Định hướng cải tạo, chỉnh trang quy hoạch

Ấp Phũm Soài là tên gọi của một trong những tập hợp các tổ dân cư, mỗi tổ từ 15 – 25 hộ gia đình, với thành phần dân cư là người Chăm, tọa lạc tại xã Châu Phong, tỉnh An Giang. Bản chất của quy hoạch ấp Phũm Soài khá đặc biệt, được cấu thành bởi 14 tổ riêng biệt và cách xa nhau, bao bọc và xen kẽ bởi cộng đồng người Kinh. Các tổ được liên kết bằng giao thông cơ giới, hình thành nên một quần thể mang đầy đủ đặc điểm của 1 “đơn vị ở” điển hình. Mỗi tế bào “tổ” chứa đựng trong nó những chức năng ở thứ cấp và luôn có ít nhất 1 thánh đường ở mỗi tổ để phục vụ nhu cầu tôn giáo. Sở dĩ như vậy, vì ấp Phũm Soài vốn được quy hoạch với tiêu chí “phát triển đi trước, quản lý theo sau”, tức không có quy hoạch cụ thể cho ấp Phũm Soài từ ban đầu, cứ nơi nào có người Chăm, thì địa chỉ ngôi nhà đó sẽ được ghi là ấp Phũm Soài để phục vụ cho vấn đề quản lý.

Thông qua khảo sát đánh giá tình hình quy hoạch ấp cũng như thu thập thông tin từ trưởng ấp và ban quản lý khu vực, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giái pháp chính trong việc chỉnh trang quy hoạch ấp Phũm Soài như sau:

Tăng tính kết nối khu vực trên cơ sở cải tạo quỹ đất thừa thành không gian sinh hoạt đa năng

Để đánh giá tính kết nối tại khu vực, nhóm nghiên cứu tiến hành vẽ ghi và tách lớp các loại biểu đồ
Để đánh giá tính kết nối tại khu vực, nhóm nghiên cứu tiến hành vẽ ghi và tách lớp các loại biểu đồ

Trong một cộng đồng người Chăm, thánh đường và tiểu thánh đường là nơi tạo được mối liên hệ nhiều nhất giữa các cư dân trong một tổ. Có chức năng về giáo dục, tôn giáo, hành chính, du lịch và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, nơi đây lại mang một số hạn chế về đối tượng tiếp cận như: Chỉ dành cho các tín đồ nam, không gian nhỏ, khép kín. Có thể nói rằng, không gian giao lưu văn hoá duy nhất của cộng đồng người Chăm tuy đa năng nhưng lại giới hạn về đối tượng tham gia. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề ra định huớng tận dụng các không gian rỗng, tổ chức không gian đa chức năng, là nơi họp chợ – giải quyết vấn đề “chợ di động” hiện tại.

Cấu thành chức năng trong module không gian sinh hoạt đa năng tương ứng với các đối tượng khác nhau

Đề xuất tuyến đường du lịch văn hoá nhằm giải quyết vấn đề kinh tế và nguy cơ mai một làng nghề truyền thống

Thông qua khảo sát, nhóm tổng hợp và đưa ra những lý do khiến khách du lịch đến với Phũm Soài như sau:

Lý do khiến du khách quốc tế đến với ấp Phũm Soài

Tuy nhiên, ấp Phũm Soài lại đang đứng trước nhiều thách thức như:

  • Một số các yếu tố văn hóa đang có nguy cơ bị mai một vì nhiều lý do trong đó lý do về kinh tế;
  • Thiếu liên kết giữa các tổ như đã phân tích;
  • Kinh tế vùng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống.

Nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến với ấp Phũm Soài

Vị trí tuyến đường du lịch – văn hoá đề xuất được thể hiện trên bản đồ đáp ứng những lý do sau:

  • Tọa lạc tại trung tâm ấp, là mạng lưới chính liên kết các tổ và cụm tổ trong quy hoạch ấp Phũm Soài, có khả năng kết nối với các tổ khác;
  • Đi qua các công trình công cộng trọng điểm;
  • Nơi các buổi giao lưu sinh hoạt văn hoá, các lễ hội đặc trưng của người Chăm diễn ra định kì (tận dụng khuôn viên của trường tiểu học để tổ chức);
  • Nơi cơ bản được chỉnh trang về mặt thẩm mỹ của các nhà;
  • Cơ bản kết nối được tất cả những điểm đến của du khách trong tuyến du lịch Phũm Soài – Đa Phước.

Việc đề xuất tuyến đường du lịch – văn hoá cũng góp phần vào việc bảo tồn làng nghề truyền thống của người Chăm nơi đây. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã tồn tại hơn 100 năm, theo người Chăm từ lúc họ mới đến vùng đất này. Sở dĩ vậy là do đây là một ngành nghề với mục đích ban đầu là tự cung tự cấp cho người Chăm trong cùng 1 làng; cộng với tục “cấm cung” của người Chăm và nghề dệt vải hình thành nên từ đó. Nghề thủ công truyền thống tính đến thời điểm hiện tại tại ấp Phũm Soài gần như chỉ còn 1 hộ còn kinh doanh buôn bán kết hợp cho khách tham quan và giới thiệu sản phẩm. Người chủ ở đây kiên trì với nghề vì đó là nghề do tổ tiên truyền lại, dù chính hậu duệ của họ cũng như các hộ gần đó đã chuyển sang kiếm sống bằng nghề khác.

Nhóm nghiên cứu cho rằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống có lý do để tồn tại như một hình thức du lịch, kinh doanh buôn bán và quảng bá sản phẩm truyền thống địa phương; nhưng thiếu lý do để phát triển tiếp trong tình hình hiện nay như một ngành nghề để nuôi sống người dân.

Tuyến phố sau cải tạo vào ngày thường và vào ngày lễ hội

Chính vì lẽ đó, trên cơ sở đề cao việc duy trì các giá trị nghệ thuật cũng như truyền thống mà nghề dệt thổ cẩm đã được khẳng định tại nơi đây, nhóm nghiên cứu đề xuất duy trì và tổ chức lại làng nghề dệt truyền thống tại ấp Phũm Soài bằng cách đề ra các chính sách liên quan đến việc duy trì làng nghề truyền thống như:

  • Mua trả góp máy dệt (máy may, dụng cụ sản xuất dệt,…);
  • Mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho người Chăm trẻ hoặc người muốn học nghề dệt thổ cẩm (người Kinh, khách du lịch,…), mở các workshop ngắn hạn với cách tổ chức sáng tạo nhằm quảng bá và thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống;
  • Hỗ trợ các kinh phí liên quan đến hoạt động duy trì làng dệt, hỗ trợ nguồn nguyên, vật liệu và đảm bảo đầu ra, đảm bảo thị trường ổn định cho sản phầm dệt (dành cho người Chăm ở khu vực lân cận, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm xuất khẩu,…);
  • Liên kết với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất dệt thủ công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí, nhân công, thời gian;
  • Ngoài ra cần phải tổ chức lại hệ thống làng nghề với quy mô gồm: Một điểm lớn tập trung và các điểm nhỏ phân bố dọc theo tuyến đường kết nối các tổ; kết hợp với tuyến đường du lịch – văn hoá đã đề xuất trong quy hoạch ấp Phũm Soài.
Vị trí tuyến đường du lịch văn hoá và Sơ đồ kết nối tuyến đường du lịch – văn hoá Phũm Soài – Đa Phước với các điểm du lịch hiện hữu tại Châu Đốc
Hình ảnh minh hoạ tuyến du lịch văn hoá trước và sau cải tạo:
Hình ảnh nhóm khảo sát đến thăm nhà ông Mohamad, và gặp gỡ bà Maridam, thợ dệt thổ cẩm Chăm ở ấp Phũm Soài

Như đã phân tích, việc phát triển nghề dệt với vai trò là nghề kiếm sống cho người dân gần như chưa khả thi trong tình hình hiện tại, chỉ có khả năng phát triển với vai trò là một nơi bảo tồn, khu trưng bày các loại máy dệt, công đoạn dệt truyền thống của người Chăm và sinh lời từ hoạt động khai thác du lịch. Trước tình hình đó, nhóm tác giả đề xuất định hướng biến đổi phần “xác” để củng cố phần “hồn” cho ngôi nhà bao gồm 2 hạng mục sau:

  • Tái tổ chức không gian của ngôi nhà trên cùng một diện tích hiện trạng để trở thành công trình kết hợp không nhà ở và không gian trưng bày sản phẩm, quảng bá du lịch – giới thiệu sản phẩm nghề;
  • Di dời vị trí của ngôi nhà để có vị trí thuận tiện hơn về mặt du lịch: Dễ tiếp cận, gần trục đường lớn, có khả năng kết hợp với tuyến đường du lịch – văn hoá đã đề xuất, đồng thời tái tổ chức các không gian kinh doanh, sản xuất sản phẩm dệt thủ công vào trong ngôi nhà cấp khung hiện hữu.

 

Như vậy, những định hướng nêu trên nhằm đề xuất hướng giải quyết và mục tiêu cho những vấn đề như sau:

  • Thông qua việc tổ chức lại không gian hướng đi mới cho việc duy trì và phát triển làng nghề theo chiến lược phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng quy hoạch tương lai của ấp. Duy trì phải đi đôi với phát triển, đặt người dân lên hàng đầu thì bảo tồn mới hiệu quả;
  • Tổ chức các không gian sinh hoạt đa chức năng nhằm “lấp đầy” các không gian còn trống, đồng thời tạo các điểm tập trung người, củng cố mối liên hệ của dân cư trong khu vực ấp;
  • Đề xuất tuyến du lịch mới và các hoạt động văn hóa song song, vừa thu hút du lịch, vừa tăng lợi ích kinh tế vừa giúp quảng bá văn hóa đặc trưng của người Chăm Hồi giáo.
Sơ đồ định hướng cải tạo không gian chức năng trong ngôi nhà ông Mohamad, tiền nhân duy nhất còn giữ nghề tại Phũm Soài
Đề xuất định hướng di dời vị trí ngôi nhà có khung dệt

*GVHD: ThS. KTS Nguyễn Bích Hoàn,
ThS. KTS Phan Lâm Nhật Nam
**SVTH: Giang Lệ Anh, Phạm Tuấn An,
Nguyễn Phương Thảo,
Trần Hoàng Minh Duyên
Trường Đại học Kiến trúc TP HCM
(Tóm tắt đề tài NCKH sinh viên ĐH Kiến trúc TPHCM 2019 giải 2 cấp Trường, giải 3 Eureka, giải Khuyến khích cấp Bộ)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Spatio–temporal distribution of rice phenology and cropping systems in the Mekong Delta with special reference to the seasonal water flow of the Mekong and Bassac rivers.
  • Luận văn Thạc sĩ Lịch sử – Thực trạng đời sống kinh tế – Xã hội – văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang từ sau năm 1975 đến nay – Nguyễn Thanh Dung) trong đời sống kinh tế – xã hội – văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang từ sau năm 1975 đến nay.
  • Luận án tiến sĩ Huỳnh Văn Khang.
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 134/2004/QĐ-TTG ngày 20 tháng 7 năm 2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.
  • QĐ 105/2002/QĐ-TTG về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm – tuyến dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long.
  • Quyết định số 35/2014 QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng và phát triển cụm tuyến dân cư sau đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.
  •  “Người Chăm Hồi giáo miền Tây Nam – Nguyễn Văn Luận – 1971”