Đô thị trung tâm có phát triển thì kinh tế mới phát triển

Đầu thập niên 1960, Manila được xem là một tâm điểm và tương lai của khu vực Đông và Đông Nam Á; Jakarta cũng có những sự chuyển mình. Trái lại, Seoul lúc đó được xem như “đống đổ nát” phsau chiến tranh và không có tương lai; Thượng Hải đang ngủ trong những sự kiện long trời lở đất ở Trung Quốc mà đô thị bị phá nhiều hơn xây. Sài Gòn – TPHCM đang trong tình trạng chiến tranh.

Về mức độ phát triển thì năm thành phố này không quá xa nhau. Sau gần sáu thập niên, Seoul và Thượng Hải đã vượt lên.

Một góc TPHCM. (Ảnh: Ngọc Linh)

Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này? Bài viết(*) chỉ ra bốn yếu tố gồm:

Chiến lược phát triển quốc gia có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thành phố

Những chiến lược nhất quán với công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu để tập trung nguồn lực vào các vùng đô thị sẽ giúp thúc đẩy phát triển thành phố và cả nước. Trái lại, thế giằng co giữa công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, và đầu tư phân tán sẽ gây khó khăn cho quá trình phát triển các thành phố và cả nước.

Tất cả các nước phát triển đều đã đi qua quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, trong đó, nguồn lực được tập trung vào các vùng đô thị trong các ngành cạnh tranh. Đầu tư vào nông thôn là cần thiết, nhưng đầu tư phân tán vào các vùng nông thôn vào giai đoạn ban đầu khi nguồn lực vẫn còn khan hiếm sẽ gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia.

Hàn Quốc và Trung Quốc đều nhất quán áp dụng các chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu bằng cách dành nguồn lực cho các ngành cạnh tranh ở các vùng đô thị cho dù chính phủ hai nước đều có những chương trình thay thế hàng nhập khẩu nhất định. Sau vài thập niên tăng trưởng kinh tế cao, họ đã có thể điều phối tỷ lệ nguồn lực đáng kể về các vùng nông thôn.

Trong khi đó, chính sách ở Indonesia và Việt Nam mang tính chất kết hợp. Có sự giằng co giữa các chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Ngoài ra, hệt như Philippines, Indonesia cũng dành nguồn lực đáng kể cho nông nghiệp và phát triển nông thôn rất sớm thông qua các chương trình cách mạng xanh – cho dù điều này có lẽ là cần thiết vì nhiều hòn đảo cần được quan tâm chú ý, nhưng nguồn lực đã bị phân tán rất nhiều làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước.

Trong trường hợp Việt Nam, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn thực ra là rõ ràng và nhất quán. Do đó, tăng trưởng kinh tế ở Indonesia và Việt Nam chỉ tốt qua vài thập niên, và cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vẫn chưa lộ rõ.

Philippines là trường hợp tệ nhất. Đất nước không có chiến lược phát triển rõ ràng và nhất quán. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1960-2015 của năm quốc gia được minh họa trong hình 1.

Tỷ lệ thu ngân sách mà thành phố được phép giữ lại để chi tiêu là yếu tố quan trọng

Việc chính quyền trung ương phân bổ một phần thu ngân sách địa phương ở những vùng phát triển nhất để hỗ trợ những vùng kém phát triển là công bằng và cần thiết. Tuy nhiên, các thành phố là đầu tàu tăng trưởng của đất nước có cả lợi thế lẫn bất lợi thế do quy tụ trong các hoạt động kinh tế. Vì thế, các thành phố cần có tỷ lệ phân chia ngân sách công bằng cho các hoạt động chi tiêu của địa phương.

Khi những thành phố lớn và giàu có bị trích nộp ngân sách quá nhiều và chỉ được phép giữ lại một phần khiêm tốn trong nguồn thu của mình để chi tiêu, điều đó sẽ tác hại đến sự phát triển của không chỉ của thành phố mà là cả nước.

Điều đó được phản ánh rõ ràng ở năm thành phố (hình 2). Seoul và Thượng Hải có ngân sách lớn tính theo giá trị tuyệt đối và tỷ lệ tương đối trong GDP. Nhờ thế đã giúp hai thành phố này xây dựng cơ sở hạ tầng thỏa đáng. Trái lại, ngân sách khiêm tốn của TPHCM, Jakarta, và Manila là nỗi khó khăn lớn đối với sự phát triển của các thành phố này cũng như đất nước họ.

Nhất quán theo đuổi các chiến lược dài hạn là quan trọng

Việc chọn lựa ưu tiên giữa theo đuổi chiến lược phát triển dài hạn và xử lý những vấn đề ngắn hạn mà không ý thức rõ ràng về phương hướng sẽ quyết định thành phố rồi sẽ đi về đâu. Đáng tiếc thay, nhiều thành phố mắc kẹt trong các vấn đề ngắn hạn.

Sự chú trọng thái quá vào các vấn đề ngắn hạn với tầm nhìn mơ hồ và những biện pháp chung chung đơn giản sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của thành phố.

Seoul và Thượng Hải có các chiến lược phát triển thành phố rõ ràng và nhất quán với chiến lược quốc gia. Họ có tầm nhìn rõ rệt là phải xây dựng thành phố để trở thành các đô thị cạnh tranh toàn cầu. Họ tập trung xử lý những vấn đề then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm chính thức lương cao.

Trái lại, TPHCM, Jakarta, và Manila không xác định được tầm nhìn và chiến lược rõ ràng. Chính quyền các thành phố này dành quá nhiều công sức và nguồn lực để đối phó với những vấn đề ngắn hạn thay vì theo đuổi các chiến lược dài hạn. Nỗ lực chính để xử lý ùn tắc giao thông là mở thêm những đường mới hay xây thêm cầu vượt, thay vì phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Kết quả, hầu hết thị dân ở Seoul và Thượng Hải đều có việc làm chính thức, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và sống trong các căn hộ. Mô thức này thể hiện rõ rệt ở Seoul.

Trái lại, một tỷ lệ đáng kể dân chúng ở ba thành phố còn lại phải làm việc trong khu vực phi chính thức, sử dụng xe máy hay các phương tiện công cộng thô sơ và sống trong những căn nhà liên kế trang bị nghèo nàn. Vai trò của giao thông công cộng ở năm thành phố và tỷ lệ việc làm ở khu vực chính thức được minh họa trong hình 3.

Tinh thần doanh nhân công cộng với các liên minh hỗ trợ mạnh có vai trò quan trọng

Việc phát triển thành phố thực chất là việc thực hiện hàng loạt dự án lớn và các chương trình phức tạp thông qua

hành động tập thể. Đáng tiếc thay, các cá nhân duy lý thường đưa ra những quyết định và hành động tập thể phi lý mà hậu quả của nó là lãng phí và kém hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp hữu hiệu là cần phải có tinh thần doanh nhân công cộng mà hiểu một cách đơn giản là những người dám nghĩ dám làm và có hiểu biết hệ thống rất tốt với các liên minh hỗ trợ vững mạnh được hưởng lợi ích dài hạn khi dự án thành công.

Seoul và Thượng Hải thường xuyên có những doanh nhân công cộng được ủng hộ bởi những liên minh để thành phố trở nên có năng lực cạnh tranh cao. Các liên minh hỗ trợ ở Seoul và Thượng Hải đều rất mạnh, kiên trì và đoàn kết, nhất là trong những giai đoạn ban đầu.

Trái lại, ở các thành phố khác thì khá zích zắc. Có một số doanh nhân công cộng, nhưng không thường xuyên. Ngoài ra, các liên minh hỗ trợ cũng không đặc biệt vững mạnh và đoàn kết. Họ thường thay đổi, nhất là trong trường hợp Jakarta và Manila.

Ngoài ra, nhiệm kỳ chính trị không nhất thiết gây trở ngại cho việc đạt được các thành tựu. Với bản chất là chọn lựa công, nên các chính khách thường theo đuổi thành quả ngắn hạn, và nhiệm kỳ chính trị của họ thường là yếu tố ràng buộc đáng kể.

Tuy nhiên, trong trường hợp Seoul, điều này đã không xảy ra. Trong ba thập niên, hầu hết nhiệm kỳ thị trưởng là chưa đến hai năm; và chỉ một vài người có nhiệm kỳ bốn năm, nhưng thành tựu thì rất đáng kể. Trái lại, Jakarta và Manila có những nhà lãnh đạo cao cấp tại nhiệm suốt 10 năm hay lâu hơn, nhưng thành quả của họ khá khiêm tốn. Ở TPHCM thì có sự tương phản rất rõ. Thành tựu trong giai đoạn 1986-1995 rất đáng kể, nhưng trong hai thập niên vừa qua thì kém ấn tượng hơn.

Theo Huỳnh Thế Du (ashui.com trích từ TBKTSG)

(*) Bài viết tóm tắt từ quyển sách do Nhà xuất bản Springer mới xuất bản của tác giả với tiêu đề “Sự hình thành các siêu đô thị ở châu Á: So sánh các quỹ đạo phát triển kinh tế quốc gia”