Giấc mơ – Đời phố (dốc Nhà Làng, Đà Lạt)

Câu nói của danh họa Van Gogh, đã gợi nên ý tưởng cho hội nhóm “Phố Bên Đồi”, muốn vẽ lại “giấc mơ đời phố” theo góc nhìn và cách hiểu của những người trẻ. Họ bắt đầu từ con hẻm “dốc Nhà Làng” (tên người dân thường gọi), là một đoạn phố hẻm ngắn mang tên Nguyễn Biểu hiện nay – kết nối hai trục đường phố chính Trương Công Định và Phan Đình Phùng của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Sau nhiều tháng khảo sát, lên kế hoạch, tổ chức thi tuyển tranh (thể loại “tranh tường”), trình bày, thuyết phục người dân sống dọc hai bên con hẻm và chính quyền các cấp đồng thuận với cách làm của họ. Họ đã chuyển giấc mơ ấy trở thành hiện thực bằng một chuỗi công việc đầy tâm huyết và sức trẻ. Giấc mơ không còn của riêng họ nữa, đã nhanh chóng trở thành một phần đời của phố.

Người dân ở đây đến giờ vẫn luôn kể lại niềm vui vỡ òa sau một sớm mai thức dậy, nhìn thấy con phố hẻm bao đời nay được mặc thêm áo mới, với màu sắc tươi trẻ, nhưng hình ảnh lại gợi nhớ về ký ức cuộc sống của cư dân nơi con hẻm này qua bao thế hệ. Tất cả chợt ùa về trong tâm trí mỗi người, người già nhìn tranh luôn nhớ chuyện xưa, còn tuổi trẻ lại thấy mình trong cuộc sống thực tại. Nhiều cửa hàng, quán xá mở ra với tinh thần khởi nghiệp, hấp dẫn, có phần lạ lẫm nhưng chất lượng dịch vụ chỉnh chu lắm. Cư dân và du khách giờ đây có lúc không nhớ đến tên đường Nguyễn Biểu, họ kháo nhau về một hẻm-phố-bích-họa Dốc Nhà Làng độc đáo và sinh động, nay trở thành một điểm đến không thể thiếu của Đà Lạt sau 127 năm hình thành và phát triển (1893 – 2020).

Lời cảm ơn lúc này có khi không cần thiết, nhưng tôi vẫn muốn nói với các bạn trẻ “Phố Bên Đồi”: Hãy cứ nuôi dưỡng các giấc mơ và tiếp tục làm những việc có ích theo cách của mình, cho một tình yêu Đà Lạt – duy nhất và mãi mãi.

KTS Trần Đức Lộc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)