Di sản đô thị – thế mạnh để phát triển trung tâm thủ đô Hà Nội

Sự quan tâm tới các khu đô thị cổ hoặc di sản đô thị không mới. Hiến Chương bảo tồn các thành phố cổ, do ICOMOS thông qua cách đây 20 năm vào tháng 10/1987, chính thức hóa việc công nhận trên khắp thế giới một phần (hoặc tổng thể) các thành phố “biểu đạt các giá trị đặc hữu của văn minh đô thị truyền thống”. Chúng ta thường nhắc tới các quần thể đô thị hơn là các thành phố với tư cách là di sản đô thị. Tuy nhiên, dù được xét là di sản có qui mô thế nào, quần thể đó phải có tính biểu trưng cao về lịch sử và văn hóa mà quần thể là chứng nhân.

Di sản không bị giới hạn ở các công trình trong quá khứ. Bất kỳ yếu tố vật thể hoặc phi vật thể nào đều có thể trở thành di sản: Khi được cộng đồng địa phương, quốc gia hoặc quốc tế quan tâm; khi đó là kết quả của một hình thái gắn kết tập thể và là một giá trị cần truyền lại cho các thế hệ tương lai… Theo cách hiểu này, di sản đô thị không chỉ đơn thuần là phép cộng hoặc sự tập hợp các công trình hoặc vật thể kiến trúc cổ, mà đó là một khái niệm rộng hơn, có tính phức hợp cao hơn bản thân các vật thể hoặc công trình cấu thành.

Hiện chưa có định nghĩa rạch ròi về di sản đô thị, bởi di sản đô thị tồn tại trong cuộc sống (được gọi là di sản sống), ít sơ cứng và cố định hơn các công trình lịch sử (hoặc di tích cổ). Tuy nhiên, có thể chấp nhận định nghĩa sau: Di sản đô thị bao gồm các công trình mang tính tượng đài và các yếu tố kiến trúc thông thường, tạo thành một chỉnh thể thống nhất hoặc một cấu trúc không gian đô thị thống nhất, thể hiện qua các đặc tính chung, phong thái qui hoạch, công năng đặc thù hoặc dấu ấn của một giai đoạn. Theo Valérie Patin, di sản đô thị là sự thể hiện trong không gian một mô hình xã hội với ký ức và phương thức tổ chức cần được gìn giữ và truyền lại.

Có nhiều công cụ hành chính để bảo tồn di sản ở qui mô đô thị, ví dụ như “vùng đệm” của một công trình lịch sử. Đó là một khu vực được hạn chế xây dựng với mục tiêu : Bảo tồn mối liên hệ giữa một công trình lịch sử và môi trường xung quanh, với những ranh giới xa gần khác nhau. Như vậy, câu chuyện ở đây không đơn thuần về di sản đô thị, mà phải tính đến môi trường đô thị của một công trình lịch sử. Ví dụ như ở Pháp, vùng đệm này có bán kính 500 m xung quanh các công trình lịch sử, như vậy, đâu đâu ở Paris cũng có các vùng đệm xung quanh các công trình của thủ đô. Khoanh vùng khu vực bảo tồn là công cụ pháp qui và hành chính hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Theo tiêu chí trình bày trong dẫn đề/ định nghĩa, có thể khá dễ dàng nhận thấy khu phố cổ Hà Nội có thể mang danh xưng di sản đô thị. Chúng tôi định nghĩa khu phố cổ của Hà Nội năm 1954 bao gồm: Khu 36 phố phường, Hoàng thành, khu phố cũ bàn cờ và khu mở rộng xung quanh; có thể bổ sung thêm các công trình sau thời thuộc địa của các KTS Việt Nam thế hệ thứ nhất như: Nguyễn Cao Luyện, Ngô Huy Quỳnh, Tạ Mỹ Duật và Nguyễn Văn Ninh, trong các khu đô thị xung quanh khu vực lõi lịch sử của Hà Nội.

Ở Hà Nội cũng như Paris, những vị trí có các tòa nhà cổ nhất thường nằm ở các khu trung tâm. Hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình tập trung hầu hết di sản nhà của Hà Nội: Quận Ba Đình với Hoàng Thành Thăng Long và Quận Hoàn Kiếm với Khu 36 Phố phường, khu xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và khu phố Pháp ô bàn cờ. Từng khu đều là di sản đô thị với các đặc tính riêng, hình thành trong suốt chiều dài lịch sử nhiều biến động của Thủ đô.

Các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị thuộc ba phạm trù, đó là bản sắc, kinh tế và đô thị.

  • Vấn đề bản sắc

Thế giới hiện nay đang ngày càng phát triển theo hướng đồng nhất hóa với xu thế toàn cầu hóa, trước tiên về kinh tế và thương mại, thường đi cùng một số mô hình quy hoạch – kiến trúc và quy hoạch không gian công cộng mang tính chuẩn hóa. Ngoài ra, sự phát triển theo xu hướng thương mại hóa dẫn tới việc hình thành các khu vui chơi hoặc thương mại được chuẩn hóa và có xu hướng giống nhau ở mọi nơi trên thế giới – Đó là trường hợp của các khu thương mại với cùng biển hiệu, các cửa ô vào thành phố và các công viên giải trí… ; Bên cạnh đó còn có một xu hướng khác, người ta thu nhỏ các công trình nổi tiếng thành các công trình con: Tháp Eiffel nhái tại Las Vegas, Venise nhái tại Macao, khu phố Hà Lan nhái tại ngoại ô Thượng Hải…

Trong bối cảnh các thành phố trên thế giới ngày càng có xu hướng giống nhau nêu trên, các khu phố cổ và lịch sử cùng với các công trình và phương thức tổ chức riêng chính là những điểm nhấn thể hiện giá trị văn hóa và truyền thống của các thế hệ trước để lại. Như vậy, khu phố cổ là những địa điểm cho phép nhận diện rõ nét văn hóa sở tại so với các khu đô thị mới xây, thường ít mang dấu ấn của bản sắc địa phương. Ngoài ra, các khu phố cổ còn mang trong mình các yếu tố di sản mang ít tính vật chất hơn, hay nói cách khác là mang nhiều tính phi vật thể hơn, yếu tố này cũng rất quan trọng đối với bản sắc văn hóa của một địa điểm. Bảo tồn di sản đô thị là một bộ phận của chính sách phát triển bền vững thành phố, có nghĩa là dựa trên bề dày lịch sử để bảo đảm tính bền vững của một thành phố.

Nhiều khi, một công trình mang đậm dấu ấn của văn hóa sở tại đến mức trở thành biểu trưng và đôi khi là biểu tượng của một thành phố, thậm chí là của một đất nước. Đó là trường hợp Tháp Eiffel. Chỉ riêng Tháp Eiffel thôi đã là biểu tượng của Paris và thậm chí của Pháp. Đôi khi, các công trình cổ được sử dụng để làm logo khi gắn liền với văn hóa sở tại. Ví dụ như AngkorVat hiện diện trên quốc kỳ Cam-pu-chia hay Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc tử giám là biểu tượng của Hà Nội…

  • Vấn đề kinh tế

Giá trị bản sắc của di sản đô thị gắn bó hữu cơ với một phạm trù khác: Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, các thành phố như Hà Nội có thể có nhiều nguồn thu quan trọng từ du lịch văn hóa nếu di sản đô thị được phát huy và đi kèm với chính sách qui hoạch du lịch gắn liền với di sản. Điều đó có nghĩa là: Nếu chỉ bảo tồn địa danh sẽ là không đủ, cần phối hợp thống nhất với các tác nhân công và tư của khu vực kinh tế du lịch (hãng, sở du lịch, khách sạn, nhà hàng,…).

Một thành phố hoặc một địa danh không thể chỉ dựa vào du lịch để phát triển kinh tế, song khu vực du lịch luôn đem lại nguồn thu quan trọng và tạo ra nhiều công ăn việc làm.

  • Vấn đề đô thị

Ngoài ra, phát huy giá trị di sản còn là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện cơ chế vận hành đô thị, tăng cường an ninh cho khu vực trung tâm thành phố và rộng hơn là hướng tới sự phát triển cân bằng, bền vững và hài hòa. Tuy nhiên, khi hướng tới mục tiêu này, nên tránh xu hướng bảo tàng hóa hoặc tư sản hóa các khu phố cổ. Khi được bảo tồn và phát huy, di sản đô thị cho phép nhận diện chính xác trung tâm thành phố. Qua các đồ án tổng thể qui hoạch Hà Nội và các giai đoạn ra đời của các đồ án, ta có thể thấy rất rõ sự thay đổi trong tư duy về vai trò của di sản đô thị đối với sự phát triển của thành phố. Trong những năm 60, 70 và thậm chí đầu những năm 80, sự phát triển đô thị của thủ đô chủ trương xóa bỏ quá khứ và các hình thái đô thị kế thừa trong lịch sử của Hà Nội không có bất kỳ vai trò nào trong kế hoạch phát triển thành phố. Hình thái của Hoàng Thành, ô vuông lớn mỗi chiều 1 km, thậm chí có xu hướng vắng mặt trong kế hoạch qui hoạch thành phố tương lai. Ngược lại, kể từ những năm 1990, các hình thái đô thị cổ, như Hoàng Thành, Khu 36 phố phường và khu phố Pháp bàn cờ giờ được công nhận là di sản, lõi đô thị của Hà Nội cần bảo tồn và kết nối với các khu đô thị mới dự kiến phát triển ở ngoại vi.

Ví dụ : Vùng Île-de-France và kết quả khảo sát du lịch
• 46,7 triệu lượt khách lưu trú tại Vùng Île-de-France, hiện là điểm đến số 1 của thế giới, phần lớn nhờ Paris;
• 76% khách du lịch cho biết đã tham quan bảo tàng và các công trình ; 61% đã tham gia các tour đi bộ khám phá thành phố bởi hai hoạt động trên gắn liền với di sản và di sản đô thị-du lịch tại Paris có hàm lượng di sản và văn hóa chủ đạo;
• Du lịch đem lại nguồn thu trên 20 tỷ euro một năm;
• Khu vực du lịch thu hút trên 500 000 lao động;
• Trên 90% khách du lịch cho biết hài lòng về kỳ nghỉ của mình- tầm quan trọng của chất lượng dịch vụ nói chung và chất lượng di sản đô thị nói riêng, điều này liên quan tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đem lại sự hài lòng cho khách du lịch.

Như tất cả các thành phố của Đông Nam Á, Hà Nội và đặc biệt là khu phố cổ chịu sức ép đất đai rất lớn dưới tác động của sự phát triển kinh tế. Sự khác biệt của Hà Nội với các thành phố khác ở Đông Nam Á ở chỗ có lịch sử lâu đời với các dấu ấn vẫn còn hiện hữu. Không nhượng bộ trước sức ép của một nền kinh tế mở sẽ là tiền đề để bảo đảm cho Hà Nội không đánh mất chất lượng đô thị của khu phố cổ (đi cùng với các hệ quả không thể tránh khỏi như mất bản sắc lịch sử và văn hóa, giảm sút sức hút du lịch và cuối cùng, chỉ còn lại một thành phố giảm sút chất lượng cuộc sống, mất cân bằng hơn, giảm sút du lịch và các nguồn thu từ du lịch).

Nội dung nghiên cứu bảo tồn khu phố Pháp

Hợp tác phi tập trung giữa Vùng Île-de-France và UBND TP Hà Nội luôn theo hướng hỗ trợ các sáng kiến của Thành phố trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị của Hà Nội. Trên tinh thần đó, theo yêu cầu của Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội, một nghiên cứu về bảo tồn Khu phố Pháp đã được thực hiện. Khu phố trung tâm này hiện đang chịu nhiều biến đổi lớn, với số lượng lớn các dự án bất động sản lớn đang và dự kiến được triển khai. Một số biệt thự thời Pháp bị phá hủy và nhường chỗ cho các tòa nhà với các chức năng mới (trụ sở doanh nghiệp, ngân hàng và cửa hàng xa xỉ…) mà không tính tới di sản, trong khi đáng lẽ các công trình mới này đã có thể tận dụng được giá trị di sản của các hình thái kiến trúc cũ.

Nghiên cứu này có phạm vi là khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm và Khu hành chính Ba Đình. Văn phòng tư vấn kiến trúc và cảnh quan Paris Interscène đã được giao thực hiện nghiên cứu, trên cơ sở điều tra của một nhóm công tác của Hà Nội. Cuối cùng, một nhóm chuyên gia Việt Nam đã được phân công chịu trách nhiệm bảo đảm luận chứng khoa học và lịch sử của nghiên cứu.

Nghiên cứu được chia thành 3 bước:

1. Thống kê di sản Pháp

  • Thống kê di sản thời Pháp thuộc do các chuyên gia đô thị và KTS Pháp thực hiện (các tòa nhà công và tư), sau đó phân loại 400 tòa nhà thành 3 nhóm đặc biệt, đáng quý và bình thường.
  • Thống kê di sản Việt Nam do các chuyên gia đô thị Việt Nam thực hiện (đặc biệt là các công trình tôn giáo ; chỉ riêng trong quận Hoàn Kiếm đã có 190 công trình tôn giáo có giá trị di sản được thống kê).
  • Mục tiêu là số lượng di sản này cần có biện pháp bảo tồn và tránh để các công trình xây dựng xung quanh làm biến dạng di sản.

2. Đề án qui hoạch tổng thể và một số nguyên tắc hạn chế xây dựng

Trên cơ sở thống kê di sản, tìm hiểu về các công năng kinh tế-xã hội khác nhau của công trình xây dựng, không gian xanh và mạng lưới giao thông, nghiên cứu đã chỉ rõ các tiểu khu cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt ở các mức độ khác nhau. Các khu cần bảo tồn nhất là :

  • Khu hành chính Ba Đình,
  • Khu Nhà hát lớn,
  • Khu Nhà thờ,
  • Khu xung quanh Hồ Thiền Quang.

Nghiên cứu đã tập trung xác định nguyên tắc kết nối và tổ chức thành mạng lưới giữa các khu nêu trên để tạo thuận lợi cho việc đi bộ. Ngoài ra, tùy vào hoạt động trên tuyến phố, nghiên cứu đề xuất nguyên tắc tăng dần độ cao đối với các công trình mới và các công trình này sẽ xây lùi vào trong lõi phố so với các công trình cũ.

Mục tiêu là bảo tồn không khí đô thị đặc trưng của khu phố, song song với tạo điều kiện cho trung tâm thành phố phát triển để thực hiện đầy đủ các chức năng trung tâm của mình..

3. Soạn thảo dự thảo qui định về xây dựng trong khu phố Pháp

Dự thảo qui định kèm theo đề án phải tạo điều kiện cho các Sở Ban ngành của Thành phố, các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình thực hiện dễ dàng hơn các biện pháp đề xuất.

Sau khi nghiên cứu hoàn tất, Sở Qui hoạch Kiến trúc Thành phố đã giao cho một nhóm chuyên gia thuộc Viện Kiến Trúc Qui hoạch – Trường Đại học Kiến Trúc do GS Doãn Minh Khôi chủ trì tiến hành thống kê biệt thư Pháp trên toàn bộ địa bàn Thành phố và sau đó xây dựng một qui định riêng để bảo tồn các công trình này.

Sau nhiều lần rà soát và chỉnh sửa, Qui chế bảo tồn khu phố cũ đã được thông qua và công bố tháng 9/2015. Tuy nhiên, hiện còn một khối lượng lớn các công việc cần hoàn tất để công tác kiểm tra hiệu quả hơn, để khái niệm di sản đô thị thực sự được tính tới khi phê duyệt các dự án tại các khu vực trung tâm. Tháng 5/2017, một khóa đào tạo đã được tổ chức với Quận Hoàn Kiếm với mục đích hỗ trợ cho cán bộ kỹ thuật của Quận (cấp phép xây dựng và Phòng kiểm tra xây dựng) nhận diện tốt hơn các yếu tố di sản trong quận cũng như làm quen với khái niệm di sản đô thị, đặc biệt trong việc tính tới môi trường di sản gần kề các công trình đang duyệt cấp phép xây dựng.
Dự án cải tạo mẫu một biệt thự Pháp

Sau khi nghiên cứu rất đầy đủ trên được tiến hành, căn biệt thự tại 49 Trần Hưng Đạo được UBND TP xác định là công trình thời Pháp sẽ tiến hành cải tạo mẫu. Nếu như nhiều công trình công cộng đã được cải tạo và phát huy giá trị tại Quận Hoàn Kiếm (ví dụ như Nhà hát lớn – 1997), thì cho đến nay, rất ít các tòa nhà tư nhân được nghiên cứu như trường hợp trên. Được xây vào cuối thế kỷ 19, căn biệt thự là chứng nhân của các công trình người Pháp xây dựng đầu tiên tại Hà Nội với kiến trúc tân cổ điển, kết cấu xây dựng theo kỹ thuật phương Tây, rất ít chịu ảnh hưởng sở tại. Dự án này nhằm mục đích tiến hành một hoạt động cải tạo mẫu chất lượng cao. Dự án có sự tham gia của một chuyên gia tư vấn vùng Ile de France, Nicolas Viste – Kiến trúc sư D.P.L.G. (văn phòng tại Quận 14 Paris), năm 2014, ông đã phối hợp với một ê-kíp chuyên gia Hà Nội để thực hiện lấy dữ liệu cụ thể công trình, xác định hiện trạng kết cấu, xác định các “bệnh” của công trình và dự án khôi phục nguyên trạng biệt thự.

Dự án thí điểm này sẽ là căn cứ để xây dựng một phương pháp luận về tập hợp tài liệu và xuất bản cẩm nang dành riêng cho cải tạo các tòa nhà thời Pháp thuộc tại Hà Nội. Theo yêu cầu của Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội, đây sẽ là hướng hay khi tiếp tục nghiên cứu đối với các tòa nhà trong diện phá bỏ để phục vụ một số ưu tiên trong qui hoạch (mở đường mới, mở rộng phố….).

Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu, có thể đưa ra một số nhận xét làm kết luận cho bài viết này:

Nghiên cứu này đã cho phép có thêm thông tin về kỹ thuật xây dựng thời Pháp thuộc. Mặc dù hình thái kiến trúc này hiện được đánh giá cao và được các nhà sử học hoặc KTS nghiên cứu nghiêm túc, thì cho đến nay chưa tập hợp được nhiều tài liệu về kỹ thuật xây dựng các tòa nhà thời kỳ này. Hơn nữa, các hoạt động cải tạo sẽ ảnh hưởng lớn đến kết cấu cổ của các tòa nhà vì việc cải tạo sẽ phải tác động cơ giới đến tòa nhà. Thực hiện một đợt lấy dữ liệu chính xác và nghiên cứu đánh giá hiện trạng sẽ cho phép giữ lại được các dấu vết của chi tiết kết cấu có trước khi cải tạo và rộng hơn

 

Emmanuel Cerise
Trưởng Đại diện Vùng Région Île-de-France
tại Hà Nội, Giám đốc PRX1 -Vietnam
  Dương Nguyễn Quốc Vinh (dịch)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)