiều để trở về không phải chỉ vì khiên cưỡng bởi gia phong và cũng để đi xa không đơn thuần là theo mốt thời thượng. Không gian nơi chốn có thể tạo ra, phải chăng, với người này nơi để trở về, với người khác lại là nơi đích đến? Tạo lập không gian nơi chốn ngôi nhà, con phố, xóm làng, thành phố hay miền quê để có sức cuốn hút, phải chăng là câu chuyện bản sắc? Người viết bài này muốn thử thả bút lạm bàn về câu chuyện không gian nơi chốn ở những khía cạnh đó.

Ký họa Nhà Hát Lớn Hà Nội
Tác giả: Ths.KTS. Trần Thị Thanh Thủy

2. Trong sâu thẳm của miền ký ức, khi trở về thường là một hoài niệm, kiếm tìm những không gian thân quen. Xa càng lâu thì càng nhiều những ẩn số thú vị nhuốm chút màu thời gian và những đáp án tìm được nhiều khi đối nghịch theo từng cung bậc cảm xúc, hy vọng và thất vọng, gần gũi và xa lạ. Cuộc sống phát triển, xã hội phát triển và đô thị phát triển như một lẽ dĩ nhiên. Như Hà Nội là một ví dụ điển hình. Cả thành phố như một đại công trường, biểu tượng của sự phát triển, đang hoạt động không có ngày khởi công và cũng không có ngày khánh thành. Tiếng khoan, đục, trộn bê tông, cắt sắt thép không ngơi nghỉ, mọi nơi mọi lúc. Nhà phố thì cơi tầng hay đập đi xây lại, cũng không kể phố cổ, phố cũ hay phố mới. Chung cư thì đục khoan làm nội thất, kể cả chung cư cao cấp, nơi chủ đầu về thì kỳ công lắp dựng, chủ mới mua lại dọn về cũng khoan đục để lắp dựng nội thất mới. Có lẽ cái nghề mà dân Việt mình thích làm nhất, say sưa nhất, hay làm nhất, bao gồm cả đục phá theo đúng nghĩa đen, chắc là nghề xây dựng. Vậy ký ức ở đâu trong cái đại công trường bộn bề ấy, khi ngay cả những con đường mới xây dựng với hàng cây còn chưa kịp đi vào nỗi nhớ đã lại hối hả xén đi để mở rộng? Phải chăng ký ức không gian nơi chốn chỉ còn là hoài niệm trong tranh “Phố Phái”, trong “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ và Phú Quang, trong Khu nhà cũ của Trương Quý Hải, “Ký ức Phố” của Hữu Bảo, hay gần đây trong “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca …? Phải chăng, ký ức không gian nơi chốn chỉ có thể tìm trong văn chương, về thi ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh hay được điện ảnh phục dựng mà không còn được hiển hiện trong kiến trúc? Đặc biệt gần đây khi những tác phẩm của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội được biết đến, ta không khỏi xúc động đến ngậm ngùi nghe một người trong số họ bộc bạch rất đơn giản: “Ký họa để chộp được nhanh cái đẹp của những góc phố, ngôi nhà này kẻo họ phá mất”. Không gian nơi chốn là nơi lưu giữ những ký ức bằng vật chất hiện hữu, khi không còn, khái niệm chỉ còn là những hoài niệm xa vắng dần theo tháng năm. Không gian nơi chốn nhỏ, căn phòng, cầu thang, căn hộ, căn nhà… lưu giữ những ký ức của cá nhân, gia đình và các quan hệ xã hội gần. Không gian nơi chốn càng lớn hơn như con phố, góc đường… tới khu phố, thành phố…, hiển nhiên sẽ gắn liền thành cả miền ký ức. Và ở đó, đặc biệt, những không gian nơi chốn với giá trị về cái đẹp hằn sâu trong ký ức cộng đồng, đòi hỏi được lưu giữ với mức tương xứng, ngõ hầu để lan rộng, lan xa vào những miền ký ức khác theo không gian và thời gian, để tiếp tục được ăn sâu vào các thế hệ mới. Tuy nhiên, như trên đã nói, cuộc sống tiếp diễn và nhu cầu phát triển đặt ra những sự lựa chọn không dễ dàng. Vẫn biết, phá dễ hơn giữ và phá hay giữ để không cản trở phát triển vẫn luôn cần một sự cân nhắc thông minh. Phải chăng một sự cân nhắc thông minh sẽ giúp giữ lại được Trạm phát sóng Bạch Mai khi quy hoạch một tuyến đường? Và cũng một sự cân nhắc thông minh sẽ giúp đường Trường Chinh mở rộng sẽ bớt cong hơn chăng? – Trong mọi trường hợp, sự cân nhắc thông minh chính là phương pháp tiếp cận thông qua văn hóa ứng xử với những gì đã có vậy.

Tác giả: Ths.KTS. Trần Thị Thanh Thủy

3. Cách đây không lâu, anh bạn KTS người Đức Torsten Illgen có một chuyên đề trao đổi khá thú vị về sự Ảnh hưởng (Influences) do AGohub tổ chức với nội dung: Những yếu tố bản địa nào tác động đến một KTS nước ngoài hành nghề ở Việt Nam. Thay vì trả lời thẳng vào vấn đề đó, với một phong cách rất Việt Nam hóa, Torsten dẫn dụ người nghe bằng những câu chuyện, bài học mà các bậc thầy kiến trúc đã ứng xử ở Weimar, Venice. Zurich và Thessaloniki. Kiến tạo nơi chốn mới trên cơ sở tôn trọng nơi chốn cũ như một bài học không thể hữu ích hơn với những người làm nghề. Những thành phố cổ kính nhưng hòa nhập với cuộc sống hiện đại bởi những công trình hiện đại, không gian nơi chốn lưu giữ những ký ức chồng chồng lớp lớp lên nhau, vẫn hiển hiện mà không cần phát lộ. Không gian nơi chốn của hôm qua đã trở thành không gian nơi chốn của hôm nay và cứ thế phát triển theo dòng chảy của thời gian. Ứng xử, ứng xử và ứng xử. Người viết bài này từng đặt ra câu hỏi khi nghiên cứu về tòa nhà Đại học Đông Dương và tác giả Ernest Hébrard, người khởi xuất ra trường phái Kiến trúc Đông Dương: “Phải chăng đây cũng là những chiêm nghiệm được rút ra sau những trăn trở trong thời gian thực hiện đồ án quy hoạch nổi tiếng của ông ở Thessaloniky, thành phố đa văn hóa của Hy Lạp, nơi E. Hébrard và các tác giả đã đưa ra giải pháp gây tranh cãi là xóa đi tất cả những đặc trưng phương Đông gần 5 thế kỷ của đế chế Ottoman mà thay vào đó một thành phố hoàn toàn mang phong cách châu Âu với một chút dư âm của di sản kiến trúc Bizantine. Chắc chắn, khi tới Đông Dương, E. Hébrard đã dần thay đổi cách nghĩ về tính áp đặt trong kiến trúc và về những yếu tố bản địa vốn làm nên sự bền vững của công trình kiến trúc là văn hóa và khí hậu”(Tạp chí Kiến trúc số 12/2014). Và như vậy, khu phố Cũ với phong cách kiến trúc Đông Dương bên cạnh những không gian nơi chốn mới bên cạnh khu phố Cổ, dần trở thành một sự hòa nhập không thể tách rời để làm nên cả một miền di sản của Hà Nội hôm nay.

4. Lại tản mạn qua bản sắc đô thị khi nói về câu chuyện nơi chốn ở một phạm vi không gian lớn hơn. Còn nhớ trong đại hội Hội KTS Việt Nam khóa trước, ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư lúc đó có nói, đại ý là dưới con mắt của một người ngoại đạo, ông thấy đô thị Việt không có bản sắc, đi những khu phố mới ở các tỉnh thành phố lớn không khác gì ở các nước – Đó là một nhận xét để chúng ta phải suy ngẫm rồi cay đắng nhận ra rằng nó quá xác đáng. “Singapore và hơn thế nữa”, “Một châu Âu trong lòng Hà Nội”, “Đem cả Địa Trung Hải đến khu nhà bạn”… từ những góc phố trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng đến các khu chung cư lớn thậm chí mang tên tiếng Anh như Royan City, Time City, Park Hill, Aqua City… với những shop, cafe tên Tây, đồ Tây, không khác gì châu Âu thật hiện tràn ngập trong quảng cáo cũng như trên hiện thực. Một anh bạn giáo sư người Pháp gốc Nga thoạt đầu ở Nha Trang tỏ ra thích thú khi mọi nơi đều có “phụ đề” tiếng Nga nhưng sau lên Bà Nà Hill thì phát hoảng vì có cả một khu phố “cổ” châu Âu với những sao chép nguyên mẫu. Lấy làm lạ vì sao người Việt lên đây đông thế, lại chưa hoàn toàn thật yên tâm khi nghe câu giải thích rằng “À, thì người ta muốn đi châu Âu gần, và rẻ, lại được ngắm cảnh… nhà mình”. Phải chăng đây là những nơi chốn muốn đến, muốn sống của người Việt, những nơi chốn không bản sắc Việt, xuất phát từ ước muốn của câu thành ngữ đã ăn vào tiềm thức “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây…” (sống hẳn khu phố Tây)?

Tác giả: Ths.KTS. Trần Thị Thanh Thủy

5. Có một thông tin luôn làm tôi trăn trở, đó là chuyện khách du lịch nước ngoài, mặc dù coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, nhưng những người muốn quay trở lại chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra lại chính là sự thiếu vắng những không gian nơi chốn có sức cuốn hút du khách như một điểm đến đáng để quay lại. Quay lại để có những trải nghiệm hưởng thụ khi đã đủ trải nghiệm khám phá. Như một bộ phim, một cuốn sách hay có nhu cầu xem lại, đọc lại để thưởng thức và cũng lại để phát hiện ra những cái mới. Cảnh quan thiên nhiên của ta đẹp và quá đẹp, không cần phải chờ đến những cuộc bình bầu trên các tạp chí danh tiếng công nhận. Nhưng những sự phát triển ồ ạt hiện nay lại dường như muốn thay thế nơi chốn – điểm đến – thiên nhiên bằng nơi chốn – điểm đến — đô thị. Chóng mặt nhất là những sự thay đổi ở Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc, rồi Vũng Tầu, Đà Nẵng… Tại sao người ta lại phải đi cả hàng ngàn cây số tới đây chỉ là kiếm tìm không gian nơi chốn y chang như ở nhà, từ chỗ ở, khách sạn (khỏi nói) đến phố xá, cửa hàng (dĩ nhiên với sự khác nhau về chất lượng dịch vụ và giá cả không phải thật hấp dẫn). Lại một sự cân nhắc trong ứng xử, ứng xử với thiên nhiên và khái niệm sinh lời bền vững, làm tăng hay giảm đi sự cuốn hút của nơi chốn. Tự nhiên, lại thấy lo cho Cát Bà, Tràng An – Ninh Bình, Mã Pì Lèng và Sơn Đoòng… Liệu có cả nghĩ quá chăng?

6. Câu chuyện Tản mạn cuối năm nghe chừng có vẻ hơi nhuốm mầu man mác, những câu hỏi thực ra là đặt cho mình và những đồng nghiệp, những người chót dấn thân vào cái nghiệp kiến tạo những không gian nơi chốn. Mà cũng trách ai được khi những nơi chốn mang tính thời sự hiện nay chắc chắn có bàn tay của chính giới kiến trúc mình. Vậy mong được chúc cho mỗi chúng ta năm mới có được sự cân nhắc cần thiết cùng cách ứng xử cần thiết để có thể tạo dựng những không gian nơi chốn dành cho người tìm về và cả người tìm đến.

*TS. KTS Trần Thanh Bình  – Nghiên cứu viên cao cấp

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)