“Hãy chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn…” – thông điệp phía sau “tấm áo mới” của ngọn hải đăng Cù Lao Xanh

Đầu tháng 10/2022, chỉ vài ngày sau khi siêu bão Noru đổ bộ vào vào đất liền, người dân Quy Nhơn ngỡ ngàng chứng kiến hải đăng Cù Lao Xanh khoác lên mình bộ áo mới. Theo bà Nguyễn Phi Anh Đào, Giám đốc Marketing, đơn vị Sơn Trang Trí AkzoNobel Việt Nam, phía sau sự đổi mới của ngọn hải đăng là thông điệp về sự trân trọng dành cho những người bám biển.

PV: Từ hải đăng Đại Lãnh đến hải đăng Vũng Tàu, AkzoNobel lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ làm mới Cù Lao Xanh, một trong những hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất Việt Nam. Lựa chọn địa điểm này xuất phát từ đâu, thưa bà?

Bà Nguyễn Phi Anh Đào: Từ năm 2018, AkzoNobel đã chọn việc bảo vệ các di sản kiến trúc mang tính biểu tượng của các quốc gia trên thế giới làm trọng điểm trong các hoạt động xã hội của tập đoàn. Tại Việt Nam, chúng tôi được vinh dự là đơn vị góp phần tu sửa các công trình như Nhà hát Lớn Hà Nội, Uỷ ban nhân dân TP.HCM… Nhưng, điều khiến chúng tôi tự hào hơn cả là dự án bảo tồn các ngọn hải đăng ở Việt Nam.

Với những người đi biển, hải đăng là biểu tượng của bình an, sum họp sau những ngày lênh đênh. Cùng với những người canh giữ, công trình đứng giữa trời, nắng, gió này chống chọi với thời gian để mang đến ngư dân tín hiệu cần thiết nhất trong sinh tồn trên biển. Thế nên, việc làm mới những ngọn hải đăng thời gian qua có ‎ý nghĩa thế rất lớn với AkzoNobel. Hải đăng Cù Lao Xanh là điểm đến nhiều thách thức vì công trình này nằm ở vị trí khá đặc biệt trên hải trình dọc theo chiều dài đất nước.

PV: Công tác triển khai dự án thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Phi Anh Đào: Tên gốc là Poulo Gambir, hải đăng Cù Lao Xanh là sự giao thoa giữa kiến trúc Pháp và Đông Dương, cao 119 m tính từ mực nước biển. Địa hình chênh vênh, nằm giữa khu vực nhiều nắng, nhiều gió nên việc tiếp cận công trình, vận chuyển nguyên liệu… khá khó khăn. Đội ngũ kỹ thuật và chuyên viên của AkzoNobel phải di chuyển bằng tàu và làm việc trên giàn giáo chuyên dụng, cheo leo giữa trời.

Dù đã có những tính toán sát sao về nhiệt độ, sức gió, độ ẩm… để chuẩn bị cho quá trình thực hiện nhưng không may, sát ngày thi công siêu bão Noru bất ngờ đổ bộ vào miền Trung, khiến công tác thực hiện thêm nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất phải đảm bảo thi công an toàn. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, công trình hoàn thành như mong đợi.

PV: Yếu tố lịch sử của công trình được tính toán ra sao?

Bà Nguyễn Phi Anh Đào: Trong hành trình làm mới các công trình kiến trúc cổ, chúng tôi luôn đặt yếu tố bảo tồn lên hàng đầu. Do vậy, ngoài nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia của AkzoNobel còn kết nối chặt chẽ với các đội ngũ quản lý, tìm hiểu lịch sử để việc trùng tu công trình đảm bảo được các yếu tố văn hoá lẫn thẩm mỹ.

Đáng mừng là dự án có được sự hợp tác chặt chẽ từ đội ngũ quản lý đến người dân địa phương. Mới thấy, tình cảm niềm tự hào mà những người bản địa dành cho công trình này rất sâu sắc.

PV: Làm mới hải đăng có vẻ như là một “tham vọng”. Bởi việc giữ gìn bề mặt của một công trình trước thời tiết khắc nghiệt như biển với gió, nắng, độ ẩm và muối vốn không dễ dàng. Điều gì khiến AkzoNobel có thể tự tin như thế?

Bà Nguyễn Phi Anh Đào: Hải đăng là một trong những công trình phải đối diện với rất nhiều thử thách từ thiên nhiên. Cần phải lưu ý rằng, không có nhiều cơ hội để sơn lại những công trình như vậy. Do đó, từng lựa chọn để đảm bảo độ bền, đẹp với thời gian cho hải đăng đều hết sức quan trọng.

Đằng sau lớp bề mặt hoàn hảo của hải đăng Cù Lao Xanh hiện nay là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ tiên tiến từ thương hiệu Dulux Weathershield như: lớp chống phai màu, lớp chống thấm, chống rêu mốc, chống muối, lớp hạ nhiệt… Chúng tôi tự tin vì các giải pháp ứng dụng vào công trình này đã được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu lẫn thực tiễn. Nhờ vậy mà Dulux Weathershield là lựa chọn hàng đầu cho các công trình, dự án và nhất là các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn thế giới. Việc làm mới hải đăng như một lời khẳng định từ AkzoNobel về chất lượng sản phẩm mà chúng tôi mang đến người dùng.

PV: Cùng với việc sơn mới hải đăng, AkzoNobel cũng phát hành một phim ngắn với tiêu đề Mắt Biển. Thông điệp cho hoạt động này là gì?

Bà Nguyễn Phi Anh Đào: Có gắn bó với làng chài mới hiểu được đời sống của những con người nơi đầu sóng ngọn gió nhiều thách thức đến dường nào. Thông qua bộ phim, AkzoNobel muốn thể hiện sự trân trọng dành cho những người bám biển, những người vượt phong ba mang cá tôm đến với mọi nhà và cả những người lặng thầm canh giữ hải đăng, điểm tựa của ngư dân. Vì điều này mà làm mới hải đăng cũng như các công trình có ý nghĩa với văn hoá, đời sống người dân trên toàn thế giới sẽ là hành trình mà AkzoNobel tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới.

Riêng với cộng đồng, hình ảnh hải đăng Cù Lao Xanh trong chiếc áo tinh tươm cũng là lời nhắc về thông điệp điểm tô sắc màu cho cuộc sống (Let’s Colour) mà AkzoNobel luôn theo đuổi: Hãy chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, sống động hơn từ những hành động đẹp nhỏ nhất của chính mình.

Xin cảm ơn bà!

© Tạp chí Kiến trúc


Xem thêm: