Di sản kiến trúc và sinh kế cộng đồng tại làng đá cổ Khuổi Ky và Nà Vị, Cao Bằng

Cao Bằng có nhiều điểm thu hút khách du lịch như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tự nhiên, văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số. Di sản kiến trúc là một phần quan trọng góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Bài viết dựa trên nghiên cứu di sản kiến trúc và thực trạng sinh kế tại làng đá cổ Khuổi Ky và Nà Vị, từ đó đề xuất một số chiến lược cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng di sản kiến trúc tại Cao Bằng.

Hình ảnh làng Ogimachi và một nhà gassho điển hình.

Một số khái niệm có liên quan

  • Di sản cộng đồng (Community Heritage): Là tập hợp các giá trị và tín ngưỡng, tri thức và thực tiễn, kĩ thuật và kĩ năng, công cụ và hiện vật, tính tiêu biểu và địa điểm, đất đai và địa hạt, cũng như các loại biểu thị vật thể và phi vật thể chung của người dân.
  • Di sản kiến trúc (Architectural Heritage): Là một phần của di sản văn hóa, thuộc về văn hóa vật thể (cấu trúc không gian làng, kiến trúc nhà ở truyền thống, công trình công cộng, tôn giáo, tín ngưỡng…)
  • Di sản du lịch (Tourist Heritage): Là một tập hợp các tài sản vật thể và phi vật thể sẵn có, tiềm tàng, có thể được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Di sản du lịch là nguyên liệu thô được chuyển đổi bởi các tác nhân phát triển du lịch để trở thành tài nguyên đáp ứng nhu cầu của con người.
  • Sinh kế cộng đồng (Community Livelihood): Hướng đến thúc đẩy đa dạng việc làm cho người dân địa phương; tạo các cơ hội phát triển doanh nghiệp địa phương; tạo nguồn thu nhập cho tập thể và hộ gia đình thông qua các hoạt động chung do cộng đồng cùng vận hành.
  • Làng Di sản kiến trúc (Architectural Heritage Village): Là các làng cơ bản còn đầy đủ các cấu thành của làng truyền thống, có các công trình kiến trúc có giá trị như nhà cổ, công trình công cộng, công trình tôn giáo tín ngưỡng, không gian cảnh quan truyền thống đặc sắc, được công nhận bởi các tổ chức có chuyên môn uy tín.
  • Du lịch cộng đồng (Community-based Tourism): Là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác là hoạt động du lịch, trong đó cộng đồng địa phương tham gia và chuỗi cung ứng và quản lý.
  • Du lịch bền vững (Sustainable Tourism): Là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.
  • Bảo tồn thích ứng (Adaptative Conservation): Là gìn giữ và bảo vệ giá trị di sản kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội.

Di sản kiến trúc và sinh kế cộng đồng tại một số làng trên thế giới

1. Làng Ogimachi, Shirakawa-go, Nhật Bản

Ogimachi là một ngôi làng nông nghiệp vùng núi Chubu của tỉnh Gifu, nằm trên bờ phía đông của sông Shogawa ở miền trung Nhật Bản. Làng có diện tích 45,6ha, lớn nhất trong số 23 làng của Shirakawa-Muri, được xây dựng từ cuối thời Edo (thế kỷ 18), hiện tại có hơn 500 gia đình với khoảng 1800 dân.

Hình ảnh làng Hogcun và một góc sân Sanheyuan

Ngôi làng này được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 1995. Làng Ogimachi hiện có 117 ngôi nhà kiến trúc truyền thống, 329 ngôi nhà hiện đại, 2 chùa và 2 đền thờ thần. Điểm nổi bật thu hút khách du lịch tại Ogimachi là những ngôi nhà kiến trúc truyền thống kiểu gassho có hình tam giác với mái tranh trông giống như những bàn tay đang chắp lại khi cầu nguyện. Mỗi ngôi nhà có ít nhất từ ba đến năm tầng để đảm bảo có đủ không gian để lưu trữ thiết bị canh tác hoặc nuôi tằm. Nhà khung gỗ, mái nhà lợp bằng rơm dày, bện bằng dây thừng làm từ cây mansaku. Tại Ogimachi không có hàng rào giữa các ngôi nhà, tạo nên một bầu không khí cởi mở trong làng.

Giai đoạn 1950 đến 1975, số lượng nhà kiểu gassho đã giảm rất nhiều, khi toàn bộ khu vực trải qua tình trạng giảm dân số do người dân chuyển đến các khu vực đô thị. Năm 1971, dân làng thành lập Hội bảo vệ Cảnh quan làng lịch sử Shirakawa-go, lập Điều lệ cư dân làng. Việc bảo tồn những ngôi nhà gassho với mái tranh lớn rất khó khăn vì tuyết dày, nguy cơ hỏa hoạn cao, dễ bị mục nát và phá hoại bởi côn trùng hay loài gặm nhấm. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng cách, mái tranh có thể tồn tại 100 năm mới phải thay thế. Ngôi làng có một hệ thống chia sẻ lao động truyền thống được gọi là “yui”, cung cấp lao động không chỉ để sửa nhà, thay mái nhà mà còn cho các hoạt động như trồng trọt, thu hoạch và dọn tuyết. Môi trường kinh tế của Ogimachi đã thay đổi rất nhiều sau khi được công nhận Di sản Thế giới. Từ một làng nông nghiệp, giờ đây sinh kế chủ yếu của người dân là từ du lịch với thu nhập từ 3000 – 4000 USD/tháng. [1]

Trục đường chính của ngôi làng và các không gian bên trong của một Pekarangan

2. Làng Hongcun, Trung Quốc

Làng Hongcun, trong lịch sử có tên là Huệ Châu (Huizhou) nằm ở tỉnh An Huy, được xây dựng vào năm 1131 trong thời kỳ Thiệu Hưng của triều đại Nam Tống và trở thành Di sản thế giới năm 1992.
Ngôi làng có 103 di tích truyền thống, bao gồm các tòa nhà được xây dựng vào các triều đại nhà Minh (1368–1644 CN) và nhà Thanh (1644–1911 CN), cùng với 34 tòa nhà được xây dựng dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912–1949 CN). Bố cục tổng thể, kiến trúc và nội thất các ngôi nhà trong làng tuân theo phong thủy và thể hiện triết lý truyền thống của Trung Quốc về sự thống nhất giữa con người với thiên nhiên. Sân Sanheyuan là thành phần độc đáo trong bố cục của ngôi nhà, với ba biến thể bao gồm cả việc kết nối hai tam quan (loại “回”), kết nối đối diện của hai sân (chữ “H”) và kết nối nối tiếp hai tam viện (kiểu “日”). Các sân được bao quanh bởi những bức tường cao chót vót, không có cửa sổ hoặc có cửa sổ rất nhỏ, cổng chạm khắc tinh tế. Nhà truyền thống được xây bởi vật liệu địa phương như đá vôi xanh, gỗ linh sam, tường gạch màu sắc đơn giản theo kiểu “tường trắng, ngói đen, hồi hình đầu ngựa”.

Dòng suối Khuổi Ky chảy qua phía trước ngôi làng; đường làng lát đá, các hàng rào xếp đá, sử dụng những cối đá tròn để trang trí tạo nên không gian đá hết sức độc đáo

Từ một làng thuần nông, Hongcun bắt đầu đón khách du lịch vào năm 1986, đến năm 1997, du lịch phát triển mạnh mẽ và trở thành trụ cột kinh tế cho làng. Theo thống kê, năm 2018 số lượng khách du lịch tham quan là 2,3 triệu lượt và thu nhập trực tiếp từ du lịch là 20,4 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 80% nông dân địa phương và giúp 100% nông dân thoát nghèo. Từ năm 1999, nhiều nhà đã chuyển đổi thành homestay cho khách du lịch. Tuy có thay đổi chức năng và tiện nghi bên trong, những ngôi nhà Hongcun vẫn giữ nguyên cấu trúc nhà, tường bao, mái và sân trong Sanheyuan – Vì họ nhận thức rõ: Di sản kiến trúc truyền thống là điểm độc đáo thu hút khách du lịch. Người dân triệt để áp dụng phương pháp “sửa cũ như cũ” khi nhà hư hỏng và bảo vệ các ngôi nhà bằng cách “tái bản địa hóa” bên ngoài và “khử nội địa hóa” bên trong. [2]

Một số hình ảnh kiến trúc làng đá cổ

3. Làng Penglipuran, Bangli, Bali, Indonesia

Ngôi làng Penglipuran nằm ở huyện Bangli, Bali, có tổng diện tích khoảng 112ha, với dân số hiện tại khoảng 1.100 người. Bên cạnh việc kiếm sống bằng nghề nông, hầu hết người dân ở đây đều có nghề thủ công như làm các sản phẩm từ tre, dệt lụa, thêu tay. Với bề dày lịch sử hơn 700 năm, làng Penglipuran đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1970.

Cái tên “Penglipuran” có nghĩa là “Nhớ về cội nguồn” và do đó, nó tóm tắt toàn bộ triết học Bali, thậm chí nhấn mạnh cam kết của dân làng trong việc duy trì văn hóa của họ. Tri Hita Karana là một triết lý của người Hindu ở Bali dạy về sự hài hòa và cân bằng giữa mối quan hệ của Thượng đế, con người và môi trường. Tri Hita Karana cũng được áp dụng trong cấu trúc của chính ngôi làng thông qua khái niệm Tri Mandala. Bố cục của ngôi làng được chia thành ba phần: Khu vực linh thiêng – Nơi ở của các vị thần; Khu định cư – Nơi ở của con người; Khu nghĩa trang. Khu vực định cư có 76 cấu trúc nhà với tên gọi Pekarangan cũng được phân chia không gian dựa trên Tri Mandala bao gồm: Khu đền thờ gia đình, Khu sinh hoạt của gia đình, Khu vực chuồng trại. Mỗi Pekarangan đều có 2 lối vào từ phía trước và sau nhà. Vật liệu chính sử dụng để xây dựng các ngôi nhà ở đây là gỗ, tre, lá cọ, đất sét, đá sa thạch. Với các quy tắc sắp xếp không gian và sử dụng lối kiến trúc đồng nhất, ngôi làng Penglipuran trông rất sạch sẽ và ngăn nắp.

Từ năm 1993, chính phủ Indonesia đã bắt đầu quảng bá ngôi làng như một điểm đến du lịch. Người dân Penglipuran chọn theo đuổi con đường du lịch cộng đồng, với một phần lợi nhuận từ phí vào cửa và bán đồ lưu niệm sẽ được đưa vào quỹ chung của làng để hỗ trợ thực hiện nghi lễ truyền thống, duy trì đền thờ, Thánh địa. Năm 2012, khi nhận ra nhu cầu lớn khách du lịch muốn ở lại và tạo cơ hội việc làm mới cho thế hệ tiếp theo, làng Penglipuran đã thống nhất, khách có thể ở lại, miễn họ không vi phạm các quy tắc của làng. Ý chí mạnh mẽ để duy trì văn hóa truyền thống xuất phát từ triết lý Tri Hita Karana đã giúp người dân nơi đây vượt qua các thách thức và tìm ra sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản. [3]

Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt của một ngôi nhà sàn đá cổ trong làng Khuổi Ky

Di sản kiến trúc làng đá Khuổi Ky và Nà Vị

1. Cấu trúc làng và cảnh quan tự nhiên

Làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được hình thành từ khoảng thế kỷ 16, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách phòng thủ. Với diện tích khoảng 1 ha, làng có tổng cộng 14 nhà sàn cổ, là nơi sinh sống của người dân tộc Tày. Đồng bào Tày ở Cao Bằng có tín ngưỡng thờ đá, coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ, với quan niệm: Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó. Tất cả nhà sàn trong làng đều được xây dựng hoàn toàn bằng đá, trong thế tựa lưng vào núi và quay ra hướng Đông là suối Khuổi Ky, tạo vẻ đẹp độc đáo và khác biệt so với những ngôi nhà sàn của người Tày ở vùng miền khác.

Cách làng Khuổi Ky hơn 10km về phía Đông Nam là làng Nà Vị, xã Minh Long, huyện Hạ Lang. Đây là nơi tập trung nhiều nhà đá cổ nhất của tỉnh Cao Bằng với khoảng gần 100 nhà, chủ yếu là người dân tộc Tày sinh sống. Những ngôi nhà sàn cổ ở Nà Vị cũng đã tồn tại hàng trăm năm, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích của thành nhà Mạc ở Hạ Lang. Làng Nà Vị nằm dưới chân núi Phja Cao, xung quanh là các khoảng ruộng vườn canh tác nông nghiệp.

Không gian làng đá cổ ở Khuổi Ky và Nà Vị đều có những nét khá tương đồng: Những con đường vào làng quanh co, ngoằn nghèo, những bức tường rào được xếp bằng những phiến đá chồng lên nhau. Các nhà trong làng hầu như đều quay chung một hướng Đông – Tây, với mái ngói âm dương, tường đá dày, tạo nét đẹp giản dị, thống nhất trong không gian. Khuổi Ky và Nà Vị đều có cấu trúc làng truyền thống với sự phân nhánh kiểu cành cây của hệ thống giao thông, hạ tầng và không gian, cấu trúc hướng nội, khép kín, hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng, đồng ruộng. Vị trí hai làng nằm ở vùng biên giới, trước kia có nhiều thú dữ và thường xảy ra nạn trộm cướp, nên được xây dựng theo lối kiến trúc phòng thủ. Theo đó, những ngôi nhà sàn đá cổ được xây dựng san sát nối liền nhau với khoảng cách giữa hai nhà chỉ khoảng từ 1.5-2m, bám sát theo những con đường nhỏ trong làng.

2. Kiến trúc nhà sàn đá cổ

Thông thường, một ngôi nhà sàn đá có chiều cao từ 7 – 8m, được chia làm 2 tầng. Tầng dưới cao khoảng 1.5- 2m, được sử dụng với chức năng chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, gia cầm hoặc kho chứa củi, để nông cụ. Những bậc thang bằng đá ngoài nhà dẫn từ sân lên tầng trên, là tầng ở chính của người Tày. Một số gia đình có thiết kế thêm thang gỗ trong nhà đi từ tầng dưới lên tầng ở. Tầng trên là không gian sinh hoạt của gia đình, có diện tích trung bình khoảng 70-80m2, với chiều cao từ 4-6m. Không gian ở được chia thành 3 hoặc 5 gian, với khẩu độ mỗi gian từ khoảng 2.5 đến 4m. Gian chính giữa, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, là bàn thờ tổ tiên gác trên cao, thường ngang với xà nhà. Trên bàn thờ tổ tiên của người Tày thờ 3 bát hương. Một bát thờ gốc – cội nguồn, một bát thờ gia phả dòng họ và một bát thờ các chức sắc của tổ tiên. Người Tày theo phụ hệ nên những gia đình đón con rể về sẽ có thêm bát hương thứ tư để thờ tổ tiên của người đến làm rể. Ban thờ được trang trí nổi bật với hoành phi câu đối chữ Nho trên nền giấy đỏ. Gian 2 bên là nơi tiếp khách và buồng ngủ cho các thành viên trong gia đình (dùng vách gỗ để ngăn chia các buồng ngủ), gian phía sau nhà là bếp lửa. Người dân thường làm thêm các gác xép nhỏ để chứa ngô, thóc. Phía trước cửa hoặc bên hiên nhà có sàn (thường được làm bằng thân cây tre) để người dân phơi nông phẩm, phơi quần áo, hoặc là không gian trò chuyện, giao tiếp xóm giềng. Mỗi ngôi nhà sàn đều có cửa chính và cửa phụ. Cửa chính thường đặt ở gian giữa nhà, cửa phụ là cửa ra phía sau hoặc hông nhà.

Để xây dựng được một ngôi nhà sàn như vậy, người dân nơi đây thường mất từ 2 đến 3 năm. Đá khai thác từ núi đá vôi gần làng, được sử dụng làm tường và móng. Móng nhà được đào sâu từ 80 – 100cm, xây bằng đá hộc. Đá được xếp chồng lên nhau và kết dính bằng hỗn hợp từ vôi đã tôi hòa với nước, mía mật, và cát. Vì các viên đá có nhiều kích cỡ, nên thợ phải rất tỉ mỉ trong việc đo, đếm và xếp từng viên đá sao cho độ dày hai bên của một bức tường phải cân đối và vuông vức. Để xếp được một bức tường đá như vậy, có thể mất đến vài tháng. Những bức tường đá có độ dày lên đến hơn 30cm nên cực kỳ chắc chắn và kiên cố. Ngoài ra, đá còn được người dân sử dụng để làm bậc thang, hàng rào quanh nhà… Cửa sổ trong những nhà sàn đá thường ít và nhỏ, để chống lại giá rét mùa đông., vì vậy không gian bên trong nhà thường thiếu ánh sáng. Để khắc phục, người Tày lấy sáng thêm trên mái thông qua một số ô kính hoặc tấm lợp sáng mica. Ô cửa lấy sáng thường có chấn song gỗ, có thể có hoặc không có cánh gỗ. Sàn nhà, cột nhà, kết cấu đỡ mái và các vách ngăn chia trong nhà được làm bằng gỗ. Cột nhà được tạo từ những khối gỗ lim, bên dưới là các phiến đá tròn kê chân cột để chống mối mọt, ẩm mốc. Khác với nhà sàn của người Tày ở một số khu vực khác, nhà sàn ở đây có 2 mái cân nhau, được lợp bằng ngói âm dương, tạo nên vẻ đẹp cổ kính. Ngói âm dương truyền thống hiện nay vẫn được một số làng dân tộc Tày ở các khu vực lân cận duy trì sản xuất.

Một số hình ảnh nhà xây mới – cũ đan xen trong làng đá Khuổi Ky và Nà Vị

Đánh giá thực trạng phát triển du lịch di sản tại làng đá Khuổi Ky và Nà Vị

1. Làng Khuổi Ky

Làng Khuổi Ky nằm tại huyện Trùng Khánh, là huyện có lượng khách du lịch lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Huyện Trùng Khánh có thiên nhiên hùng vĩ với nhiều danh thắng được công nhận di tích quốc gia, nổi bật nhất là thác Bản Giốc, là một trong 10 thác nước đẹp nhất thế giới và là thác đẹp thứ 4 nằm trên biên giới giữa các quốc gia. Gần kề thác Bản Giốc còn có động Ngườm Ngao được hình thành từ phong hóa lâu đời của địa hình cac-tơ, dài 2769m được đánh giá là hang động đẹp nhất trong các tỉnh phía Bắc. Năm 2019, Trùng Khánh đón 347.850 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 165,3 tỷ, tỷ trọng ngành du lịch chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế huyện. [4]

Làng Khuổi Ky có vị trí gần các điểm du lịch nổi tiếng của Trùng Khánh, cách động Ngườm Ngao 400m, cách thác Bản Giốc 3 km. Cùng với nét hấp dẫn riêng của làng đá cổ, Khuổi Ky là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Làng đá Khuổi Ky đã được được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “làng văn vật tiêu biểu truyền thống của các dân tộc thiểu số” năm 2008. Địa điểm này đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ của Luxembourg trong việc phát triển mô hình homestay cho du lịch cộng đồng và sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải tạo, nâng cấp nhà ở thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2000. Khuổi Ky cũng đã được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) hỗ trợ Dự án Cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng. Các hộ dân được dự án cấp kinh phí mua sắm vật dụng phục vụ lưu trú; được tập huấn kiến thức về lễ tân, nấu ăn và giao tiếp cơ bản, giúp cho người dân có kỹ năng cần thiết phục vụ du lịch. Dịch vụ du lịch cộng đồng thu hút được sự tham gia tích cực của một số hộ dân, qua đó nâng cao thu nhập cho các gia đình. Có hộ thu nhập đến 30 triệu đồng/tháng. [5]

Quan điểm làm du lịch rất rõ nét, ảnh hưởng tới từng người dân trong làng Khuổi Ky. Trong 14 nhà đá cổ ở khu vực được bảo tồn, 7 nhà đã đón khách lưu trú (dạng homestay), một số nhà khác cũng đang định cải tạo, mua sắm vật dụng để đón khách du lịch. Nhiều ngôi nhà rìa làng, ngoài các nhà cổ đã được thừa nhận, cũng xây mới thành các homestay để đón khách du lịch. Một số nhà nghỉ đã sử dụng những nét kiến trúc truyền thống đặc sắc như nhà sàn, vật liệu xây dựng bằng đá, gỗ, tre, những chi tiết decor trang trí của người dân tộc để thu hút khách du lịch. Nhà đá cộng đồng được xây dựng năm 2000, với khả năng lưu trú đến 100 khách cũng được sử dụng để đón khách. Tiền thu được từ khách du lịch được sử dụng cho việc duy trì, vệ sinh cũng như cho các hoạt động khác của cộng đồng. Tuy nhiên, điều kiện tiện nghi cũng như quản lý không bằng homestay tư nhân, dẫn đến nhà cộng đồng vắng khách thuê hơn, chủ yếu là không gian sinh hoạt công cộng của bà con.

Sau thời gian hỗ trợ bảo tồn của nhà nước, có một số hộ gia đình tự cơi nới, sửa chữa dẫn đến ảnh hưởng cấu trúc nhà truyền thống và cảnh quan chung ngôi làng. Việc mở rộng, xây thêm sàn bê tông (làm hiên, sân phơi) đã khiến “nhà sát nhà”, thay đổi mật độ xây dựng. Cấu trúc ngôi nhà cũng có những biến đổi do người dân cải tạo, xây mới hay mở rộng các không gian như sân, nhà vệ sinh. Điều kiện vi khí hậu trong nhà ở, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, không đạt tiêu chuẩn (kém thông gió, chiếu sáng), nhưng thiếu các chỉ dẫn kỹ thuật để cải thiện.

2. Làng Nà Vị

Làng Nà Vị thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Hạ Lang có một số di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh xếp hạng như chùa Sùng Phúc, đền thờ Tô Thị, động Dơi… Tuy nhiên, các địa điểm này chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng về du lịch.

So với Khuổi Ky, di sản kiến trúc Nà Vị phong phú và có nhiều nét hấp dẫn riêng. Với gần 100 ngôi nhà, đây là ngôi làng có số lượng nhà đá còn lại cần được bảo tồn nhiều nhất Cao Bằng. Ngôi làng chưa bị tác động bởi du lịch, mang nét đơn sơ, mộc mạc nhưng có sức sống mạnh mẽ của một làng truyền thống. Có một lượng nhỏ khách đến thăm quan, nhưng không có khách lưu trú tại các nhà đá cổ Nà Vị. Phần lớn nhà ở tại Nà Vị cũng chưa đảm bảo điều kiện để có thể phát triển mô hình homestay. Trong làng phổ biến tình trạng người dân nuôi trâu, bò, lợn, dê dưới sàn nhà ở dẫn đến điều kiện vệ sinh trong nhà kém. Hệ thống mương rãnh thoát nước trong ngôi làng cũng cần nâng cấp.

Sinh kế của người dân Nà Vị vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào làm nông nghiệp. Với một vụ lúa và một vụ hoa màu, thu nhập từ làm nông chỉ đủ ăn. Nà Vị rất cần chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư để phát triển các mô hình du lịch, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng. Việc nâng cao thu nhập cùng với nhận thức giá trị của các di sản kiến trúc cũng sẽ giúp người dân gìn giữ, bảo vệ các ngôi nhà truyền thống. Hiện tại trong gần 100 ngôi nhà của Nà Vị, gần một nửa số nhà đã bị biến đổi, cải tạo nhiều hoặc xây mới. Nhiều ngôi nhà cổ bị phá dỡ và thay vào đó là các ngôi nhà mới xen kẽ trong làng với mái phibro xi măng, mái tôn, tường gạch block không nung, tường sơn màu… làm biến đổi kiến trúc và cảnh quan làng đá.

Định hướng phát triển sinh kế cộng đồng thông qua du lịch làng di sản kiến trúc tại Cao Bằng.

Cao Bằng nổi tiếng bởi danh thắng tự nhiên, được UNESCO công nhân Công viên địa chất toàn cầu ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất thứ 2 tại VN, sau Đồng Văn. Toàn tỉnh có 5 địa điểm được công nhận danh hiệu quốc gia tại khu vực Non nước: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần và hang Dơi. Cao Bằng hiện có hơn 200 di tích, trong đó 96 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tinh), 2 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia. Tỉnh Cao Bằng có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. [6]
Có nhiều hình thức du lịch Cao Bằng: Du lịch thiên nhiên, du lịch di tích cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch biên giới… Từ năm 2009, du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển ở Cao Bằng đem lại cho khách du lịch trải nghiệm sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, một trong những yếu tố đặc sắc của văn hóa là di sản kiến trúc chưa được khai thác đúng với tiềm năng. Biến di sản kiến trúc thành sản phẩm du lịch cũng đồng nghĩa với việc quảng bá hiệu quả nhất bề dày văn hóa – lịch sử và quá trình phát triển của địa phương. Đây cũng là cách thức có thể nâng cao sinh kế cộng đồng dân cư trong đó phần nhiều là dân tộc thiểu số ở khu vực.

Để có thể phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng di sản kiến trúc, tỉnh Cao Bằng cần có các chiến lược và hành động cụ thể:

  • Lập bản đồ di sản kiến trúc tỉnh, bao gồm kiến trúc các làng truyền thống. Đánh giá di sản kiến trúc làng, bao gồm: Quy hoạch chung của làng, kiến trúc nhà truyền thống (cấu trúc, vật liệu, giải pháp xây dựng, nội thất), những công trình công cộng phụ trợ (công trình tôn giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, cổng làng, chợ làng, sân làng…), kiến trúc cảnh quan làng;
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối các làng di sản kiến trúc với các di sản thiên nhiên cũng như với các trung tâm dịch vụ tỉnh, huyện;
  • Kết nối chuỗi giá trị, mở rộng sản phẩm du lịch, tạo lịch trình hoạt động phong phú cho du khách. Khách du lịch có thể cư trú tại làng di sản kiến trúc, thăm quan tại các di sản thiên nhiên, trải nghiệm hoạt động tại các làng nghề. Tại Cao Bằng có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, Làng nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên…;
  • Có chiến lược bảo tồn thích ứng với các di sản kiến trúc. Lập các bộ chỉ dẫn chi tiết, hướng dẫn người dân bảo tồn giá trị nhà ở truyền thống, tránh cơi nới, sửa chữa, tự phát. Hỗ trợ người dân cải tạo gầm nhà sàn, xây mới chuồng, di dời trâu, bò, dê ra khỏi gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh khép kín, bể biogas composite tận dụng khí đốt; chỉnh trang, cải tạo giao thông, hệ thống cấp thoát nước của làng; lập các bảng biểu chỉ dẫn trong làng…
  • Lập các quy định, hướng dẫn xây dựng cho các công trình mới, các homestay mới để đảm bảo hài hòa cảnh quan khu vực, tôn nét bản sắc của kiến trúc truyền thống;
  • Thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng với sự tham gia của chính cộng đồng địa phương; Ban hành các hướng dẫn, xây dựng các hương ước do người dân địa phương chủ động tham gia, phát huy các sáng kiến phát triển và bảo vệ làng di sản của chính họ;
  • Xây dựng trung tâm thông tin, các không gian trưng bày, trình diễn văn hóa; xây dựng homestay do cộng đồng cùng vận hành quản lý…
  • Chú trọng bảo tồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường. Việc quy hoạch phát triển du lịch, khoanh vùng bảo tồn, đầu tư xây dựng cần chú trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, giữ gìn môi trường sống, bản sắc văn hóa dân tộc;

Phát triển du lịch cộng đồng tại các làng di sản góp phần làm đa dạng hóa nguồn sinh kế của cộng đồng địa phương. Tham gia bảo tồn và giới thiệu di sản kiến trúc làng đến du khách giúp người dân tự hào, gắn bó, chủ động bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đồng thời phát triển chính mảnh đất quê hương mình.

TS. Lê Lan Hương – ThS.Nguyễn Duy Thanh – ThS.Nguyễn Thùy Trang
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
Nguyễn Tiến Mạnh – Nguyễn Thị Hường
Sinh viên lớp 64 KDNC
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Indera S. M. Radzuan, Naoko Fukami, Yahaya Ahmad – “Cultural heritage, incentives system and the sustainable community: Lessons from Ogimachi Village, Japan”. Malaysian Journal of Society and Space 10 issue 1 (130 – 146) 130 © 2014, ISSN 2180-2491
2. Di Zuo et al – “ Tourism, Residents Agent Practice and Traditional Residential Landscapes at a Cultural Heritage Site: The Case Study of Hongcun Village, China”. Journal of Sustainability 2022, 14, 4423. https://doi.org/10.3390/su14084423
3. Dorn, Patricia – “The Sacred Ecology of Penglipuran: A Traditional Bamboo Village on Bali”. Im Ein-Fach- Bachelorstudiengang Geographie der Mathematisch-Naturwissenschaftlichen-Fakultät der Christian-AlbrechtsUniversität zu Kiel 2016
4. Lương Văn La, Hồ Lương Xinh, Lưu Thị Thùy Linh, Bùi Thị Thanh Tâm. Đánh giá dịch vụ du lịch cộng đồng tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. TNU Journal of Science and Technology. 226(17): 75 – 83.
5. “Du lịch cộng đồng – Hướng đi mới trong cải thiện sinh kế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. http://caobangtv.vn/tin-tuc-n28457/du-lich-cong-dong–huong-di-moi-trong-cai-thien-sinh-ke-doi-voi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html
6. Trần Hồng Minh – “Tỉnh Cao Bằng phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững” – Tạp chí Cộng sản. Số 989 (tháng 5/2022).