Ðô thị hóa và sinh kế bền vững cho những hộ hoàn cảnh khó khăn

Quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng đã góp phần đem lại diện mạo mới cho các đô thị Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nêu: “Lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng”, và đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Đồng thời, xác định đột phá chiến lược của giai đoạn 2021 – 2030 gồm: Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông,… đô thị lớn; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu đã tác động đến những người dân và phụ nữ thuộc nhóm hộ gia đình khó khăn. Chính sách nào để đem lại sự hưởng lợi bình đẳng từ quá trình đô thị hóa, và các dự án hạ tầng, đặc biệt cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, đó là nội dung của bài viết này.

Tác động của đô thị hoá, BĐKH đến người yếu thế ở Việt Nam

1. Tác động của đô thị hóa

  • Người dân chịu tác động của đô thị hoá và các dự án hạ tầng
  • Đô thị hóa, TĐC và sinh kế bền vững

Đây là một người phụ nữ sống ở một làng chài rất nghèo ven sông, tiếng địa phương gọi là làng chồ. Khi TP làm kè, gia đình chị được đền bù đất. Khi có đường, có kè, chị đi thu gom hải sản bán cho các nhà hàng. Lúc đầu, khi có tiền, vợ chồng ăn chơi. Rồi chồng đi theo bồ. Chị quay lại, tiếp tục làm ăn. Nuôi 2 con học đại học ở HCM. Mua đất cho 2 con mở nhà hàng ở ngay chính con đường mới mở. Gia đình có kinh tế vững vàng.
Chị này đã biết tận dụng cơ hội tốt từ dự án hạ tầng để có được cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên quá trình đô thị hoá đã làm gia đình họ thay đổi đáng kể.

2. Tác động của biến đổi khí hậu;

  • Làng chài: Xói lở, phải kè sông, kè biển, khiến cho những người đi biển không còn chỗ neo đậu, bán hải sản;

Vùng cao nguyên: BĐKH mưa lũ cực đoan khiến cho người dân phải di dời khỏi những khu vực nguy hiểm, đô thị phải quy hoạch lại, phải nâng cấp hạ tầng để ứng phó (kè sông, suối, hồ, làm lại đường…). Việc di dời, giải tỏa đã ảnh hưởng đến người dân và phụ nữ (mất đất nông nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, thiếu việc làm…)

Người đàn ông này là chủ của 2 ghe tàu đánh cá ở TP Phan Thiết. Nhưng do tác động của nhiều yếu tố: Dịch covid không đi đánh bắt được, giá xăng tăng thu nhập không đủ bù chi phí, đô thị hóa khiến mọi người muốn làm nghề khác có thu nhập ổn định hơn. Ông phải bán bớt 1 ghe. Thu nhập gia đình bị giảm. Vợ ở nhà phơi cá. Con dâu đi làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Đài Loan, nhưng công việc bấp bênh, không ổn định. Con trai đi làm bảo vệ, thu nhập thấp.
Dự án hạ tầng đã đem lại cơ hội cho TP và cho nhiều người, nhưng gia đình này vẫn cần sự hỗ trợ để họ giữ được cơ hội mà đô thị hóa đem lại.

3. Tác động của nghèo đói, khó khăn:

  • Tỷ lệ nghèo, cận nghèo cao. Không phát triển sản xuất hàng hóa.
  • Làng chài: Hoàn cảnh nghèo đói, khó khăn, và tệ nạn (cờ bạc, đánh bài, không nấu ăn ở nhà, nghiện hút…). Hạ tầng kém (thiếu điện, nước sạch, thu gom nước thải, rác thải, nhà cửa lụp xụp…)
  • Làng dân tộc: Những khó khăn do sự cách biệt (sống co cụm, biệt lập), sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển về kinh tế thấp, kỹ năng, tay nghề thấp, không biết khai thác tiềm năng (nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa bản địa, nông nghiệp sạch, …)
  • Làng thủ công truyền thống (đan giỏ): Làng nghề nghèo. Nghề nghiệp cần gắn với sông nước (vận chuyển tre, ngâm tre). Nghề gắn kết, phối hợp với nhau theo từng công đoạn.

Người đàn ông đánh bắt cá bằng thuyền thúng ở ven biển Phan Thiết. Khu làng chài của anh bị giải phóng mặt bằng. Họ phải tái định cư tại nơi mới cách biển 3-4km. Hàng ngày họ phải đi xe máy đến chỗ neo giữ thuyển để đi đánh cá. Một số người không có xe máy, hoặc không biết đi xe máy nên việc đi lại khó khăn hơn. Vì khó khăn nên đa số ngư dân đã bỏ nghề, chuyển sang làm việc khác. Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Chỉ còn rất ít người như anh còn tiếp tục đánh bắt cá mặc dù khó khăn, thu nhập thấp.
Nơi ở mới là nơi được quy hoạch, khang trang. Nhưng nhiều người đã không thể ở lại vì nhiều lý do. Ở xa biển, việc đi lại không thuận tiện; nhiều hộ gia đình gặp khó khăn nên phải bán đất đi để mua đất giá rẻ hơn, phần chênh lệch, dôi ra dùng để chi cho sinh nhai, cho học hành của con cái hoặc người nhà đau ốm… Họ phải chuyển đến sống ở nơi giá đất rẻ hơn nhưng thường kém về điều kiện hạ tầng, hoặc không có giấy tờ đất đai hợp pháp, hoặc là nơi có thể bị giải tỏa. Trong khi đó, đất ở nơi tái định cư khi họ bán giá còn thấp (chỉ 200tr/lô), sau 3-4 năm đã tăng lên (gần 2 tỷ/ lô).Chỉ vì hoàn cảnh khó khăn mà họ đã mất cơ hội có nơi ở tốt.

Bàn luận và kiến nghị

1. Có nhiều chính sách nhưng vẫn chưa đủ

  • Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam: Theo Đề xuất những định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2035 theo hướng tích hợp đa ngành1, một trong 3 mục tiêu của quy hoạch đô thị Việt Nam Về lĩnh vực không gian, văn hoá, xã hội là đảm bảo Công bằng và Bản sắc.
  • Chính sách An toàn và phát triển bền vững: Đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhóm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Cụ thể là những hộ bị mất đất, bị di dời, tái định cư, hoặc bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh … cụ thể như:
    • Hỗ trợ ổn định đời sống;
    • Hỗ trợ ảnh hưởng đến kinh doanh sản xuất;
    • Hỗ trợ cho thuê nhà không thuộc sở hữu Nhà nước;
    • Hỗ trợ tái định cư cho các hộ phải di dời;
    • Hỗ trợ chuyển đổi nghề và chuyển đổi việc làm;
    • Hỗ trợ hộ nghèo, chính sách, dễ bị tổn thương;
    • Hỗ trợ người làm công bị ngưng việc do thu hồi đất
  • Những chính sách hỗ trợ phát triển

Các chính sách phát triển kinh tế – xã hội nói chung đã có rất nhiều hỗ trợ cho các nhóm ngành nghề khác nhau, các nhóm dân cư khác nhau. Chẳng hạn như Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, còn gọi là Đề án 939.

Không chỉ là hạ tầng, không chỉ là đền bù và tái định cư, mà còn cả những cơ hội sinh kế, cuộc sống mới. Chúng ta đã qua cái thời xây chợ, xây chung cư, xây khu tái định cư rồi bỏ không. Nhưng người dân yếu thế vẫn bị bỏ lỡ những cơ hội mà những dự án này đem lại.

Các dự án phát triển, các dự án hạ tầng, nâng cấp đô thị cần có quỹ hỗ trợ cho những đối tượng có khó khăn (nghèo, cận nghèo, khó khăn đột xuất…) để đảm bảo rằng họ giữ được những lợi ích mà các dự án này mang lại. Gắn với mục tiêu giảm nghèo và an toàn xã hội (người yếu thế, người nghèo luôn được hưởng lợi ích từ dự án, quy hoạch).

  • Chính sách vay hỗ trợ nhà ở:

Hiện đang có những chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở. Chẳng hạn, Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015. Quyết định 532/QĐ-TTG, ngày 1/4/2021 về mức lãi suất cho vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại điều 16 của nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

2. Kiến nghị Chính sách an toàn và trách nhiệm xã hội

Các chính sách phát triển hạ tầng đô thị, và đô thị hóa đã đem lại những tác động tích cực đến cảnh quan đô thị, hạ tầng đô thị và sinh kế người dân. Song, bên cạnh đó, vẫn còn những nhóm người yếu thế gặp khó khăn. Nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động tiêu cực, giảm thiểu những áp lực đến nhóm xã hội yếu thế, cần điều chỉnh, bổ sung những chính sách về an toàn xã hội.

  • Phát triển hạ tầng – Chính sách an toàn và trách nhiệm xã hội. Cụ thể:
    • Chuyển đổi từ bị động, khắc phục các rủi ro sang chủ động, tuân thủ các chiến lược và chống chịu các tác động. Những mục tiêu nhằm vào ứng phó những tác động có thể xảy ra;
    • Phát triển hạ tầng, đền bù và tái định cư, luôn đi kèm với cơ hội sinh kế, cuộc sống mới. Làm sao để người yếu thế không bị bỏ lỡ cơ hội mà dự án hạ tầng đem lại;
    • Gắn phát triển hạ tầng với chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương (phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp sạch, các sản phẩm OCOP…);
    • Các dự án hạ tầng và phát triển cần có quỹ hỗ trợ, quỹ cho vay cho những đối tượng có khó khăn, nhóm yếu thế (nghèo, cận nghèo, khó khăn đột xuất…).
  • Chính sách hỗ trợ cho đối tượng là những người bị ảnh hưởng bởi dự án, không chỉ những người bị mất đất, tái định cư, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp khó khăn đột xuất. Hiện nay đã có những chương trình cho vay nhà ở, cho vay phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn khá lớn. Cần có quy định yêu cầu các dự án hạ tầng đô thị dành một phần kinh phí để hỗ trợ, hoặc cho những hộ bị tác động từ dự án vay…
    • Chính sách cho vay nhu cầu đột suất như chữa bệnh, đau ốm, người bị chết, hoặc chi phí cho học hành, đào tạo, hoặc chi phí cho đầu tư kinh doanh, sản xuất khi gặp khó khăn bất trắc, hoặc đầu tư cho start up…
    • Chính sách cho vay hỗ trợ xây nhà, sửa nhà. Các dự án hạ tầng đô thị gắn với phát triển kinh tế – xã hội thông qua phát triển không gian công cộng nhằm: Phát triển du lịch với bảo tàng mở, tạo những điểm bán hàng… tạo việc làm cho người yếu thế và phụ nữ.
  • Đảm bảo sinh kế cho những hộ tái định cư để đảm bảo rằng họ có thể định cư tốt, không phải bán đất, bán nhà. Các dự án nâng cấp/phát triển đô thị cần có kinh phí cho phát triển kinh tế xã hội. Trong đó gắn với Hội phụ nữ, Quỹ Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ,… gắn với sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và từ cộng đồng; gắn với những sáng kiến cộng đồng nhằm phát huy những tiềm năng của địa phương.

Trong phần Đánh giá tác động môi trường, xã hội, Các kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư cần chú ý đến cơ chế tài chính dành cho an toàn xã hội cho nhóm người yếu thế. Trong đó có sự tham gia của các đoàn thể, và cộng đồng.

Một trường hợp khác, người phụ nữ này lấy chồng người Hoa. Do không có đất nên đã chuyển từ Bình Dương lên sống nhờ trên đất của người em tại TP Gia Nghĩa.. 2. vợ chồng làm thuê lao động chân tay, nhưng quyết tâm nuôi con ăn học. Mẹ chồng cho ít tiền thì dành dụm mua được đất rẫy. Vẫn tiếp tục đi ở nhờ trong điều kiện khó khăn, nhưng quyết giữ đất rẫy không bán đất, để dành cho con ăn học.
Khi tái định cư họ cần tiền để xây nhà. Nhưng họ không có. Thông thường, các hộ dân sẽ phải bán đất đền bù để đi mua một miếng đất khác với giá rẻ hơn để có 1 phần tiền để xây nhà. Nếu có cơ chế hỗ trợ vay tiền xây nhà thì họ sẽ không phải bán đất tái định cư, và hưởng được lợi ích của dự án đô thị hóa. Họ sẽ được sống trên đất tái định cư với điều kiện hạ tầng đầy đủ. Và họ không phải bán đất rẫy vốn họ muốn để dành cho con ăn học.

Người phụ nữ này từ miền Bắc vào sinh sống ở Gia Nghĩa đã hơn 30 năm. Gia đình có đất trên rẫy. Dự án lấy một phần đất để mở rộng đường và làm hệ thống cống. Họ sẽ phải xây lại nhà. Chồng chị mới mất, con trai thất nghiệp do Covid. Khi cần tiền phụ thêm để xây nhà cho con trai chuẩn bị cưới vợ chị đã phải bán đất trên rẫy.
Gia đình này đã không giữ được những cơ hội tốt mà dự án hạ tầng đem lại.

Người phụ nữ này di cư từ miền Bắc vào hơn 3 chục năm trước. Trong thời gian đó, gia đình đã lao động và mua được nhiều đất rẫy để trồng trọt. Trước đây, khi TP phát triển, gia đình nhà bà đã phải di dời. Nhà bà đã được đền bù. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên bà đã bán đi và chuyển đến ở nhà này với giá rẻ, nhưng giấy tờ không rõ ràng. Sau đó, gia đình gặp nhiều khó khăn. Bà đã từng phải bán đất trên rẫy để chi cho con trai thứ 2 học hành, và chăm sóc chồng bị ung thư. Nay chồng chết, con trai lớn yếu sức lao động, con dâu việc làm không ổn định. Ngôi nhà lâu ngày đã xuống cấp, bà sẽ phải xây lại. Tuy nhiên, họ không có tiền. Bà sẽ phải bán tiếp đất trên rẫy.
Nếu có cơ chế cho vay hỗ trợ sinh kế và hỗ trợ khó khăn đột suất để họ không phải bán đất thì họ sẽ được sống ở khu TĐC có điều kiện hạ tầng tốt. Họ giữ lại được những cơ hội của đô thị hóa đem lại. Và đó sẽ là bệ đỡ để họ đảm bảo an sinh xã hội.
Những người phụ nữ đan giỏ ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Đan giỏ có nhiều công đoạn, mỗi người đan một công đoạn khác nhau. Vì vậy họ sống thành từng chòm xóm, gần nhau để cùng đan giỏ. Phần lớn là người nghèo. Khi TP làm bờ kè chống xói lở, họ phải di dời. Nhưng vì họ không có giấy tờ sử dụng đất nên không được bồi thường. Vì đặc tính ngành nghề truyền thống, cần sống gần sông, cần sống gần nhau để cùng phân công lao động khi đan giỏ, và cần có không gian rộng lớn. Điều này, buộc họ phải chuyển đổi nghề, gặp khó khăn cho thu nhập và sinh kế. Để tiếp tục duy trì nghề truyền thống, và đảm bảo sinh kế bền vững trong quá trình đô thị hóa, cần có những quy hoạch phù hợp với những đặc thù của một làng nghề.

Phạm Quỳnh Hương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)


Ghi chú
1. https://www.viup.vn/vn/Quy-hoach-he-thong-DT-va-NT-n110-De-xuat-nhung-dinh-huong-phat-trien-he-thong-do-thi-Viet-Nam-giai-doan-den-nam-2035-theo-huong-tich-hop-da-nganh-d11766.html