Đô thị dòng thời gian – ý tưởng về sự khác biệt cho Quy hoạch Tp Bắc Ninh

Đến Bắc Ninh sẽ thấy được quá khứ – hiện tại – tương lai, đó là ý tưởng về sự khác biệt cho Đô thị Trung tâm của tỉnh (Đô thị lõi) đang trong quá trình lập quy hoạch. Tác giả ý tưởng đặt tên là “Đô thị Dòng thời gian” – Chắc hẳn là phải có sự luận giải về lý do và cách thức để đạt được điều đó.

Cổng làng Trang Liệt- Trang Hạ
Cổng làng Trang Liệt- Trang Hạ

Ngày nay, trong xu thế hội nhập, mỗi quốc gia, mỗi địa phương, sự khác biệt chính là những điểm mạnh, là lợi thế để xây dựng động lực phát triển. Các nhà Quy hoạch đô thị quan tâm các yếu tố trụ cột về động lực, bao gồm: Con người, địa lý, văn hóa, kinh tế, xã hội. Đô thị Bắc Ninh trung tâm lấy văn hóa và địa lý “hình sông, thế núi” làm trụ cột chính để xây dựng sự khác biệt với các đô thị khác ở trong nước.

Có thể nói, rất hiếm nơi nào như khu vực Đô thị lõi của Bắc Ninh, phần lớn đường chu vi (ba mặt) được bao bọc bởi sông (sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu, sông Đuống); giữa địa hình bằng phẳng của đồng bằng, lại có một vài dãy núi không cao lớn nhưng trù phú và thơ mộng như núi Dạm, núi Phật Tích, núi Chè-Dọc. Chúng ta sẽ không làm đô thị mà đường chân trời bị chặn bởi các dãy nhà cao tầng. Chúng ta làm quy hoạch để đứng ở bất kỳ nơi nào trong khu vực trung tâm nhìn ra xung quanh, tầm mắt của ta được trải rộng và vuốt ve bởi “dải lụa mềm” cây xanh, mặt nước. Ta sẽ có đô thị sinh thái với sắc thái riêng không chỉ bởi địa hình tự nhiên, sự bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên mà còn ở cách thức kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan không lấn át, không che khuất tầm nhìn núi non sông nước, kết hợp một cách sáng tạo giữa hiện đại và văn hóa truyền thống.

Văn hóa Bắc Ninh, chính là trụ cột quan trọng nhất để làm nên sự khác biệt về không gian đô thị. Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh yếu tố bề dày văn hóa, làm nên nền văn hiến Bắc Ninh mà không phải nơi nào cũng có được. Trong kho tàng văn hóa đó, phần lớn các di sản được chứa đựng và truyền tải bởi các công trình kiến trúc như đình, chùa, thành quách và các địa danh lịch sử. Vùng Đô thị lõi khá đậm đặc các di tích như vậy là yếu tố quan trọng cần được quy họach bảo tồn và phát huy giá trị trong giáo dục và phát triển du lịch.

Đình Trang Liệt
Đình Trang Liệt

Tuy nhiên, quy hoạch bảo tồn các di sản chỉ góp phần làm nên “Đô thị Dòng thời gian” chứ chưa phải là yếu tố nổi bật. Theo tôi, bảo tồn làng mới làm nên một sự khác biệt độc đáo, đó chính là đô thị có “Làng trong phố”. Chúng ta thử hình dung, từ những khu vực trung tâm mật độ cao về công trình và dân cư, với nhịp sống công nghiệp và đô thị hối hả, chỉ vài chục phút ta đã đến được và bắt gặp một vài không gian làng, mọi thứ sẽ chậm lại, không gian trải ra thoáng đãng với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tinh thần con người được nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm cả “hiện tại, quá khứ, tương lai”. Kinh nghiệm của nhiều đô thị lớn trong nước, ngay cả Hà Nội, đã không kịp giữ được các không gian đáng quý đó, làng đã dần biến mất không chỉ bởi sự xóa nhòa ranh giới mà còn bởi sự đô thị hóa đó.

Làng Cô Mễ
Làng Cô Mễ

Bảo tồn không gian làng chính là giữ gìn các nét đặc sắc về văn hóa như các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nghề truyền thống và đặc biệt là di sản văn hóa Quan họ, (trong 49 làng Quan họ gốc thì khu vực đô thị lõi chiếm khoảng gần 40 làng). Quan họ muốn giữ được đúng bản sắc của nó thì phải gắn với làng nơi nó đã sinh ra và trường tồn đến ngày nay. Người ta chỉ có thể gọi là “Làng Quan họ” chứ không thể gọi là “Phố Quan họ”. Quan họ phải có không gian riêng để người ta có thể nghe, xem và chơi Quan họ!

Vậy làm thế nào để bảo tồn được các làng trong đô thị là bài toán cần có lời giải ngay trong phương án quy hoạch. Bảo tồn các làng không chỉ ở khía cạnh giữ được “Cây đa, giếng nước, sân đình” mà cái chính là quy hoạch sao cho phố không tiến sát vào làng, không xóa nhòa ranh giới và thực hiện công cuộc “đồng hóa” tất cả mọi thứ. Cần quy hoạch các khoảng đệm nông nghiệp, ngăn cách giữa làng và phố, đồng thời cần một sự chuyển tiếp hợp lí về chiều cao tầng và cây xanh. Còn trong làng cũng cần phải xác định một cách kỹ lưỡng khu nào, công trình nào thì bảo tồn, khu nào, công trình nào phát triển, cải tạo, nâng cấp. Đừng nhầm lẫn giữa khái niệm “Bảo tồn không gian làng” với “Bảo tồn di tích”. Làng trong đô thị hiện đại cần được xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, xây dựng nhà ở với tiện nghi hiện đại nhưngkhống chế về chiều cao và kiểu dáng kiến trúc phù hợp với bản sắc. Những nét đẹp văn hóa của làng không mất đi với cổng làng, ao làng, đình làng, ruộng vườn, bến bãi,…

A1151-tckt-004Đó cũng chính là những mảng xanh lớn của đô thị, làm nên một nét đặc sắc nữa về tính chất sinh thái, là không gian để mà người đô thị phải thèm muốn trong mỗi ngày, mỗi tuần, để mà gần gũi và giao lưu giữa nông thôn và thành thị, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đến đây, người ta có thể đi ngược lại dòng thời gian để mà hoài niệm, thưởng thức, để tinh thần sảng khoái và lại tái tạo ra những năng lượng mới, sáng tạo mới.

Người ta thường gọi tên một đô thị theo cách lấy một nét đặc trưng của nơi đó, ví dụ như: Hải Phòng là “Thành phố Cảng” hay “Thành phố Hoa Phượng Đỏ”, Huế là “Thành phố Di Sản”, Nha Trang là “Thành phố Du Lịch”… Người Bắc Ninh đến một lúc có thể sẽ tự hào khi được nói đến “Đô thị Dòng thời gian” với những không gian làng trong đô thị và những nét văn hóa đặc sắc. Những người làm quy hoạch chúng tôi xin được cùng mọi người hướng tới và phấn đấu cho một tương lai như thế.

Xem thêm: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Hà Nội và Bắc Ninh

ThS Cao Văn Hà

Giám đốc Sở Xây dựng – Chủ tịch Hội Xây dựng Bắc Ninh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2016)